* VŨ LINH
Từ trước đây vài tháng, tôi đã đọc bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trên các trang báo mạng, nay lại nhận được bản dự thảo có in bản Hiến pháp 1992 và bản Dự thảo mới do Sở Tư pháp Hà Nội phát hành. Đây là bản Dự thảo gửi rộng rãi đến từng hộ dân để lấy ý kiến góp ý của nhân dân. Qua việc này, tôi thấy chính quyền cũng tỏ ra khá là chu đáo và thể hiện “tôn trọng dân”, “xin ý kiến nhân dân đóng góp”. Nhưng thực sự quần chúng phân vân. Vì gần đây qua truyền hình, tôi thấy TBT Nguyễn Phú Trọng quy cho những người góp ý kiến, có những ý kiến riêng, khác với nội dung dự thảo Hiến pháp là thoái hóa, biến chất, có vẻ như muốn “ xử lý “ họ.
Tôi thiết nghĩ, khi đã gọi là “dự thảo” thì còn được bàn, còn cần phải bàn để có một bản hiến pháp hoàn chỉnh, đầy đủ, trước hết đạt được yêu cầu dân chủ toàn xã hội. Bản Hiến pháp (sử đổi) cần phải đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Hiến pháp phải thể hiện chế độ chính trị rõ nét, rõ ràng, như chế độ của ta – là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”- chứ không phải đảng lãnh đạo là có quyền trùm lên tất cả, mờ nhạt vai trò quản lý của Nhà nước và nguy nhất là mất quyền làm chủ của nhân dân.
Tôi thiết nghĩ, khi đã gọi là “dự thảo” thì còn được bàn, còn cần phải bàn để có một bản hiến pháp hoàn chỉnh, đầy đủ, trước hết đạt được yêu cầu dân chủ toàn xã hội. Bản Hiến pháp (sử đổi) cần phải đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và phát triển bền vững của đất nước, mang lại tự do hạnh phúc cho các thế hệ hiện tại và tương lai. Hiến pháp phải thể hiện chế độ chính trị rõ nét, rõ ràng, như chế độ của ta – là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”- chứ không phải đảng lãnh đạo là có quyền trùm lên tất cả, mờ nhạt vai trò quản lý của Nhà nước và nguy nhất là mất quyền làm chủ của nhân dân.
Quốc hội và Bộ Chính trị vừa mới yêu cầu nhân dân góp ý kiến, nhưng khi người dân nói đôi điều khác lạ (theo dân ý, dân nguyện, theo thực tế xã hội) thì lại bị qui kết là suy thoái, thoái hóa chính trị tư tưởng, là biểu hiện biến chất, thậm chí có ý “phản dộng”, hoặc đòi “xử lý” họ..Như vậy quả là tiền hậu bất nhất, nếu gọi như thế là “lá mặt lá trái” liệu có quá lắm không? … Tôi cũng sợ. Nhưng nay HĐND và UBND thành phố Hà Nội đã có yêu cầu góp ý kiến, là công dân chắc chúng tôi sẽ không bị chụp mũ hoặc bị xử lý nếu thành tâm nói thật ý kiến của mình (!?)
Sau khi đọc bản Dự thảo hiến pháp mới, tôi thấy còn có nhiều điều không ổn. Sau đó tôi có biết về bản Kiến nghị Sửa đổi HP của 72 nhân sĩ trí thức – xin được gọi tắt là bản Kiến nghị 72 –. Tôi thấy đó là bản kiến nghị tốt, muốn xây dựng một chế độ xã hội thực sự dân chủ, công bằng, văn minh và tôi đã đồng tình ký vào bản kiến nghị đó. Ở đây tôi chỉ muốn xin được nói rõ hơn về 3 điều.
1- Về chương I, điều 4 (sửa đổi, bổ sung)
Trong quá khứ Đảng Lao động Việt Nam (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Việt Nam ) luôn hành động vì độc lập dân tộc, vì lợi ích của nhân dân. Mọi tổ chức Đảng, mọi đảng viên tận tụy vì dân, vì nước, không sợ gian khổ, hy sinh. Dân tin yêu Đảng, làm theo lời kêu gọi của Đảng, thực hiện thắng lợi các chỉ thị của Đảng, hy sinh cả tính mạng để bảo vệ Đảng, bảo vệ các đảng viên của Đảng. Khi đó Đảng lãnh đạo tuyệt đối, dân tin Đảng tuyệt đối mà không cần ai phải ghi vào Hiến pháp. Bây giờ chúng tôi đề xuất những góp ý này cũng với mục đích nhằm xây dựng đảng trong sạch, lành mạnh hơn, lấy lại uy tín – niềm tin đã mất và mong sẽ uy tín hơn trước đây. Nếu mà được như thế, chúng tôi vẫn sẵn sàng chấp hành và góp phần mọi nghị quyết của Đảng cho đến thành công, chắc không phải vì biến chất, thoái hóa ! Hãy làm cho nhân dan tin tưởng ở đảng, yêu đảng, đừng làm cho người dân ngày càng sợ đảng, sợ chính quyền, phải cảnh giác, dè chừng, nem nép với công an!
Thực tế hiện nay là chỉ đảng viên mới được giữ các cương vị công quyền trong bộ máy nhà nước. Không phải đảng viên thì dù giỏi đến đâu, tốt đến mấy, một lòng cồng hiến, hy sinh vì dân vì nước cũng không bao giờ được giữ những cương vị xứng đáng, có lợi cho dân. Có chức, có quyền sẽ thuận lợi cho việc thao túng những gì có lợi cho cá nhân. Muốn có chức quyền thì phải vào Đảng. Vì vậy tôi đã thấy nhiều người vụ lợi đã tỏ ra “tích cực phấn đấu” cho bằng được để vào Đảng. Nhưng oái oăm thay, động cơ vào đảng của họ không “vì dân vì nước” như họ cam kết, hứa hẹn trong đơn, trông lời tuyên thệ khi được kết nạp, mà khi đã “vào đảng” họ leo dần lên cao, có quyền và thả sức tham nhũng. Thế mà, khẩu hiệu vẫn đỏ chót: “Suốt đời hy sinh phấn đấu cho ý tưởng cộng sản”!
Tệ tham nhũng trở thành quốc nạn. Những người phạm tội tham nhũng lớn nhất, kinh khủng nhất lại là những đảng viên có chức có quyền cao, làm mất uy tín của Đảng. Vì thế tôi thấy trong chương I, điều 4, khoản 1 của Dự thảo không ổn.
Đảng Cộng sản Việt nam tuyệt đối trung thành với nhân dân lao động và dân tộc Việt nam, xây dựng đất nước phồn vinh, nhân dân được no ấm, hạnh phúc, tự do, sẽ được nhân dân tin yêu, tôn làm người lãnh đạo duy nhất mà không cần phải ghi điều 4 vào hiến pháp. Ngược lại, nếu cứ để xảy ra các vụ thất thoát như Vinashin, Vinaline, các vụ làm sai luật như vụ Đồ Sơn, Tiên lãng …, như "một bộ phạn không nhỏ có chức có quyền suy thoái, biến chất, tham nhũng" hiện nay làm sao có thể gọi là "những tấm gương" mà chỉ làm đau lòng dân thì dù có ghi điểu 4 vào hiến pháp cả trăm lần cũng không làm cho dân cảm thấy yên lòng.
2- Về chương III, điều 58 (sửa đổi, bổ sung Điều 18):
Đất đai là nguồn tài nguyên đặc biệt của quốc gia, nguồn lực phát triển đất nước, là tài sản lâu đời của công dân. Công dân phải khai thác tài sản này để sinh sống và đóng góp vào nền kinh tế chung của cả nước. Nhà nước tổ chức, tạo điều kiện cho công dân khai thác có hiệu quả tài sản này và thu thuế từ những kết quả khai thác đó của công dân.
Việc nhà nước coi đất đai là tài sản của nhà nước, do nhà nước sở hữu, công dân chỉ được thuê đất của chính mình để sử dụng dưới quyền điều hành của nhà nước đã dẫn đến việc chiếm đoạt đất sản xuất của nông dân chuyển cho những tập đoàn tư nhân, nông dân bị bần cùng hóa, bất công xã hội trầm trọng. Nó đã tạo tiền đề cho rất nhiều vụ án oan sai cho dân, làm béo các tập đoàn tư nhân, gây bất ổn xã hội, trái với chủ trương của Đàng là làm cho dân ấm no hạnh phúc, người cày có ruộng..
Tôi đề nghị bỏ điều 58.
3- Về chương IV, điều 70 (sửa đổi, bổ sung Điêu 45):
Tôi sợ rằng điều 70 dự thảo lần này trái với cương lĩnh của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam ).
Điều 70 dự thảo coi lực lượng vũ trang phải (trước hết) tuyệt đối trung thành với Đảng, (rồi mới ) trung thành với Tổ quốc, với nhân dân là ngược đạo lý. Làm sao Đảng lại có thể đứng trên Tố quốc, trên Nhân dân (!?) để bắt người ta phải bảo vệ Đảng trước khi bảo vệ cha mẹ, anh em họ hàng, trước khi bảo vệ cái mảnh đất cắm dùi của họ khi có lâm nguy!. Đặt Đảng trên Tổ quốc, trên nhân dân là bất hiếu với dân với nước !
Nhân dân trước đây tin yêu Đảng, chăm lo nuôi dưỡng, bảo vệ Đảng. Không có dân làm sao có Đảng (!?), không có dân làm sao Đảng ta đi được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trong hơn nửa thế kỷ qua (?). Dân có vững mạnh thì Đảng mới phát triển. Lực lượng vũ trang là con em nhân dân, trước hết phải trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân! Tôi đề nghị điều 70 trong chương IV dự thảo nên viết lại như sau :
Điều 70 : Lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân; bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất toàn ven lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội ( dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sàn Việt Nam ).
… Trên đây là những suy nghĩ mang tính xây dựng tôi gửi đến HĐND, UBND thành phố Hà Nội để tham khảo. Mong được hiểu đây là ý kiến góp ý chân thành, xây dựng, đừng ai cho là suy thoái và quy kết này kia, hoặc đòi “xử lý’! Ôi, trên đời đau đầu nhất, phức tạp nhất, lẫn lộn thật – giả nhất, quái ác nhât và cũng dễ bị “ăn đòn” nhất là đụng đến vấn đề “chính trị”!
V.L
-------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét