* BÙI VĂN BỒNG
Mấy ngày nay, trên các phương tiện thông tin đị chúng ở ‘cả hai lề’, nhất là trên các trang blog có nhiều bài viết phản ánh, bài nêu vẫn đề thực trạng và không ít bình luận về ‘tam nông’ (nông dân, nông nghiệp, nông thôn). Đây là thực trạng bức xúc từ xưa đến nay ở nước ta. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng mà nghị quyết nào của đảng, nhiều chủ trương của nhà nước coi là nhiệm vụ trọng yếu, có khi còn nêu khẩu hiệu “mặt trận hàng đầu”.
Nhưng biết bao đại hội, hội nghị, chính sách, biện pháp mà ‘tam nông’ ở nước ta vẫn èo uột, không có cơ sở bền vững, cấc nỗ lực vẫn cứ như’ăn đong’, chưa thoát khỏi sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, ‘tự cấp tự túc’. Nay, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Hội NDVN lại bàn sâu về ‘tam nông’. Nhưng, xem ra, chủ trương nhiều mà biện pháp ít; có khi biện pháp dẫu có nhiều, nhưng hữu hiệu, kết quả kém; thực trang vẫn là: “Nói thì tràng giang đại hải / Làm như nhện đái sau hè.
Có tải bàì chủ đề ‘tam nông' lên mạng, mới thất rõ hơn những bức xúc của bạn đọc, của cộng đồng. Bức xúc toàn xã hội, nhưng tập trung vẫn là người nông dân và các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế. Bài “Ai ơi, bưng bát cơm đầy…” của TS. Tô Văn Trường đăng trên blog này, có những ý kiến phản hồi, nhận xét (comment) của nhiều bạn đọc nói trúng, nói thẳng nói thật, tâm huyết:
- Nhìn lại thì thấy thật đáng sợ. Quốc gia nông nghiệp sau bao nhiêu năm giải phóng mà căn cơ tự cường nông nghiệp vẫn còn lập cập về nội lực. Điều này nếu gặp bác sĩ sẽ nói: "Chúng ta sống nhưng đang liên tục chảy máu".
- Nông dân làm giàu cho nhiều người. Nhưng ai thương người nông dân nào? Chẳng ai cả, trừ chính họ. Họ vẫn như tự loay hoay trong cõi hỗn mang.
- Có lẽ có đến 80% người dân Việt Nam là nông dân hoặc gốc gác nông dân ( chỉ tính 3 đời trở lại). Ai cũng hiểu nỗi khó khăn nhọc nhằn của người nông dân và mảnh ruộng là miếng cơm manh áo của họ cho nên Bác Hồ đã đưa ra khẩu hiệu: Người cày có ruộng, bây giờ lấy đất nông nghiệp là dự án BĐS, KCN nhiều quá không hiểu nông dân thế nào khi không còn ruộng!
- Nông dân miền Bắc đang suy nghĩ tự cung, tự cấp với nông nghiệp và lương thực, thực phẩm .
1. Điều kiện để tổ chức nông dân chuyên nghiệp không có đâu .( Diện tích đất, quy mô sản xuất lấy đâu ra)
2 . Lập trang trại chăn nuôi phụ thuộc thức ăn nhập khẩu không đảm bảo tiêu chuẩn , giá đắt , hàng nhập lậu và dịch bệnh.... chỉ có lỗ.
3 .Tận dụng lương thực và thức ăn khai thác tại chỗ đảm bảo an toàn cho sản phẩm phục vụ cho chính gia đình .
4 . Mất niềm tin vào nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp đồng thời mất luôn niềm tin vào sản phẩm của cả những nông dân chuyên canh.
5. Đảng ta ra nghị quyết thì giỏi , các nhà khoa học lý thuyết cũng khá . Nhưng cứ xem nông thôn Việt Nam sẽ như thế nào trong những năm tới…
Về bài “ Cho nông dân vay tiền còn nhén nhót’, post dẫn LINK từ “Tuần Vietnamnet”, có bạn đọc nhận xét, và cũng nêu tâm tư: “Ai ơi ăn bát cơm đầy / Dẻo thơm một hạt đắng cay...vay tiền. Chính quyền giành và lấy ruộng của tôi chia cho người khác. Mẹ hỏi gia đình mình là gia đình cách mạng sao cũng bị tịch thu?...Tôi bảo: “Mẹ chuyển sang cho nông dân vay, chặt đẹp”. Thật tội cho họ, không có ai cho vay. Gia dình tôi đành chuyển từ địa chủ sang làm ăn kiểu “tư bản nông nghiệp”… bắt buộc. (Bà con ) Vay của mẹ tôi thì sản phẩm mẹ mua lại cả, vay của nhà nước không ai mua sản phẩm đó, họ bán lỗ, mẹ lại mua giá hời. Không ai lo cho nông dân đâu, …
Hôm qua, anh Trần Kỳ Quan, nông dân ở miệt vườn trái cây cù lao Bình Hòa Phước nổi tiếng của huyện Long Hồ (Vĩnh Long) đưa con lên thành phố Cần Thơ thi đại học. Anh kể:
- Nhà có 10 công vườn, trồng nhãn, chôm chôm. Trước đây, làm ăn dễ dàng, thu nhập cao. Nhưng hơn 10 năm qua, nhà vườn bỏ ra biết bao công sức mà làm ăn vẫn trầy trật. Có khi được mùa, nhưng xuống giá. Có vụ giá lên chút đỉnh, nhưng lại mất mùa. Hai vợ chồng trần thân cơ khổ lao động cật lực, 10 công đất vườn (10.000 m2) chỉ thu được 40 triệu đồng/năm. Chi tiêu chợ búa ăn uống đắt đỏ, giá cả thị trường tăng vọt, con cái đi học đóng nhiều khoản tiền, lại nuôi cha mẹ già, có thấm gì đâu. Nhà tui vườn được vậy là rộng, trong xã nhiều hộ chỉ vài ba công đất, hoặc không đất phải đi làm thuê, đói. Lấy công làm lãi cũng khó. Xứ miệt vườn xưa nay nổi tiếng dễ làm ăn, mà nay nguy cơ ngày càng đói. Cơ cực vẫn phải lo cho con ăn học, cũng mong nó lên đại học, nhưng hai vợ chồng trần lưng ngoài vườn, ngoài kênh từ sáng đến tối, như bơi ngược dòng cũng phải ráng thôi, không biết sẽ sống ra sao.
Rồi anh lắc đầu:
- Tui đang lo, không biết, nếu như con gái tui trúng vào đại học, gia đình sẽ lấy tiền ở đâu để chu cấp cho con ăn học. Một tấn nhãn mới mua được cái máy vi tính. Giá xăng dầu lên, cước vận chuyển tăng lên. Giá phân bón và các loại vật tư nông nghiệp cũng tăng. Giá điện, giá xăng lên, cho chạy máy tưới cây mà cũng đau ruột, chi phí lớn quá. Thiếu vốn sản xuất, muốn vay tiền ngân hàng nhưng thủ tục rườm ra, nhiêu khê, đòi hỏi đủ thứ. Ngân hàng còn nói: “Cho doanh nghiệp vay, mối lớn, quản lý dễ; cho nông dân vay phải quản nhiều đối tượng vất vả lắm. Nhân viên lại phải về xã, ấp, lội mệt! Mà biết đâu lai thành món nợ khó đòi. Bởi nông dân làm ăn thất vụ, thu lời ít, làm sao trả tiền cho ngân hàng đúng kỳ hạn?” – anh nói tiếp – Làm cực khổ, trăm khoanh, nhưng đến mùa lại bị tư thương ép giá, bán đổ bán tháo, nếu không trái chín rũ rụng hết. Thôi, rẻ cũng đành bán, bấm bụng mà bán, còn hơn bỏ thối”.
Anh Trần Kỳ Quan tâm sự rằng, hôm rồi xem tivi, thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, nói rằng "Hội Nông dân Việt Nam phải kiên quyết đấu tranh chống tư tưởng xa rời nông thôn, coi thường nông nghiệp, xem nhẹ vai trò người nông dân trong quá trình phát triển". Anh cười: “Nghe thấy hay, thấy đúng. Hừ, đường lối và diễn thuyết của các vị bao giờ chả đúng! Nhưng làm được hay không lại là chuyện khác. Cuối cùng, nông dân vẫn khổ, vẫn khó thoát nghèo. Còn làm giàu ư? Khó lắm!”. .
BVB
------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét