Kỳ 2- (tiếp theo)
…* 3.12.2000
Quanh đi quẩn lại vẫn phải trả lời cho câu hỏi: nước ta đã từ cái gì bước sang cái gì và hiện đang là cái gì ?
Rõ ràng là ta đã từ chiến tranh bước sang hoà bình, đang từ tình trạng cách mạng bước sang tình trạng bình thường.
Và cũng có thể nói cách khác là ta đã từ tình thế chiến tranh cách mạng bước sang cuộc sống hoà bình đời thường.
Ai cũng phải nhận thấy rằng tình thế chiến tranh và cách mạng là tình thế không bình thường, là tình thế bất thường. Và hoà bình xây dựng là bình thường, là đời thường. Những ai cả đời, hoặc phần lớn cuộc đời, sống trong chiến tranh và cách mạng là những người có cuộc đời phi thường. Nhưng dù như thế những người phi thường đó cũng phải có một cuộc sống đời thường: ăn, ngủ, mặc, ốm đau, học tập, giải trí, nhất là lấy vợ (chồng) đẻ con, nuôi con vv… Chỉ có điều những chi tiết cuộc sống đời thường đó đã phải giải quyết và thực hiện một cách bất thường.
>> Giỗ dang tướng Trần Độ ở Sài Gòn
Ai cũng phải nhận thấy rằng tình thế chiến tranh và cách mạng là tình thế không bình thường, là tình thế bất thường. Và hoà bình xây dựng là bình thường, là đời thường. Những ai cả đời, hoặc phần lớn cuộc đời, sống trong chiến tranh và cách mạng là những người có cuộc đời phi thường. Nhưng dù như thế những người phi thường đó cũng phải có một cuộc sống đời thường: ăn, ngủ, mặc, ốm đau, học tập, giải trí, nhất là lấy vợ (chồng) đẻ con, nuôi con vv… Chỉ có điều những chi tiết cuộc sống đời thường đó đã phải giải quyết và thực hiện một cách bất thường.
>> Giỗ dang tướng Trần Độ ở Sài Gòn
Bây giờ phải giải quyết và thực hiện cuộc sống đời thường đó một cách bình thường.
Đó là lẽ tự nhiên, và lẽ tự nhiên đó phù hợp với sự tự nhiên của tạo hoá. Ai cứ muốn làm khác lẽ tự nhiên đó thì trở nên gàn dở và điên cuồng.
Cuộc sống chiến tranh và cách mạng có những yêu cầu đặc trưng của nó. Những yêu cầu như:
• Có Đảng lãnh đạo tuyệt đối toàn diện;
• Có nguyên tắc tập trung dân chủ. Có yêu cầu kỷ luật sắt, chỉ có chấp hành không bàn cãi;
• Chịu đựng gian khổ, hi sinh;
• Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng.
Đó là những yêu cầu cần thiết và hợp lý, mỗi người và toàn thể nhân dân vui lòng chấp nhận, tự nguyện chấp nhận và thực hành. Và thực sự, cuộc đấu tranh đã nhờ những yêu cầu đó mà có sức mạnh để giành thắng lợi.
Nhưng khi đất nước đã chuyển sang hoà bình xây dựng và cuộc sống đời thường thì không thể tiếp tục yêu cầu như vậy được nữa.
Trước đây phải có một Bộ chỉ huy, một bộ máy lãnh đạo mạnh mẽ để lãnh đạo và chỉ huy chiến tranh và cách mạng. Bộ máy lãnh đạo có quyền đề ra những yêu cầu như vậy và mọi người sẵn sàng tự nguyện tuân theo.
Nhưng không thể cứ kéo dài những yêu cầu đó trong hoà bình và xây dựng.
Nếu cứ tiếp tục cứ yêu cầu như vậy trong hoà bình xây dựng thì đó là phản tiến bộ, phản dân chủ, là phản động.
Trong điều kiện hoà bình xây dựng, tức là trong đời thường cần có một bộ máy quản lí xã hội phù hợp với cuộc sống đời thường.
Tôi được đọc ý kiến của một số nhà nghiên cứu nêu lên một cách có lý luận là một xã hội đời thường như vậy cần có 4 thứ: (coi như 4 bánh xe của một cỗ xe)
1. Một xã hội công dân.
2. Một nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh chứ không định hướng gì lôi thôi.
3. Một nhà nước pháp quyền.
4. Một nền dân chủ đầy đủ.
Như vậy là một xã hội đời thường phải có: xã hội công dân, thị trường, pháp quyền và dân chủ.
Bộ máy quản lý xã hội ấy là một bộ máy dân chủ. Nói dân chủ thì cứ phải dân chủ đã, không phải chưa nói dân chủ đã đề phòng “dân chủ quá trớn”, đề phòng “lợi dụng dân chủ”. Khi dân có dân chủ thì dân phải “dùng” cái quyền dân chủ đó, “dùng” không phải là “lợi dụng”. Mà dân chủ nào cũng là dân chủ có quy chế, có quy tắc. Ai làm sai những quy chế, quy tắc đó thì phải phạt. Người đứng đầu như Chủ tịch, Thủ tướng, Chánh án, Giám đốc mà làm sai quy chế dân chủ thì cũng phải phế truất, không thể có chuyện đổ cho người ta tội “dân chủ quá trớn” và “lợi dụng dân chủ”. Và tại sao lại chỉ đề phòng “lợi dụng dân chủ” mà không đề phòng “lợi dụng không dân chủ” ? Bộ máy quản lý xã hội dân chủ là một bộ máy phải được xây dựng nên một cách dân chủ, nó có đủ quyền hạn mà nó được phân công, nhưng quan trọng nhất là nó phải được giám sát, tức là phải được nhân dân giám sát và các cơ quan trong bộ máy ấy giám sát lẫn nhau. Muốn thế phải thực hiện tự do ngôn luận và tự do bầu cử.
Ở ta, những điều đó đã được ghi trong Hiến pháp. Phải rà soát lại, phải thay đổi tất cả các bộ luật và các điều luật để bảo đảm đúng tinh thần Hiến pháp.
Nhưng rõ ràng có nhiều hiện tượng người dốt người kém lại cai trị, điều khiển người có tri thức; người không biết chuyên môn lại có quyền sai bảo dạy dỗ người có chuyên môn; người có trình độ rất thấp lại đi dạy dỗ chỉ đạo khắp nơi khắp chốn. Những hiện tượng đó là có thật, có thật rõ ràng, ai ai cũng thấy, ai ai cũng biết.
Quả là vào thập kỷ 80 thì cả nước mong ước thoát khỏi khủng hoảng toàn diện. Quả là đất nước lúc ấy ở vào tình trạnh “suýt chết”. Đó là chưa kể sau khi thắng lợi, hàng trăm nghìn người đã bỏ nước ra đi. Thế là hình thành nhiều trung tâm người Việt ở thế giới gần 2 triệu người.
Vậy là tại sao? Tình trạng đó có phải do kẻ địch nào tạo ra, có kẻ địch nào bịa ra để nói xấu ta ?
Không! !
Tất cả những ai đến nay ở tuổi 40-50 đều chứng kiến, cả “thắng lợi” lẫn “suýt chết” !
Vậy là do đâu ?
Quả thật là 50-70 năm vừa qua, đất nước ta đã trải qua nhiều biến động long trời lở đất, đã biến chuyển vĩ đại từ một đất nước nô lệ không tên tuổi trên thế giới, cực kỳ đói nghèo, dốt nát và lạc hậu, đầy nhục nhã, đầy dối trá, lừa đảo, đầy tệ nạn và oan khuất, trở thành một đất nước tên tuổi lừng lẫy, sự đói nghèo đó giảm bớt, sự dốt nát bị tiêu diệt.
Suốt quá trình đó, đều có vai trò nổi bật của Đảng cộng sản Việt Nam , có lúc tên là Đảng Lao động Việt Nam .
Nhưng tất cả những thắng lợi và tiến bộ ấy không thể quy hết vào công của Đảng cộng sản được, tuy rằng Đảng cộng sản có công lớn. Cũng không thể quy hết công vào chủ nghĩa Mác được.
Vì 50 năm và 70 năm ấy, nhiều nước ở quanh ta cũng có những biến chuyển lớn, lớn hơn cả nước ta. Họ đã từ nghèo nàn lạc hậu trở thành những nước giàu có và văn minh, còn nước ta vẫn còn ở trạng thái tụt hậu, đang phải cố gắng đuổi theo, mà sự đuổi theo ấy còn đang đuối sức.
Những nước ấy không hề nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản. Đó là một sự thực hiển nhiên, bất cứ ai dù có nhắm mắt cố tình cũng không thể không nhìn thấy.
Hiện nay những người khoảng trên 70 tuổi, tức những người được sinh ra trước năm 1930, cũng tức là những người đã được sống trong xã hội trước Cách mạng Tháng 8, thường có sự so sánh mặt nọ mặt kia của xã hội ngày nay với xã hội ngày xưa.
Khi so sánh như thế, ai nấy cũng đều thấy xã hội ta, đất nước ta ngày nay được độc lập, đã “sạch bóng quân xâm lược”. Thật là rõ ràng, hiển nhiên ngày nay dân ta có đời sống khá hơn nhiều so với trước đây. Trước đây là đường phố đầy người chết đói và ăn mày, ngày nay một người dân trung bình cũng mơ ước và có khả năng thực hiện một ngôi nhà cho mình, cho con, một xe máy, một bộ ti vi, tủ lạnh, bếp ga, nhất là đối với người ở thành phố và đô thị. Như thế so với thời chết đói và ăn mày thì đã là một trời một vực. Cái chuyện thời nay khác thời trước cách đây 50- 70 năm là một sự thường vì nhiều nước được như thế và còn hơn thế nữa. Không thể nói là nhờ vào chủ nghĩa Mác và Đảng cộng sản được.
Nhưng còn xã hội ngày nay đã tốt đẹp chưa ? đã tự do, dân chủ chưa ? thì không ai thấy được. Nhưng ai cũng thấy rằng:
1. Xã hội hiện nay có một bộ máy quản lý to lớn kềnh càng quá, nhất là ở xã phường và huyện tỉnh. Bộ máy lại có nhiều Quan quá. Có một thời chữ Quan mất đi rồi, thay vào đó là chữ “Cán bộ”, “Đồng chí”. Nhưng ngày nay chữ “Đồng chí” chỉ còn trên giấy, còn thường ngày dân vẫn nói “các Quan” và “Quan càng to, càng nhiều bổng lộc”. Ngôn ngữ ấy trở lại như ngày xưa, trong xã hội rất nhiều người cũng cố gắng “phấn đấu” để được làm Quan. Vợ kiêu hãnh vì có chồng là Quan, con hãnh diện vì có bố, mẹ là Quan. Điểm này, xã hội ngày nay giống trước và trắng trợn, tệ hại hơn trước.
2. Càng Quan to thì lễ lạt, biếu xén càng to và bổng lộc càng nhiều.
3. Nhiều Quan to có mức độ sống không kém gì các quan ở những nước giàu có (nhà cửa, xe cộ, quần áo, ăn uống).
4. Trong bộ máy, có nhiều người khiến nhân dân phải sợ, phải kiêng nể, có nhiều bộ máy to nhỏ đáng sợ. Dân phải sợ công an, sợ cán bộ Đảng, vì cán bộ Đảng giống công an quá, cũng hay dò la, xem xét, hay doạ nạt. Công an ngày càng nhiều và ngày càng có nhiều nét của một hình ảnh khủng bố, là hình ảnh doạ trẻ con được “Ấy chết, chú Công an kia kìa!”.
5. Các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng khá đông đảo, nhưng không bênh vực được nhân dân chút nào. Nhân dân vẫn phải khiếu kiện nhiều, khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài, khiếu kiện đông người (tức là biểu tình), vừa gửi đơn, vừa muốn trực tiếp đưa đơn, có rất nhiều trường hợp oan trái và oan khuất từ đời cha, đời ông đến đời con, đời cháu.
Những điều đó, báo chí lẻ tẻ đều có nói đến, nhưng còn rất ít. Phải nghe nhân dân nói với nhau ở hè phố, góc chợ và khắp nơi mới thấy rõ được bức tranh xã hội thật.
Vậy một xã hội mà ta mơ ước, ta lý tưởng hoá, lại tồn tại trong hiện thực như vậy, thì có thể coi là ta đã xây dựng được một xã hội tốt đẹp hay chưa ?
Ta đã từng mơ ước, và từng lý tưởng hoá, ta đã từng chỉ ra là xã hội tương lai sẽ không có thất nghiệp, không có cờ bạc, không có gái đĩ, không trộm cắp vv... Nhưng xã hội ta ngày nay như thế nào? Vẫn có đầy đủ các tệ nạn của một xã hội cũ mà ta đã từng nguyền rủa và đã từng đập tan. Trước đây ta cho rằng chỉ có xã hội tư bản mới xấu xa như thế. Còn xã hội xã hội chủ nghĩa thì một trăm phần trăm tốt đẹp, một trăm phần trăm ngược lại với xã hội tư bản.
Thực ra, chủ nghĩa Mác rất nhân đạo, rất nhiều lòng tốt, nó chỉ ra cho loài người một tương lai sáng lạn: sẽ không có tư hữu, do đó không có bóc lột, thế là cuộc sống xã hội hoàn toàn công bằng và dân chủ.
Nhưng thực tiễn cuộc sống chỉ ra rằng nó không thể đơn giản như vậy. Hình ảnh ấy chỉ là một cái bánh vẽ khổng lồ. Thực tiễn cuộc sống khó khăn, phức tạp hơn rất nhiều. Loài người cứ phải tìm kiếm và tìm kiếm, tạo ra cho mình những kinh nghiệm và những giá trị tốt đẹp. Xã hội tư bản có những cái xấu, nhưng trong xã hội đó, nhân dân cũng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho mình, miễn là nhân dân được tự do. Cái điều mà chủ nghĩa Mác, cộng sản hay xã hội chủ nghĩa tưởng rằng có nhờ nó sẽ có một bộ máy nhà nước bảo đảm được mọi mặt nhu cầu đời sống của mọi người, chỉ là một ảo tưởng hão huyền.
Thế mà Đảng lại cứ bắt mọi người phải tin theo vào cái ảo tưởng hão huyền đó. Như thế là phạm vào một tội ác lớn với nhân dân.
Đảng cộng sản Việt Nam cứ gân cổ gào lên cái định hướng xã hội chủ nghĩa theo kiểu như vậy, thật ra là một sự mù quáng, một sự điên cuồng.
Nhân dân cần được tự mình làm chủ cuộc đời của mình, nghĩa là phải được tự do sống, tự do làm ăn, rồi mọi việc của cuộc sống sẽ được giải quyết dần, không cần một lý thuyết, một chủ nghĩa nào cả.
Nói đúng hơn là nhân dân cần đến tất cả các học thuyết, các chủ nghĩa, rồi nhân dân sẽ chọn lọc, cân nhắc, so sánh chúng với nhau để tìm ra cái nào có lợi cho đường đi của mình.
Đảng nào sáng suốt và tài tình là đảng tạo ra được những tự do như vậy cho nhân dân. Chứ còn đảng nào mà cứ bắt nhân dân phải nghe theo và sống theo các nghị quyết của mình thì đảng ấy chỉ là duy ý chí một cách dốt nát và tàn bạo. Đảng ấy quyết không thể tồn tại.
* 7.12.2000
Tiếp tục câu hỏi lớn: cuộc cách mạng Việt Nam đã đem lại được cái gì cho nhân dân Việt Nam ?
Cứ xem xã hội Việt Nam hiện nay, cuộc sống Việt Nam hiện nay, thì có thể thấy một nét lớn rất đau lòng là: tất cả những gì xấu xa, tàn bạo, mà cách mạng đã có lúc xoá bỏ và đập tan thì nay đang được khôi phục lại hoàn toàn, mà khôi phục lại còn mạnh hơn, cao hơn, nhân danh cách mạng.
Bộ máy quản lý xã hội thực hiện một nguyên tắc chuyên chính tàn bạo hơn tất cả các thứ chuyên chính.
Đó là chuyên chính tư tưởng, sự chuyên chính tư tưởng được thực hiện bởi một đội ngũ nòng cốt là những “lưu manh tư tưởng”. Chuyên chính tư tưởng định ra những điều luật tàn khốc để bóp nghẹt mọi suy nghĩ, mọi tiếng nói … Những điều luật quy vào các tội: có hại cho lợi ích cách mạng, không lợi cho sự nghiệp cách mạng, nói xấu chế độ, nói xấu lãnh đạo vv… để đàn áp tàn khốc mọi tiếng nói.
Nền chuyên chính tư tưởng này đang làm cho tất cả trí thức không dám suy nghĩ gì, hoặc ít nhất cũng không muốn suy nghĩ gì, nói năng gì. Thực ra, nền chuyên chính vô sản này làm tê liệt toàn bộ đời sống tinh thần của một dân tộc, làm tê liệt sự hoạt động tinh thần của nhiều thế hệ, ra sức nô dịch toàn bộ tinh thần của nhiều thế hệ, làm nhiều thế hệ con người trở thành những con rối chỉ biết nhai như vẹt các nguyên lý bảo thủ, giáo điều. Nó làm cho nền giáo dục khô cứng, làm cho các hoạt động văn học nghệ thuật nghèo nàn, mất hết cơ hội sáng tạo và mất hết hào hứng, nó làm cho các hoạt động khoa học bị khô cứng và nô dịch.
Nó tạo ra và nó bắt buộc nhân dân phải có một tâm lý lệ thuộc, lệ thuộc vào nhà nước, lệ thuộc vào Đảng, lệ thuộc vào cán bộ, và một tâm lý phải tuân phục, kể cả người cao nhất cũng phải tuân phục một cái gì bí và hiểm.
Nền chuyên chính tư tưởng hiện nay ở Việt Nam là tổng hợp các tội ác ghê tởm của Tần Thuỷ Hoàng và các vua quan tàn bạo của Trung Quốc, cộng với tội ác của các chế độ phát xít, độc tài.
Nó tàn phá cả một dân tộc, huỷ hoại tinh anh của nhiều thế hệ.
Xét đến cùng, đó là tội nặng nhất về sự vi phạm nhân quyền. Vì không phải nó chỉ xâm phạm đến quyền sống cuả con người mà nó huỷ hoại cuộc sống rất nhiều người, đó là cuộc sống tinh thần, cuộc sống tư tưởng của cả dân tộc.
Nó đang làm hại cả một nòi giống.
* 9.12.2000
Vẫn có một câu hỏi lớn mà không biết có tìm được câu trả lời thoả đáng hay không ? Câu hỏi đó là:
Nhân dân Việt Nam , sau 70 năm đấu tranh gian khổ và 30 năm chiến tranh ác liệt với những hi sinh rất lớn lao và sâu sắc đã mang lại cho mình, cho đất nước một chế độ xã hội và một chính quyền thế nào ? một xã hội kiểu gì ?
Ta biết chắc là có những câu trả lời ngon lành như sau:
“Ta đang có một chế độ xã hội chủ nghĩa tốt đẹp và có một xã hội xã hội chủ nghĩa cũng rất tốt đẹp. Vì nhà nước của ta ngày nay tên là nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam , do Đảng cộng sản lãnh đạo. Bản chất của chế độ ta là công bằng dân chủ, nhân dân rất hạnh phúc.”
Đó là câu trả lời chính thống.
Ai nói khác đi là chống lại chủ nghĩa xã hội, chống lại Đảng cộng sản. Nhưng người dân thường và nhất là nhiều bậc lão thành, nhiều nhà trí thức và cả nhiều thanh niên nữa, đều thấy là không phải thế. Những người này thường lấy sự thực thường ngày ra đối chiếu, rồi thấy rằng chữ xã hội chủ nghĩa thật là vô duyên và vô nghĩa. Vì vậy đã có rất nhiều ý kiến cho rằng nên trở lại với tên nước mà Hồ Chí Minh đã đặt: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà…
(còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét