Thứ Năm, 11 tháng 7, 2013

HOÀNG SA - KÝ ỨC CỦA MỘT TRƯỞNG ĐẢO

           

* MINH DIỆN
           Năm kia, vào đúng ngày 19-1, tôi cùng người bạn đồng nghiệp báo Tiền Phong, vào thăm phòng truyền thống của huyện đảo Hoàng Sa trên đường Yên Bái, thành phố Đà Nẵng. Hai chúng tôi đang chăm xem tập Atlat “Trung hoa dân quốc dư đồ”do Tổng cục Bưu chính Trung hoa dân quốc phát hành năm 1919-1933, thì một người đàn ông nói với chúng tôi:
         - Trong cuốn Atlat ấy không hề thể hiện địa danh Hoàng Sa, Trường Sa trên bản đồ lãnh thổ Trung quốc. Hai quần đảo thiêng liêng ấy là của chúng ta, của Việt Nam...
Giọng nói của người đàn ông không nén được xúc động. Tôi chào ông và nắm bàn tay gầy guộc của ông tỏ thái độ đồng tình. Ông nói với chúng tôi:
         -  Tôi là Nguyễn Văn Đức, từng làm Trưởng đảo Hoàng Sa!
         Qủa thật tôi không thể tin vào mắt, vào tai mình vì cuộc hội ngộ quá bất ngờ. Tôi nhìn kỹ người đàn ông trạc ngoài sáu chục tuổi, cao gầy, khuôn mặt khắc khổ sạm đen , mái tóc muối tiêu , và hỏi:
         - Anh làm Trưởng đảo Hoàng Sa năm nào ạ ?
         - Hơn bốn chục năm trước,1969 !
         Chúng tôi ra bến Tiên Sa, ngồi nhâm nhi ngụm cafe đắng  nhìn ra biển. Chiều hoàng hôn, những con sóng chập trùng đỏ rực ánh mặt trời như có vết máu loang.  Hình ảnh đó gợi lên trong lòng người đảo Trưởng đảo Hoàng Sa những ký ức xa xăm, và ông xúc động chia xẻ cùng chúng tôi:
         - Cuối tháng 10 năm 1969, từ bến cảng này, tôi và 34 chiến sỹ cùng 4 nhân viên khí tượng lên tàu ra Hoàng Sa. Nhiệm vụ của chúng tôi là canh giữ đảo và biển trời của Tổ quốc. Ngoài ra chúng tôi còn đo đạc thủy triều, quan trắc hiện tượng thời tiết, ghi chép diễn biến khí hậu trên đảo, báo về đất liền hàng ngày, phục vụ ngư dân đánh cá, và  tàu bè lưu thông trong vùng. Ngày ấy tôi mới 22 tuổi, một chuẩn úy vừa ra trường, được cử làm Trưởng đảo thứ 38 của quần đảo Hoàng Sa, trực thuộc Bộ chỉ huy biệt khu Quảng Đà...
Ông Nguyễn Văn Đức
kể lại Hải chiến Hoàng Sa
             Ông Nguyễn Văn Đức kể, lúc mới rời cảng Tiên Sa trời yên biển lặng, nhưng càng xa bờ sóng gió lớn dần. Cách đất liền khoảng  sáu mươi hải lý thì con tàu chao đảo trên sóng  gió dữ dội . Phải vật lộn với sóng gió hơn  24 tiếng đồng hồ trung đội cùa ông  mới tới Hoàng Sa. Nổi lên giữa đại dương, Hoàng Sa  được bao quanh bởi những  rặng san hô. Hôm ấy tàu không cập cảng được, trung đội của ông Nguyễn Văn Đức phải dùng xuồng máy chuyển quân  và vũ khí , khí tài.
             Ông Đức nói tiếp:
             - Trên đảo Hoàng Sa có ngôi nhà Trưởng đảo, xây từ thời Pháp thuộc, cao khoảng 8 mét, tường dày gần 2 mét. Trên bức tường ấy ghi tên tất cả những người lính đã từng ra giữ đảo. Tên tôi cùng các chiến hữu trong trung đội  và 4 nhân viên khí tượng cũng được ghi trên đó. Trước tôi đã có 37 Trưởng đảo và hơn 1.000 chiến hữu được ghi tên trên tường. Chúng tôi coi đó là niềm vinh dự vì  được đứng trên mảnh đất đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ Quốc.
              Giữa đảo có tấm bia chủ quyền của Việt Nam, lập từ đầu thế kỷ 17.  Cách  không xa là một nghĩa trang có 30 ngôi mộ. Đó là mộ của các chiến sỹ giữ đảo hy sinh vì bệnh tật, và những lần đụng độ với bọn ngoại bang toan cướp đảo. Cũng có mộ của những ngư dân nước ta gặp nạn khi đánh cá trên vùng biển Hoàng Sa.
             Cạnh nghĩa trang có ngôi miếu rất linh thiêng. Mỗi khi thấy lòng bất an, chúng  tôi  thường vào miếu thắp nhang. Khi khói nhang tỏa hương thơm , sóng gió như dịu bớt, và  mọi người cảm thấy rất gần gũi đất liền, quê hương, bạn bè, người thân như ở bên mình.
            - Các anh biết không, ông Đức xúc động, Hoàng Sa giàu và đẹp vô cùng. Ngư dân đánh bắt ở  vùng biển  Hoàng Sa thu được  nhiều cá hơn các vùng biển khác. Những hàng cây trên Hoàng Sa tỏa bóng mát quanh năm. Và mỗi khi triều xuống, những  rặng san hô hiện lên, lộng lẫy đủ màu dưới ánh mặt trời,  như một rừng hoa . Chúng tôi thường ngắt một cụm san hô để trong chậu nước và bắt mấy con cá nhỏ bỏ vào cho nó bơi...
           Ngày ấy, ông Đức nhớ lại, tàu bè quốc tế thường xuyên qua lại vùng biển Hoàng Sa, họ rất tôn trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Ông và những người lính giữ đảo sẵn sàng giúp đỡ tàu bè qua lại, vả thường xuyên tới đảo Cát, đảo Chim, đảo Elbe, đảo Dunmon, đảo Duncan ...để cắm  cờ chủ quyền trên mảnh đất của ông cha đề lại...
           Ông Đức xúc động, trầm giọng xuống nhưng rành rẽ từng lời:
           - Tôi về đất liền nhưng vẫn thường liên lạc với anh em ngoài đảo. Khi nghe tin ngày 19-1-1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa và hầu hết các chiến hữu hy sinh, tôi đã khóc. Quần đảo Hoàng Sa  giàu đẹp của Tổ Quốc, thấm bao mồ hôi xương máu cha ông, của chiến hữu và bản thân tôi từng gắn bó đã bị ngoại bang chiếm mất rồi!  Liệu chúng  có để yên những nấm mồ anh em bà con mình, hay đập phá đi như tấm bia chủ quyền của Việt Nam? Chúng cũng đâu có để yên cho các vùng đảo khác của Tổ quốc ta.
             Chúng tôi đứng lặng nhìn ra biển. Ngoài khơi kia, chỉ 24 giờ tàu chạy, Trung Quốc đã xây dựng lên cái gọi là thành phố Tam Sa trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và đang lăm le chiếm luôn Trường Sa. Trên vùng biền đảo của Tổ quốc, ngư dân ta đang  bị uy hiếp, bị cướp, vì những cái gọi là “tàu lạ”...
             Tôi lặng lẽ chia tay ông Đức, mang theo ký ức vể Hoàng Sa của một người Trưởng đảo.

             Hôm nay nghe tin ngoải Hà Nội tổ chức triển lãm trưng bày rất nhiều hiện vật và tài liệu quý khẳng định chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam, tôi ghi lại mẩu ký ức đó. Hy vọng ký ức của một người Trưởng đảo giúp bạn đọc hiểu thêm về Hoàng Sa mảnh đất thân yêu của Việt Nam.  
M.D
--------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét