Thứ Hai, 29 tháng 4, 2013

BẤT TRI LÝ CỦA THUẾ

Dân nghèo gồng mình gánh thuế

* BÙI VĂN BỒNG
Cách đây bảy năm, tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XI diễn ra vào tháng 10, 11-2006, các đại biểu dân cử đã “mổ xẻ” và thống nhất bác đề xuất đánh thuế tiền lãi tiết kiệm (nằm trong dự thảo Luật Thuế TNCN) của Bộ Tài chính. Vậy mà mới đây ông Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lại còn đưa ra đề xuất đánh thuế thu nhập tiền gửi tiết kiệm từ 500 triệu đồng trở lên với lý lẽ “cao cả” là hướng 'dòng chảy' đồng tiền vào sản xuất kinh doanh (?!). 
Kiểu ngụy lý trớ trêu như vậy khiến các chuyên gia phải khẳng định đó chỉ là chiếc vỏ ngụy trang cho động cơ kiếm chác, một mánh nghề mới của nhóm lợi ích. Một kiểu nghĩ cách moi tiền của dân. TS LÊ XUÂN NGHĨA, nguyên Phó Chủ tịch Ủy bán Giám sát Tài chính Quốc gia gọi đó là “sự trắng trợn bất tri lý”. Ông nói: “Kiến nghị này tác động trực tiếp đến người gửi tiết kiệm là vô lý. Vì nó là loại vốn quyết định sự tồn tại của hệ thống ngân hàng (NH) thương mại. Nếu đánh may ra chỉ đánh thuế lợi nhuận của tiền gửi tiết kiệm chứ không ai đánh thuế trực tiếp vào tiền gửi tiết kiệm cả. Nhưng trong điều kiện của Việt Nam thì ngay cả việc đánh vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm cũng chưa nên. Nhà nước đã đánh thuế vào lợi nhuận của doanh nghiệp (DN) rồi thì hà tất gì đánh thuế vào lợi nhuận tiền gửi tiết kiệm vào lúc này”...
Trong khi đồng tiền Việt bị mất giá nghiêm trọng, thu nhập của người lao động giảm, Nhà nước lại moi móc tìm cách tăng đủ thứ thuế, trong đó có phí sử dụng đường bộ, tăng mức thu thuế cầu đường (cao tốc), tăng thu thuế mon bài, thuế kinh doanh nhỏ và vừa, thuế …vỉa hè. Suy cho cùng đó cũng là  loại thuế mới đánh thẳng vào túi người lao động nghèo. Chi phí giao thông cao khiến giá cả hàng hoá đầu ra tại nơi tiêu thụ cuối cùng bị đội lên là một trong những nguyên nhân khiến tốc độ tăng trưởng của thị trương nội địa bị giảm sút. Ông Trương Trọng Nghĩa, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, bức xúc: “Nếu người dân phải đóng phí SDĐB thì hậu quả trực tiếp và lan tỏa đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân sẽ vô cùng lớn. Nếu coi khoản phí này là hợp lý thì Bộ Tài chính có rà soát để bỏ bớt những khoản phí không hợp lý mà tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đang phải đóng hay không?”.
Tôi về thăm quê ở ngoài Bắc, bà con nông dân trong xóm nói: “Khổ lắm chú ơi, cảnh làm nhà nông bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, đủ ăn là may. Ruộng đã ít, mấy ông xã lại chặt đất ruộng lúa bán nền nhà, ngang 5m, sâu 30m. Mà là đất ruộng lúa cao sản, đem bán lấy tiền. Không ai biết tiền bán đất đó đi đâu, làm gì. Mà đâu phải bán cho dân địa phương? Bà con nghèo, lấy tiền đâu mua đất. Chỉ có những người đi kinh doanh, dịch vụ gì đó ở Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng đem tiền về mua đất, găm để hoang lại đó, dân thiếu đất sản xuất, càng đói. MỘT SỰ LÃNG PHÍ VÀ PHÁ HOẠI SẢN XUẤT. Họ mua đất để đó, như một thứ của chìm, hoặc ngay sau đó bán lại, kiếm lời. Mộ mối lo nữa là thuế và các khoản thu của dân. Gọi là mang tiếng được miễn thuế nông nghiệp. Nhưng có thấm vào đâu. Được miễn thuế này thì lại đẻ ra thứ thu khác. Nhiều khi đặt tên là “phụ thu” nhưng cũng khác nào thuế không chính danh, vẫn là gia tăng móc túi dân nghèo. Tôi thấy bà con nói đúng. Hiện nay, tính ra ở làng xa, nông dân phải đóng góp đên mười mấy thứ khoản gọi là phụ thu.
Thế thì những cái mang danh miễn này, chính sách kia cũng như không. Ngoài thuế, họ còn đẻ ra đủ thứ khoản thu. Ngày xưa, nói đấu tranh chống phong kiến sư cao thuế nặng. Nay cùng đâu kém gì? Thật là túi lép còn bị ép cho thêm rách toạc”.
Thuế hay thu ngân sách nhà nước là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ Ngân sách nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu của Nhà nước. Thuế là số tiền thu của các công dân, hoạt động và đồ vật (như giao dịch, tài sản) nhằm huy động tài chính cho chính quyền, nhằm tái phân phối, hay nhằm điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội. Thuế là tiền đề cần thiết để duy trì quyền lực chính trị và thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của nhà nước. Đóng thuế vừa là quyền lợi được thực thi trách nhiệm công dân đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước, vừa là nghĩa vụ phải thực hiện của mỗi công dân. Các khoản thu thuế được tập trung vào Ngân sách nhà nước là những khoản thu nhập của nhà nước được hình thành trong quá trình nhà nước tham gia phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị.
Thông thường có những cặp thuế tương xứng về loại thể như: Thuế quốc gia và thuế địa phương, thuế trực thu và thuế gián thu, thuế nội địa và thuế quan, thuế định ngạch và thuế định lệ, thuế thông thường và thuế đặc biệt; từ đó lại phân ra  thuế thu nhập, thuế cổ tức, thuế chuyển nhượng, thuế môn bài, thuế VAT, thuế tiêu thụ, thuế lạm phát,…ngoài ra còn các khoản thuế phụ thu.
Thuế dựa vào thực trạng của nền kinh tế (GDP, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá sản xuất, thu nhập, lãi suất…). Thuế được thực hiện theo nguyên tắc hoàn trả không trực tiếp là chủ yếu. Khi nhà nước ra đời, để có tiền chi tiêu cho sự tồn tại và hoạt động của mình, nhà nước đã đặt ra chế độ thuế khóa do dân cư đóng góp để hình thành quỹ tiền tệ của mình. Tất cả mọi hoạt động của chính quyền cần phải có nguồn tài chính để chi (đầu tiên là nuôi bộ máy nhà nước); nguồn đầu tiên đó là các khoản thu từ thuế.
Thuế là công cụ rất quan trọng để chính quyền can thiệp vào sự hoạt động của nền kinh tế bao gồm cả nội thương và ngoại thương.
Chính quyền cung ứng các hàng hóa cho công dân, nên công dân phải có nghĩa vụ ủng hộ tài chính cho chính quyền (vì thế ở Việt Nam và nhiều nước mới có thuật ngữ "nghĩa vụ thuế"). Giữa các nhóm công dân có sự chênh lệch về thu nhập và do đó là chênh lệch về mức sống, nên chính quyền sẽ đánh thuế để lấy một phần thu nhập của người giàu hơn và chia cho người nghèo hơn (thông qua cung cấp hàng hóa công cộng). Chính quyền có thể muốn hạn chế một số hoạt động của công dân (ví dụ hạn chế vi phạm luật giao thông hay hạn chế hút thuốc lá, hạn chế uống rượu, nên đánh thuế vào các hoạt động này). Hoặc là chính quyền cần khoản chi tiêu cho các khoản phúc lợi xã hội và phát triển kinh tế....
Thuế là nguồn quan trọng bổ sung thường xuyên vào ngân khố quốc gia. Nhưng thuế vẫn có hai mặt: Thu được thêm tiền làm tăng nguồn ngân sách nhà nước, nhưng liên quan đến sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và đời sống người lao động. Hiện nay, ở nước ta, việc thu thuế và quản lý thuế còn tồn tại nhiều vô lý đên mức "bất tri lý", gây nhiều hệ lụy như sau:
Tăng tiền thuế của người sản xuất, buôn bán nhỏ, nhưng lại bỏ qua hoặc thu ít, thu không đủ, thu sai quy định những khoản lớn và rất lớn thuế bất động sản, thuế kinh doanh nghiệp, thuế kinh doanh, thuế hải quan…Bà già đem mớ rau vườn ra trước cửa chợ bị thu thuế, nhưng có những doanh nghiệp, những chủ đất buôn bán bất động sản lai né, trốn thuế cả chục tỉ đồng.
Giảm thuế xuất nhập khẩu hàng hóa, nhưng lại tăng thuế buôn bán nhỏ lẻ. Việc giảm, hoặc miễn thuế xuất nhập khẩu, nhằm điều chính, cân đối giá bán buôn công nghiệp, bán buôn lợi tức, mong sẽ giảm chỉ số CPI, nhưng lại đi tăng thuế của người kinh doanh bán lẻ. Như vậy, các tập đoàn, tổng công ty, nhà kinh doanh lớn được có lợi, nhưng người lao động nghèo vấn phải tăng thuế, giá hàng hóa bán lẻ vẫn không ngừng tăng. Gánh chịu thiệt thòi vẫn là người lao động nghèo.
Thuế giá trị gia tăng VAT cuối cùng là đánh vào túi người tiêu dùng, doanh nghiệp, doanh nhân được hưởng lợi. Khi thu tiền điện, tiền nước, thu tiền điện thoại, mua các loại hàng hóa ở thị trường tự do cũng như các siêu thị đều phải thêm 10% thuế VAT. Nhưng người bỏ tiền ra mua lại không bao giờ được hoàn thuế VAT. Theo định kỳ, các doanh nghiệp được thanh toán hoàn thuế VAT, người tiêu dùng bị thiệt.
Thuế thu nhập cá nhân chưa phù hợp với thu nhập đời sống và giá trị tiền lương ở nước ta hiện nay.
Thuế cầu đường, thuế xe, thuế bến bãi thu tùy tiện, không có quy định rõ ràng.
Quản lý tiền thuế còn nhiều sơ hở, đẻ cá nhân, nhóm lợi ích lợi dụng tiền thuế chia chắc nội bộ, tham nhũng. Cuối cùng, nhà nước và người lao động bị thiệt, lợi ích cá nhân làm trái pháp luật, làm tùy tiện, vô nguyên tắc lại được hưởng đậm.
Chính quyền xã, phường lợi dụng thu thuế, sinh ra các khoản phụ thu để gây quỹ cho cơ quan, lập lờ chia chác nhau vụ lợi…
                 Theo tính toán của ADB, tỷ lệ động viên thu vào ngân sách nhà nước ở Việt Nam tính toán từ thuế, phí và lệ phí rất cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam khoảng 25-28% GDP, trong khi Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia khoảng 15%, Philippines dưới 13%, Indonesia 12%, Ấn Độ chỉ 7-8%... Chưa kể lạm phát là thứ thuế vô hình tạo thêm gánh nặng cho người dân.
Chỉ lấy ví dụ một chiếc xe là phương tiện giao thông cá nhân tối thiểu thôi, người Việt Nam đã phải chịu tới khoảng 9 loại thuế và phí khác nhau theo kiểu phí chồng lên phí. Chẳng hạn như, đã có thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ để hạn chế tiêu dùng, nay lại chuẩn bị ban hành phí lưu hành cao chót vót cũng với mục tiêu hạn chế xe lưu thông trên đường nhằm chống ùn tắc giao thông; đã có hàng tá, hàng tá trạm thu phí giao thông đường bộ nhà nước có, tư nhân có, tràn lan khiến dân chúng ta thán không ngớt chưa giải quyết xong lại thêm phí bảo trì đường bộ, chưa kể loại phí này còn gián thu qua lượng xăng dầu nữa.
Vì thế, trong việc đặt ra chính sách thuế, áp dụng thuế, mức thuế, thu và quản thuế phải chú trọng đến các sắc thuế đều cần thỏa mãn ba nguyên tắc chung sau đây:
Trung lập: sắc thuế không được bóp méo các hoạt động sản xuất, dẫn tới phúc lợi xã hội (tổng hiệu dụng) của nền kinh tế bị giảm đi.
Đơn giản: việc thiết kế sắc thuế và tiến hành trưng thu thuế phải không phức tạp và không tốn kém.
Công bằng: Sắc thuế phải đánh cùng một tỷ lệ vào các công dân có điều kiện như nhau. Giữa các công dân có điều kiện khác nhau, thì thuế suất cũng cần khác nhau (vì thông thường người có điều kiện tốt hơn có xu hướng tiêu dùng hàng hóa công cộng nhiều hơn).
            Riêng các sắc thuế địa phương còn cần thỏa mãn một số nguyên tắc nữa:
- Cơ sở thuế phải bất biến: nghĩa là công dân, hoạt động và đồ vật phải tương đối cố định, không hay di chuyển giữa các địa phương. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo địa phương này không đánh thuế lên công dân, hoạt động và đồ vật vốn là của địa phương khác.
Nguồn thu ổn định: nghĩa là quy mô dân số địa phương và quy mô các hoạt động, đồ vật không nên biến động thường xuyên. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo thu ngân sách của địa phương không bị biến động
- Nguồn thu phân bố đồng đều giữa các địa phương. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo nguồn thu ngân sách giữa các địa phương không quá chênh lệch.
- Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm tài chính. Nguyên tắc này nhằm đảm bảo chính quyền địa phương không lạm dụng quyền hạn thuế của mình để đánh thuế quá mức.
- Trong thực tế, khó có sắc thuế nào đảm bảo đầy đủ các nguyên tắc đòi hỏi cho nó. Vì thế, theo nguyên tắc về "cái tốt thứ hai", sắc thuế nào càng thỏa mãn nhiều nguyên tắc, thì càng xứng đáng là một sắc thuế tốt. Việc ban hành phần lớn các sắc thuế thường cần phải được Quốc hội phê chuẩn và phải có luật về sắc thuế đó.
            Thuế là sự thể hiện bản chất, mô thức, tính ưu việt của một chế độ chính trị-xã hội. Cần phải được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, có chính sách đúng, nhạy bén, cập nhật giá tiền tệ và các nhu cầu sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội. Mọi biểu hiện buông lỏng hoặc tùy tiện trong việc đề ra các chính sách, các quy định về thuế, việc tổ chức thu thuế, quản lý thuế đều là những sai lầm gây hậu họa lớn cho toàn xã hội, kìm hãm sự phát triển của đất nước.
BVB 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét