Thứ Tư, 10 tháng 7, 2013

BẾN ĐÒ NEO


               * MINH DIỆN
             BVB - Không biết tự bao giờ người làng tôi gọi bến sông đầu làng là bến Đò Neo. Và đã trở thành một điểm hẹn đi vào câu ca dao nằm lòng: “Anh đi em đứng nhìn theo! Ngày ngày ra bến Đò Neo em chờ”. Bây giờ trên bến ấy, một chiếc cầu  đã bắc qua hai bờ, nối con đường ô tô từ quốc lộ 10 đi xuống biển Diêm Điền, người ta vẫn gọi cầu ấy là cầu Đò Neo. Nhiều  cuộc chia tay hoặc đoàn tụ vẫn lấy bến Đò Neo làm điểm hẹn. 
Ngày xưa bến Đò Neo nhô ra sông như một chiếc vai cày, có dậu tre  bao  quanh chắn sóng. Hai bên bờ là cánh đồng chiều, những thửa ruộng quanh năm ngập nước, chỉ cấy một loại  lúa chăm. Loại lúa ấy thân cao, cứng  như cây sậy, hạt thóc mẩy và dài, hạt gạo đỏ  như màu phù sa dưới sông, hạt cơm thơm dẻo, mặn mà. Người ta bảo cây lúa chăm cũng như dân làng tôi, sống ở mom sông  nên phải cứng cáp mới trụ được với sóng gió,và nhờ phù sa đỏ thắm của dòng sông quê  nên hạt gạo chăm cũng đỏ thắm thủy chung  và thơm thảo như lòng người!
            Tôi xa quê hơn bốn mươi năm trước, vào một buổi sáng đầu mùa gặt tháng Mười. Mẹ tôi gói nắm  cơm gạo chăm mới và dúm tép sông kho mặn trong chiếc mo cau  cho tôi mang theo  ăn đường. Hơn hai chục thanh niên trong làng  nhập ngũ  hôm ấy đều tập trung ở bến Đò Neo và đứa nào cũng mang theo nắm  cơm gạo chăm đầu mùa như tôi.
           Mẹ  tôi cùng các xã viên hợp tác  tiễn chúng tôi ở bến.  Khi chúng tôi lên đò qua sông, mọi người xuống đồng chiều gặt lúa. Qua bờ bên kia, nhìn lại, chúng tôi vẫn thấy những chiếc liềm, chiếc hái  huơ lên  vẫy .
            Hơn hai chục thanh niên hập ngũ hôm ấy, tôi và Tuất cùng xóm, và học cùng trường, từ cấp một đến cấp ba. Tôi  thứ tư trong gia đình tám anh chị em, còn Tuất là đứa con duy nhất của cô Nguyệt.
           Tuất nói với tôi:
           - Tao thương bu tao quá! Sao bu tao không  lấy chồng khác  cho đỡ khổ...
           Nhìn hai mắt đỏ hoe của Tuất, tôi nói vui:
           - Mày đi, ở nhà một mình  buồn, có khi cô Nguyệt  đi lấy chồng khác ?
            Cô Nguyệt lấy chồng từ năm mười sáu tuổi, mười bảy sinh đứa con đầu lòng là Tuất , cũng từ đó cô bị chồng bỏ rơi. Mười chín năm một mình cô  tần tảo nuôi  con ăn học. Giờ Tuất đi bộ đội, cô Nguyệt ở một mình. Cô mới 36 tuổi, là một phụ nữ đẹp và đảm đang nhất làng Mom.
             Hôm ấy, lúc chúng tôi xuống đò, cô Nguyệt  không khóc như mẹ tôi và người khác, khuôn mặt trái xoan của cô xanh mét, dấu kín nỗi buồn sâu lắng. Cô nắm tay  tôi dặn:
           - Anh em  đùm bọc nhau nghe cháu!
            Chúng tôi sang Nam Định đi tàu lên trung du Phú Thọ. Ba tháng huấn luyện tân binh, Tuất và tôi cùng tiểu đội, sau đó tôi vào trường sỹ quan Công Binh, Tuất vào trường sỹ quan  Đặc công, rồi mỗi đứa một chiến trường, không đùm bọc được nhau như lời cô Nguyệt dặn.
            Năm 1975, lần đầu tiên tôi được về thăm quê sau mười năm xa cách. Bấy giờ chưa có cầu, tôi đứng  rất lâu ở bến Đò Neo chờ đò. Hình ảnh buổi chia tay mười năm trước bỗng hiện lên trước mắt tôi. Tôi nhớ lại từng đứa  bạn ra đi  ngày ấy , tự hỏi, không biết  ai cỏn ai mất.
            Về nhà , tôi nghe  tin Tuất và mười hai  anh em đi cùng đợt với tôi đã hy sinh.  Thế là mất một nửa.  Mẹ tôi bảo trong số đó chỉ có Tuất kịp lấy vợ,  để lại cho cô Nguyệt đứa cháu nội.
            Tôi cầm con Búp bê  mua ở Sài Gòn, qua  thăm cô Nguyệt . Vừa nhìn thấy tôi,  cô Nguyệt khóc òa  , gục đầu vào vai tôi nấc ngẹn .  Lúc sau cô mới  nói nói với tôi được vài lời:
            -Tháng  mười  năm 1968, Tuất về phép , thương cô một mình buồn,  nó cưới vợ rồi đi.  Không ngờ  tháng 6 năm 1969 , em  hy sinh  ở Quảng Trị, khi thằng  Lâm  chưa  chào đời.
            Tôi hỏi:
            - Cháu Lâm với chị Tuất đâu cô?
            - Thằng Lâm đi mẫu giáo , còn mẹ nó  lấy chồng khác, ra Quảng Ninh  lâu rồi cháu ạ!
            Hai hàng nước mắt chảy tràn trên đôi má cô Nguyệt. Mười năm trước cô đã cố giấu nỗi buồn, giờ cô không giấu nữa. Mới bốn mươi nhăm tuổi, tóc cô Nguyệt đã  bạc, khuôn mặt tóp lại, thân hình quắt queo như dẻ mạ khô. Tôi bỗng nhớ câu Tuất nói mười năm trước ở bến đò, cảm thấy thương cô Nguyệt vô cùng.
             Cô  Nguyệt là con út cụ giáo Bường, một thầy dạy chữ nho cuối cùng ở làng tôi.  Bố tôi và  tôi đều từng là  học trò của cụ. Cụ dạy học quanh năm, chỉ lấy mỗi học trò một thúng thóc chăm vụ tháng Mười.
             Tôi không thể nào quên mái đầu tóc bạc trắng đội khăn xếp của cụ cúi sát xuống cuốn sách trên  mặt chiếc tráp, chỉ cho tôi đọc từng chữ trong một đoạn kinh thư: “Thủy đề ngư, thiên biên nhạn. Cao khả xạ,  đê khả điếu. Duy hữu nhân tâm chỉ xích gian , chỉ xích nhân tâm bất khả liệu. Thiên khả đạc, địa khả lượng, duy hữu nhân tâm bất khả phòng. Họa hổ họa bì nam họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm. Đối diện lữ ngữ, tâm cách thiên sơn”.  Rồi cụ giảng nghĩa cặn kẽ cho tôi hiểu , là, cá ở đáy nước, nhạn ở trên trời, cao có thể bắn, thấp có thể câu, duy lòng người gần gang tấc  mà không thể liệu được. Trời có thể đo, đất có thể lường, duy lòng người không thể phòng được. Vẽ hổ vẽ da, khó vẽ xương, biết người biết mặt chằng biết lòng. Đối mặt cùng nhau chuyện trò nhưng biết đâu lòng xa như muôn trùng núi!  Cụ dẫn lời Khổng Tử  dạy chúng tôi phân biệt người hiền : “ Minh kính khả dĩ sát hình,vãng cổ khà dĩ tư kim”, nghĩa là soi gương để biết mặt,xét việc để biết người.
               Tôi vô cùng kính trọng cụ Bường. Cụ là người đức độ và có tri  thức  uyên thâm. Nhưng mỗi khi nghĩ đến cô Nguyệt thì tôi lại cảm thấy thất vọng về cụ.
               Tôi nghe cô Nguyệt kể, trong số học trò cùa cụ Bường, Vũ là người thông minh nhất. Năm mười  tuồi Vũ đã đọc được  kinh thư , lại  học giỏi cả chữ quốc ngữ là  chữ Pháp.  Năm 18 tuổi Vũ có bằng cao đằng tiểu học.(Diplome  d’E’tude  Primaire  Superieurs Pranco Indigene). Đang chuẩn bị thi lên trung học thì Vũ tham gia phong trào Thanh niên cách mạng đồng chí hội, và bị bắt, dày ra Côn Đảo.  Cách mạng tháng tám thành công,Vũ trở về và trở thành cán bộ tuyên truyền  cốt cán của huyện. Trong một lần về làng,Vũ đến thăm thầy cũ , vận động thày tham gia phong trào xóa nạn mù chữ, tình cờ  gặp cô Nguyệt. Ngày Vũ đi hoạt động cách mạng rồi bị bắt, cô Nguyệt còn là một đứa trẻ con ,giờ đã là một thiếu nữ mười sáu ,khuông mặt trái xoan, da trắng mịn, xinh đẹp như ánh trăng rằm. Vũ say đắm cô Nguyệt, bảo cha mẹ dạm hỏi.  Cô Nguyệt chưa muốn lấy chồng , nhưng cụ Bường sẵn yêu quý người trò giỏi , nên nhận lời. Đám cưới cô được tổ chức  vào  đúng ngày mùng  bốn tết năm  Bính Tuất, 1946, là đám cưới đầu tiên theo nghi thức  đời sống mới. Tháng mười năm ấy,Tuất, đứa con đầu lòng của cô ra đời ra đời.  Hai tháng sau tiếng súng toàn quốc kháng chiến bùng nổ. Giữa một đêm đông rét cắt ruột, cô Nguyệt bồng con tiễn chồng lên chiến khu. Con đò chờ Vũ rời bến Đò Neo lẫn vào bóng đêm mịt mùng, cô Nguyệt vẫn ôm ghì con vào lòng đứng trên bến.
               Từ ngày ấy không ngày nào cô Nguyệt không ra bến Đò Neo ngóng chồng. Có lần máy bay Pháp ném bom bến Đò Neo,bờ tre xơ xác, cô Nguyệt vẫn bồng con ra đứng giữa đám đổ nát còn khét khói bom . Có buổi chiều bộ đội hành quân qua, mũ nan  thấp thoáng , cô Nguyệt thắt thỏm chờ bước chân Vũ bước vào nhà. Năm tháng cứ thế trôi đi, lời Vũ luôn văng vẳng bên tai cô Nguyệt: “Kháng chiến nhất quyết thành công, anh sẽ về với mẹ con em!” Nhưng năm tháng nặng nề trôi đi mà Vũ không về. Cụ Bường đến phút sắp lâm chung chỉ mong  gặp  chàng rể yêu một lần rồi nhắm mắt mà không được.Mọi người tưởng Vũ đã hy sinh.
                Hơn mười năm sau cô Nguyệt mới được biết một sự thật phũ phàng. Vũ chằng những chưa chết mà đã trở thành một cán bộ to, và đã lấy vợ khác.
              Có người cùng làng làm việc trên Hà Nội , biết cơ quan và nhà riêng của Vũ, về nói với cô Nguyệt:
            -Chị đi với tôi! Dẫn thằng Tuất theo, vạch mặt lão Vũ, cho nó mất hết...
             Họ hàng ai cũng bảo cô Nguyệt nên làm như vậy. Có người khuyên cô Nguyệt lấy chồng khác. Gái một con , xinh giòn đảm đang như cô, quơ đâu chả được người chồng  tử tế? Nhưng cô Nguyệt chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Cô không lên Hà Nội gây chuyện với Vũ và cũng không đi lấy chồng.  Năm tháng cứ trôi đi ,và như tôi đã kể ở đoạn trên, cô Nguyệt cho đứa con trai duy nhất đi bộ đội, con hy sinh, cô  nuôi đứa cháu thơ, để mẹ nó đi lấy chồng.  Cô Nguyệt  không có tuổi xuân, không được biết thế nào là hạnh phúc...
              Năm ngoái về quê, đúng ngày  mừng thọ cô Nguyệt. Thấy cô rất buồn,nên khi  khách khứa ăn uống xong đã về hết,tôi ngồi cạnh cô, toan hỏi vì sao lễ mừng thọ đông  vui thế  cô lại không vui. Tôi chưa kịp ngỏ lời  thì thằng Lâm cháu nội  cô  bước vào.  Cô vội túm áo nó, hỏi:
          - Cháu định ngày nào rước ông về ?
Lâm  hơi nhăn mặt, nhưng rồi mỉn cười, xuê xoa:
          -Để cháu tính !
 Cô Nguyệt tỏ ý không hài lòng, bảo cháu:
          -Mày tính mãi rồi ? Ngoài Hà Nội người ta lại hối đấy!
          -Kệ họ!
Lâm xẵng  giọng dắt xe  đi.  Ra tới cửa Lâm  ngoái  đầu lại , nói thêm :
          -Mà cần  gì phải rước cái lọ tro ấy về hả bà?
           Cô Nguyệt  nhìn theo đứa cháu nội. Khi cái bóng ấy mất hút vào đám đông ồn ào ngoài bến Đò Neo,  cô  thở dài,  lặng lẽ  têm miếng trầu  bỏ vào cối,  uể oải nghiền trầu. Lúc sau, cô  nói với tôi:
             -Thằng Lâm  không muốn đưa ông nội nó về, chứ không phải đang bận công việc  như  nó nói cháu  ạ. Trong lòng nó  không dành cho ông nội  tí tình cảm nào !
             Tôi hỏi:
             -Có phải vì vậy mà cô buồn không?
             Cô Nguyệt gật đầu rồi , nói với tôi:
             -Mấy lần ngoài Hà Nội người ta nhắn, ra mang tro cốt ông Vũ về . Cô bảo thằng Lâm  nó không  nghe!
             Cô Nguyệt cho tôi biết ông Vũ lấy vợ hai, sinh được một đứa con thì hai người ly dị, người vợ giành nuôi con. Ông  Vũ lấy người vợ thứ  ba, trẻ hơn ông bốn chục tuổi. Người này lợi dụng  chức vụ thứ trưởng của ông làm giàu cho cà họ, khiến ông sa vào tham nhũng,  phải ra tòa. Đó  là lúc bà ta bắt ông ký vào đơn ly hôn. Bao nhiêu tài sản ông Vũ ky cóp,  hai người vợ giành nhau chiếm hết. Ông Vũ đột quỵ, qua đời, phút cuối trăn trối, xin đưa tro cốt mình về với cô Nguyệt...
             Cô Nguyệt buồn bã kể cho tôi nghe câu chuyện ấy, rồi  cúi xuống nghiền trầu. Mấy ngón tay xương xẩu cầm chiếc 'dằm' uể oải nghiền miếng trầu tươi trong  chiếc cối nhỏ bằng cái chén uống rượu. Vành khăn mỏ quạ  nâu thẫm trùm lên mái tóc bạc gần hết, khuôn mặt nhỏ nhắn ,đôi môi đỏ thẫm quýt trầu. Từ dáng người nhỏ bé đến gương  mặt phúc hậu , đều toát lên  bản tính hiền lành nhẫn nhục của cô Nguyệt. Nhìn cô giống hệt như cây khế ở dưới bến Đò Neo kia, vừa  già cỗi yếu đuối, lại vừa cứng cỏi, trải bao  nắng mưa báo tồ,vẫn  rủ bóng  che cho người đợi đò.
              Tôi bỗng nhớ một bài học hồi còn bé cụ giáo Bường dạy tôi: “Thiên hữu bất trắc chi phong vân. Nhân hữu đán, tịch chi họa phúc. Vị quy tam xích thổ, nan bảo nhất sinh thần. Ký quan tam xích thổ, nam bảo bách niên phần”  (nghĩa là trời mây gió không lường được. Người họa phúc sớm chiều không thể biết được. Chưa về  ba thước đất khó giữ được toàn thân. Đã về ba thước đất khó giữ được mộ phần trăm năm).
               Ông Vũ là một người tài giỏi, làm quan to, bổng lộc nhiều, muốn lấy ai cũng được, mà cuối cùng bình tro cốt không ai muốn nhận.
               Cô Nguyệt nhờ tôi bảo thằng Lâm ra Hà Nội mang tro cốt ông Vũ về  từ đường theo ước nguyện cuối cùng của ông ấy. Tôi gặp thằng  Lâm, thuyết phục  một hồi, nó lơ đãng nghe, rồi nói bỗ bã: “Cụ ngoại cháu gà mờ nhìn nhầm người làm khổ bà cháu. Bà cháu  mê muội chung thủy với  kẻ cướp mất hạnh phúc của mình. Cháu không muốn thờ một người như ông Vũ !”
              Tôi cảm thấy đắng lưỡi trước những lời thằng băng như vậy. Phải chăng thằng Lâm nói đúng!  Việc gì cô Nguyệt phải hy sinh suốt đời vì  một kẻ đã lừa dối, tham lam, cướp mất cà tuổi xuân lẫn hạnh phúc của mình?
              Năm nay tôi về quê, cô Nguyệt mất rồi. Mộ cô lẻ loi cách bến Đò Neo không xa. Tôi chợt nghĩ, những người như cô như những lá trầu vàng đã rụng gần hết mất rồi.
M.D
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét