* NGUYỄN NGUYÊN BÌNH
1./ Chuyện vân vi của bố con tôi
Tôi được lĩnh một suất lương hưu quân đội, chưa phải loại cao cấp, nên các chế độ chinh sách cũng không có ưu tiên ưu đãi gì nhiều; đã vậy lại về hưu đúng vào ‘vùng trũng’ nên chỉ số lương lại thấp hơn khá nhiều so với các đồng nghiêp, đồng cấp (đồng đội tôi nếu về theo chế độ ‘36’ thì dù cùng cấp, thậm chí thấp cấp hơn, số năm phục vụ ngắn hơn, vẫn được lĩnh lương cao hơn. Tôi lúc đó lại lĩnh lương hưu theo kiểu tính lương mới nên bị ‘thiệt thòi’). Đó là chuyện mười mấy năm trước.
Gần đây thì lại khác, không còn vấn đề 2 chế độ tính lương hưu cọc cạch như vậy nữa, nhưng các sĩ quan quân đội bây giờ lương tại chức cao hơn nhiều, và lương hưu của những người cùng cấp cũng cao hơn chúng tôi nhiều. Nói ra lắm lúc cũng thấy có gì như không công bằng lắm: Cũng thì sĩ quan, cái thế hệ chống Mỹ, khi tại ngũ phải chịu nhiều gian khổ ác liệt thì về hưu được đãi ngộ thấp; lớp sau phục vụ thời bình, dầu sao cũng có điều kiện sống và làm việc tốt hơn, vậy mà về hưu lại được hưởng lương cao hơn. Đành tự an ủi là ở đời còn có cái gọi là vận may, ai bảo bọn mình không gặp vận nào? Tuy đôi lúc có ‘hậm hực’ một chút vậy thôi, nhưng phần lớn thời gian tôi thường nghĩ mình “trông lên thì chẳng bằng ai, nhưng mà trông xuống chẳng ai bằng mình”. Dầu sao mình cũng có khoản thu nhập đều đều, chẳng cao chẳng thấp so với mặt bằng chung, nhà cửa thì không phải đi thuê, con cái thì cũng đã tạm gọi là tự túc được (chỉ còn phải giúp đỡ ít nhiều thôi), bản thân chưa có bệnh trạng gì nặng…như vậy chịu khó thu vén cũng gọi là yên ổn. Mỗi khi ra đường, thấy những người tròm trèm ‘thất thập’ như mình mà vẫn còn một nắng hai sương, chạy đôn chạy đáo bán vé số, lượm ve chai…, tôi lại càng tự an ủi: Số mình vẫn chưa phải kém may mắn. Rồi tôi lại thấy mình là quá may mắn khi so sánh với các đồng chí đồng đội cùng thế hệ với mình, những người từng vào sinh ra tử, đã hi sinh, bị thương hoặc giả còn sống lành lặn nhưng khi hết chiến tranh chỉ được hưởng chính sách phục viên xuất ngũ, về quê với món tiền ‘một cục’ ít ỏi, sau đó gần như trắng tay, tiếp tục đánh vật với trời để duy trì cuộc sống. Vì vậy, đối với tôi, đồng lương hưu rõ ràng là rất có ý nghĩa, rất quý giá.
Tuy vậy, mấy tháng trước đây, tôi vẫn không thể đồng ý khi nghe ông đại tá Trần Đăng Thanh lên lớp cho các giáo sư và các nhà quản lý các trường Đại học, ổng nói phải quý cuốn sổ hưu đến mức quên cả Tổ quốc, đến sẵn sàng giữ ‘ổn định’bằng mọi giá. Ngay lúc đó thì tôi nghĩ, sổ hưu cũng quan trọng, nhưng nếu phải đổi sổ hưu bằng cả độc lập tự do của Tổ quốc thì không thể được. Thà ra đường lượm ve chai, bán vé số…Sau đó tôi lại nghĩ, không có chuyện hi sinh cái nọ được cái kia như ông đại tá Thanh nói đâu, bởi vì dù có chịu nhịn bọn Tàu khựa đến đâu rồi cuối cùng cũng sẽ mất hết, cả sổ hưu lẫn độc lập tự do của Tổ quốc. Một hôm tôi nói với cha tôi: “ Bố ạ, con lo rằng, nếu các vị như Trần Đăng Thanh định cố ép dân mình nằm im, không biểu tình chống Tàu, cho các vị lãnh đạo xin được nó cho hai chữ ‘ổn định’, để rồi các vị ấy ‘xây dựng kinh tế đất nước’ bằng các dự án phiêu lưu hoặc các đầu tư tràn lan chẳng ai kiểm soát được, kể cả việc lấy quỹ bảo hiểm đi đầu tư mạo hiểm thì rồi chẳng còn đồng tiền nào mà trả lương hưu đâu bố nhỉ. Chẳng nhẽ lại đi vay tiền nước ngoài về để trả lương hưu?” Cha tôi nói: “ Bố chưa thấy nói có nước nào vay được tiền để trả lương hưu, người ta chỉ cho vay tiền để kinh doanh, vì người ta còn trông anh kinh doanh có lãi để có tiền trả cho người ta chứ, vay tiền trả lương hưu hết đi thì lấy đâu ra tiền trả nợ ?” Tôi nói tiếp: “Nếu nhà mình đều không còn lương hưu mà lĩnh nữa thì con tính thế này có được không: cái sân nhà mình trông ra ngõ này cũng khá đông người đi lại, hay bố cho con mở cổng ra làm chỗ bán hàng bún ốc? Mỗi ngày con cố bán mấy chục bát, lấy lãi độ trăm bạc tạm đủ tiền đi chợ cho bố con mình nhé?”.Bố tôi làm ra vẻ vui, bảo: “Ờ, con làm bún ốc cũng khá đấy, nếu cần thì cứ mở hàng, bố ủng hộ. Có thể lắm, nếu cứ đà ‘ổn định’ kiểu này thì có ngày hết cả lương hưu thật”.Bố con vui vui được một lúc rồi lại buồn ngay: nói vậy thôi, chứ đồng lương hưu mà chẳng còn thì đã chắc gì có nhiều khách ăn bún ốc, mặc dù nó là thứ quà bình dân rẻ tiền mà ngon miệng? ! Với lại, nhà mình đã vậy, cả nước thì sao đây?
Biết là lương hưu nó vạy, đối vói sĩ quan cũng không công bằng, mà cũng ‘cầm lòng vậy, bằng lòng vậy’. Nước mình từ xua nay vẫn thế, có chính sách nào nhất quán, đồng bộ đâu. Không riêng cái hính sách giá –lương-tiền, nghĩ cho cặn kẽ mọi chuyện thấy người ta thích làm kiểu gì cũng được. Tôi được biết, ở nông tôn trên cùng mảnh đất, ông chủ nhiệm HTX này thì đưa vào diện tích lúa cao sản, ông khác lên lại lên liếp trồng cây, ông sau lại đào ao thả cá…
2./ Tê tái đọc tin Detroit phá sản
Đang lúc còn ái ngại chuyện sổ hưu thì bỗng có tin: thành phố Detroit vào hàng lớn nhất nước Mỹ đã “chìm trong khủng hoảng kéo dài” và buộc phải tuyên bố phá sản với khoản nợ 18,5 tỷ USD. Nghe tin mà lòng thêm tê tái. Nhưng tê tái đâu phải vì có lòng nhân ái mênh mông, tinh thần quốc tế cao cả, thương cảm cho cái thành phố xa xôi ở tận bên kia bán cầu, thực ra cái chính là vì ‘trông người mà ngẫm đến ta’ đó thôi…Báo Thanh niên cho biết: Detroit từng là cái nôi của ba đại gia xe hơi (Ford, Chrysler, General Motors), từng là thành phố đông dân hàng đầu nước Mỹ, vậy mà chỉ vì “quản lý tài chính kém, dân số giảm liên tục, nguồn thuế giảm trong nhiều thập niên”…dẫn tới nợ nần chồng chất, đi đến phá sản. Thảm cảnh của Detroit hiện nay là: 10.000 công chức không biết đi về đâu.
Ở Việt Nam ta, chưa bao giờ từng nghe nói đến việc cả một thành phố (dù chỉ là thành phố nhỏ) phải tuyên bố phá sản. Thậm chí, ngay một cái doanh nghiệp nhà nước như Vinashin, Vinaline kia, cũng do quản lý yếu kém, làm ăn lỗ lã thất thoát, nợ nần chồng chất, đang muốn tuyên bố phá sản mà có vị lãnh đạo còn chần chừ chưa muốn cho tuyên bố nữa là (việc lạ lùng này chính đài truyền hình quốc gia VN cũng đã thừa nhận rằng hiện nay ở nước ta nhiều doanh nghiệp đang ‘muốn chết mà không được chết’ vì ‘luật phá sản chưa đi vào cuộc sống’ ) - cái nước ta nó thế! Mà theo số liệu của báo Tuổi trẻ, đến tháng 4-2013 đã có hơn 58.000 doanh nghiệp giải thể hoặc ngừng hoạt động (doanh nghiệp đã chết dở thì lấy ai đóng thuế cho ngân sách đây?).
Thiển nghĩ, chưa từng nghe phá sản quy mô thành phố (hoặc cấp lớn hơn) không có nghĩa là sẽ không có phá sản. Người ta nợ không trả được, người ta phải phá sản. Ta có thể có nợ không thể trả được không? Có thể lắm! Nhiều là khác, và thực ra đã nợ ngoài ngưỡng an toàn rồi. Con số nợ của các tập đoàn và tổng công ty Nhà nước theo ông Vương Đình Huệ cung cấp là 1,3 triệu tỷ (có người tính là 65 tỷ USD); còn có những con số khác kinh hoàng hơn: họ nói, theo số liệu thống kê của LHQ (cuối năm 2012) số nợ của VN là từ 150 đến 170 tỷ USD…Nợ lớn như vậy, sẽ trông vào đâu để trả nếu cứ tiếp tục đầu tư lấy được bằng các dự án vay nước ngoài nhiều tỷ đô la? Cứ tiếp tục làm kinh tế theo kiểu vén tay áo sô đốt nhà táng giấy, động tí là duyệt chi hàng nghìn tỷ, chi tiêu cỡ nghìn tỷ mà cứ nhẹ như nhà dân tiêu tiền nghìn đồng VN vậy!
Chưa có gì sáng sủa khi chưa có một biện pháp hữu hiệu nào chống được tham nhũng lãng phí trên quy mô ngày càng lớn với mức độ ngày càng tràn lan (điều này chẳng ai xa lạ, chính ông Tổng bí thư đã xác nhận: “Tham nhũng nhìn đâu cũng thấy, sờ đâu cũng có”; còn ông Đỗ Văn Đương, ở ủy ban tư pháp Quốc hội, thì nói: “Hiện mới chỉ phát hiện được tham nhũng vặt”…). Ngày ngày chỉ xem báo quốc doanh thôi, đã phát ngốt lên với những tin tham nhũng lãng phí (chỉ xin nêu một số tin mới nhất như ở tờ Thanh niên (giấy) ngày 19-7-2013, trên trang nhất: “Khó phát hiện tham nhũng vì người tham nhũng có chức vụ”; ngày 20-7-2013 cũng trang nhất: “Lãng phí lớn ở VNPT”; ngày 27-7-2013, lại trang nhất: Có lời đe nẹt “không bán nợ xấu sẽ bị thanh tra” với các con số nợ xấu của các ngân hàng là 14.000 tỷ; khó thi hành án 1.200 tỷ) v.v.. và v.v..
Xem ra, có gì là quá đáng, là hoang đường không, khi nghĩ rằng: Chỉ vì quản lý vĩ mô vừa không có tâm lại không đủ tầm, gây ra nợ nần chồng chất mà chưa hề thấy cách nào, chưa hề trông vào món nào để có thể trả, đã vậy lại vẫn lao đầu vay tiếp những món nợ khủng để đưa và những dự án khủng…khiếp, thì rồi một ngày nào đó sẽ có nguy cơ phá sản cấp nhà nước ? Lúc đó hàng mấy chục triệu người lĩnh lương từ ngân sách sẽ đi về đâu, sổ hưu sẽ ở đâu? Thật cười ra nước mắt mà nói rằng, bố con chúng tôi lúc đó phải đánh liều áp dụng ‘giải pháp bún ốc’ vậy (dẫu biết rằng giải pháp bún ốc cũng mong manh chẳng đáng tin cậy tí nào - như phần trên đã nói) .Nhưng còn việc quan trọng hơn là, sẽ có giải pháp nào cho đất nước ta? ( Mời độc giả hãy phát huy tinh thần làm chủ để đóng góp giải pháp cho đất nước ta !).
N.N.B
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét