Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

Văn bản pháp quy – ĂN GIAN KHÓ NUỐT THÌ...NHẢ (!?)


* VÕ VĂN TẠO 
“Không ăn gian được thì bỏ” – câu cửa miệng nơi chiếu bạc dân dã - có vẻ như đang được quan chức các bộ, ngành và địa phương  xác định là phương châm khi ra các văn bản pháp quy gây sốc công luận.
Chưa hết ngạc nhiên với văn bản mới đây của Bộ Xây dựng ở Xây dựng không cấp phép cho công trình nhái kiểu cổ điển Pháp – châu Âu, người dân và báo chí lại bị sốc bởi các văn bản của Bộ Giáo dục và đào tạo chủ trương cộng điểm ưu tiên thi đại học cho các thí sinh là bà mẹ Việt Nam anh hùng, cán bộ tiền khởi nghĩa… và yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, TP ngăn chặn báo chí đăng tải những thông tin mà Bộ này coi là “nhạy cảm” như đề thi có sai sót, tiêu cực trong thi cử… Tòa án nhân dân Tối cao soạn pháp lệnh, theo đó, báo chí muốn ghi âm, ghi hình tại các phiên tòa phải được sự cho phép bằng văn bản của chánh án… Chưa hết, bằng công văn 1042/C67-P3 (ghi âm, ghi hình CSGT đang tuần tra, kiểm soát trên đường phải xin phép trước), Cục CSGT đường bộ, đường sắt (C67) Bộ Công an lại gây bão phản ứng dữ dội trên công luận…
Những văn bản “ngớ ngẩn” trên đây thường bị thu hồi, hủy bỏ hay  sửa đổi sau khi bị búa rìu dữ dội từ công luận. Những tưởng sau liên tiếp scandan tệ hại kiểu ấy, các bộ, ngành và địa phương chí ít cũng giật mình, yêu cầu cấp tham mưu chấm dứt tập quán nhắm mắt, uống thuốc liều trong khâu biên soạn các văn bản pháp quy. Chẳng dè, mới đây, hai Bộ Y tế - GTVT lại thập thò “trình làng” cái thông tư liên Bộ, cấm người ngực lép điều khiển mô tô xe máy. Chuyện tưởng như đùa, bởi năm 2008, quy định “cấm ngực lép” không giống ai đã “ăn đủ” búa rìu công luận, phải rút lại nhục nhã, nay lại nhâng nháo tái xuất giang hồ. Đến nước này thì quá lắm, công luận cảm thấy bị xúc phạm như các quan bộ cố tình coi khinh, chọc giận.
Vi hiến, trái luật, vô cảm, vụ lợi một cách trơ trẽn, phi thực tế, bất khả thi, bất chấp công luận khi ra văn bản mang tính pháp quy… động thái trên của các bộ, ngành và địa phương làm cho người dân khó có thể nghĩ khác: kỷ cương, phép nước đang đi vắng!
Trả lời báo chí sau vụ công văn 1042 của C67, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật – Bộ Tư pháp cho biết, 10 năm qua, các cơ quan chức năng thuộc các bộ, ngành và địa phương trong cả nước rà soát hậu kiểm hơn 1,7 triệu văn bản thì có tới hơn 50.000 văn bản sai trái. Riêng Cục Kiểm tra VBQPPL hậu kiểm hơn 27.000 văn bản, phát hiện hơn 4.800 văn bản sai trái. Thế nhưng, ông Sơn cũng than phiền, cơ quan ông chỉ có chức năng tham mưu, kiến nghị thu hồi, hủy bỏ hay sửa đổi, không được giao chức năng trực tiếp sử dụng chế tài xử lý hủy bỏ các văn bản sai trái đó. Có văn bản phải họp đi họp lại 7-8 lần để thuyết phục cơ quan đã ra văn bản hoặc cơ quan có thẩm quyền hủy bỏ. Quá trình xử lý rất gian khổ. Rất lãng phí công sức, thời gian và tiền bạc.
Thực trạng trên cho thấy, tình trạng ra văn bản sai trái bạt mạng ở ta khó mà thuyên giảm, nếu cơ chế hậu kiểm không được sửa đổi mạnh tay.
Trở lại câu chuyện bài bạc đã nói ở đầu bài viết, để ngăn ngừa tệ ăn gian, nhiều chiếu bạc quy định mức phạt khắt khe đối với con bạc chơi gian, bất kể cố ý hay do bất cẩn. Chế tài đơn giản đó tỏ ra rất công hiệu.
Ra văn bản quy phạm pháp luật sai trái, bị phát hiện thì bất quá đành thu hồi hoặc sửa đổi, kẻ chấp bút và người ký tá cho ban hành chẳng bị kỷ luật, truy tố (nếu gây hậu quả nghiêm trọng). Chẳng lẽ, Nhà nước – cơ quan quản lý cao nhất, nắm pháp luật trong tay, lại tối kiến đến mức thua cả các con bạc, đành bất lực trước vấn nạn các bộ, ngành và địa phương cứ liên tiếp ra những văn bản sai trái theo cung cách “không ăn gian được thì bỏ”, gây phản ứng dữ dội từ công luận, làm mất uy tín Nhà nước như trên?
V.V.T.
(Võ Văn Tạo – 01273990293)
-----------------
(Bản thảo gửi đến BVB từ tác giả VVT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét