Hố bộc phá trên đồi A1 - "Trở lại Điện Biên" |
* MINH DIỆN
Mấy bữa nay trên trang Blog Bùi Văn Bồng, nhiều bạn đọc sôi nổi trao đổi chung quanh “Chuyện của anh Bủi Viên”do Nghệ sĩ Kim Chi ghi chép. Anh Bùi Viên kể lại câu chuyện mấy chục năm trước, anh bị công an ‘mời công tác’ dịch những lá thư của một số nghệ sỹ trong ngành điện ảnh (đồng nghiệp, đồng môn) bị nghi là phần tử xét lại,trong đó có các anh Huy Vân, Vũ Huy Cương. Trong số ý kiến bạn đọc có một comment nguyên văn như sau: “Có một người nổi tiếng thời ấy là Nguyễn Thụ cụt chân. Ông này tốt xấu thế nào ít người nhắc tới. Nghe nói ông này được lãnh đạo quan tâm và đối xử rất tệ với anh em. Vậy ai biết chuyện nguyên cục trưởng Nguyễn Thụ nói lại cho mọi người nghe xin cảm ơn”.
Đọc comment đó, tôi bỗng nhớ lần cuối cùng gặp anh Nguyễn Thụ (*). Chiều hôm ấy, Nguyễn Minh Quang gọi điện cho tôi : “Chú ơi, có anh Nguyễn Thụ vào chơi. Mời chú sang ăn cơm cho vui!”.
Nguyễn Minh Quang là em chị Nguyễn Thị Lợi, vợ anh Nguyễn Thụ, và là cháu rể tôi. Nhà Quang cách nhà tôi có một đoạn đường, tôi đi bộ qua khi thành phố sắp lên đèn.
Anh Nguyễn Thụ đứng ở cửa,mặc chiếc áo vải đũi cài khuy kiểu cổ, tay chống gậy, nghiêng người xuống bắt tay tôi, nhiều sợi tóc trắng xòa xuống cái trán nhiều nếp nhăn,miệng cười, phong thái toát lên vẻ thanh thản của một người đã rời xa quyền lực .
Tôi đã nghe Trần Luân Kim , Phạm Lân và một số bạn bè nói nhiều về Nguyễn Thụ , nhưng mới gặp anh loáng thoáng một vài lần.
Anh khởi nghiệp từ một chiến sỹ quay phim trên chiến trường, từng học đạo diễn ở Liên Xô, và bộ phim tài liệu đầu tay “Trở lại Điện Biên” cùng làm với các anh Tô Lương, Như Ái, Dương Đình Thọ, năm 1959 được trao giải Vàng tại Liên hoan phim Á Phi, Jakarat, Indonesia 1964.
Nguyễn Thụ ít nổi tiếng về nghệ thuật, nhưng những năm sáu, bảy, tám mươi thế kỷ trước, nói đết điện ảnh Việt Nam không thể không nhắc đến Cục trưởng Nguyễn Thụ. Anh đã cùng các nghệ sỹ giàu tâm huyết, được đào tạo rất cơ bản ở Liên Xô đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng ngôi nhà nghệ thuật thứ bảy của Việt Nam , và đã có những thành công đáng kể. Từ bộ phim truyện đầu tiên “Con chim vành khuyên” , đến “ Chung một dòng sông”, “Vợ chồng A Phủ”, rồi “Đêm hội long trì”, “Vĩ tuyến Mười bảy ngày và đêm” và hàng trăm bộ phim thời sự, tài liệu bám sát cuộc sống lao động , chiến đấu của nhân dân ta, rất giàu chất liệu và cảm xúc , đã đi vảo lòng người. Cho dù người ta có ý kiến về trường phái này, trường phái kia,hoặc có người nói là dòng phim mang nặng tính tuyên truyền, nhưng có một sự thật là,những bộ phim thời ấy đã được thực hiện công phu, bằng cảm xúc thật, và bằng trách nhiệm cao của những người làm phim, từ đạo diễn, diễn viên, quay phim đến quần chúng. Thành công ấy có phần đóng góp của cục trưởng Nguyễn Thụ.
Nghệ sĩ Điện ảnh Nguyễn Thụ |
Trong suốt thời gian dài trên cương vị ấy, Nguyễn Thụ không “thiếu trách nhiệm gây ra hậu quả nghiêm trọng” như cái ông cục trưởng làm thất thoát hàng chục tỷ đồng vừa qua, cũng không để xảy ra nhiều bê bối.
Nhưng có một dạo người ta xâu xúm vào đánh ông,mà cái cớ chỉ là một chiếc chân giả.
Nguyễn Thụ kể:
-Năm 1954, tôi lên Điện Biên Phủ quay cảnh trao trả tù binh Pháp. Đội quay phim phải đi tắt qua mấy quả đồi để tới một bản người Thái , nơi tù binh đang tập kết. Trời mưa, đường lầy lội, cây cối rậm rạp. Những là cờ đuôi nheo đánh dấu vị trí bom mìn bị mưa gió làm gẫy đổ, nhòe nhoẹt trong mưa. Chúng tôi phải mò mẫn đi trong bãi bom mìn trong mưa gió lầy lội như vậy. Bỗng một tiếng nổ dậy đất, khói lửa nhoáng nhoàng, tôi bị hất nhào xuống vũng bùn. Anh Qúy Lực nó to: “Thằng Thụ bị trúng mìn rồi!” và anh bất chấp nguy hiểm lao tới cõng tôi chạy ra đường.
Trạm quân y của ta ở xa, đội quay phim phải nhờ một bác sỹ Pháp đang chăm sóc cho tù binh Pháp ở đó cấp cứu cho tôi. Một chân tôi đã bị gãy nát, phải cưa. Không có thuốc tê và dụng cụ phẫu thuật, viên bác sỹ dùng cồn 90 sát trùng và cưa bằng phương pháp thủ công. Đau lắm nhưng tôi cố cắn răng chịu dựng. Sau đó tôi được chuyển về bệnh viện Phủ Doãn , Hà Nội phẫu thuật lại và điều trị mấy tháng mới khỏi. Đạo diễn điện ảnh Liên Xô , Roman Carmen vào bệnh viện thăm tôi và chính ông là người đề nghị cho tôi sang Liên Xô học điện ảnh.
Suốt thời gian dài Nguyễn Thụ đi nạng. Năm 1972, Jane Fonda , diễn viên điện ảnh, người mẫu và nhà hoạt động xã hội nổi tiếng Mỹ, sang thăm Việt Nam . Khi làm việc với Nguyễn Thụ, Jane Fonda rất cảm động trước thái độ chân thành và nhiệt tình của người thương binh cụt chân, chị hứa là sẽ tặng anh một cái chân giả, nhưng bấy giờ đang chiến tranh không thực hiện được. Mãi sau này, trong một chuyến công tác tại Mỹ, Nguyễn Thụ mới được Jane Fonda đưa tới một cơ sở làm cho chiếc chân giả như chị đã hứa.
-Tôi không biết cái chân giả trị giá bao nhiêu tiền, anh Nguyễn Thụ nói,và đó là món quà duy nhất chị Jane Fonda cho tôi. Vậy mà khi về nước tôi gặp bao nhiêu chuyện rắc rối. Người ta bảo cái chân giả của tôi trị giá hàng chục ngàn đô la, và trong chuyến đi Mỹ đó , ngoài chiếc chân giả, tôi còn mang về một đống tiền. Có bài báo lúc đó còn viết bóng gió, rằng tôi không bị thương trong khi làm nhiệm vụ mà là nghịch lựu đạn. Buồn lắm!
Câu chuyện của chúng tôi lam man đến việc này việc khác, người này người khác. Cuối cùng tôi hỏi anh Nguyễn Thụ:
- Sau tất cà những thành công và thất bại, những vinh quang và cay đắng, bây giờ anh cảm thấy tiếc nhất điều gì?
Anh Nguyễn Thụ không càn suy nghĩ lâu, trả lời tôi ngay. Hình như đó là điều anh đã nghiền ngẫm rất sâu sắc rồi, trong những năm tháng rời xa quyền lực, và ngồi thiền để tĩnh tâm. Anh nói:
- Điều tôi càm thấy tiếc nhất, là tìm đến Đạo Phật quá muộn, anh Minh Diện ạ!
Tôi hỏi thêm:
- Khi tìm đến với Đạo Phật, anh ngộ ra điều gì sâu sắc nhất:
- Đó là lời Đức Phật dạy: “Dừng lại là bờ, buông gươm là Phật”.
Tôi chia tay Nguyễn Thụ, anh ấy hẹn khi nào ra Hà Nội gặp lại . Nhưng tôi chưa kịp ra Hà Nội thì được tin anh ấy mất, tuổi 72, ra đi thanh thản.
Một “Thời xa vắng” và ngay cả bây giờ ,do hoàn cành khách quan, có khi người ta đối xử với nhau quá đáng. Vậy có nên khoét sâu thêm hay hãy “Dừng lại là bờ, buông gươm là Phật” như lời Đức Phật dạy , xin tùy sự lựa chọn của mỗi người.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét