Thứ Năm, 18 tháng 7, 2013

HỘI CHỨNG CHẶT CHÉM

  
  * Ghi chép của MINH DIỆN
                BVB - Sáu giờ sáng lên ô tô, theo đại lộ Đông Tây, chui qua hầm Thủ Thiêm, lên xa lộ Hà Nội, rẽ quốc lộ 51 đi du lịch Vũng Tàu.  Một cung đường khoảng 120 km, đi mất hơn ba tiếng đồng hồ. Đại lộ Đông Tây chạy song song với con kinh đào. Ngày xưa nước đen bốc mùi hôi thối, giờ khơi thông, có bờ kè, nước trong  cá quẫy, nhưng người ta vẫn vô tư xả rác. Hàng ngàn tỷ đồng vốn vay ODA đã rải xuống con đường này, một vụ  án ăn hối lộ khổng lồ chỉ nổi lên mỗi một bộ mặt nhớp nhúa Huỳnh Ngọc Sỹ.
Bây giờ, cái mặt  ấy đang  chìm lặn vào quên lãng, để chuẩn bị xét ân xá, trong khi mặt con đường bắt đầu nổi lên những mụn tróc lở, xe cộ qua lại không trơn tru như những con đường giá thành rẻ hơn nhiều ở nước ngoài. Để tránh một đoạn đường xấu, anh lái xe lách qua qua lằn đường khác, lập tức tiếng còi rít lên, hai cảnh sát giao thông xuất hiện. Tài xế tấp xe vào lề, lùi lũi cầm giấy tờ tới  tới gốc cây nơi hai cảnh sát đứng, mấy phút sau quay lại. Tôi hỏi:
               - Mất bao nhiêu?
               - Ba trăm chú ạ!
               Hai đầu  hầm Thủ Thiêm đã xuất hiện nhiều xe ôm, xe bán hàng rong, và ngập ngụa bao ni lon, tờ rơi quảng cáo, tiền âm phủ thả ra từ xe tang. Con đường  hầm dài nhất nhì Đông Nam Á, do Nhật thiết kế và xây dựng đẹp đẽ sang trọng, đang bị “Việt Nam hóa” vì sinh hoạt bừa bãi theo thói quen buông thả cùa một số người.
               Theo quy định, khi Qũy bảo trì đường bộ đi vào hoạt động, các trạm thu phí dừng hoạt động, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng tuyên bố đã dẹp hết rồi. Nhưng chỉ một đoạn xa lộ Hà Nội, và quốc lộ 51, tôi  đếm được bốn trạm thu phí đang hoạt động. Những thanh chắn sọc vàng sọc đỏ như những thanh gươm, chém lên chém xuống  mỗi lượt xe qua,với cái giá từ 10.000 đến 30.000 đồng.  Quy định với mệnh lệnh ban ra, nhưng trên bảo dưới không nghe, nên nhiều   trạm thu phí vẫn bủa vây các ngả đường , dân  phải chịu phí chồng lên phí.
               Qua cầu Cỏ May, phải trả phí 20.000 đồng. Xe chạy trên một đoạn đường  đẹp, có  dải phân cách  trồng  cây xanh tỉa tót như những đĩnh vàng trong  phim Trung Quốc, dẫn vào khu du lịch “Long Cung Resort”.
               Trên trang Web “ Long Cung Resort” quảng cáo villa, biệt thự, phòng ốc  sang trọng như cung điện, phụ vụ  khách du lịch như thượng đế mà  giá cả phải chăng.  Trước mắt tôi là  chiếc cổng  trơ tráo  hai cái trụ gạch đỏ, phía trong một bãi đậu xe  có vài chục mái lều lợp lá dừa nước trên đồi cát.
                Một cô nhân viên quần bó, áo thun, dáng quê mùa,  chỉ cho chúng tôi một căn lều hai  ngăn, mỗi ngăn kê mười chiếc ghế bố , cách bãi biển khoảng 100 m, nói mỗi ngăn cho thuê  giá 900. 000 đồng.  Thấy  ẩm ướt tối tăm quá, lại chung đụng không tiện, chúng tôi xin đổi lều khác.  Cô nhân viên chỉ cái lều hình bát giác phía trên:
               - Lều này giá 950.000 đồng!
Cái lều cũ nát này mà cũng gọi là
"Du lịch sinh thái" vơi sgiá cắt cổ!
               Một gian lều không tường vách,  kê mười  hai chiếc ghế bố xộc xệch quanh hai chiếc bàn bằng nhựa tái sinh , không điện, không nước , chung  quanh đất cát  ngập ngụa rác rác , phải  thuê với  giá 950.000 đồng, thời gian  từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Quả thật tôi chưa thấy  đâu  bầy hầy, nhớp nhúa mà đắt đỏ  như cái gọi là  Resort  Long Cung ở Vũng Tàu.
               Đâu phải chỉ chuyện cái lều?  Khách du lịch vào đây còn bị chặt chém dã man từ chai nước giải khát đến các món ăn.  Một cân ghẹ ngon , mua ngoài chợ 170.000 đồng,  đây 360.000 đồng.  Một gói mì tôm bên ngoài 4.000 đồng ,  đây 15.000 đồng .  Một chai nước lọc ngoài 3.000 đồng đây bán 8.000 đồng.  Thứ gì cũng đắt gấp hai ba lần. Ở đây không có bảng giá, không trưng bày hàng, bắt chẹt khách  xỉa tiền tươi mua  giá cắt cổ. Nếu không mua mà mang thực phẩm vào,  thì phải thuê người nấu,  thuê bếp, thuê xoong nồi,  và trả tiền điện.  Thuê luộc một kg ghẹ mất 30.000 đồng,  nấu một bình nước sôi cũng 30.000 đồng.
              Thế nhưng khi tôi than phiền với một tốp khách  du lịch ở lều bên cạnh thì một chị cười  nói:
              - Chỗ này vẫn rẻ hơn  bãi sau  đấy anh  ạ! Trong đó  thuê một chiếc ghế ngồi trên bãi cát 35.000 đồng,tắm nước ngọt 25.000, một lon nước lọc 12.000 đồng, môt  kg  ghẹ có khi phải mua 700.000 đồng. Ở đó  còn bị lôi kéo, quậy phá và nếu không cảnh giác thì mất ví, điện thoại di động như chơi.
              Tôi hỏi:
              - Còn làng du lịch Chí linh thì sao?
              Một cô gái bĩu môi đáp:
              - Con đã thề cạch đến già cái làng chết tiệt ấy! Ông chủ khoe chiếc RR bóng lộn, nhưng bãi tắm dơ thấy mồ, mà chém ngọt sớt!
              “Cạch đến già!”,  “Ra đi không trở lại!”  là những  lời chua chát và thẳng thắn mà  khách du lịch trong và ngoài nước thường  dùng  khi được hỏi về những điểm tham quan của Việt Nam  trong thời gian vừa qua.
              Lần chúng tôi đi thăm quan đền Hùng, Phú Thọ, một người bạn ở Sài gòn cũng thốt lên:
            - Cạch đến già không quay lại đây nữa!
            Hôm ấy chúng tôi vừa thắp những nén tâm nhang  trên đền thở các vua Hùng xuống,  trong lòng còn lâng lâng tình cảm “con một cha nhà một nóc”, thì mấy cô gái xinh xắn từ  các quán  nhanh nhẹn chạy  ra,  vồn vã  mời chào rất thân tình:
             - Chúng cháu là con cháu sinh ra ở đất tổ, có trách nhiệm đón tiếp cô chú  các nơi về chiêm bái tổ tiên ạ!
              Người nứu áo, kẻ dắt tay. Có bà cụ  trong nhóm  cảm động rơi nước mắt. Thế là rứu rít kéo nhau vào quán. 
Gánh nặng thuế-phí
             Nhưng  chưa kịp uống cạn tách trà , thì ngớ người ra ,dở mếu dở cười! Các cô gái ấn vào tay chúng tôi những  bịch kẹo,bịch bánh, gọi là đặc sản đất tổ,  bắt mua bằng được. Chị bạn tôi từ chối, liền bị một cô mắng mỏ .  Gương mặt vừa tươi tắn  hiền lành  thoắt  xám ngoét , miệng cong cớn chanh chua .
                Rời Phú Thọ , đi  Ninh Bình thăm quan Tam Cốc, Bích Động. Nỗi buồn  bị  chặt chém và bị xúc phạm ở đền Hùng chưa nguôi , thì lại gặp cảnh chặt chém thô bạo hơn .
                Bấy giờ khoảng 11 giờ.  Sau  khi  thăm quan  Tam Cốc, Bích Động, theo chương trình, chúng tôi  đi ăn trưa rồi thăm chùa Bái Đính.  Nghe nói Ninh Bình có món dê núi rất ngon ai cũng háo hức .
                Xe sắp chuyển bánh , lái xe bấm điện thoại di động nói chuyện với một nhà hàng , tôi  tò mò lắng nghe. Lái xe nói:
               - Ba mươi khách Sài Gòn , 35% , đồng ý thì đến?
               Có lẽ  nhà hàng chê hoa hồng quá cao, lái xe nói:
               - Thôi giá trót 30%, không gật đi nơi khác!
               Chắc bên nhà hàng đồng ý, lái xe cười hinh hích:
               - Tôi chơi đẹp chứ có thằng 40-45 không đùa!
                Xe đổ  khách  xuống nhà hàng Hoàng Long .  Khi chúng tôi phải nhai  món thịt dê  ngâm lâu trong tủ lạnh dai nhách,  thì  lái xe  chễm chệ một bàn riêng,  đớp ngấu nghiến suất ăn không mất tiền. Và trước khi nổ máy chở  khách rời nhà hàng, anh ta không quên kiểm tra cái túi đen treo ở tay lái. Trong đó đã có  30%  số tiền  công ty du lịch  trả cho bữa ăn theo thực đơn, một nhân viên nhà hàng  đã bí mật bỏ vào cái túi đen treo ở tay lái, theo thỏa thuận.  Một xuất ăn trưa của khách , riêng lái xe đã chém mất 30%  rồi!
             Đối với khách nước ngoài còn bị chặt chém  tàn nhẫn  hơn. Họ chẳng khác gì một miếng mồi ngon cho ngành dịch vụ du lịch  xâu xé. Từ phòng  ngủ,  mua xắm,  ăn uống  đến Taxi, xich lô... chỗ nào cũng chặt chém.  
           Chị Loan ở Sài Gòn có chồng là một doanh nhân Pháp.  Đầu tháng 5 vừa qua , vợ chồng chị ra Hà Nội.  Nghe  đồn  bún ốc chợ Đồng Xuân  ngon , chị ăn thử.  Ăn rồi mới thấy cay hơn ớt! Hai bát bún ốc ngồi xổm , phải trả 20 đô la, tức hơn bốn trăm ngàn. Chủ quán bày ra một đĩa quẩy, vợ chồng chị ăn  hai cái, vẫn phải trả tiển cả đĩa.
           Chưa hết bàng hoàng vì bát bún ốc, thì chị Loan phải bật khóc vì chiếc “xích lô du lịch văn minh lịch sự” giữa  Thủ Đô.   Từ chợ Đồng Xuân ra bờ hồ có một khúc đường ngắn, tay lái xe bắt chẹt chồng chị 25 đô la. Chị phản đổi, hắn chửi rất tục : “ Câm mẹ cái mồn lại, đồ làm đĩ cho tây!”
           Anh Philippe Alaurant , một doanh nhân người Bỉ, đã phải  đưa lên trang Web của mình để cảnh báo bạn bè: “Sapa của Việt Nam rất đẹp, người dân tộc ở Sapa cũng rất đẹp và thông minh minh. Nhưng bạn đừng tin họ nói và phải cảnh giác. Họ nứu tay bạn bắt mua  thổ cẩm  giá cắt cổ,và chụp ảnh với bạn rồi đòi tiền!”.
            Theo thống kê , năm 2012, khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam giảm 40%, và chỉ có 18 %  trả lời muốn quay lại  lần thứ hai. Trong phiên họp Quốc hội ngày 13-6-2013,  nhiều  đại biểu đã  nêu lên  “Hội chứng chặt chém” khách du lịch, chất vấn Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Hoàng Anh Tuấn về sản phẩm du lịch kém chất lượng.  Có đại biểu đặt vấn đề : “ Việt Nam có tới 9  điểm được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên , trong khi Thái Lan, Indonesia chỉ có  ba, bốn điểm,  tại sao ngành du lịch của họ đứng thứ 30 - 40 thế giới còn Việt Nam đứng thứ 80?”
            Ông Hoàng Anh Tuấn  thừa nhận: “ Nạn chặt chém đã lộ rõ và ngày càng tăng, gây tác động xấu đến ngành du lịch và làm ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam”.
            Trước ý kiến phải có giải pháp cải thiện uy tín và nâng bậc ngành du lịch Việt Nam của Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân,  bộ trưởng  Hoàng Anh Tuấn hứa: “Quyết tâm diệt trừ nạn chặt chém du khách, dành lại hình ảnh tốt đẹp Việt Nam trong con mắt bạn bè!” và  kêu gọi các ngành , các địa phương hỗ trợ. Hưởng ứng lời kêu gọi của ông Tuấn, có đại biểu hiến kế thành lập Cảnh sát du lịch. Nghe thấy giật gân, giật mình  và vô lý quá. Lại bắt chước Thái Lan ư? Việt Nam đã có cảnh sát môi trường, cảnh sát biển, nhưng có bảo vệ được môi trường, bảo vệ được ngư dân không? Người ta làm được, mà vẫn giữ được văn hóa đấy, mình làm được không? 
            Liệu Cảnh sát du lịch có đông, có đầy đủ phương tiện,và có nhiều kinh nghiệm  bằng Cảnh sát giao thông ? Với lực lượng hùng hậu như vậy, lại được cảnh sát cơ động hỗ trợ, rồi thanh niên xung phong, dân quân, dân phòng hợp đồng tác chiến  mà  không dẹp được nạn đua xe trái phép và vi phạm luật, thì thử hỏi Cảnh sát du lịch làm được gì, hay chỉ tốn thêm tiền, phát sinh thêm tiêu cực?
            Trên không nghiêm thì đừng nghĩ đến chuyện dưới nghiêm. Dẫu có hàng sư đoàn cảnh sát du lịch cũng khó lòng ngăn được những tiêu cực trong ngành du lịch, trong  đó “ Hội chứng chặt chém!” đang hoành hành. Khổng Tử nói : “Cái cày cong làm sao vạch được đường cày thằng!”.
M.D
---------------                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét