Thứ Hai, 8 tháng 7, 2013

ĐÀNH BÓ TAY VỚI QUY HOẠCH, DỰ ÁN TREO ?!

* BÙI VĂN BỒNG
            Một thời gian dài, hơn 20 năm qua, nhất là từ những năm 1990 đến 2005, những cơn sốt đất liên tục “nổ” ra. Chính quyền và đại gia là một khối liên kết, đua nhau lập quy hoach, dự án – cái cớ để nâng giá đất kinh doanh bất dộng sản. Nay, nhiều khu đô thị mới, những khu công nghiệp, những mặt bằng cơ sở hạ tấng, giao thông, du lịch, sân golf  mọc lên ngày càng nhiều. Những “công trình mới” như vậy nay mức độ hiệu quả sử dụng khác nhau, nhưng rất nhiều dự án bỏ bê, dang dở, nhiều nhà đầu tư “ba chớp ba nhoáng” vơ tiền rồi chuyển mục đích sử dụng hoặc bỏ trông mặt bằng. Có nơi, hàng nghìn hộ dân bị thu hồi cả ruộng, vườn, đất ở, cầm đồng tiền bồi hoàn ít ỏi đi kiếm sống khắp nơi, rơi vào cảnh nghèo khó, cơ cực. Hệ lụy bây giời là một diện tích đất canh tác nông nghiệp rất lớn đang bị bỏ hoang.
* Thực trạng nhức nhối
Quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang thực sự là một vấn đề nhức nhối trong một lĩnh vực được xem là phức tạp là đất đai và chiếm đến 70% tổng số vụ khiếu kiện. Điều đáng nói ở chỗ, người dân nằm trong vùng quy hoạch “treo” phải chịu muôn vàn khó khăn, thậm chí thiệt thòi thì hàng nghìn hecta đất bị bỏ hoang, gây lãng phí.
Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, song điều dễ nhận thấy là công tác quản lý, nghiên cứu lập quy hoạch còn yếu, vì có thời điểm các địa phương đua nhau lập khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, quy định pháp luật hiện hành còn kẻ hở. Điều đó lý giải vì sao có những dự án “treo” từ năm này qua năm khác, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), thực tế vừa qua một số dự án treo gây bất bình trong nhân dân, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật.
Tình trạng sử dụng đất đai thiếu quy hoạch, kế hoạch đã gây nhức nhối trong dư luận. Đất bỏ hoang không sử dụng, không cho dân sản xuất, không cho dân xây dựng nhà ở. Nhiều dự án sau khi được phê duyệt nhưng nhiều năm không công bố quy hoạch, gây khó khăn cho công tác quản lý tại địa phương và ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền của người sử dụng đất.
Để minh chứng cho việc sử dụng đất thiếu kế hoạch, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đưa ra con số cụ thể: Trong định hướng về mặt tổng thể phát triển đô thị Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 có dự báo đến năm 2010 diện tích đất đô thị khoảng 243.000 héc ta chiếm 1,4% diện tích cả nước. Nhưng thực tế chỉ đến năm 2005 diện tích đô thị cả nước đã lên đến 325.000 héc ta vượt 1,8 lần so với dự báo diện tích đất đô thị năm 2010.
Theo quyết định phê duyệt, điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển đô thị Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030 của Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 445 ngày 7/4/2009 đã định hướng phát triển với tốc độ đô thị hoá còn nhanh hơn cả giai đoạn 10 năm vừa qua. Theo đó lộ trình này được xác định năm 2015 dân số đô thị khoảng 35 triệu, tỷ lệ đô thị hoá là 38% với nhu cầu đất xây dựng đô thị là 335.000 chiếm 1,06 diện tích cả nước. Đến năm 2020 dân số đô thị khoảng 44 triệu người, tỷ lệ đô thị hoá là 45% so với nhu cầu đất xây dựng đô thị khoảng 400.000 héc ta chiếm 1/3 diện tích cả nước. Vào năm 2025 các con số này lần lượt là 52 triệu người, tốc độ đô thị hoá là 50%, nhu cầu sử dụng đất khoảng 450.000 héc ta chiếm 1,4%.
* Tràn lan cả nước
Số liệu từ Tổng cục Quản lý đất đai của Bộ Tài nguyên- Môi trường cho thấy, đến đầu năm 2013 cả nước có khoảng 1.200 dự án “treo” với trên 130.000ha đất bỏ hoang. Diện tích lớn trong tổng số này là đất nông nghiệp dẫn đến một thực trạng trớ trêu: Người nông dân có đất nằm trong quy hoạch ngày qua ngày nhìn những thửa ruộng hoang hóa, bạc màu trong khi họ thiếu đất sản xuất, thậm chí không còn đất sản xuất.
Ở tỉnh Hoà Bình hiện có 69 dự án đô thị, khu dân cư, đô thị sinh thái với diện tích lên tới 7.439 ha. Trong đó, riêng tại xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn có 4 dự án từ lâu đã được UBND tỉnh Hoà Bình phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 như: dự án khu đô thị sinh thái Việt Âu 25 ha, dự án xây dựng khu biệt thự sinh thái Tân Vinh 30 ha của Công ty CP Đầu tư Quốc tế Mỹ Đình, dự án khu đô thị sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Đông Trường Sơn 98 ha của Công ty CP Đầu tư Renco Sông Hồng, dự án làng sinh thái Việt Xanh 49,9ha của Công ty CP Đầu tư Bất động sản Việt Nam.
Nhiều dự án bất động sản kết hợp du lịch sinh thái tại tỉnh Hòa Bình sau gần chục năm triển khai vẫn chỉ là khu đất hoang. Riêng xã Tân Vinh huyện Lương Sơn đã có gần chục dự án đắp chiếu, bỏ hoang đất...
Cũng ở Hòa Bình, tháng 6/2004, UBND tỉnh Hòa Bình đã ra quyết định thu hồi 141,7 ha đất tại xã Lâm Sơn do Nông trường Cửu Long, Lâm trường Lương Sơn và của cả các hộ gia đình đang sản xuất để giao cho Công ty CP Đầu tư và Du lịch Bạch Đằng thuê 50 năm thực hiện dự án khu du lịch Làng văn hoá các dân tộc Hòa Bình. Sau nhiều năm triển khai ì ạch, cách đây mấy năm dự án này được chuyển giao cho Công ty CP Du lịch Thung lũng Nữ hoàng để xây dựng dự án khu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí Thung lũng Nữ hoàng. Tuy nhiên từ đó đến nay, gần như toàn bộ 141,7 ha đất sau khi thu hồi vẫn để hoang cỏ mọc.
Những năm gần đây, trên địa bàn TP Hà Nội, hàng loạt dự án “treo” tồn tại khiến đất “vàng” bị bỏ hoang hóa. Bên cạnh đó là nhiều khu đất cấp cho các dự án khác bị sử dụng sai mục đích vừa gây lãng phí nguồn tài nguyên, vừa mất mỹ quan đô thị khiến dư luận không khỏi xót xa. Thực trạng này đang tồn tại giữa Thủ đô đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước khẩn trương rà soát và chấn chỉnh ngay những bất hợp lý.
Dự án cải tạo hạ tầng kỹ thuật hồ Ba Mẫu, quận Đống Đa, Hà Nội là một trong những dự án “đắp chiếu” lâu nhất trong khu vực nội thành Hà Nội. Được khởi động từ những năm 90 của thế kỷ trước, thế nhưng cho đến nay đã 20 năm mà công tác giải phóng mặt bằng nhiều điểm quanh khu vực hồ còn giậm chân tại chỗ..
Ở quận Thanh Xuân, hơn 13ha đất thuộc dự án Công viên Hồ điều hòa Nhân Chính cũng trong tình trạng bỏ hoang hóa và lãng phí nghiêm trọng. Cả khu đất “vàng” nằm nối giữa khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính vào đường Vành đai 3 giờ chỉ là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Hiện tại, hiệu quả của dự án chưa thấy khả quan. Mặc dù, nơi đây được xác định là công viên công cộng có vai trò quan trọng trong việc tạo cảnh quan cũng như phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí cho người dân ở thành phố. Không chỉ tại các khu đất nằm trong dự án “treo”, tình trạng sử dụng đất sai mục đích, không phát huy hiệu quả mục đích sử dụng, vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật Đất đai cũng đang xuất hiện tràn lan trên địa bàn thành phố, gây bức xúc dư luận.
Trước hiện trạng đó, UBND TP Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 32 khu đất có sai phạm trên địa bàn bốn quận, huyện gồm: Thanh Xuân, Cầu Giấy, Tây Hồ và Từ Liêm với diện tích khoảng 488.545m2. Trong đó, có 19 khu đất trống chưa sử dụng, 10 khu đất sử dụng sai mục đích. Liên quan đến việc để đất bỏ hoang có một số doanh nghiệp như: Ngân hàng cổ phần Ngoại thương Việt Nam, Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam, Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị, Công ty cổ phần Hacinco, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội…
Dự án “treo”, đất sử dụng sai mục đích từ lâu nay đang khiến dư luận bức xúc. Trong khi người dân sinh sống trên địa bàn đang thiếu các điểm vui chơi, công trình công cộng như: nhà văn hóa, chợ dân sinh, sân vui chơi thiếu nhi… thì một phần diện tích lớn đang bị sử dụng sai mục đích, vi phạm pháp luật về đất đai.
Tại Thanh Hóa, Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng KCN và đô thị Hoàng Long (Thanh Hóa) đang đi vào bế tắc, khiến hiệu quả đầu tư giảm sút nghiêm trọng, gây lãng phí lớn. Đã gần chục năm trôi qua, nhiều hạng mục dự án khu CNĐT Hoàng Long vẫn còn nằm trong tình trạng dang dở, toàn bộ khu CNĐT vẫn chưa có khu xử lý nước thải. Hệ thống đường giao trong khu CNĐT chưa bàn giao đã xảy ra hiện tượng bị bong tróc phần nền, hư hỏng nặng… Hàng chục ki-ốt quy hoạch làm chợ, xây rồi bỏ hoang. Hệ thống thoát nước biểu hiện xuống cấp, đã biến nhiều diện tích đất nằm trong khu CNĐT bị ngập úng…
Thành phố Cần Thơ có khu vực cồn Cái Khê quy hoạch, dự án treo đã 35 năm nay, một sự bất hợp lý kéo dai ftừ khi nơi đây còn thuộc tỉnh Hậu Giang (cũ) sáp nhập tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng! Người dân sống nơi đây cho đến nay vẫn không được cấp sổ đỏ. Quy hoạch treo đã “treo luôn quyền lợi” của người dân.
* Làm gì?
Theo ông Nguyễn Bá Thuyền (đại biểu QH - Lâm Đồng) phân tích rằng: “Hiện nay nhiều khu quy hoạch bỏ hoang hóa trong khi đó nhân dân không có đất sản xuất mà quy hoạch bỏ hoang hóa nhưng không ai chịu trách nhiệm. Ai đề ra quy hoạch đó mà không thực hiện được thì người đó phải chịu trách nhiệm”.
Thực tế, có những dự án lợi ít, hại nhiều nhưng không có ai chịu trách nhiệm, bị xử lý kỷ luật, bị truy tố trước pháp luật. Từ việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến phê duyệt các dự án đầu tư thu hồi đất, giao đất, sử dụng đất cần đảm bảo tính khả thi cao. Đồng thời, cần phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn đối với cơ quan quản lý, cá nhân phê duyệt việc thu hồi giao đất, tránh tình trạng lãng phí quá lớn như hiện nay với hàng ngàn ha đất bỏ hoang ở các khu công nghiệp và khu đô thị trong nhiều năm qua.
Để đảm bảo được định hướng quy hoạch phát triển đô thị, thời gian tới việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp vẫn sẽ là xu thế tiếp tục chuyển giao. Đối với các đô thị lớn thì xu thế chuyển hoá đất nông nghiệp ven đô, ngoại thành sẽ càng thấy rõ hơn. Do vậy, yêu cầu đặt ra lúc này là phải quản lý thật chặt chẽ kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.
Trong dự thảo sửa đổi Luật đất đai lần này, Quốc hội nên gắn quy hoạch sử dụng đất gắn chặt quy hoạch kế hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất vùng tỉnh, kế hoạch sử dụng đất vùng, miền Chính phủ quy định chi tiết điều này. Theo đó đối với quy hoạch, kế hoạch sử đụng đất cấp quốc gia chỉ quy hoạch ở dạng chiến lược.
Trên cơ sở đó quy hoạch sử dụng đất vùng tỉnh sẽ xác định các mục đích chính, có chính sách chiến lược vùng để sở hữu, sử dụng và sắp xếp các nguồn lực, nhằm đạt được mục đích đề ra cho vùng, đồng thời kết nối phù hợp định hướng với quy hoạch chung của quốc gia, sau đó vùng huyện đưa quy hoạch chi tiết và cụ thể về kế hoạch sử dụng đất cùng vùng, đồng thời xây dựng kế hoạch sử dụng đất cho cấp xã. Trước thực trạng sử dụng lãng phí nguồn tài nguyên đất đai hiện nay, nhiều Đại biểu Quốc hội đã yêu cầu ban soạn thảo cần đưa ra những chế tài mạnh quy trách nhiệm cho những cá nhân đã làm sai.
Việc quy định mốc thời gian cụ thể theo hướng mà dự thảo sửa đổi đưa ra sẽ tránh được sự “lạm dụng” của cơ quan quản lý cũng như của nhà đầu tư và tạo hành lang pháp lý rõ ràng để “xử lý” dự án “treo”. Quy hoạch đất cần đưa ra yêu cầu bắt buộc lấy ý kiến người dân và đảm bảo sự đồng thuận của người dân khi lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định cụ thể về quy trình và biện pháp lấy ý kiến người dân; công bố công khai lộ trình, thời gian thực hiện dự án cũng như quyền theo dõi, phản hồi, phản ánh của người dân khi phát hiện sự sai lệch. Quy trình minh bạch qua việc quy định cụ thể thời gian giữa các bước trong trình tự thủ tục quy hoạch và sử dụng quy hoạch sẽ góp phần hạn chế đất “treo”.
Nhà nước cần ban hành kịp thời các chính sách đảm bảo quyền lợi của người sử dụng đất có đất nằm trong khu quy hoạch vì có những dự án kéo dài làm ảnh hưởng rất lớn tới quyền lợi của người dân.
Trước hệ lụy của các khu quy hoạch “treo”, dự án “treo”, thời gian qua, nhiều địa phương cũng đã mạnh dạn điều chỉnh, “xóa” nhiều dự án không khả thi hoặc chậm tiến độ quá lâu. Tuy nhiên, đó cũng không phải là điều dễ dàng khi những quy định còn lỏng lẻo.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên- Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, dự thảo Luật sẽ quy định theo hướng: Các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa mà nguyên nhân không phải do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính thì phải nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật. Sau 24 tháng nộp thuế lũy tiến theo quy định của pháp luật mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng hoặc vẫn chậm tiến độ so với yêu cầu thì Nhà nước thu hồi đất và không thanh toán tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và chi phí đầu tư vào đất còn lại.
            Những khu đất nằm trong quy hoạch, dự án treo nay bỏ hoang hóa cần xem xét trả lại cho người dân, giao cho chính quyền sở tại khai thác, sử dụng hoặc nhà nước cần có kê shoạch chuyển đổi sử dụng nhằm tránh lãng phí nguồn tài nguyên đất đai, mang lại hệu quả kinh tế cho xã hội.
               Chẳng lẽ Chính phủ, các Bộ, Ngành, các địa phương với cả một hệ thống đầy quyền lực như vậy mà đành bó tay trước hiện trạng nhức nhối kéo dài: Quy hoạch, dự án treo?!
BVB
-----------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét