* MAI THỤC
Cuối năm 2012. Tôi cùng Ban liên lạc họ Mai về Thanh Hóa tế lễ Tổ và Đền Thám hoa Mai Anh Tuấn (Nga Sơn), Đền Sư Bà Mai Thị Triều (Tĩnh Gia). Trên xe, cô bạn Hồng Nhẫn quấn lấy tôi, hát và kể chuyện về các Anh linh liệt sĩ. Cô độ tuổi năm mươi nhưng dáng điệu rất trẻ trung. Cô hát đủ các giọng điệu dân ca khắp mọi miền Nam Bắc. Mỗi bài hát một vùng miền âm thanh, một phương ngữ.
Cô Bé bảo:- Các liệt sĩ về hát cho chị nghe đấy. Không phải em hát đâu. Các anh chị thường xuyên về với em, đọc thơ cho em chép, đặt tên là em Bé, luôn gọi em đi khắp mọi nghĩa trang để hát cho mọi người nghe.
Bé vừa nói vừa mở cặp đưa cho tôi xem tập ảnh cô chụp tại các nghĩa trang liệt sĩ suốt dọc dài đất nước: Hòn Đất, Côn Đảo, Trường Sơn, Đường 9, nhà tù Phú Quốc, Ngã ba Đồng Lộc, Thành Cổ Quảng Trị, mộ gió Trường Sa, Chuông Bồn Nghệ An…
Bé làm việc trong Công ty du lịch tư nhân. Nhưng theo tiếng gọi tâm linh, mỗi khi các liệt sĩ gọi “Bé ơi!” là cô khoác ba-lô lên vai, trên xe máy, ô tô, tàu hỏa… đi đến những nấm mồ, những nghĩa trang thân thương. Tiền riêng tự túc ăn ở, mua hương hoa, có đêm cô ngủ luôn tại miếu đền.
Trong cơ quan, mọi người biết cô là bạn tâm tình của các liệt sĩ nên chẳng ai phàn nàn về “sự lạ” cô cứ đi về bất chợt như vậy.
Nhưng trong gia đình thì sinh lục đục. Người chồng bực tức nghi ngờ, đánh đập cô đến mức phải chia tay. Cũng may hai đứa con của cô đã sống tự lập. Nhiều khi cô uất ức, đau khổ vì cái anh chồng chẳng hiểu gì về vợ của mình. Nhưng thôi! Nghiệp nó thế. Vợ chồng lấy nhau là để trả nợ duyên nghiệp kiếp trước. Nợ duyên trả xong rồi, Bé phải trả nợ nước non với các anh chị liệt sĩ đã ngã xuống ở tuổi hai mươi đầy sức trẻ, yêu đời.
Anh linh các liệt sĩ trở về bên Bé, truyền ngọn lửa yêu đời, yêu thương. Họ đọc thơ cho Bé chép:
Cảm ơn người ở trên trần thế
Giúp Bé này làm việc cho Thiên
Em Bé phải khổ gian truân
Đi đón liệt sĩ giúp dân
Sau đây sẽ có Phật hiền về bên
Bé kể chuyện ngày 7- 8- 2012, khánh thành ngôi đền tưởng niệm Chuông Bồn- Nghệ An, mười ba cô gái bị bom vùi nơi đây. Năm tháng lãng quên, Anh linh tủi cực, nay được trần gian nhớ đến, họ rất vui. Nửa đêm các chị gọi: “Bé ơi! Bé dậy chép thơ”.
Bé dậy kê cái cặp, lấy giấy bút ghi, nét chữ còn nhiều lỗi chính tả:
... Mọi người đông đủ đến đây
Nhớ ngày giỗ trận sum vầy bên nhau
Sau đây đã có nắng hồng
Chuông Bồn xứng đáng đất Rồng nước Nam ...
Trong thẳm sâu tâm thức, Bé nghe chị liệt sĩ đội trưởng xưng tên là Tâm, đọc cho Bé viết về nỗi đau chết oan uổng, chỉ có mấy giờ trước khi đình chiến:
...Chúng tôi đã bị chết oan
Còn mấy giờ nữa hoàn toàn tự do
Bao năm vất vả đã qua
Mong người trần thế chan hòa bên nhau
Tránh không còn cảnh buồn rầu
Không để tà quỷ lộn lên làm người
Cho chúng dở khóc, dở cười
Những người đó chúng tôi thời xử sau...
Bé luôn mang bên mình ba- lô, trong đó có cái cặp da oách như “Bộ trưởng” đựng những bài thơ nặng nghĩa, nặng tình của các anh chị liệt sĩ gửi người trần gian.
Cảm nhận chung của Bé là Anh linh các liệt sĩ rất thiêng. Bởi họ chết quá trẻ, sức lực còn sung mãn, năng lượng trinh nguyên, tâm hồn trong sạch. Họ mãi mãi vui cười, ca hát và ước mơ, giúp nước, giúp nhà. Các anh chị rất thương gia đình, người thân đã không quên họ mà vất vưởng đi tìm mộ.
Các anh chị liệt sĩ nhắn gửi rằng:
“Người ruột già thương yêu ơi! Đừng đi tìm xương cốt chúng tôi trong lòng đất. Còn gì nữa đâu mà tìm. Tốn sức, tốn tiền. Thịt máu xương chúng tôi đã hòa vào Đất Mẹ Yêu Thương. Phần Anh linh Hùng khí luôn ôm lấy Đất Trời, Biển, Đảo, Đồng Lúa, Núi Đồi, Sông, Suối, Rừng Xanh... bát ngát bao la, giữ gìn và Yêu Thương, Bảo Vệ. Xin hãy chung tay xây đắp những ngôi đền mộ chung, những ngôi chùa làng cầu siêu, sớm hôm hương khói để tình Âm- Dương quấn quyện- không rời. Cho Tình Thương thông hai cõi Âm- Dương, hòa vũ trụ.”
Nghe được tiếng lòng ân tình của Anh linh liệt sĩ từ cô Bé, tôi mở sách Trai Đàn Bạt Thủy Trên Sông Thạch Hãn Quảng Trị (NXB Hồng Đức- 2012) do sư thầy Thích Tâm Hiệp tặng, viết về lợi ích vô biên của những cuộc cầu siêu cho các chiến sĩ trận vong và đồng bào tử nạn do chiến tranh trên khắp miền đất nước Việt Nam. Giáo sư Vũ Khiêu nay gần trăm tuổi viết
Văn Chiêu Hồn Trên Sông Thạch Hãn
Khắp Thành Cổ khăn tang trắng xóa
Khúc sông quê máu loãng kinh hoàng
Hồn xiêu phách lạc đồng hoang
Sương thu lạnh buốt lòng càng tái tê...
Hồn chìm nổi muôn phần lạnh lẽo
Thịt xương tan mộ có như không
Cô hồn bạt suối trôi sông
Dọc ngang thất thểu mênh mông không nhà...
Trong sách trên ghi một người thân của liệt sĩ khi thăm nghĩa trang Trường Sơn kể: “Có một liệt sĩ, phần mộ ở nghĩa trang Trường Sơn báo mộng rằng: “Ở đó “đói” lắm. Mọi người mọi nơi về chỉ biết dâng hương rồi đi, ít ai trì kinh, cầu siêu”.
Từ câu chuyện này, Phật tử Tâm Vinh cùng một nhóm Phật tử Hà Nội, góp ít tịnh tài nhờ thầy Thích Minh Thông ở Am Thụy Ứng (Quảng Trị) về dâng cầu siêu hằng tháng ở nghĩa trang Trường Sơn.
Thấu hiểu Anh linh các liệt sĩ “đói” là đói tình thương. Thầy Thích Minh Thông tháng nào cũng về nghĩa trang Trường Sơn khấn nguyện, cầu siêu thoát cho các Anh linh liệt sĩ với tấm lòng nồng ấm, yêu thương, ơn nghĩa:
“Theo tiếng gọi núi sông cao cả/ Xếp bút nghiên từ giã quê hương/ Gửi mẹ già và em gái hồn nhiên/ Hân hoan nhẹ bước lên đường/... Các anh phải gửi mình nơi chiến trận/ Dãy Trường Sơn rừng xanh bất tận/ Dòng chữ vàng son ghi dấu tên anh/... Hỡi các anh linh mọi miền đất nước/ Mau mau bước tới chốn Thiền môn/ Nghe kinh giải nạn thoát nguy muôn loài/ Kho tàng giáo lý Đức Như Lai/ Thấy đâu là chánh, thấy đâu là tà/... Một chén nước trong, một lòng thanh tịnh/ Xin dâng các anh, vị quốc vong thân/”.
Mọi người Việt Nam hôm nay, đã thấu tình Âm- Dương, cùng nhau cầu siêu thoát cho vong linh trên khắp mọi miền đất nước tử nạn bởi chiến tranh, tai nạn giao thông, bệnh trọng, chết bơ vơ.
Khi tôi viết những dòng chữ này thì em Bé- Người Bạn Tâm Tình Của Các Liệt Sĩ đang vui đâu đó cùng các anh chị liệt sĩ, chép những vần thơ tâm tình của họ và thay họ “Hát cho đồng bào tôi nghe”.
Hát rằng: “Những người có một gia đình huyết thống và một gia đình Tâm linh thì khi chết không cảm thấy bơ vơ, tại vì họ biết rằng họ thuộc về một nền văn hóa, một nhà thờ, một ngôi chùa, một xã hội, một gia đình.
Còn những người khi sống có cảm tưởng là mình mất gốc, không thuộc về một gia đình Tâm linh hoặc huyết thống nào, văn hóa nào. Họ sống và chết trong cô đơn.
Không phải chết rồi người ta mới trở thành cô hồn. Khi còn sống chúng ta cũng có thể là những cô hồn. Biết bao người trẻ không thấy mình thuộc về một nguồn gốc Tâm linh nào, một gia đình huyết thống nào, một nền văn hóa nào. Họ đi lang thang vật vờ giữa cuộc đời, cảm thấy cô đơn lạnh lẽo. Những người như vậy cô đơn trong khi sống và khi chết cố nhiên trở thành linh hồn bơ vơ. (Sđd trang 140)
Cô Bé hát những lời thương, lời yêu sâu nặng Tính Người như thế, nên Bé luôn vui khỏe. Cô đi không biết mệt. Anh linh liệt sĩ yêu cô, người trần gian được thức tỉnh yêu cô. Người chồng và các con của Bé giờ đây đã hiểu, nghi oan được giải tỏa, tình yêu trở lại đầm ấm.
Chuyến đi về xứ Thanh cùng với Bé, chúng tôi được Anh linh Tổ tiên và các liệt sĩ truyền năng lượng, vui lâng lâng. Anh Mai Hồng tặng tôi câu thơ cổ: “Vạn lý tương tư, vũ trụ tình”.
Chiều chiều bên Hồ Gươm, tôi luôn mong gặp lại Bé, nghe Bé hát, hay cũng chính là nghe Anh linh liệt sĩ, những người tình tuổi trẻ của tôi, hát dân ca khắp mọi miền Tổ quốc.
Tạ tình Anh linh liệt sĩ, tôi thành kính tụng niệm kinh Phật Hát Cầu Hồn Người Lính.
Hát Cầu Hồn Người Lính
Mộ Anh nằm thơm hoa quả thông
Sim tím hồng môi đào thiếu nữ
Nụ hôn đầu chưa kịp duyên trao
Trang sách mở, gió đồng xao xác
Cầu hồn Anh “Sống gửi thác về”
Quê hương mình trăng máu thê lương
Binh biến, tóc tang khắp ngả đường
Nén nhang tình Âm- Dương vương vấn
Kính xin Địa Tạng Vương Bồ Tát
Đón hồn oan, rửa oán hận thù
Thương nhớ người, giọt lệ thiên thu
Chiến tranh khơi mồi ủ Bắc phương
Ai được gì, mà thua với thắng
Mẹ Việt đau nghiêng ngả nguyện cầu
“Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát”
Cháu con mình thoát nạn trầm luân
Cầu hồn Anh siêu thăng tịnh độ
Đất Mẹ đón con yêu vào lòng
Hồn về đây vui cảnh chùa làng
Lời kinh, tiếng mõ, chuông âm vang
Sông núi Việt đời đời xót thương
Cầu hồn về “Âm phù Dương trợ”
Kinh cứu khổ tan niềm u uẩn
Niết Bàn thiêng đoái Tình Non Nước.
Mai Thục
Hồ Gươm Mùa Hoa Sen 2013.
M.T
-------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét