Thứ Tư, 31 tháng 7, 2013

NÃO TRẠNG QUAN CHỨC BỘ (!?)

* VÕ VĂN TẠO
              BVB - Nhiều ngày nay, dư luận trong và ngoài nước hết sức bất bình với những phát ngôn cực kỳ phản cảm của bà Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Y tế và ông Nguyễn Thanh Sơn – Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Vụ bà Bộ trưởng Tiến
Ngày 20-7, dư luận chấn động khi biết tin ba bé sơ sinh ở bệnh viện huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đột ngột tử vong oan uổng ngay sau khi tiêm vắc xin ngừa viêm gan B, mặc dù trước và sau khi chào đời được các bác sĩ đánh giá là khỏe mạnh, không có bệnh lý bất thường.
Cùng ngày, có mặt tại Quảng Trị dự lễ khởi công nhà tháp chuông nghĩa trang Liệt sĩ huyện Gio Linh, rồi tiếp đó là thắp hương ở nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến từ chối phỏng vấn của báo chí, nại lý do đã cử đoàn công tác đến Quảng Trị để tìm hiểu nguyên nhân và nói báo chí phỏng vấn đoàn này. Bị công luận chê trách việc bà Tiến đang ởĐường 9 - Quảng Trị mà không “quá bộ” chừng 50 km lên Hướng Hóa thăm hỏi và chia sẻ dâu thương với các gia đình bất hạnh, bà Tiến nại lý do lịch công tác đã kín, vé máy bay đã đặt…
                   >>  Bà Bộ trưởng và bệnh vô cảm  
Động thái trên của người đứng đầu Bộ Y tế làm dư luận càng bức xúc. Từng giữ chức Viện trưởng Viện Pasteur TP HCM, hơn ai hết, bà Tiến không thể không biết trường hợp 3 trẻ sơ sinh cùng bất ngờ tử vong sau khi tiêm vắc xin thì không thể ngẫu nhiên trùng hợp có thể do bệnh lý như lẻ tẻ đó đây từng bé. Như vậy, chỉ còn hai khả năng: khâu sản xuất, kiểm nghiệm vắc xin trước khi đưa vào sử dụng và/hoặc khâu bảo quản, vận chuyển, quy trình tiêm chủng “có vấn đề”. Cả hai trường hợp, đều lỗi của ngành y tế. Ấy vậy mà bà Tiến – tư lệnh ngành không có nổi một lời nhận trách nhiệm, xin lỗi, đừng nói đến xin từ chức như công luận đòi hỏi.
Thời đại thông tin cho mọi người biết mỗi khi có thảm họa (dù do thiên tai) như động đất, bão lụt… nguyên thủ các nước lớn thường phải tạm gác mọi việc để đến hiện trường thị sát, chỉ đạo khắc phục, chia sẻ cùng người dân bị thiệt hại (Tổng Bí thư ĐCSLX Goocbachop trong vụ động đất đã lâu ở một nước cộng hòa xa xôi; Tổng thống Mỹ Bush trong cơn bão Katrina năm 2005, Thủ tướng Nhật Naoto Kan trong trận sóng thần ở Fukushima 2011). Khó có thể nói công việc đã xếp lịch như đã nêu của Bộ trưởng y tế Việt Nam quan trọng và khó thay đổi hơn công việc đã lên lịch của các nguyên thủ nọ.
Vụ ông Thứ trưởng Sơn
Sau vụ phát ngôn của bà Tiến ít ngày, tháp tùng chuyến thăm Hoa Kỳ mới đây của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thứ trưởng Ngoại giao kiêm Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Nguyễn Thanh Sơn hẳn chẳng mát mắt khi nhìn thấy đông đảo Việt kiều ở Mỹ, Canada, Úc... biểu tình trước Nhà Trắng để phản đối, đòi Hà Nội ngừng gia tăng đàn áp nhân quyền, đặc biệt trong các khía cạnh tự do báo chí, ngôn luận và tôn giáo.
Trả lời phỏng vấn của Ti Vi Phố Bolsa, ông Sơn nói họ biểu tình vì “còn cố tình giữ trong lòng chút hận thù cuối cùng” và “có những người chỉ vì đồng tiền, có những người chỉ vì nhu cầu cuộc sống, có những người chỉ vì có một chút thu nhập thêm mà tham gia”...(!). Phát ngôn trên của ông Sơn gây sốc mạnh và lập tức tạo làn sóng phản ứng gay gắt chưa từng có của không chỉ bà con Việt kiều trên nhiều cơ quan truyền thông. Nhiều người cho rằng ông Sơn nói năng hồ đồ, theo kiểu suy bụng ta ra bụng người, tiêu biểu cho thói chụp mũ, ăn không nói có lâu nay của giới chức và truyền thông cộng sản...
Quan chức cấp cao lỡ miệng trước truyền thông đã là tai hại. Khó nói hết tác hại của phát ngôn trên từ miệng quan chức ngoại giao như ông Sơn, nhất là trong bối cảnh Hà Nội tuyên bố khép lại quá khứ, nhằm tranh thủ nguồn lực Việt kiều. Bởi thận trọng, kín cạnh, tế nhị, mềm mỏng, khôn khéo và lịch lãm là tiêu chuẩn trên hết và cũng là tối thiểu của bất cứ viên chức ngoại giao nào.
Não bộ trưởng Việt Nam giá bao nhiêu?
Có lẽ không phải là quá đáng khi sau vụ bà Tiến - ông Sơn, có blogger kể câu chuyện (bi?) hài dưới đây:
Bệnh nhân bị ung thư não, bác sĩ nói phải thay não mới sống được.
-         Thay thì hết bao nhiêu, thưa bác sĩ?
-         Tùy não. Não khoa học gia thì chừng 500 nghìn USD. Não bộ trưởng Việt Nam thì khoảng 5 triệu USD.
-         Sao não bộ trưởng Việt Nam lại đắt thế?
-         Vì nó chưa được dùng bao giờ, còn mới 100%” (!!!).
V.V.T.
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét