Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

TIẾNG GỌI ĐÒ KHUYA

     
    * MINH DIỆN
                 BVB - Mấy anh em cùng quê dều ở  Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 239  Công binh, đơn vị đầu tiên  tôi bước chân vào bộ đội, sau hơn bốn chục năm mới gặp lại nhau. Đại đội trưởng Phạm Lẫm ngày ấy 36 tuổi, giờ đã là một ông lão ngoài tám mươi. Anh về hưu năm 1985, cấp bậc trung tá, trung  đoàn trường, mang trong người bốn vết thương của ba cuộc chiến tranh, đánh Pháp, đánh Mỹ, đánh Khmer đỏ.
Nguyễn  Hưu, hồi ấy làm liên lạc, lúc nào cũng đeo bên hông cái xắc cốt  đầy thư, nhanh nhẹn tháo vát, về hưu năm 1974, cấp bậc trung úy;  Đào Văn Viên, cây nhị  nổi tiếng, năm 1976 ra quân cấp bậc thượng sỹ, giờ theo Ruỹnh đi hát xẩm. Bùi Văn Nghĩ, ngày ấy to con, xông xáo nhất đại đội, được kết nạp đảng trên trận địa, về hưu với cấp bậc đại úy, giờ nhỏ thó, ốm nheo ốm nhách.  Bên cạnh là Hải, Duyệt, Thăng, Ngọ...nếu tình cờ gặp chưa chắc đã nhận ra nhau. Những người lính trẻ măng ngày ấy, nay ai nấy  đầu  hai thứ tóc, trắng nhiều hơn  đen, thân hình quắt lại, xơ xác như trái mướp khô. Thời gian và sự gian khổ hy sinh  đời lính  đã vắt kiệt sức lực của chúng tôi, những hoài bão của thời trai trẻ cũng cạn, nhưng  ký ức về  chiến tranh thì mỗi ngày một hằn sâu như những nếp nhăn  trên trán mỗi người.
                Sau vài ly rượu đắng, trung úy Nguyễn Hưu  nói :
                 - Vừa qua vợ Lưu Bá Ứơc gặp tôi hỏi, các bác có còn nhớ nhà em không, bây giờ hài cốt nhà em ở đâu?
                Trung tá  Phạm Lẫm nói:
                - Hôm ấy chiếc ca nô hứng nguyên một quả bom, tan thành nhiều mảnh, nước sông Hồng  chảy xiết cuốn đi. Giữa đêm tối, nhiệm  vụ chiến đấu  khẩn trương , không tìm được xác Lưu Bá Ứơc. Mấy chục năm nay tôi vẫn áy náy trong lòng.                                                    
               Câu chuyện về người đồng đội hy sinh chưa tìm được hài cốt làm suốt đêm ấy tôi không chợp mắt được. Hình ảnh bến phà Mễ Sở và dòng sông Hồng đỏ lựng phù sa cuồn cuộn chảy cứ hiện lên trước mặt tôi.
                Tôi nhớ  ngày đầu xuân 1965,  hơn hai chục anh em trong xã lên đường nhập ngũ, đi từ  Đống Năm, Cầu Bo, qua phà Tân Đệ,  sang ga Nam Định lên tàu đi Phú Thọ.  Ngổi trên tàu chia nhau miếng ổi đào , miếng bánh cáy,  hỏi nhau không biết vào đơn vị có được ở chung với nhau không, và bao giờ mới được trở lại quê hương? Đến Phú Thọ, được biên chế vào Đại đội 4, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 239, do trung úy Phạm Lẫm, người  cùng quê làm đại đội trưởng , đứa nào cũng mừng  vui.
                Đại đội 4 chúng tôi đã có mặt ở các bến sông trọng điểm như Gián Khuất, Hàm Rồng, Long Đại, Linh Cảm, cùng các đơn vị bạn bắc cầu phao, chở phà, giữa những ngày máy bay Mỹ đánh phá các tuyến đường giao thông  miền Bắc ác liệt nhất. Từ nơi lửa đạn ấy, tôi được đi học sỹ quan, sau đó đi  học lớp thông viên báo Quân đội nhân dân, cuối năm 1966,  được biên chế  về  tổ tuyên văn Ban chính trị trung đoàn.
               Tuyên văn có nghĩa là tuyên truyền văn hóa, nhưng chúng  tôi làm đủ thứ việc, như  cắt khẩu hiệu, trang trí hội nghị,viết giấy khen, viết tin, tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng. Mấy người trong ban gọi chúng tôi là “Tổ dầu đèn kèn trống”.
              Tổ chúng tôi có ba người, do thiếu úy Đoàn Mô phụ trách. Đoàn Mô quê Nam Định,vừa tốt nghiệp đại học sư phạm thì vào bộ đội. Mô có khuôn mặt trái xoan như mặt con gái, hai mắt to,  miệng có chiếc răng khểnh rất có duyên. Mô  hát  hay, và thường  đóng vai  nữ trong các vở kịch, vở  chèo tự biên tự diễn của tổ tuyên văn. Thượng sỹ Huy San  người Hà Đông,  hơn Đoàn Mô ba tuổi, đã có vợ con ,  đang  dạy nhạc ở trường cao đẳng  sư  phạm thì  được gọi vào bộ đội. Huy San cao to, mặt dài, cằm nhọn, mái tóc xoăn lòa xòa  trên cái trán hói rất nghệ sỹ. Mỗi khi Huy San ôm cây đàn Ghita , cái đầu to tướng lại lắc lư và đôi mắt mơ màng như ám khói. Tôi là em út trong tổ, ngoài nhiệm vụ viết tin cho báo quân đội,  còn tập tọng  sáng tác thơ và những vở chèo, vở kịch  phục vụ phong trào thi đua của đơn vị.
             Ba chúng tôi ở nhà mẹ Cải, gần bờ đê sông Hồng. Căn nhà ngói ba gian hai trái , mẹ Cải dành hết cho chúng, mẹ và người con trai ở dưới nhà ngang.
             Năm ấy mẹ Cải khoảng  bốn mươi tuổi, người nhỏ nhắn mảnh mai, là một phụ nữ đẹp trong xã, tính tình cởi mở hiền lành. Cậu con  trai mẹ tên là Nam Tiến, hai mươi tuổi, dong dỏng cao, da ngăm đen , khuôn mặt dài , cằm nhọn giống Huy San , nhưng tính lầm lì, già trước tuổi.  Nhìn mẹ Cải đứng bên  con trai , người lạ  ngỡ chị em. Có lần tôi tò mỏ hỏi  vì sao mẹ Cải sống độc thân, và  đặt tên con trai là Nam Tiến , mẹ Cải kể:  
             - Nhà tôi bên kia sông ,vừa trồng rau trên bãi vừa làm nghề chở đò ngang . Vào một đêm cuối mùa Đông  1945,  khuya  lơ khuya lắc , đang nằm trong ổ rơm,   nghe tiếng gọi đò.  Ai qua sông vào giờ này?  Trời  đang mưa dầm gió bấc, rét cắt da cắt thịt. Tôi ngại , bụng bảo dạ nhất định  không  ra.  Nhưng tiếng gọi “ Đò ơi! Đò ơi!” cứ vọng vào.  Không cầm lòng được , đành phải  khoác áo tơi, xách  đèn chai ra bến.
             Người gọi đò là anh bộ đội , đầu đội mũ  nan , lưng đeo ba lô , ruột tượng gạo vắt chéo qua vai. Dù giữa  đêm  khuya khoắt  nhưng thấy khách đi đò là một anh bộ đội  tôi  cảm thấy yên tâm. Anh bộ đội bảo , mưa rét thế này làm phiền, cô lái đò thông cảm nhé !  Rồi anh ấy giành chèo đò.  Tôi nói,  anh có biết chèo  không,  khéo  lật thuyền làm mồi cho Hà Bá!  Anh ấy cười bảo, cô đừng lo, nhà tôi ngay bên kia , từ nhỏ đã quen sông nước . Vừa chèo đò anh bộ đội vừa nói chuyện . Anh  ấy là Nguyễn Nam Vĩnh , người xã Hồng Châu, mười  tuổi   đã theo cha đi buôn,  xuôi ngược trên sông nước.  Nhờ gia đình có của, nên năm mười  hai tuổi Vĩnh được cha mẹ gửi lên Hà Nội học trường Tây. Nhưng học được bảy năm, thì Vĩnh giác ngộ cách mạng, bỏ  lên chiến khu . Cách mạng tháng Tám, anh ấy  tham gia cướp chính quyền  ở Bắc Giang , rồi vào bộ đội.  Ngày 23-9- 1945, quân đội Pháp quay lại  Nam Bộ,  theo lời kêu gọi cùa Hồ Chủ tịch : “Thà chết tự do hơn sống nô lệ!”  anh  Vĩnh tình nguyện  tham gia  đoàn quân  Nam Tiến vào Nam chiến đấu...
             Chi đội  Bắc Bắc của ông Vĩnh  đã hành quân từ Bắc Giang  về  Hải Dương ,vào  đền Kiếp Bạc  dâng hương  thề trước anh linh Đức Thánh Trần   “ Một lòng vì nước vì dân,  ra đi không chiến thắng không trở về quê hương!”
             Sau cuộc mít tinh uống máu ăn thề ,  các chiến binh  Nam Tiến   được nghỉ phép mười ngày, hẹn   hội quân ở Nam Định lên tàu vào Nam.
             Anh Nguyễn Nam Vĩnh  đã  cuốc bộ một mạch gần 50 cây số,từ  Kiếp Bạc về Mễ Sở, và trên chuyến đò khuya đêm ấy ,  anh  tình cờ gặp cô lái đò xinh đẹp ,  nên duyên vợ  chồng.
              Mẹ Cải kể:
              -Cưới được ba ngày  đã phải chia ly. Tôi tiễn anh Vĩnh vào tận thành phố  Nam Định.  Bấy giờ  không khí  kháng chiến sôi sục lắm.  Ý chí chiến đấu  giữ nền độc lập tự do vừa mới dành được như sôi sục  trong lòng mọi người. Khắp thành Nam đỏ rực cờ đỏ  sao vàng , bài Tiến quân ca , và lời kêu gọi kháng chiến của Hồ Chủ tịch vang  trên loa phóng thanh. Bước chân đoàn quân Nam Tiến rầm rập các ngả đường...
               Trong bầu không khí hào hùng ấy, ông Vĩnh  tặng vợ cuốn sổ tay, có  dòng chữ ông viết nắn nót bằng máu  mình : “ Thanh niên được cống hiến cao nhất là ra tiền tuyến, đó là phần thưởng cao quý mà Tổ quốc dành cho các cháu!”  Đó là lời Hổ Chủ tịch trong bức điện gửi cho các chiến sỹ Nam Tiến. Trước  khi con  tàu  căng  tấm băng rôn  “ Quyết tử cho Tổ Quốc độc lập tự do!”  chuyển bánh, ông Vinh nắm tay vợ dặn ,  ở lại  dốc lòng lo công tác hậu phương, và nếu sinh con trai thì đặt tên là Nguyễn Nam Tiến, để nối tiếp truyền thống cha anh.
               Đơn vị ông Vinh hành quân vào tận Khánh Hòa, Nha Trang, miền Nam Trung bộ, cùng các đơn vị Nam tiến  dưới sự chỉ huy của tướng Nguyễn Sơn chiến đấu ngăn bước tiến của quân viễn chinh  Pháp.   Cuộc kháng chiến mỗi ngày một lan rộng và quyết liệt, hơn một ngàn cán bộ chiến sỹ trong chi đội Bắc Băc, hầu hết hy sinh,  bỏ xác ở  vùng đất Nam trung bộ, những người sống sót phiêu dạt đi các mặt trận từ Bình Trị Thiên đến tận đồng bằng sông Cửu Long.

             Sau ngày chia tay chồng,  mẹ Cải  trở về, vẫn  trồng rau trồng bắp trên bãi và chở đò đưa khách qua Sông Hồng. Mẹ sinh con trai,  theo lời chồng dặn , đặt tên  là Nguyễn Nam Tiến. Mẹ viết thư báo tin vui cho chồng , nhưng thư gửi đi mất biệt tăm.  Đêm đêm mẹ thao thức lắng nghe  một tiếng gọi đò quen .  Nhiều đêm mẹ xách ngọn đèn chai ra bến , xăm soi con đò , hy vọng vu vơ  chồng về núp trong đó  đùa trêu mình. Rồi mẹ đứng mãi đến tận sáng trên bờ sông, đăm đắm nhìn những giải sương mờ như khói trên sóng nước.  Mẹ  cầu Trời khấn Phật chồng trở về,  nếu chẳng may   hy sinh ở đâu, thì hình hài cũng theo dòng nước trôi dạt về đây với vợ con!
             Năm 1955, một người bạn của ông Vĩnh  ở chi đội Nam Tiến Bắc Bắc,  tập kết, tìm về bến Mễ Sở, trao tận tay bà Cải  chiếc áo trấn thủ   thấm máu ông Vĩnh,  và lá thư ông viết  trước lúc hy sinh,  vẻn vẹn hai  dòng “ Anh ngã xuống trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa , xứng đáng với lời thề trước lúc ra đi!” Mẹ Cải ôm chiếc áo trấn thủ chồng để lại gục xuống bất tỉnh .
              Hai mươi tuổi mẹ Cải đã phải góa bụa, một mình chăm sóc bố mẹ hai bên và con thơ.  Hai mươi năm đã trôi qua, cha mẹ hai bên đều đã mất, con đã lớn khôn, mẹ Cải vẫn  trọn lòng chung thủy với  người lính Nam Tiến,mà  duyên số đã dành cho mẹ  từ một chuyến đò khuya .
            Tôi lấy bối cảnh trung đoàn đang bắc cầu, chở phà trên bến Mễ Sở  và nguyên mẫu câu chuyện của mẹ Cải,  viết vở kịch “ Tiếng gọi đò khuya”.  Đoàn Mô đóng vai mẹ Cải, Huy San đóng vai ông Vĩnh, và một  số hạt nhân văn nghệ ở các tiểu đoàn được gọi lên đóng các vai khác.  Một trong số đó là Lưu Bá Ươc , chiến sỹ lái ca nô  đại đội 4, tiểu đoàn 2.  Ươc bằng tuổi tôi,  cùng tốt nghiệp cấp ba và cùng nhập ngũ một ngày , người dong dỏng cao, khuôn mặt đầy đặn, biết thổi sáo và có giọng hát khá hay, đóng vai  chiến sỹ Nam Tiến, bạn thân của ông Vĩnh.
              Ba gian nhà của mẹ Cải trở thành sân khấu , lỉnh kỉnh kèn trống,đèn đóm,  bơi chèo , súng ống. Chúng tôi ráo riết tập luyện vở kịch “Tiếng gọi đò khuya” để chuẩn bị hội diễn văn nghệ binh chủng nhân dịp 22-12. Trong vở diễn , có cảnh ông Vĩnh và người bạn song ca bài hát “ Bình trị Thiên khói lửa” của nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương, và cảnh mẹ Cải viết thư cho chồng .  Huy Sam ôm cây đàn Ghita, đầu lắc lư, mắt mơ màng ,  Lưu Bá Ứơc  ngả người vào vai Huy San, cất tiếng hát:  
                          Hướng về Nam!
                         Ai đã qua sông Hương, từng nương Thiên Mụ.
                         Từng ngụ Đập Đá, Văn Xá,Truồi Nong.
                          Hướng vế Nam!
                          Ai đã vô Đông Hà, đã qua Ngô Xá.
                          Đã đi Bích La,Thủy Ba, Triệu Phong.
                          Hướng về Nam!
                          Ai đã qua Đèo Ngang, Đã sang Ba Rền
                          Mến dòng sông Gianh,biết danh lũy Thầy
                          Giờ đây lửa cháy ngút trời , máu nhuộm đồng xanh...
                           Ôi đau thương điêu tàn...
                       Đoàn Mô ngừng tay đan áo, soi lá thư trên  ngọn đèn chai treo trên vách , rưng rưng  ngâm bài thơ “ Ký Phu” cùa của Trần Ngọc Lan:
                       Phu trú  biên quan  thiếp tại Ngô,
                       Tây phong xuy thiếp thiếp ưu phu
                       Nhất hàng thư tín thiên hàng lệ
                       Hàn đáo quân biên y đáo vô?
                     Ngồi xem cảnh đó, mẹ Cải khóc. Mẹ bảo  từ khi ông Vĩnh vào Nam, đến khi được tin ông hy sinh, đúng mười năm, mẹ đã viết hàng trăm lá thư gửi cho chồng mà không nhận được một lá thư hồi âm, cứ mỗi lần ngồi viết thư mẹ lại khóc.
                 Vào một buổi chiều, chúng tôi đang tập vở kịch thì máy bay Mỹ ném bom bến Mễ Sở. Hết tốp này đến tốp khác. Hết đợt này đến đợt khác. Sau khi ném bom phá, bom bi, chúng rải bom từ trường. Chúng tôi được lệnh ra bến để cùng đơn vị làm nhiệm vụ khắc phục hậu quả trận bom , tiếp tục chở phà đưa xe pháo qua sông vào bảo vệ thu đô Hà Nội.
              Theo báo cáo của trạm quan sát, máy bay Mỹ thả  22 quả bom từ trường xuống lòng sông.  Đó là loại bom nổ châm, có hệ thống kíp  điện tử rất nhạy, phát nổ khi có dòng từ trường lướt qua. Gặp bom từ trường trên cạn, lính công binh chúng tôi phải dùng những chiếc xẻng được làm bằng chính những cánh bom tư trường để đào bới lên, rồi tháo kíp. Chỉ cần sơ ý đề quên  một mẩu sắt thép nhỏ như  chiếc đinh  trong người cũng có khi gây kích thích bom  nổ chết oan. Bom từ trường lặn dưới đáy sông, phải dùng  sợi dây cước, buộc những thỏi thép hoặc nam châm thả  xuống, rồi ngồi trong hầm hai bên  bờ , kéo qua kéo lại nhử cho bom nổ. Mỗi quả bom nổ làm  đứt dây, phải làm lại từ đầu. Hơn hai chục quả bom từ trường dưới lòng sông bến Mễ Sở , biết mấy ngày mới rà phá xong,  khi những đoàn xe kéo pháo phòng không đang chờ phà qua sông vào bảo vệ bầu trời Hà Nội?
             Chỉ có cách duy nhất là dùng ca nô mở hết tốc lực chạy qua chạy lại trên mặt nước, kích nổ bom từ trường. Ở bến Linh Cảm, Long Đại chúng tôi đã làm  như vậy. Nhưng đó  là một việc làm vô cùng nguy hiềm, vì người chiến sỹ lái ca nô phải cưỡi lên bom . Ở Long Đại, Linh Cảm mấy chiến sỹ lái ca nô đã hy sinh khi làm nhiệm vụ đó.
             Lênh trên bằng mọi giá phải thông bến thông phà đưa xe pháo qua sông trong đêm. Đại đội trưởng Phạm Lẫm đầu trần,chân đất , đứng  giữa bến phà lở lói, ngập ngụa gỗ ván, khét lẹt khói bom, giọng khản đặc hỏi những chiến sỹ lái ca nô:
             - Đồng chí nào xung phong phá bom từ trường?
             Không khí như chết lặng đi một lát.Rồi Lê Bá Ứơc bước ra:
             - Tôi xung phong!
             Đại đội trưởng Phạm Lẫm bước tới, nắm tay Ứơc :
             - Cẩn thận em nhé!
            Trong chiến tranh người lính không chần trừ trước cái chết và người chỉ huy hiểu người lính như chính bản thân mình. Người lính lúc nào cũng đinh ninh rằng được hy sinh cho Tổ quốc là một niềm vinh dự, và phía trước phía sau  không một ai phản bội mình.
             Chiều hôm ấy, dưới  lá cờ cắm trên bến, toàn đại đội đứng nghiêm làm lễ truy điệu sống Lưu Bá Ứơc.  Lưu Bá Ứơc được tôn vinh như một người anh hùng,và nhiều chiến sỹ khác sẵn sàng tiếp theo hành động cùa  Lưu Bá Ứơc! Tôi thầm  cầu mong  Lưu Bá Ứơc chiến thắng trở về, và lễ truy điệu sẽ trở thành một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời anh.
             Nhưng điều kỳ diệu ấy không sảy ra. Qủa bom cuối cùng trên bến Mễ Sở chiều hôm ấy đã cướp mất người đồng hương, đồng đội vừa bước sang tuổi hai lăm của chúng tôi.
             Nội dung vở  kịch “Tiếng gọi đò khuya”  được thêm một tình huống vào bối cảnh hiện tại, đó là sự hy sinh của Lưu Bá Ứơc. Người thay thế Lưu Bá Ứơc đóng vai ông Vĩnh,  ngâm bài thơ tôi viết về người chiến sỹ nối bước cha anh trên bến sông xưa.
                                    Bom từ trường,
                                    Mỹ thả giữa dòng,
                                    Dấu mình đáy nước,
                                    Ngăn những chuyến phà chở pháo qua sông.
                                    Lệnh của trên
                                    Phải phá hết bom
                                    Phà nối bến
                                    Chở pháo vào trận địa!
                                    Đại đội trưởng hỏi:
                                    - Ai xung phong?
                                    Giữa hàng quân, Lưu Bá Ứơc bước lên!

                                    Lễ truy điệu một người còn sống,
                                    Trên bến sông ngùn ngụt khói bom!
                                    Lưu  Bá Ứơc đứng dưới cờ Tổ Quốc,
                                   Vẫy tay chào đồng đội, đồng hương!
                                      Chiếc ca nô Ứơc lái,
                                      Như con cá kình lướt sóng trên sông!
                                      Những quả bom phát nổ,
                                      Những cột nước vọt cao,đỏ rực Sông Hồng!
                                       Khó mịt mù,
                                       Tiếng reo, thiết thét:
                                       Ứơc ơi!
                                                     Cố lên !
                                                            Đừng chết!
                                    Hai mươi quả bom Ứơc đã phá  rồi,
                                    Dưới đáy sông còn một quả nữa thôi!

                                       Một tiếng nổ ù tai,
                                       Cột nước ngất trời,
                                       Và tất cà chìm vào tiếng sóng!
                                       Trên mặt nước hàng trăm mảnh ván,
                                        Cùng bạn cuồn cuộn  theo dòng!
                                        Đêm ập xuống con phà cập bến,
                                        Những chiếc xe kéo pháo lên phà
                                        Gió lạnh buốt lá ngụy trang run rẩy,
                                        Xác bạn tôi trôi mỗi lúc một xa!

                                        Ứơc  ơi hãy trôi về đất mẹ,
                                        Về Đống Năm, Cầu Vật, Cầu Bo...
                                        Mùa này ổi đào đang  chín rộ,
                                        Ngọt thơm như bánh cáy quê nhà!
                                        Tôi đứng trên mũi phà gọi Ứơc,
                                         Nước mắt tôi rơi xuống dòng sông!
                                         Đêm xử sở ngập tràn binh lửa
                                         Máu Việt Namnhuộm đỏ Sông Hồng.
               Vở kịch của chúng tôi không được duyệt đi hội diễn,  vì trường ban chính trị  Vũ Văn Kỳ, cho rằng thiếu ý chí chiến đấu. Ông nói: “ Tại sao lại nhất hàng thư tín thiên hàng lệ? Tại sao đang làm nhiệm vụ chở phà lại khóc ? Tại sao lại than thở , tiếc máu xương nhuộm đỏ Sông Hồng?  Người chiến sỹ cách mạng phải rắn như thép vũng như đồng, vì  độc lập tự do không tiếc máu xương!  Tại sao lại nhỏ nhen và bi lụy như vậy?  Dẹp đi, viết vở khác!”
                 Tôi chưa kịp viết vở  kịch khác theo lệnh trưởng ban, thì được điều lên Bất Bạt , Sơn Tây, bổ sung vào đơn vị đi B2 ,thuộc đoàn 1506.  Gần chục năm ở miền Đông Nam bộ, tôi vẫn không quên Mễ Sờ và những người thân như mẹ Cải, Đoàn Mô, Huy San, đặc biệt là Lưu Bá Ứơc .                                              *                 *                   *
                 Năm 1979, tôi  quay lại Mễ Sở, tìm vể nhà mẹ Cải.
               Anh Nam Tiến con trai mẹ kể, sau khi tôi đi một thời gian, thì mẹ mất. Hôm ấy mẹ ra bãi trồng rau, không may cuốc phải quả bom bi, xác mẹ không còn nguyên vẹn. Sau khi mẹ Cải chết, anh Tiến tình nguyện vào bộ đội, chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị, nơi cha anh chiến đấu thời chống Pháp. Anh bị thương ra Bắc điều trị rồi phục viên năm  1972.  Ngôi nhà mẹ Cải bịt bão lụt hư hỏng, anh Tiến cùng vợ và hai đứa con dời vào trong xóm .
                Nhìn căn nhà tranh vách đất trống huếch trống hoác, tôi biết gia cảnh  anh Tiến nghèo , nhưng không ngờ anh phải làm cái nghề quá vất vả: Mỗi buổi sáng anh dậy từ ba giờ, đạp xe lên Hà Nội, móc hót bốn thùng phân tươi ở các cầu tiêu công cộng, chở về ủ ở bờ sông để bán cho người trồng rau, kiếm tiền nuôi con.
               Anh tâm sự với tôi muốn đi tìm hài cốt cha về mai táng bên mộ mẹ nhưng không có tiền tàu xe và các chi phí khác. Tôi nhìn anh Tiến day dứt quá nhưng không làm gì được, những người lính xương máu có sẵn ,nhưng tiền bạc không có để giúp nhau .
               Tôi chưa có dịp trở lại bến Mễ Sở sau ngày gặp lại bạn bè và sau đêm trăn trở ấy. Không biết bây giờ anh Tiến ra sao và có còn con đò trên bến cũ để một đêm nào đó tôi trở về gọi hai tiếng “Đò ơi!” như ông Vĩnh gọi năm nào! Bây giờ chỉ vang lên tiếng gọi "Đời ơi!", "Trời ơi!"; những tiếng oán trách kẻ quyền hành, tham lam mà sống vô cảm đã coi thường mạng người, cố tình quên quá khứ đau thương đầy máu và nước mắt của dân tộc. 
M.D
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét