* BÙI VĂN BỒNG
Trong các nghị quyết của Đảng đều nêu rõ mục tiêu phấn đấu là “xây dựng xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Từ hơn nửa thế kỷ qua, trong nghị quyết các kỳ đại hội đảng đều nhấn mạnh và kết luận phải như vậy, cần như vậy. Thế nhưng, ta đã xây dựng một xã hội dân chủ như thế nào, hiệu quả thực thi dân chủ đến đâu?”
Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789 ghi rõ: "Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi".
Lịch sử đấu tranh về nhân quyền và dân quyền trên thế giới đã ghi nhận bản Tuyên ngôn trên đây của cách mạng Pháp là văn bản nền tảng của các mạng dân chủ nhân dân, trong đó qui định các quyền cá nhân và quyền tập thể của tất cả các giai cấp là bình đẳng. Văn bản này thiết lập các quyền cơ bản cho tất cả công dân Pháp và tất cả con người không ngoại lệ, nó được coi là tiền thân của các phương thức nhân quyền quốc tế. Điều 21, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948, cũng nêu rõ: “Mọi người đều có quyền tham gia vào chính quyền của đất nước mình...Ý chí của nhân dân là cơ sở tạo nên quyền lực của chính quyền”.
Dân chủ luôn luôn là ước vọng của con người trong mọi thời đại, mọi dân tộc. Nó cần như cơm ăn, áo mặc, nước uống hằng ngày. Dân chủ là thước đo chất lượng cuộc sống văn minh xã hội và năng lực quản lý của một nhà nước.
Dân chủ không phải tự nhiên mà có. Lịch sử đất nước ta đã chứng minh, muốn có một xã hội thực sự dân chủ, thực sự văn minh, lành mạnh phải đấu tranh, thậm chí phải hy sinh biết bao xương máu. Dân chủ và cuộc đấu tranh vì dân chủ hay dân chủ hóa, cũng như hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển, là một xu thế lớn của thời đại. Cuộc đấu tranh vì dân chủ, cũng như vì hòa bình, độc lập dân tộc, hợp tác và phát triển mặc dù còn gặp nhiều khó khăn và thử thách, nhưng đã và đang có những bước tiến mới. Hơn thế, dân chủ và dân chủ hóa còn ngày càng trở thành mục tiêu và động lực, nội dung và phương thức của phát triển xã hội theo hướng phát triển hướng tới công bằng, văn minh và thực sự bền vững.
Ở nước ta hiện nay, dân chủ trở thành mục tiêu và động lực của công cuộc đổi mới. Vấn đề dân chủ và dân chủ hóa ngày càng có tầm quan trọng to lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Những thành tựu của quá trình dân chủ hóa đang góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, toàn Đảng toàn dân ta cũng đang nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức trong quá trình dân chủ hóa, văn minh hóa một xã hội đang phấn đấu vươn tới hiện đại hóa. Nhận thức về vấn đề dân chủ đã khó khăn và phức tạp, nhưng nhận thức về dân chủ hóa hay quá trình hiện thực hóa những mơ ước, những giá trị dân chủ trong đời sống còn khó khăn và phức tạp hơn nhiều. Những vấn đề về mục tiêu, động lực, nội dung, hình thức và phương pháp; nguyên nhân, kinh nghiệm, nguyên tắc, phương châm và bước đi của dân chủ hóa luôn là những vấn đề khó khăn và mới mẻ đòi hỏi phải giải quyết một cách đồng bộ, cần sự hợp lực rộng lớn để chuyển biến, thay đổi từ tư duy, nếp nghĩ, thói quen , lối sống đến những hành động tổ chức thực thi.
Hiện nay, dân chủ cần được hiểu là dân chủ trong Đảng và dân chủ toàn xã hội, dân chủ ngay trong các cộng đồng dân cư, dân chủ trong môi trường sống, lao động, học tập, sinh hoạt xã hội. Thế nhưng, một thực tế phải ghi nhận là từ cán bộ, đảng viên đến quần chúng lao động đều chưa thực sự biết sử dụng và phát huy quyền dân chủ của mình. Và người ta thấy do sự thiếu gắn kết Dân với Đảng, do những cách thức làm việc và sự áp đặt của chính quyền, dân chủ nhiều khi chỉ là hình thức. Người dân không được thấu đáo là dân chủ thì mình được hưởng quyền đó như thế nào? Và mình được thực hiện quyền dân chủ ra sao. Các vụ xảy ra với hành động điều công an bất chấp pháp luật trấn áp dân thẳng tay như Tiên Lãng, Văn Giang, Vụ Bản, lình xình kéo dài như Dương Nội, rồi biết bao vụ người dân có đất, thậm chí ông bà để lại cả chục nghìn m2 đất, nhưng nay rơi vào cảnh bị trắng tay, oan ức, thiệt thòi đi kiện chán đành về cam chịu cảnh không đất, không nhà, đi làm thuê, đi ở cho nhà giàu để kiếm sống, vậy nền dân chủ xã hội mang tiếng là tốt đẹp nay ở đâu? Ngoài ra, còn nhiều vụ bắt bớ, giam cầm, xét xử khiến dư luận đều cho là cơ quan công quyền đã xử oan sai, vi phạm quyền dân chủ. Trong khi đó, khẩu hiệu hành động và tiêu chí nêu bản chất: "Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ", quân đội "Trung với nước, hiếu với dân".
Trong các vụ việc nổi cộm, chính quyền sử dụng LLVT vào việc cưỡng chế đối vơi sngười dân. Vấn đề cần nêu lên là nhận thức của các cán bộ, đảng viên cấp thừa hành và tại cơ sở về các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng thế nào? Tại sao một mệnh lệnh sai trái, một hành động sai pháp luật rành rành mà không ai lên tiếng? Vũ khí đấu tranh để bảo vệ công bằng, lẽ phải, bảo vệ chân lý ở đâu? Thừa hành mệnh lệnh mà gây ác, hoặc lờ đi trước tội ác cũng là tiếp tay cho tội ác. Những đảng viên là sĩ quan công an, quân đội, những chỉ huy dân quân là đảng viên, trước hết phải tự xem xét cái chất đảng, bản lĩnh người đảng viên thế nào, có còn xứng đáng hay không? Nhiệm vụ thứ 3 của người đảng viên là: “Luôn luôn thắt chặt mối liên hệ với quần chúng, phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, hết lòng, hết sức phục vụ quần chúng, đặt lợi ích của Đảng, của nhân dân lên trên lợi ích cá nhân… Phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của quần chúng, chăm lo đời sống của quần chúng... Phải thường xuyên làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng, phát triển ảnh hưởng của Đảng trong quần chúng, kiên quyết đấu tranh chống quan liêu, mệnh lệnh, độc đoán, chuyên quyền, xa rời thực tế, xa rời quần chúng”.
Còn trong các tầng lớp quần chúng cũng có những người chỉ chăm chắm lo “thủ” cho cái tôi bé nhỏ, sinh ra co lại, trùm chăn an phận, sống theo kiểu “mũ ni che tai, đèn nhà ai nhà ấy rạng”, “chuyện ai kệ ai, mặc gai trước mắt”, từ đó sinh ra hiện tượng lối sống vô cảm. Do đó, sức manh đoàn kết cộng đồng bị dần dần yếu đi, thậm chí như bị triệt tiêu. Một số vụ thấy người hàng xóm, người trong cơ quan, đơn vị bị ức hiếp quá đáng, nhưng không ai ra mặt can thiệp, chuyện ai người ấy gánh, phận ai người đó chịu, đấu tranh-tránh đâu, nói có ăn nhằm gì. Hoặc không ít người quan niệm: “Họ mất chất cộng sản rồi đấy, nhưng dây vào họ làm gì, chỉ sinh phiền toái, chẳng phải đầu cũng phải tai”.
Tâm lý sợ bị trù dập, sợ trả thù, hoặc tâm lý tự ti là dân không quyền hành nên không dám lên tiếng là rất phổ biến và tai hại. Có những cán bộ, đảng viên biết là nói sai, nói và làm sẽ có hại cho dân, sẽ ảnh hưởng uy tín Đảng, nhưng ỷ vào cấp trên, nịnh cấp trên, muốn cái lợi trước mắt gì đó, mà vẫn cố tình nói liều, nói ẩu, làm sai, bao che cho cái sai. Thực hiện quyền dân chủ, đấu tranh vì nền dân chủ thực sự nhiều khi rất cần bản lĩnh, dũng khí, chính kiến rõ ràng. Những biểu hiện đó, suy cho cùng là chính mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cũng chưa phát huy quyền dân chủ của mình. Mặc kệ những đau khổ, thiệt thòi, oan khốc của người khác; mặc kệ cho sự vi phạm dân chủ một cách trắng trợn, tưởng như được an toàn cho bản thân, gia đình, nhưng đến lúc nào đó cái nạn đến với chính mình, rồi cũng đành phải cam lòng gánh chịu.
Dân chủ thường được hiểu là quyền lực của nhân dân, nhưng quyền lực đó phải được pháp luật bảo vệ mọi lúc mọi nơi thì mới phát huy được hiệu quả, nếu không thì số đông cũng bị một vài cá nhân quyền lực trấn áp một cách vô lý và oan ức. Cho nên, khi người dân không được giáo dục, tạo điều kiện để nâng cao nhận thức “biết thụ hưởng quyền làm chủ” hợp pháp thì quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn rất khó đến được với họ.
Có một thực tế là các "quan tham" và "quan dốt" né tránh dân chủ, sợ mở rộng dân chủ sẽ nhiều bất lợi cho mình, nhất là những việc làm sai trái khó che đậy và vô cùng khó lý giải trước dân. Đó là cái mầm tư tưởng sinh ra co lại "phòng thủ" với dân chủ, dẫn tới độc đoán, chuyên quyền.
Trình độ dân trí càng thấp thì sự thiệt thòi của họ càng thêm gia tăng, cái xấu, cái ác nghiễm nhiên tự tại. Nhưng về bản chất, dân chủ liên quan chặt chẽ tới các nguyên tắc quyền con người, do đó không thể thực hiện dân chủ đầy đủ và rộng rãi nếu như không đảm bảo đầy đủ việc tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người. Ngoài quyền tham gia và quyền đại diện, dân chủ còn có tính bao hàm, tức là quyền này có đầy đủ trong cuộc sống của công dân ở một cộng đồng, một khu vực hay một nhà nước. Cách thức để mỗi công dân đều có thể thực hiện đầy đủ quyền được tham gia là ở quyền được tự do sống theo Hiến pháp, pháp luật mà không bị thói cường quyền xâm phạm.
Để “Quy chế dân chủ cơ sở” được phát huy rộng rãi, thực sự đi vào cuộc sống, trước hết cần thường xuyên tăng cường giáo dục cho mọi cán bộ, đảng viên có quan điểm tư tưởng, có lập trường cộng sản kiên định, nhận thức thật đúng đắn và sâu sắc về mối quan hệ Đảng lãnh đạo với thực thi dân chủ. Cần phát hiện và xử lý kỷ luật kịp thời và nghiêm minh những cán bộ, đảng viên vi phạm dân chủ. Muốn thực hiện dân chủ xã hội rộng rãi, trước hết phải thực sự dân chủ trong Đảng. Nếu như ngay trong nội bộ Đảng cũng bị mất dân chủ, thì chẳng thể mong thực hiện dân chủ toàn xã hội. Dân chủ trong Đảng phải gắn chặt với thực hiện nguyên tắc, điều lệ Đảng, gắn với tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về dân chủ. Cũng cần chống lại những biểu hiện dân chủ giả hiệu, mị dân, lừa dân, hô khẩu hiệu một chiều mà tự xưng lên là “tôn trọng dân chủ”.
BVB
-----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét