Chủ Nhật, 11 tháng 8, 2013

Từ Nghị định 72 -Soi lại 5 năm trước (!?)

Quản lý blog: Khả thi đến đâu?
 
Doanh nhân Online - Thứ Tư, 31/12/2008
Sau nhiều lần bàn thảo, lấy ý kiến đóng góp, Thông tư số 07 về hoạt động cung cấp thông tin trên trang điện tử cá nhân đã được Bộ Thông tin-Truyền thông ban hành. Như vậy là đã ngã ngũ.

Cốt lõi của Thông tư 07 là 5 điều cấm ở Mục 3 đối với các hành vi: 1-Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại điều 6 Nghị định số 97 (Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet). 2-Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. 3-Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm vi phạm các qui định của pháp luật về báo chí, xuất bản. 4-Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân vi phạm các qui định tại Điều 31, Điều 38 Bộ luật Dân sự. 5- Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân vi phạm các qui định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Vẫn còn có một sân chơi cho các blogger nhưng cũng đã có những quy định pháp lý cụ thể cho sân chơi này. Thời gian qua, ngay cả những người “sống thoáng và nghĩ thoáng” nhất cũng phải có lời phàn nàn về blog, rằng blog với những ngôn ngữ “hủy diệt ngôn ngữ” Việt; là nơi xuyên tạc, nói xấu nhau; là nơi tạo ra các dư luận không rõ ràng gây nhiễu và hoang mang; blog cũng là các kênh quảng cáo vô lối và trả thù cá nhân...
Trên thực tế, có thể vận dụng nhiều quy định để xử lý các hành vi kể trên. Tuy nhiên, phải thấy rằng, cộng đồng blog là một cộng đồng dễ xôn xao và nhạy cảm, việc xử lý khi chưa có những quy định riêng cho blog dễ bị hiểu nhầm và xuyên tạc. Dù dư luận đa phần rất bức xúc với không ít blog, và muốn Nhà nước có sự điều chỉnh nhất định trong lĩnh vực này, đặc biệt đối với các blog gây nhiễu và thông tin không lành mạnh.
Thế nhưng chúng ta vẫn phải chờ xem Thông tư 07 sẽ đi vào đời sống như thế nào, sẽ điều chỉnh được tới đâu hoạt động blog, có đủ mạnh và chặt đối với hoạt động blog và giới blogger. Bởi vì thực tế Thông tư mới được ban hành thì đã nhận được không ít phản đối của giới blogger, cho rằng nhiều quy định dù chặt nhưng khó khả thi.
Chẳng hạn, người nào có hành vi đặt đường liên kết thì người đó chịu trách nhiệm. Cụ thể, blogger khác nhảy vô blog mình comment để đặt liên kết đến thông tin xấu thì blogger đó chịu trách nhiệm chứ không thể bắt mình chịu trách nhiệm được. Các ý kiến này cho rằng quy định của Bộ không thực tế, và không hiểu hết thế giới blog. Còn nhiều bất cập đến mức, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng, một thông tư như vậy mà muốn đi vào cuộc sống thì có lẽ lại phải có... văn bản hướng dẫn. Còn văn bản hướng dẫn đó mà chưa rõ thì lại phải... tiếp tục hướng dẫn nữa.
Khi cơ quan quản lý đưa ra quy định không khả thi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của mình. Thông tư đã hơn một lần nói đến vai trò và trách nhiệm cá nhân của các blogger. Điều này là rất cần thiết vì blogger chính là hạt nhân của hoạt động blog. Điều chỉnh hoạt động blog, thực chất là phải điều chỉnh được hành vi của các blogger. Dư luận vẫn đang chờ xem, trong thời gian tới, liệu có trường hợp blogger vi phạm nào bị đưa ra xử lý để làm điển hình răn đe hay không. 
Thụy Lâm
---------------

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét