* QUỐC PHƯƠNG
Một nhà nghiên cứu thuộc Viện Xã hội học tại Hà Nội cho BBC hay nông dân đang được xếp dưới cùng trong thang phân tầng của xã hội Việt Nam hiện đại.
Trao đổi với BBC hôm 12/4/2013, nhân dịp BBC vừa công bố bảng xếp loại với (bấm) 7 giai tầng mới trong xã hội Anh, tiến sỹ Đỗ Thiên Kính, chuyên gia về phân tầng xã hội nói nông dân Việt Nam xếp dưới cùng trong chín tầng lớp xã hội ở nước này.
Ông nói:
"Tầng lớp nông dân là tầng lớp có địa vị thuộc loại thấp kém nhất trong xã hội. Địa vị kinh tế, thu nhập của tầng lớp nông dân cũng thuộc loại thấp, chi tiêu cũng thấp,
"Tình trạng nhà ở, đời sống văn hóa tinh thần cũng kém các tầng lớp khác."
Ông Kính cũng cho hay tầng lớp lao động phổ thông, giản đơn được dự đoán thuộc nhóm chịu nhiều rủi ro, bấp bênh trong xã hội, trong khi nhóm có trình độ chuyên môn cao, hay tầng lớp trí thức, được xếp ngày một cao trên bảng phân tầng.
Ở trên cùng của bảng này, theo chuyên gia là tầng lớp những người lãnh đạo, những người có chức, có quyền, trong khi nhóm giàu cũng bao gồm những người thuộc tầng lớp này.
Tầng lớp có 'quyền và tiền'
Khi được hỏi về "nhóm lợi ích" có liên hệ ra sao, như một lát cắt so sánh, trong tháp phân tầng, nhà xã hội học nói đây chính là nhóm "có chức, có quyền", có "địa vị" và do đó mà có sự liên hệ tới "bổng lộc, lợi ích". Nhóm này theo ông Kính cũng đứng ở trên cùng của bảng phân loại.
Ông nói: "Thường nhóm có chức có quyền thì mới có lợi ích và có quyền lực để thu vén cá nhân, trong phân tầng của chúng tôi, chắc chắn chúng tôi xếp vào nhóm quản lý, lãnh đạo - nhóm đứng đầu tiên trong tháp phân tầng."
Trả lời câu hỏi những người thuộc nhóm giàu là ai và nguồn gốc sự phồn vinh, giàu có vật chất của họ tới từ đâu, nhà xã hội học cho hay trong nhóm này có những người giàu có do làm ăn phi pháp và những người làm ăn đàng hoàng.
"Thực tiễn xã hội Việt Nam , những người giàu có có nhiều dạng. Ví dụ, dạng giàu có phi pháp do tham ô, tham nhũng là một dạng... Hay dạng giàu có do lao động chân chính cũng có.
"Nhưng tóm lại tầng lớp trên, theo tháp phân tầng của chúng tôi, ví dụ tầng lớp lãnh đạo, quản lý, những người chuyên môn cao, doanh nhân... gần như gắn với các thành phần kinh tế nhà nước, vì phần nhiều họ là công chức nhà nước..."
Chuyên gia xã hội học cho hay chưa thể đáp ứng câu hỏi về mối liên hệ giữa "phân tầng trong đảng viên" với bảng phân tầng xã hội hiện tại và đồng ý có thể cần tới một nghiên cứu tách biệt, tuy nhiên ông cho rằng nhóm đứng ở đầu bảng phân loại là nhóm có nhiều quyền lực, từ tài chính, cho tới chính trị.
Ông nói:
"Các tầng lớp trên, vốn tài sản, quyền lực hay vốn văn hóa hiện nhiều hơn các tầng lớp phía dưới" và "tầng lớp bên trên chính là tầng lớp đang lãnh đạo xã hội."
Về giới trẻ và tầng lớp trung lưu, ông Kính nói:
"Nhóm trẻ tất nhiên không thể leo lên các tầng lớp trên được, cùng lắm có thể thoát khỏi tầng lớp dưới và gia nhập những tầng lớp giữa. Ví dụ có thể là thợ thủ công, hoặc nhân viên, hoặc chuyên môn ở trình độ thấp hơn... Nhóm trẻ chỉ ở những tầng lớp giữa thôi."
Còn về mức độ tiêu dùng như một đặc điểm xếp hạng, nhà xã hội học cho hay:
"Trừ tầng lớp lãnh đạo quản lý ra, tầng lớp càng cao có mức chi tiêu tiêu dùng càng nhiều, ví dụ doanh nhân hay tầng lớp chuyên môn cao tiêu dùng rất lớn, nhưng đến nông dân thì tiêu dùng ở mức thấp nhất."
'Khoảng cách và suy giảm'
Chuyên gia trong nước được vấn ý nhân dịp tại Anh mới công bố một xếp hạng phân chia xã hội hiện đại theo bảy nhóm.
Đây là các giai cấp: thượng lưu, trung lưu ổn định truyền thống, trung lưu công nghệ, công nhân mới, người lao động truyền thống, nhân viên dịch vụ, phục vụ và giai cấp vô sản bấp bênh.
Các nhà xã hội học tại Anh được BBC đặt hàng làm cuộc điều tra này cho rằng xã hội hiện đại không còn mô hình như chủ nghĩa Marx phân tích chỉ gồm có ba bốn giai cấp: tư sản, trí thức, vô sản...như trước.
Còn ở Việt Nam , nhiều nghiên cứu nay cũng đưa ra mô hình tháp để chia tầng xã hội thành chín nhóm.
Đó là lãnh đạo quản lý, doanh nhân, chuyên môn cao (hay trí thức), nhân viên, công nhân, buôn bán dịch vụ, lao động tiểu thủ công nghiệp, lao động giản đơn và dưới cùng là nông dân.
Một số nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), UNDP và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đều lưu ý về sự chuyển động theo hướng nới rộng trong khoảng cách giữa thu nhập của nhóm giàu và nhóm nghèo ở Việt Nam.
Riêng về mặt địa bàn cư trú tại Việt Nam hiện có khoảng cách nhất định về thu nhập và cơ hội cải thiện chất lượng cuộc sống giữa lao động và cư dân ở đô thị và nông thôn.
Còn về mặt dân số, hiện cũng manh nha xu hướng 'dân số già tăng', trong khi chưa chắc đã có một mối quan hệ tỷ lệ thuận tương ứng giữa nâng cao cơ hội đào tạo và tỷ lệ tăng trưởng dân số trẻ cùng nhóm lần đầu tiên gia nhập thị trường lao động.
Ở khía cạnh khác, một số nghiên cứu cho hay có sự suy giảm nhất định về mức "tiêu dùng văn hóa" ở nhiều nhóm dân số, trong đó xuất hiện cả ở nhóm mới giàu lên và nhóm thanh niên xét về hàm lượng và chất lượng văn hóa.
Q/P
-----------------
*** Những người giàu có có nhiều dạng... Dạng giàu có phi pháp do tham ô, tham nhũng là một dạng... Hay dạng giàu có do lao động chân chính cũng có".
Thường nhóm có chức có quyền thì mới có lợi ích và có quyền lực để thu vén cá nhân, trong phân tầng của chúng tôi, chắc chắn chúng tôi xếp vào nhóm quản lý, lãnh đạo - nhóm đứng đầu tiên trong tháp phân tầng" (TS Đỗ Thiên Kính)
--------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét