* MINH DIỆN
BVB Một buổi trưa mùa khô 1971, nắng quắt queo giữa khu rừng cao su Lộc Ninh. Mọi người đang mơ màng trong bầu không khí oi ả, bỗng một tiếng nổ dội lên. Không phải tiếng bom pháo, mà chỉ là một tiếng lựu đạn đơn độc. Ít phút sau nhiều người đã có mặt ở nơi phát ra tiếng nổ, dưới gốc một cây cao su, trên bờ con suối cạn giáp ranh giữa phòng chính trị và phòng tham mưu.
Một thi thể bị nát phần ngực, máu ướt đẫm, khói lựu đạn còn khét lẹt. Đó là thi thể chuẩn úy Vũ Văn Tâm, quản lý bếp ăn của Phòng tham mưu.
Vũ Văn Tâm đã dùng lựu đạn để tự sát. Chả mấy chốc chuyện ấy loang ra khắp cơ quan.
Chuẩn úy Vũ Văn Tâm quê ở Thái Bình, năm ấy 27 tuổi. Anh nhập ngũ năm 1964, vào chiến trường từ năm 1966, đã trải qua rèn luyện, chiến đấu từ một chiến sỹ lên tiểu đội trương , trung đội trưởng, lập nhiều thành tích, được kết nạp đảng, được tặng Huân chương chiến công . Đầu năm 1971, Tâm bị thương, sức khỏe yếu, được rút về cơ quan , chờ ra Bắc an dưỡng . Trong thời gian chờ đợi, Tâm được bố trí làm quản lý bếp ăn Phòng tham mưu. Tâm rất nhiệt tình, có nhiều sáng kiến cải thiện đời sống cho đơn vị, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Không ngờ trước khi Tâm lên đường ra Bắc, anh em phát hiện Tâm dấu trong đáy bồng hơn một kg bột ngọt. Sự việc được báo cáo lên cấp trên, và thủ trưởng Phòng tham mưu ra lệnh nghiêm khắc kiểm điểm, xác định kỷ luật Vũ Văn Tâm. Chưa kiểm điểm thì Tâm đã tự sát, để lại bức thư tuyệt mệnh thay một bản tự kiểm điểm. Tâm thành thật kể , sở dĩ anh có một kg bột ngọt là vì mỗi bữa ăn của cơ quan, khi nêm canh, anh ăn bớt một tí gom góp lại. Biết mình sắp được ra Bắc, được về với gia đình , nên anh mới làm thế, để có chút quà cho cha mẹ . Bây giờ sự việc vỡ lở, chẳng những công lao thành tích mất hết mà còn bị kỷ luật . Tâm cảm thấy xấu hổ, ân hận nên quyết định tự sát, xin đơn vị tha thứ, đừng thông báo kỷ luật về địa phương .
Hành động của chuẩn úy Vũ Văn Tâm gây dư luận sôi sục trong toàn cơ quan, lan xuống cả các đơn vị. Và mặc dù Tâm đã chọn cái chết để xám hối nhưng vẫn bị kỷ luật. Trưởng ban tuyên huấn ra lệnh tờ tin đăng một bài về “một cái chết không được công nhận liệt sỹ” để cảnh tỉnh những người khác.
Bấy giờ Ban tuyên huấn, có trung úy Mẹo quê Thanh Hóa, được ra Bắc cùng đợt với Vũ Văn Tâm . Anh ở tổ báo chí , câu lạc bộ với tôi, Hữu Đượi, Mai Cát, và Huỳnh Thiện Hùng . Chỗ chúng tôi quản lý một kho đài bán dẫn , Radio Cassete ...
Trước khi lên đường đến trạm giao liên tập trung hành quân ra Bắc, Mẹo đắn đo mãi, rồi nói với chúng tôi: “ Đài cũ nhiều lắm, chúng mày cho tao xin một cái đi đường nghe và mang về làm quà được không?”
Chúng tôi bàn nhau nhất trí dấu cấp trên , cho Mẹo chiếc đài National 2 băng cũ, loại chiến lợi phẩm, mất cả bao da và chóp Anten. Nó chẳng đáng bao nhiêu tiền, và các thủ trưởng cũng không biết Câu lạc bộ có bao nhiêu chiếc đài như thế.
Trung úy Mẹo được chiếc đài cũ thích lắm, lau chùi , gói gém cẩn thận như cục vàng. Nhưng khi Mẹo đang ở trạm giao liên Bù Đốp, thì sảy ra trường hợp Vũ Văn Tâm, và thế là đang đêm Mẹo cuốc bộ 40 km từ Bù Đốp về Lộc Ninh trả lại chiếc đài bán dẫn cũ. Anh nói với chúng tôi: “ Thôi , đếch dại! Chết cả nút!”
Nghe câu chuyện trên chắc có người không tin, cho rằng tôi bia đặt . Không, đó là sự thật, nhiều đồng chí ở phòng Tham mưu và phòng chính trị Đoàn 25 công binh ngày ấy bây giờ vẫn còn nhớ.
Tôi kể lại chuyện cũ (không lấy tên thật hai nhân Tâm và Mẹo) không phải để xới lên nỗi đau của đồng đội, mà chỉ vì nó gắn với vấn đề hiện tại chúng ta đang quan tâm, đó là cuộc đấu tranh chống suy thoái đạo đức và tham nhũng hối lộ .
Chỉ vì một kg bột ngọt mà chuẩn úy Tâm tự sát, và tác động dây chuyền đến trung úy Mẹo, đang đêm cuốc bộ 40 km về trả lại chiếc đài cũ.
Qủa thực đó là một trường hợp rất hi hữu, nhưng không phải ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ chuẩn mực đạo đức, từ ý thức chấp hành kỷ luật quân đội của người lính nói chung, cán bộ đảng viên thời kỷ đó. Trong khó khăn, gian khổ ngoài mặt trận, đối mặt với cái chết, ngoài việc rèn luyện ý chí thì tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Chính kỷ luật tạo lên chuẩn mực đạo đức và ngược lại, chuẩn mực đạo đức duy trì ý thức tổ chức kỷ luật.
Qủa thực đó là một trường hợp rất hi hữu, nhưng không phải ngẫu nhiên. Nó bắt nguồn từ chuẩn mực đạo đức, từ ý thức chấp hành kỷ luật quân đội của người lính nói chung, cán bộ đảng viên thời kỷ đó. Trong khó khăn, gian khổ ngoài mặt trận, đối mặt với cái chết, ngoài việc rèn luyện ý chí thì tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Chính kỷ luật tạo lên chuẩn mực đạo đức và ngược lại, chuẩn mực đạo đức duy trì ý thức tổ chức kỷ luật.
Chuẩn mực đạo đức của người lính miền Đông Nam bộ ngày ấy, được cụ thể hóa trong chiếc bồng và chiếc giây lưng đeo trên người. Trong bồng ngoài hai bộ quần áo là một kg gạo và một gói muối . Quanh chiếc giây lưng có một bình tông nước , một cái võng , một cái tăng , một con dao găm, một chiếc đèn dầu tự chế . Tài sản vẻn vẹn có vậy. Anh nào “ngon hơn” thêm chiếc đèn pin cổ vịt mà chúng tôi gọi là đèn ngoéo.
Không phải không có cơ hội để vơ véo, kiếm chắc. Mỗi trận đánh thắng thu về rất nhiều chiến lợi phẩm. Tôi nhớ chiến dịch Chen la II, đánh nhau với quân Lon Non bên Campuchia, khi chiếm sở huy một lữ đoàn địch ở Konpong Chàm, tiểu đoàn 5, Sư 7 phát hiện những bao tiền Miên , bọn chỉ huy chưa kịp phát lương cho binh lính. Chỉ cần quơ một xấp tiền mệnh giá 500 ria, nhét vào túi quần, là thả sức tiêu sài, vì một lạng thuốc rê có 5 ria, một chiếc Radio Cassete chưa tới 1.000 ria. Nhưng lúc đó tuyệt nhiên không cán bộ chiến sỹ nào động đến những bao tiền cũng như chiến lợi phẩm khác. Ý thức kỷ luật đã vượt lên , chế ngự lòng tham. Ai cũng sợ kỷ luật. Sợ còn sống bị phê bình, cảnh cáo, thậm chí ra tòa án binh , sợ lúc hy sinh , đồng đội kiểm tra quân tư trang thấy có “ đồ cổ” mang tiếng xấu xuống mồ.
Trong bài “ Lần cuối gặp tướng Trần Độ” đăng trên Blog Bủi văn Bồng, tôi đã kể lại chuyện ông từ chối nhận chiếc máy Cassete Phòng chính trị Công binh tặng , với lý do : “ Đó là xương máu cùa anh em mình nhận sao được!”
Từ người lính đến vị tướng đều có ý thức kỷ luật, giữ chuẩn mực đạo đức cũng là chuẩn mực cuộc sống như vậy.
Nhưng hình như chuẩn mực ấy bắt đầu sụp đổ rất nhanh từ ngày Sài Gòn giải phóng.
Ngày ấy, khi những người lính từng đổ mổ hôi và máu trên mặt trận, từ Nam ra Bắc với chiếc ba lô lép , thì một dòng người từ Bắc vào Nam, trong đó không ít kẻ lúc còn chiến tranh “ Ăn tiểu táo, áo Tô Châu, núp hầm sâu, phiếu Tôn Đản”. Họ rất không ngoan, lọc lõi, như những con rận trong chăn, hăm hở vào Sài Gòn vơ vét thượng vàng hạ cám.
Tôi còn nhớ một cán bộ, cỡ vụ trưởng thôi, đưa vợ con vào chiếm ngôi biệt thự của một bộ trưởng chính phủ Việt Nam cộng hòa,diện tích hàng trăm mét vuông, trang trí nội thất hiện đại và đầy đủ tiện nghi sang trọng như TV,tủ lạnh, xe hơi, đàn Piano. Ông ta vẫn chưa thỏa lòng, còn bắt lính đi gom thêm của cài các nơi khác về .
Hàng ngàn cán bộ như thế chứ không phải vài người. Những người lính ra đi từ những mái tranh nghèo, mang theo theo hoài bão tốt đẹp được giáo dục trong nhà trường xã hội chủ nghĩa, bỗng cảm thấy mình ngớ ngẩn , đần độn trước sự thật diễn ra trước mắt, hàng ngày. Cái bản năng bắt chước của loài khỉ truyền sang người rất nhanh, và chuẩn mực cuộc sống tuột dốc, vì tính kỷ luật bị phá vỡ từ đó.
Năm 1950, cả nước chỉ có một quan tham lộ diện là Trần Dụ Châu, bây giờ không thể đếm hết bao nhiêu “Trần Dụ Châu”. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói “ Tham nhũng , tiêu cực nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có” . Còn theo Chủ tịch Trương Tấn Sang, thì bọn tham nhũng đã là : “ một bầy sâu ăn hết phần dân!”
Mấy hôm trước, Uỷ ban trung ương đảng đã đưa ra cảnh báo , hiện tượng liên kết để trục lợi ngày càng tăng, tinh vi hơn , sảy ra với tất cả các loại hình và quy mô doang nghiệp. Theo thanh tra Chính phủ,thì năm 2012, có tới 40% doanh nghiệp đã móc nối với cán bộ từ trung ương đến địa phương để trục lợi. Một ví dụ được nêu lên: Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã bán 323 héc-ta cao su lấy tiền làm đường, với giá 353 triệu đồng một hec-ta , nhưng sau đó quyết định giảm giá 30% cho một doanh nghiệp liên kết, gây thiệt hại nhà nước 25 tỷ đồng. ( Nguồn VTVI và báo Đất Việt)
Có lẽ 25 tỷ đồng ở Bình Phước chả thấm tháp gì với hàng ngàn tỷ đồng ở những nơi khác. Người được giao quản lý tài sản của Nhà nước lại chính là kẻ ăn cắp của Nhà nước. Họ ăn cắp của chính mình !
Nikolai Ryzhkov, nguyên Thủ tướng Liên Xô, đã nói về tệ nạn đó trong giai đoạn cuối Liên Bang Sô Viết : “ Chúng ta ăn cắp từ chính bản thân chúng ta, nhận và đưa hối lộ, láo khoét trong báo cáo, láo khoét trên các diễn đàn, trên báo chí, đằm mình trong trong láo khoét rồi trao huân chương cho nhau!”.
Một cảnh trong vở kịch "Đêm Trắng" |
Thực ra điều đó không mới. Cách đây hơn nửa thế kỷ , Trần Dụ Châu đã là một điển hình về loại người “ Ăn cắp từ chính bản thân mình và đắm mình trong láo khoét”. Ông ta sinh năm 1906 tại Nghệ An, từng làm thư ký cho Tòa sứ Pháp, viết báo , và công chức hỏa sa . Năm 1945, ông ta đã hiến cho chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa một số lớn tài sản và tham gia hoạt động cách mạng. Ngày 19-3-1947, ông ta được Hồ Chủ tịch cử giữ chức Cục trưởng quân nhu và phong quân hàm đại tá.
Trần Dụ Châu bắt đầu biến chất khi nắm quyền hành, vật chất trong tay không bị giám sát. Ông ta dùng thủ đoạn lừa trên dối dưới đề ăn cắp của cải nhà nước phục vụ cho cuộc sống xa hoa của bản thân và bè cánh mình.
Ngày ấy , người phát hiện và tố cáo Trần Dụ Châu không phải lực lượng công an, thanh tra mà là một nhà thơ. Chính nhà thơ Đoàn Phú Tứ đã viết một bức thư cho Hổ Chủ tịch , trong đó có đoạn : “ Cục trưởng Cục quân nhu Trần Dụ Châu đã gây nhiều dư luận bất bình trong anh em quân đội. Châu đã dùng quyền lực ban phát vật chất, gây bè cánh và giở trò ăn cắp công quỹ để sống xa hoa. Cứ mỗi cái màn Châu ăn bớt hai tấc vải xô, nên cứ ngồi là đầu chạm đỉnh màn. Còn áo trấn thủ, Châu ăn cắp bông lót rồi độn bao tải vào, nhiều người biết nhưng không dám ho he.
Cháu và đoàn nhà văn đi thăm bộ đội vừa đi chiến đấu trở về, cháu đã khóc nấc lên khi thấy thương binh thiếu thuốc men, bông băng, hầu hết chiến sỹ rách rưới võ vàng vì đói rét chỉ còn mắt với răng.
Cháu được Trần Dụ Châu mời dự tiệc cưới của một cán bộ dưới quyền, tổ chức ngay ở khu. Trên dãy bàn dài tít tắp xếp kín chim quay, gà tần,vây, bóng, giò, chả, nấm hương, thịt bò thui, rượu tây , cốc pha lê sáng choang, thuốc lá thơm hảo hạng. Hoa tươi Ngọc Hà dưới Hà Nội cũng kịp mang lên, ban nhạc Cảnh Thân từ Khu Ba cũng được mời tới tấu nhạc réo rắt. Trần Dụ Châu mặc quân phục đại tá đi ngựa tới dư!”
Bức thư của nhà thơ Đoàn Phú Tứ không bị cơ quan nào kiểm duyệt, không bị chặn lại vì tố cáo, khiếu nại vượt cấp, không bị chuyển về cho các cấp xem xét giải quyết theo thẩm quyến như bây giờ, mà Hồ Chủ tịch đích thân tiếp nhận. Ông đọc thư và gọi thiếu tướng Trần Tử Bình , Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Tổng thanh tra quân đội đến, nói : “ Đây là bức thư của một nhà thơ gửi cho bác. Bác đã đọc kỹ lá thư và rất đau lòng!”
Hồ Chủ tịch giao bức thư cho Trần Tử Bình, một vị tướng nổi tiếng công tâm và trong sạch : “ Chú hãy giải quyết ngay, xử công khai để toàn quân toàn dân biết!”
Thiếu tướng Trần Tử Bình trực tiếp điều tra vụ án , và một phiên tòa công khai đã được mở để xét xử Trần Dụ Châu. Với tội trạng gây ra, ông ta phải lãnh bản án tử hình.
Trần Dụ Châu hy vọng được Hồ Chủ tịch tha tội , viết đơn xin ân xá. Sau một đêm thức trắng , Hồ Chủ tịch đã bác đơn của Trần Dụ Châu, dù biết ông ta đã từng hiến số tài sản rất lớn cho cách mạng, là người có tài , có công và chính tay mình ký quyết định phong quân hàm đại tá cho ông ta.
Ngày ấy nhà thơ Đoàn Phú Tứ được đích danh đại tá Trần Dụ Châu mời dự tiệc, nghĩa là rất được ưu ái. Nếu như Đoàn Phú Tứ giữ mối quan hệ ấy, viết vài bài thơ ca ngợi viên đại tá Cục trưởng quân nhu, chắc chắn ông được ban phát không thiếu thứ gì. Nhưng Đoàn Phú Tứ không bán rẻ lương tâm, bẻ cong ngòi bút kiếm ăn, ông dành trái tim đầy mẫn cảm cho những người lính “võ vàng vì đói rét, chỉ còn mắt với răng”. Ngay trong bữa tiệc, ông đã đứng dậy đọc hai câu thơ sắc như dao chém vào mặt Trần Dụ Châu và đồng bọn: “Bữa tiệc chúng ta sắp chén đẫy hôm nay. Được dọn bằng máu xương chiến sỹ!” Rồi ông bỏ ra về, thức suốt đêm viết bức thư gửi Hồ Chủ tịch.
Trong những năm qua cũng đã có nhiều “Đoàn Phú Tứ”, nhưng đáng tiếc, những bức thư tâm huyết chưa tới được đúng địa chỉ. Và nếu có tới được thì..thư vẫn chỉ là thư, kiến nghị vẫn là kiến nghị nghị mà thôi!
Đã qua rổi cái thời một chuẩn úy như Vũ Văn Tâm, phạm sai lầm, dù nhỏ, đã lấy cái chết để sám hối. Đã qua rồi cái thời một trung úy như Lê Văn Mẹo nghe bứt dây sợ động rừng mà cảnh tỉnh!
Tính kỷ luật và trọng danh dự không còn tồn tại, chuẩn mực đạo đức và cuộc sống đã xuống cấp nghiêm trọng. Bởi thế, chừng nào những bức thư, như bức thư cùa nhà thơ Đoàn Phú Tứ đến đúng tay người nhận, chưa được người có đủ quyền lực và trách nhiệm với lòng dũng cảm, với tâm vị dân vi nước quan tâm, , thì những “ Trần Dụ Châu” bất trị, còn mở tiệc thoải mái!
M.D
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét