* HOÀNG NGỌC NGUYÊN
Có nhiều điều chúng ta vẫn tưởng, cho đến khi chúng ta hiểu được thực tế không giống như điều ta nghĩ. Ví dụ như chúng ta đều nghĩ rằng phụ nữ Trung Quốc có sinh suất thấp chẳng ai bằng, và chẳng ai nhịn nổi như họ, vì chính sách có từ mấy thập niên qua của chế độ Cộng Sản của nước này là mỗi gia đình chỉ có một đứa con.
Ai mà tính có đứa con thứ hai là cửa nhà tan nát, vợ thì bị buộc phải phá thai và chịu phạt, chồng thì bị mất việc vì bị xem là kẻ chủ mưu. Bởi vậy, phụ nữ Trung Quốc có tỷ lệ sinh sản là 1.54. Trong khi đó, chúng ta quen nghĩ nước Mỹ là nước tự do. Lại là một nước của di dân tứ xứ có những tập quán khác nhau về chuyên sinh đẻ này. Quan sát bình thường chẳng hạn, chúng ta cũng thấy phụ nữ da trắng có lẽ ngại chuyện sinh đẻ, nhưng những chủng tộc khác có lẽ vẫn chủ trương xả láng (người da đen, người Latino…). Thế nhưng những phúc trình gần đây cho thấy tỷ lệ sinh sản nơi phụ nữ Mỹ cũng xuống thấp. Mức hiện nay đối với phụ nữ da trắng, có học thức là 1.6 - tức chỉ cao hơn đàn bà Trung Quốc một tí. Mà đàn bà Trung Quốc thì bị ép. Đàn bà Mỹ, ai ép?
Nhìn chung cho toàn xã hội Mỹ, tỷ suất này là 1.93. Và những nhà nghiên cứu nay nói rằng chính tỷ lệ đang suy giảm này là nguyên do căn bản của nhiều vấn đề của đất nước!
Tỷ suất sinh nở (fertility rate) là con số trẻ em mà một phụ nữ trung bình sinh ra tính trong cả đời của mình. Tỷ suất thay thế (rate of replacement) là 2.1. Nếu một phụ nữ trung bình có nhiều con hơn mức đó, dân số sẽ gia tăng. Nếu ít hơn, dân số sẽ giảm đi. Theo Trung tâm Kiểm dịch và Phòng dịch (CDC), tỷ suất sinh nở của Mỹ đã thấp hơn tỳ suất thay thế từ những năm 70 – có nghĩa là gân nửa thế kỷ nay. Điều này cũng có nghĩa là nếu chẳng có những đợt di dân mới “xung phong, tình nguyện” điền khuyết, dân số Mỹ cũng sẽ bị nguy cơ sụt giảm như ở châu Âu, ở Nga, ở Nhật Bản..
Suy nghĩ một tí, chúng ta sẽ dễ thấy những hệ lụy của việc giảm sinh suất liên tục này. Cơ cấu tuổi trong xã hội sẽ thay đổi, có nghĩa là có nhiều người già hơn người trẻ - tính theo tỷ lệ bách phân trong dân số. Và khi thế hệ cao niên này lần lượt ra đi, những thế hệ trẻ không đủ người thay thế, điền khuyết, cho nên dân số ắt phải giảm. Vấn đề này đương nhiên có những hậu quả kinh tế, chính trị và văn hóa đáng quan tâm.
Có một thời, chúng ta sợ nạn nhân mãn ở châu Á hay châu Phi tràn đến Mỹ. Xem ra có những biến chuyển toàn cầu chúng ta không ngờ được. Sự tăng trưởng dân số trên thế giới đang chậm dần và có thể đứng lại vào một lúc nào đó, và trong 60 năm nữa, có thể dân số toàn cầu sẽ giảm đi. Thực ra, đến 97% dân số thế giới đang sống ở những nước mà tỷ lệ sinh sản đang có khuynh hướng sụt giảm.
Đáng quan ngại hơn là sự tiến bộ trong đời sống loài ngưòi. Dân số gia tăng thì xu hướng canh tân và bảo tồn gia tăng đáng kể, khiến cho đời sống của con người tiện nghi hơn và tầng lớp dưới cũng có thể cải thiện được mức sinh hoạt. Tuy nhiên, trong những xã hội sinh suất kém, sự tiến bộ ít thấy, lý do đơn giản người ta phải lo cho người già ngày càng đông, và y tế trở thành chi tiêu số một trong xã hội. Một điều mà nay mọi người bình thường cũng thấy là khi người già càng đông, quỹ tín thác cho An sinh Xã hội phải tăng mạnh cho kịp, nhưng nó lại chịu khô cạn dần bởi vì số người di làm để đóng góp vào quỹ này ngày càng giảm. Về mặt quốc phòng, ít nhất có hai ảnh hưởng bất lợi khiến cho có sự co cụm: thứ nhất là chính phủ không có tiền cho chuyện tăng cường quân đội, chạy đua vũ trang, và xã hội cũng không có đủ người phục vụ trong quân ngũ.
Theo một số tác giả, nếu nước Mỹ có suy đồi, và đúng là đang suy đồi, chính là vì sự hao hụt dân số này. Theo họ,. nếu tỷ suất sinh sản của Mỹ được 2.5% hay ngay cả 2.2%, nhiều chuyện nhức đầu đang có đã không xảy ra. Bởi thế, người ta lo ngại chính là vì tỷ suất này đang xuống. Và còn xuống thấp hơn nữa.
Thời “huy hoàng” nhất của phụ nữ Mỹ da trắng có lẽ là vào năm 1800 (cách đây hơn cả hai thế kỷ), khi trung bình một người có được đến bảy đứa con. Đó là thời lập quốc, ban đêm không đèn không đuốc, người ta cần nhiều lao động hay chẳng sợ đông dân. Nhưng sau đó, người ta thấy phải sinh đẻ đến bảy lần trong đời người thì đúng là hao phí, nặng nề và mất vui, cho nên giảm dần, giảm dần… Đến năm 1940, tỷ lệ sinh và tỷ lệ thay thế gần như ngang bằng. Thế nhưng Đệ nhị Thế chiến kết thúc, làm cho con ngưòi ham vui trở lại, và thế hệ Baby-Boom ra đời. Tỷ lệ sinh sản nơi phụ nữ lại tăng trở lại. Cho đến năm 1970, ngán ngẩm vì cuộc chiến Việt Nam , đàn bà lại không muốn sinh đẻ nữa, và tỷ lệ này lại đi xuống!
Có một số giải thích cho sự “suy thoái” sinh sản bắt đầu từ thập niên 70 của thế kỷ trước đến nay. Rõ ràng nhất là giai cấp trung lưu ở Mỹ bắt đầu đứng lại vì những cơn suy thoái lai rai, lợi tức gia đình không gia tăng cho nên họ không còn dám có con đông nữa. Người ta lên đại học đông hơn trước, cho nên vừa chậm lập gia đình vừa thấy chuyện có con cái trở nên tốn kém hơn. Vai trò phụ nữ trong xã hợi cũng bắt đầu thay đổi. Phụ nữ lên đại học nhiều hơn, ngang bằng với nam giới và sau đó còn qua mặt cả phái mạnh. Cho nên, họ không muốn có gia đình sớm, có gia đình cũng không muốn có con sớm, và có con chỉ muốn có ít, 1-2 đứa đề dễ bề chăm sóc, nuôi dưỡng thay vì giao cho xã hội. Khuynh hướng này mạnh mẽ nơi phụ nữ da trắng và phần nào nơi phụ nữ da vàng, là những người thích đi làm, và thường đi ra ngoài hai ngành “sở trường” là dạy học và trợ tá bệnh viện. Một thủ phạm đáng ra tòa trong vụ này là sự phổ biến mạnh mẽ của thuốc ngửa thai, đến mức nhiều nữ sinh mới 14 đã quen dùng. Không ngừa thì phá, tỷ suất sinh sản bị ghìm lại vì thế. Quan niệm người ta về sự tương tác giữa tình dục, hôn nhân và sinh sản cũng không đứng vững vì sự dễ dàng trong việc “sống chung hòa bình” nhưng chẳng ràng buộc trách nhiệm gì với nhau.
Nếu muốn hiểu cái hại của việc dân số sụt giảm, chúng ta cứ nhìn đến sự suy đồi của Nhật Bản trong gần ba thập niên qua. Vào những năm sáu mươi, chúng ta đều thấy nước Nhật đang làm chủ tể cả thế giới đến nơi. Nhà tương lai học Herman Kahn đã phải vội vàng viết cuốn “The Emerging Japanese Super-state - Challenge and Response” (Siêu quốc Nhật Bản Ló dạng – Thách đố và Đáp ứng” để khỏi mang tiếng chậm trễ. Thế nhưng người ta quên đi yếu tố dân số nước Nhât đang chậm tăng một cách đáng ngại – trong đó có biện pháp “cai đẻ” của quân Mỹ chiếm đóng áp đặt lên nước Nhật sau Thế Chiến. Chi phí nuôi con khá cao ở Nhật là một ly do khác. Và còn một lý do quan trọng nữa là đàn bà Nhât giống phụ nữ Singapore ớn chuyện gia đình.
Vào những năm 60, tỷ lê sinh đẻ nơi phụ nữ Nhật chỉ có 1.3%, bắt đầu thấp hơn tỷ lệ thay thế. Thế mà phải đến năm 2008, dân số của Nhật mới lên cao điểm để bắt đầu đi xuống! Có một chi tiết lý thú: Năm 2010, số tả bán ra cho người già nhiều hơn số tả bán ra cho con nít. Người ta cũng ước tính là đến năm 2100, tức chỉ còn chưa đến 90 năm nữa (những người được sinh ra hiện nay may ra chứng thực điều này), dân số Nhật Bản sẽ chỉ bằng một nửa hiện nay – nếu người ta vẫn bỏ ngoài tai những lời kêu gọi đến khản cổ của chính phủ “Hãy yêu nhau đi, chiều hôm tối rồi”. Nước Nhật siêu cường đã phát triển kinh tế như thế nào trong thời gian mấy thập niên qua? Từ năm 1950 đến 1970, Nhật tăng trưởng với tỷ lệ hàng năm là 5.4%. Từ 1990 đến 2006, tỷ lệ này là 0.63%.
Nước Mỹ có hai “thế mạnh” hay “thuận lợi” để tránh vết xe đổ của Nhật. Thứ nhất là chuyện tôn giáo. Thứ hai là chính sách di dân cởi mở. Hai yếu tố này có thể thúc đẩy chuyện sinh sản. Nhưng tăng dân số bằng cách trông mong vào di dân là chuyện phức tạp - nhất là vì nhận “con nuôi” làm sao hay bằng con của chính mình, sinh đẻ ở Mỹ, được giáo dục trong môi trường văn hóa của Mỹ. Mặt khác, cứ cái đà này thì người Mỹ da trắng sẽ sớm trở thành dân thiểu số.
Có những ý kiến cho rằng những biện pháp ưu đãi về thuế cho những người sinh con sẽ có tác dụng đối với chuyện sinh đẻ. Người ta cũng nhìn qua nước Pháp và nói rằng phụ nữ ở nước này cân bằng được chuyện đi làm và gia đình là nhờ chính phủ cho mở những trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày. Quả thật là ở Mỹ, nhiều cha mẹ chịu nhiều tốn kém khi phải gởi con để đi làm, khiến cho người phụ nữ cảm thấy khó xử: ở nhà nuôi con thì không có tiền, đi làm thì không nên có con.
Tác giả Jonaythan V. Last viết trên tờ Wall Street Journal do đó đã nhấn mạnh rằng chúng ta phải “uống nước nhớ nguồn”. Nên hiểu rằng dân số Mỹ còn được ngày nay, còn có giới trẻ đang cố chống đỡ ‘tháp tuổi’, là nhờ hiện nay ở Mỹ có khoảng chừng 38 triệu người sinh ra ở nước ngoài. Trong số này đến hai phần ba là hợp pháp. Mỗi năm, chỉ có chừng 4 triệu trẻ được sinh ra trên đất Mỹ. Và cho ngay thực, công bằng, những người phụ nữ Hispanic ở bên này biên giới hay đã vào được đất Mỹ đều cần được tuyên dương công trạng giữ cho nước Mỹ tạm thời đứng vững.
Chúng ta nói tạm thời vì ngay cả chính phụ nữ ở Mexico ngày nay cũng sợ sinh đẻ. Năm 1972, tỷ lệ sinh nở của đàn bà Mễ là 6.72%. Ngày nay, con số này chỉ còn khoảng 1.7% - xấp xỉ tỷ lệ thay thế. Theo ông Last, người ta không để ý rằng trong vài năm qua, con số nhập cư thuần từ Mexico hầu như là số không.
Giải pháp cho nước Mỹ là ở chỗ nào?
Có lẽ chúng ta có nhiều vấn đề quá, cho nên phải gác qua một bên một số chuyện không được xem là trước mắt. Có một tác giả đề nghị cuộc thảo luận này phải bắt đầu bằng ba chủ điểm: An sinh Xã hội, Giáo dục đại học, và Gia cư. Khi nào ngưòi ta còn nghĩ về già chẳng cần hay chẳng trông mong gì được con cái, bài toán còn đó. Khi nào chuyện đi học gây cấn cái cho chuyện có con cái, vấn đề còn đó. Khi nào chuyện nhà cửa còn khó khăn quá, khó ổn định gia đình, vấn đề còn đó.
H.N.N
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét