* Gs.Ts NGUYỄN VĂN LUẬT
BVB - Trong sản xuất lúa, những công nghệ sau luôn kế thừa và phát triển công nghệ trước; luôn có sự đan xen, hòa nhập, hỗ trợ để cùng phát triển. Trong quá trình phát triển, công nghệ sản xuất lúa công nghiệp hình thành ngay trong thời kỳ công nghệ truyền thống. Cũng tương tự như vậy đối với công nghệ cao, chứ cái mới có không phá sạch tan tành cái có trước. Tìm hiểu các công nghệ sản xuất trong quá trình phát triển của nó mới có thể kết hợp hài hòa trong quy trình sản xuất nhằm đạt hiệu quả cao nhất, đồng thời có thể thấy được hướng phát triển tới.
Trước khi trình bầy một số hiểu biết của tôi về ba loại công nghệ, cũng có thể nói là ba nền sản xuất lúa của nước ta, xin được giới thiệu một số thông tin liên quan. Ở một hội nghị quốc tế về lúa gạo tổ chức năm 2004 ở TP Hồ Chí Minh, có một khẩu hiệu dán la liệt trong và ngoài hành lang Hội nghị: “Chúng ta không sản xuất lúa bằng kinh nghiệm” (We do not practce agriculture based on experiences). Với tư cách chủ tọa một phiên họp, tôi đã thảo luận với Ban Tổ chức: Khẩu hiệu này vừa không đủ, vừa không đúng. Ít nhất phải bổ sung bằng từ, và là “Chúng ta không làm nông nghiệp chỉ (not only) dựa vào kinh nghiệm”; để đầy đủ hơn thì phải thêm: “.. mà cần áp dụng công nghệ mới thích hợp” (but adaptive new technology). Đại biểu một số nước tán thành, nhưng tôi cũng chấp nhận đề nghị của BTC, chỉ trong phạm vi “Lobby”, không đưa ra Hội thảo.
Năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh dứt khoát không đồng ý với đề xuất đúc thành vàng khối những cổ vật như kim ngọc bảo tỷ, ấn, kiếm.. bằng vàng để bổ sung vào ngân khố, và phân tích những cổ vật này không riêng gì của chế độ phong kiến, mà còn là tài sản của nhân dân, là sản phẩm đúc kết từ trí tuệ của những người thợ Việt Nam (báo Văn nghệ ngày 20 tháng 7, 2013). Có lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về Nghệ An, một cán bộ lãnh đạo huyện hí hửng báo cáo đã phá sạch đình chùa tàn tích cũ để xây trường học, trạm xá, trụ sở khang trang. Bác hỏi “Bọ mạ (bố mẹ) cháu còn không?”. Người cán bộ cảm động trả lời: Dạ, bọ mạ cháu còn sống và đã vào hợp tác xã nông nghiệp”. Bác nói: “Về giết hết đi, cũng là cũ kỹ mà!”… Qua câu chuyện này, Bác đã cho địa phương một bài học sâu sắc!.
Công nghệ sản xuất lúa truyền thống
Công nghệ trồng lúa xưa là công nghệ cổ truyền, hay truyền thống, đã gắn liền với nền văn minh lúa nước; đã đóng góp quyết định vào việc duy trì và phát triển dân tộc ta từ hàng ngàn năm trước đây. Công nghệ trồng lúa truyền thống dùng tập đoàn giống lúa cổ truyền, cũng chính là công nghệ sản xuất “lúa hữu cơ” ngày nay, ký được hợp đồng tiêu thụ thì giá cao hơn lúa thường rất đáng kể, có khi gần ngàn USD/ tấn gạo!. Bởi vì công nghệ sản xuất lúa này chỉ dùng năng lượng tái tạo, hay dùng phân hữu cơ, dùng sức kéo trâu bò, chất dinh dưỡng chủ yếu dựa vào đất có sẵn. Nông dân xưa khai thác tiềm năng về chất dinh dưỡng từ đất cần cho lúa bằng làm đất (hòn đất nỏ là rỏ phân; ải thâm không bằng dầm ngấu..), hay nuôi thả bèo hoa dâu. Dùng giống lúa cao cây dài ngày, tuy năng suất hạt thấp, chỉ đạt khoảng 3 tấn thóc 1 ha, nhưng để lại một khối lượng rơm rạ rất lớn, gấp đôi thóc lúan!. Những công nghệ như làm nấm rơm, làm ván ép từ vỏ trấu và rơm rạ.. lại có thể tăng thu nhập rất đáng kể từ sản phẩm phụ của nghề trồng lúa.
Vùng ven biển luân canh lúa – tôm đang phát triển, đồng thời manh nha công nghệ sản xuất lúa hữu cơ với giống và kỹ thuật thích hợp. Vì giá trị kinh tế vụ tôm thường hơn lúa nhiều, mà kỹ thuật nuôi tôm để có mùa tôm trúng lại kị phân bón hóa học, thuốc sát trùng. Người nông dân trồng lúa ở vùng này có thể trở nên khá giả và giầu có khi có điều kiện nâng cao hiệu quả kinh tế và cải thiện môi trường của hệ canh tác lúa /tôm, cá.
Tên gọi giống lúa bản địa được đặt bởi người nông dân tự chọn và sử dụng. Thật là thú vị vì ý nghĩa của mỗi tên giống lúa có thể hiện được bản tính của người nông dân thân thiện với môi trường, sáng tạo, đôn hậu, chân chất, hình tượng và minh triết. Vài ví dụ: Nàng hương là cô tiên thơm tho; Nàng thơm Chợ Đào là lúa thơm đặc sản được sản xuất ở vùng Chợ Đào; Cù lựa là giống lúa được lựa bởi ông nông dân tên Cù ở Bán đảo Cà Mau; Ba sào – giống lúa có thân dài bằng ba sào tre; Huyết giồng, hạt gạo màu đỏ đẹp như huyết con rồng; Một bụi – giống lúa lựa từ một bụi; Nếp ba cô – giống lúa nếp do 3 cô thôn nữ lựa ra..
Công nghệ sản xuất lúa công nghiệp
Công nghệ trồng lúa hiện nay nằm trong thời kỳ công nghiệp hóa là công nghệ trồng lúa công nghiệp với các giống lúa mới. Các giống lúa mới cao sản ngắn ngày ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), vựa lúa lớn nhất của cả nước, khởi đầu là từ Viện Lúa Quốc tế với ký hiệu IR. Kế thừa và phát triển các giống lúa IR, từ thập kỷ 80, chúng ta đã tự lai tạo ngày một nhiều giống lúa mới. Từ thập kỷ 90 đến nay, phần lớn giống lúa được dùng là do ta lai tạo và được nông dân sử dụng trên khoảng 90% diện tích lúa.. Tuy nhiên, có những giống lúa IR như IR 50404, IR64 vẫn được dùng rộng rãi, cũng do nông dân tự giữ lại, các nhà khoa học giúp nông dân giữ được bản chất của giống để không bị hoái hóa..
Trước mỗi vụ lúa, cơ quan chức năng đều có khuyến cáo cơ cấu giống lúa . Cục Trồng trọt vừa khuyến cáo cho vùng Nam bộ: Nhóm giống lúa chủ lực (diện tích trên 30.000 ha/ vụ): OM 4900, OM 6976, OM 6162, OM 5451, OM 7347, OM 2517, OM 2395, ML 48, VNĐ 95-20, Jasmine 85, và IR 50404. Đồng thời cũng giới thiệu những giống lúa “kế cận” được dùng trên diện tích hẹp hơn, được gọi là “nhóm giống bổ xung”, rồi giống triển vọng. Cơ sở khoa học và thực tế của cơ cấu giống lúa được giới thiệu là những tổng kết sản xuất ở địa phương và kết quả nghiên cứu thí nghiệm ở các viện, trường đại học. Viện Lúa ĐBSCL, từ hơn ba thập kỷ đã tổ chức đều đặn hàng vụ, gần đây là mấy hàng năm, đón tiếp 600 – 800 nông dân và cán bộ kỹ thuật ở trong và ngoài vùng cùng ra đồng bình chọn được hàng chục giống ưa chuộng trong hàng trăm giống lúa thử nghiệm. Những giống được nhiều ngưới quan tâm là giống lúa chịu mặn tới 0,04% (bình thường là 0,03%) như OM9577 và OM9684, ST5.. đã được sử dụng trên hàng mấy vạn ha. Giống lúa dễ làm như IR50404, nhưng chất lượng gạo cao hơn, 85 ngày, là giống OM10424, đã được trồng thử trên mấy ngàn ha, thấy né được mặn huyện Long Phú, Sóc Trăng; và ở vùng ngọt huyện Bình Minh, Vĩnh Long, đều đã đạt 7 tấn thóc/ha và cao hơn.
Cốt lõi của công nghệ trồng lúa công nghiệp là cơ khí hóa nghề trồng lúa, trong phong trào phấn đấu đến năm 2020 nước ta đạt các tiêu chí của nước công nghiệp. So với trước đây, từ sau giải phóng, nhất là sau đổi mới, năng suất và sản lượng lúa tăng rất nhanh, gấp 4, gấp 5 lần hơn công nghệ truyền thống. Đồng thời, năng lượng không tái tạo từ dầu hỏa, như phân hóa học, thuốc sát trùng, săng dầu, .. được sử dụng ngày một nhiều gây ra những hậu quả xấu về môi trường, về sức khỏe con người, nhất là đối với nông dân.
Bà con nông dân, với sự hỗ trợ của nhiều ngành, nhiều cấp và các nhà khoa học, các doanh nghiệp, đã phát huy tiềm năng của cơ cấu giống lúa mới hợp lý, trên cơ sở các điều kiện canh tác lúa ngày một cải thiện, nhất là điều kiện về tiêu tưới. Kết quả là, kỷ lục mới trong sản xuất lúa gạo năm nào cũng lập được, vì năng suất và sản lượng lúa năm sau luôn cao hơn năm trước từ vài thập kỷ qua. Năm 2012, tổng sản lượng lúa đang vươn nhanh tới mốc 45 triệu tấn, lượng gạo xuất khẩu đạt: 7,6 triệu tấn! Tuy nhiên, bà con nông dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và đời sống, vì phải đầu tư cao hơn vào sản xuất, nên thu nhập thuần không tương xứng..
Công nghệ cao sản xuất lúa
Công nghệ cao sản xuất lúa kế tiếp và sẽ thay thế dần từng hoạt động sản xuất, từng khâu canh tác trong công nghệ sản xuất lúa công nghiệp. Tuy ở nước ta mới manh nha, nhưng đã tỏ ra nhiều triển vọng. Về công nghệ sinh học có chế phẩm sinh học nấm xanh nấm trắng trừ sâu, được bà con nông dân ở ĐBSCL và nhiều nơi đã tham gia vào khâu cuối của dây truyền sản xuất chế phẩm, để sử dụng trừ sâu cho mình và làm thương phẩm. Kỹ thuật di truyền, một công nghệ cao đang được áp dụng trong tạo chọn giống lúa chống hạn, chịu mặn, kháng sâu bệnh. Đã có những giống lúa cho gạo được coi như thực phẩm chức năng, vì hàm lượng đam cao, tăng hàm lượng ba chất vi dinh dưỡng vitamin A, sắt, iod gây mờ mắt, bướu cổ, thiếu máu..Sử dụng tia lade trong khâu san phẳng mặt ruộng lúa đã thực nghiệm ở An Giang, Bặc Liêu. Vật liệu nano đã được dùng trong sản xuất thử nghiệm phân hóa học và thuốc sát trùng với lượng rất ít mà hiệu quả lại rất cao, giảm được giá thành rõ rệt..Khi tham quan các nước phát triển trồng lúa, như Nhật, Ý, Úc.., tôi đã thấy họ sử dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào việc theo dõi lúa sinh trưởng phát triển, theo dõi tình hình sâu bệnh; họ thực hiện “Nông nghiệp chính xác” bằng một hệ thống phân tích hàm lượng nước và chất dinh dưỡng trong đất ở từng khu vực. Khi cần tưới, cần bón, sẽ hiển thị trên máy tính (computer), “nông dân trí thức” sẽ ấn nút, một hệ thống dẫn nước có pha phân hóa học sẽ tự động tưới bón cho từng khu vực theo định lượng do máy móc làm.
Khi công nghệ cao “thâm nhập” vào các khâu canh tác, các hoạt động sản xuất lúa như nhiều nước đang làm thì nền sản xuất lúa ở nước ta sẽ có một bước nhẩy vọt tựa như bước nhẩy rất ấn tượng từ công nghệ sản xuất lúa truyền thống sang công nghiệp hóa, nhưng lợi ích hướng vào nông dân nhiều hơn..
Ba công nghệ sản xuất lúa mô tả sơ lược trên đan xen, hòa nhập, kế thừa, bổ xung, làm cho nền sản xuất lúa của chúng ta sẽ phát triển không ngừng! Công nghệ là kinh nghiệm, là kỹ thuật truyền thống, được đúc rút từ mồ hôi, nước mắt của nhà nông, xin đừng qúa thiên về công nghiệp sản xuất lúa chạy theo năng suất, sản lượng cao mà 'giết chết' công nghệ.
24/07/2013
NVL
----------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét