Vừa được trả tự do tại tòa phúc thẩm ở Long An chiều 16/08, trong vòng tay vui mừng khôn tả của người thân, bạn bè và những người ủng hộ, đến tối sinh viên Nguyễn Phương Uyên đã có mặt ở Saigon tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế, nơi diễn ra một buổi liên hoan nho nhỏ để chào đón Uyên.
Trong không khí đầy xúc động này, Nguyễn Phương Uyên đã vui lòng dành thì giờ trả lời RFI Việt ngữ.RFI: Thân chào Phương Uyên và xin chúc mừng bạn! Uyên có nghĩ mình sẽ được trả tự do hôm nay không?
Nguyễn Phương Uyên: Dạ không, tại vì rất là khó khăn, rất là khắt khe. Bởi vậy mà em không nghĩ là giờ này em được tiếp xúc với mọi người như thế này. Cảm giác rất là khó tả, vì bị giam đã mười tháng hai ngày, em mới được tiếp xúc với một bầu không khí khác với trại giam, một bầu không khí của sự tự do!
RFI: Trong phiên tòa phúc thẩm hôm nay Uyên đã nói những gì?
- Dạ, tại phiên tòa phúc thẩm có ba vấn đề chính em đã đặt ra.
Thứ nhất là về thẩm quyền: cơ quan của Long An không có thẩm quyền đối với vụ án của em.
Thứ hai là nói về cái hành động của em. Em cho là không phạm vào điều 88 là chống Nhà nước. Em vẫn yêu Tổ quốc của mình đấy thôi. Em chỉ có xúc phạm đến Đảng. Vì Đảng chỉ là một tổ chức nên không cào bằng được. Không vì cái sự quá tôn sùng một đảng phái mà mọi người, nhất là Hội đồng xét xử cũng như Viện kiểm sát cào bằng Đảng với Nhà nước Việt Nam .
Thứ ba là em nói ngắn gọn về sự khác nhau giữa phiên tòa sơ thẩm và giấy của tòa sơ thẩm gởi xuống cho em – có rất nhiều sự khác biệt. Mà em cho rằng đó là một bản án có trước, không công minh và không có sự công bằng. Đã có một sự sắp xếp trước, làm cho em cảm thấy thất vọng thêm về những gì đang diễn ra.
Tuy nhiên phiên tòa phúc thẩm lần này đã cho em một đốm lửa hy vọng, cùng với sự tin yêu vào mọi người. Cảm ơn mọi người rất là nhiều! Bây giờ em được như thế này là nhờ một phần rất là to lớn của mọi người, ở trong nước cũng như trên thế giới, đã đứng về phía em, cho em cơ hội nói lên quan điểm của mình tại một đất nước ở chế độ cộng sản.
RFI: Vì sao Uyên tự bào chữa mà không nhờ luật sư?
- Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù hai luật sư đã nói rất là nhiều, nhưng mà em thấy quyền hạn của luật sư rất là ít ỏi, thậm chí không có! Cho nên em sẽ tự bào chữa, bởi vì nếu quyền hạn không có thì không nên nhờ. Nếu tự nói thì sẽ tạo được nhiều cơ hội để em đối đáp với Viện kiểm sát cũng như Hội đồng xét xử. Sẽ có nhiều cơ hội để được nói hơn, em muốn nói lên tất cả những suy nghĩ của mình.
Điều thứ hai khiến em không muốn nhờ bào chữa của luật sư, là trong thời gian tạm giam mười tháng và hai ngày của em, em đã có một tí gọi là vững tâm. Vững tâm vào quan điểm mà mình cần nói. Bởi vậy em nghĩ là mình không có tội thì mình phải tự bào chữa cho chính mình. Cho nên em từ chối nhờ hai luật sư, là bác Lương và bác Sơn bào chữa.
RFI: Làm sao Uyên có thể giữ vững tinh thần được như vậy? Uyên còn trẻ, và chắc chắn là ở trong tù thì không thể như ở ngoài…
- Dạ vâng, người ta bảo gần mực thì đen, gần đèn thì sáng, ở đâu thì lại giống ở đấy thôi. Đôi khi lòng mình vẫn bị lung lay, sợ liên lụy đến những người bạn, đến cả gia đình. Nhưng em suy nghĩ, kinh Phật đã dạy em một câu: Cuộc sống chỉ là giả và tạm, sống trăm năm rồi cuối cùng cũng trở về với cát bụi.
Bởi vậy em không thể nào “bán danh chỉ có ba đồng”. Không thể nào làm trái lương tâm của mình được. Em không thể từ bỏ quan điểm, lập trường của riêng em. Đó là động lực thúc đẩy để em đứng trước tòa, tự bào chữa cho mình, cũng như giữ vững quan điểm và lập trường của mình.
RFI: Uyên vừa dẫn kinh Phật nhưng Uyên lại đang ở trong nhà thờ. Có lẽ đây là dịp để mọi người đoàn kết lại?
- Vâng. Em chỉ có thể nói một lời: Cảm ơn tất cả mọi người trong nước cũng như trên thế giới! “We are one”- chúng ta là một, ở đâu cũng vậy, phải có công lý. Công lý và công bằng sẽ phải trở lại! Em hy vọng là trở lại càng sớm càng tốt.
RFI: Vẫn khó thể hiểu được là ở trong trại giam mười tháng rồi mà tinh thần Uyên lại được như vậy…
- Đó là một việc không thể nào đoán biết được, em cũng không nghĩ là mình như thế. Ở cái tuổi hai mươi mốt, hai mươi hai này, em không nghĩ là mình như vậy. Nhưng mà em đã rất cố gắng, và nhờ mọi người rất là nhiều, những lúc đi thăm nuôi cùng gia đình em đã cho em động lực rất là lớn.
RFI: Thời gian gần đây Uyên có bị áp lực gì không?
- Dạ, áp lực cũng rất là lớn. Mỗi khi gần ra tòa, áp lực đối với em là tại tòa. Phiên tòa có được công khai và minh bạch đúng thực chất hay không, hay là một phiên tòa dựng ra một cách hình thức?
Em mong muốn có những phiên tòa công khai và minh bạch, ở đó em nói lên được những quan điểm của mình, có nhiều người nghe, có nhiều người chứng kiến. Chứ không phải là phiên tòa chỉ mở ra để rồi bản án có sẵn đưa cho mình, thì em không muốn. Vì tòa là phải rõ ràng, công khai, đó là tính khoa học, pháp lý của pháp luật. Đó là sự công bằng. Em mong muốn có sự công bằng ở những phiên tòa.
RFI: Và có lẽ Uyên vẫn tiếp tục phản đối những thái độ hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông?
- Dạ vâng, tất nhiên là như thế. Vì trước những thái độ tiêu cực thì phải có những ý kiến để dừng lại. Còn những gì về sau này, thì ngày mai rồi lại đến, “tomorrow will come”. Bởi vậy hãy để xem ngày mai mọi việc diễn biến như thế nào.
RFI: Chắc là bây giờ còn quá sớm để hỏi, nhưng dự định sắp tới của Uyên là gì?
- Đó là một bí mật, rất là bất ngờ. Mọi người sẽ chờ xem. Em không thể nói cụ thể được là nó như thế nào, nhưng hy vọng là sẽ không làm mọi người thất vọng.
RFI: Uyên sẽ quay trở lại trường học hay không?
- Dạ, học, học nữa, học mãi, con đường học vấn của em không bao giờ dừng lại đâu ạ.
RFI: Cảm ơn Phương Uyên nhiều lắm, và một lần nữa xin chúc mừng Uyên được tự do!
- Cảm ơn chị và mọi người đã đứng về phía em rất là nhiều, em được trả lại tự do của mình là nhờ mọi người. Cảm ơn mọi người rất nhiều! Đó là sức mạnh để em vượt qua tất cả, là động lực của em!
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét