Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2013

Hãy tỉnh ngộ theo CON ĐƯỜNG LẼ PHẢI


* ĐOÀN VƯƠNG THANH
               Lịch sử phát triển của Đảng 83 năm qua đã trải bao nhiêu thăng trầm, mà có dịp nhìn lại, tôi nhận thức một cách sâu sắc rằng, ở Việt Nam, Đảng Lao động, sau này lấy tên lại là Đảng Cộng sản (rất tiếc) lãnh đạo nhân dân cả nước làm cách mạng, trong đó có những cuộc cách mạng “long trời lở đất” (nói như sách báo của Đảng), đã cùng với hàng triệu, hàng chục triệu sinh mạng người dân hi sinh, để giành về đất nước, chính quyền và chế độ dân chủ tự do trong thống nhất hòa bình, độc lập để ngày một thịnh vượng đủ sức sánh vai cùng các nước trong khu vực và trên thế giới.
                  Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã về Trời 44 năm, nhưng lý tưởng của Bác, tình cảm của Bác, phong cách của Bác, lối sống của Bác…thì trường tồn cùng non sông đất nước. Bác không phải là Vua, chỉ là người đứng đầu Đảng Lao động, đứng đầu đất nước, và Người đã tỏa sáng lung linh, càng ngày càng sáng soi đường chỉ lối cho toàn dân tộc. Lý tưởng, đạo đức, lối sống của Người như một sức hút kỳ diệu, hấp dẫn không chỉ với nhân dân Việt Nam, những người lao động cần cù sáng tạo trên đất nước mình, mà còn hấp dẫn những trí thức Việt Nam sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành trên đất Pháp và nhiều nước khác nữa. Ngày cách mạng tháng Tám mới thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời, chính quyền rất non trẻ và non nớt, chưa có gì gọi là “hấp dẫn” đối với thiên hạ, nhưng cái hấp dẫn họ lại chính là cá nhân Hồ Chí Minh.
                Chính vì thế mà, trong lúc “chính quyền mới ở Việt Nam trong tình thế ngàn cân treo sợi tóc”, họ đã vâng theo lời Bác Hồ, xin được theo Bác về nước cùng tham gia kháng chiến, cùng chịu đựng gian khổ, thậm chí chịu cảnh ly tán gia đình, sống nơi “rừng thiêng, nước độc” để cống hiến tài năng, trí tuệ sức lực cho kháng chiến chống Pháp, tiếp đến là kháng chiến chống Mỹ. Đối với dân tộc Việt Nam, học tập và làm theo lý tưởng, tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đã trở thành nếp sống, thói quen hằng ngày, chắc không cần đến việc phải phát động hoặc vận động này nọ. Còn về tư tưởng, tinh thần yêu nước của Bác thì khỏi phải nói, thật quá tuyệt vời. Tôi muốn nói tinh thần yêu nước của người chứ không phải tinh thần yêu chủ nghĩa xã hội. Vì, những năm chúng ta “quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội” thì Người đã đi xa, và chủ nghĩa xã hội với hình thù cụ thể của nó như thế nào, ngay cả đến bây giờ chúng ta cũng chưa có (và nếu có thì chỉ có trong lý thuyết, mà lý thuyết lại do tưởng tượng ra mà có). Đi theo những điều chủ quan, hoặc nhận thức chủ quan, hoặc áp dụng kinh nghiêm bên ngoài vào Việt Nam (mà thực tế những chế độ XHCN ấy trên thế giới đã sụp đổ từ lâu, nếu tính thời gian thì từ năm 1980 và chính thức thì đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi mà “thành trì của chủ nghĩa xã hội thế giới” cũng đã sụp đổ. Còn một số nước, một sốmngười đeo đẳng CNXH thì cũng phải “đổi mầu”, “cải tiến” hoặc nói một cách khác, mới mong đứng vững thêm mấy thập kỷ và cũng chưa đoan chắc ngày nào thì tiếp tục sụp đổ nốt, nhường bước cho một thế giới thịnh vượng, dân chủ và công bằng hơn thế giới cũ.
                Nền chính trị của bất kỳ một nước nào cũng dựa trên tinh thần truyền thống dân tộc và một nền kinh tế phát triển theo nguyện vọng và phủ hợp với yêu cầu khách quan, thực tế khách quan của nước ấy, dân tộc ấy. Tôi không dám nói một cách tổng quát, vì đây là vấn đề hết sức lớn lao, phải dày công nghiên cứu và trải nghiệm. Nhưng với khả năng có hạn, tôi chỉ dám trình bày những nhận thức hạn hẹp của tôi để chúng ta cùng tham khảo.
                 Ngay sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, do Đồng chí Nguyễn Ái Quốc, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, rèn luyện, tổ chức và lãnh đạo, thì ngay tại quê hương của Người, nổ ra cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh. Xô-viết Nghệ tĩnh thực chất là cao trào của nông dân. Mà cao trào của nông dân chủ yếu là vấn đề ruộng đất, vấn đề dân cày, mà trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú soạn thảo được BCH thông qua. Suy cho cùng, chống xâm lược, phá xiềng xích nô lệ là chống đế quốc và bọn xâm lược từ bên ngoài. Còn chống “phong kiến” thực chất là chống vua quan, địa chủ chiếm hữu ruộng đất trong nước, tức là một trong những biện pháp giải quyết “vấn đề dân cày”. Bác Hồ và Đảng Lao động Việt Namđã lãnh đạo giải quyết triệt để vấn đề “người cày có ruộng” (tuy trong quá trình, chúng ta đã rất giáo điều áp dụng cứng nhắc, thiếu suy tính, kinh nghiệm và chính sách của nước ngoài, nên mắc sai lầm nghiêm trọng trong CCRĐ). Nhưng nếu không có CCRĐ thì chúng ta giải quyết không triệt để “vấn đề ruộng đất cho người cày”. 
               Để người cày phát huy kết quả của cuộc cách mạng ruộng đất, chúng ta lại mắc sai lầm “đốt cháy giai đoan” và áp dụng lý thuyết rất không phù hợp của CNXH vào miền Bắc nước ta, tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp ồ ạt, với ý tưởng tiến lên “nông trang tập thể” như Liên Xố, hoặc “Đại Trại” như Trung Quốc, ruộng đất nói riêng và đất đai nói chung là tư liệu sản xuất đặc biệt nguồn sống của nông dân mà nước ta lại là nước nông nghiệp, bị đưa vào “tập thể hóa”, lúc đầu còn 5% dành lại cho nông dân, sau thì “tập thể hóa” tức là một hình thức của “quốc hữu hóa” toàn bộ. Ruộng đất tuột khỏi tay người nông dân, chính là những người sản xuất ra lương thực thực phẩm nuôi sống gia đình và xã hội, trong kháng chiến là nuôi quân ăn no đánh giặc, bảo vệ non sông gấm vóc. 
               Bởi thế, dồn nông dân vào con đường cùng, vị thế của kẻ làm thuê làm mướn, do đó đất nghèo đi, năng suất mọi thứ trên đất ấy bị teo lại, đói ăn, rách áo là lẽ đương nhiên. Nhưng tiếc rằng, thời kỳ “ưu việt” của hợp tác hóa nông nghiệp ấy kéo dài ba thập kỷ. Sau thống nhất nước nhà, lại định đem áp dụng ở toàn miền Nam, nhưng bị nông dân miền Nam giả vờ tiếp thu vì sợ cộng sản thực chất là họ không chấp nhận. Ngay năm 1977 tôi đã cùng cán bộ Ban Nông nghiệp trung ương vào nghiên cứu xã Long Điền Đông, tỉnh Minh Hải cũ, té ra, nông dân không hề muốn xây dựng hợp tác xã nông nghiệp như miền Bắc,vì họ không muốn bị đói !
                Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người cộng hòa, chứ thực chất không phải là người cộng sản như sau này người ta gán ghép. Trước hết, cụ là một “sáng lập viên” của Đảng xã hội Pháp, chứ không phải của Đảng Cộng sản Pháp. Do lịch sử, một phần, do sức ép của nhiều phía, Bác chúng ta trở thành Chủ tịch Đảng Cộng sản rồi Đảng Lao động. Về vấn đề dân cày, Bác kiên trì tinh thần “trả lại ruộng đất cho dân cày, Bác nhấn mạnh cho dân cày nghèo”.Người nông dân phải là “chủ sở hữu” đất đai ruộng vườn của họ” Như vậy, trong thực tế, từ khi thực hiện “giao ruộng đất lâu dài” cho hộ nông dân, rõ ràng ta không phải giúp họ hô khẩu hiệu làm chủ nữa mà họ vẫn khảo đất ra nhiều thóc và sản phẩm nông nghiệp đến thế. Nếu không thì chính những người làm ra lúa gạo khoai sắn lại là những người bị chết đói đầu tiên. Ngày nay có được 7,5 triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm, công lao chính là của nông dân. Đề nghị Nhà nước thưởng nhiều Huân chương Sao Vàng cho nông dân, chứ không phải “nông dân tập thể” đâu ạ. Trong góp ý Hiến Pháp hiện đang tiến hành và sửa đổi luật đất đai, người nông dân cả nước có nguyện vọng được giao ruộng đất cho họ sản xuất với thời gian là 50 năm, 100 năm hoặc có chính sách “tư hữu hóa” ruộng đất cho nông dân phù hợp với đặc điểm hiện nay và sau này của đất nước. Như thế, “sở hữu toàn dân” về đất đai và bất kỳ tư liệu tài sản nào trao cho cái ông “toàn dân” này đều làm ăn kém hiệu quả thậm chí đổ vỡ, nát bét.Bài học này đã nhỡn tiền, đang phải khắc phục hậu quả.
                 Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh là vâng theo Cụ, quyết không phản bội Cụ bất kỳ bằng hình thức nào.
                Ta đã trải qua mấy chục năm theo chỉ đạo “làm ăn lớn” để xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà trong nghị quyết chỉ dám nói “thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội”. Ngay nội dụng cụ thể của “thời kỳ quá độ” cũng chưa thấy có. Lao đao “làm ăn lớn bao gồm “xây dựng cấp huyện”, “mối huyện là một pháo đài của chủ nghĩa xã hội” giương ngọn cờ “Quỳnh Lưu” chẳng huyện nào hưởng ứng măn mà, rối lại đến sáp nhập tỉnh, sáp nhập huyện, mở rộng thủ đô, mở rộng thành phố thị xã, tất cả chỉ làm rối tung tít mù và tốn kém ngân sách không biết bao nhiêu mà kể. Cái “chiến dịch” sáp nhập tỉnh loang ra cả nước, làm cho nghiêng ngả mọi sinh hoạt đời sống của cán bộ nhân dân. Đến lúc, “tỉnh lớn” không làm ăn được, chỉ tổ mất đoàn kết, thì lại phải tách ra về địa giới hành chính cũ. mà phần lớn địa giới hành chính cũ đều do mấy “ông thực dân Pháp đô hộ” vạch ra. Cũng còn may !
                  Đất nước ta cứ vấp phải thời kỳ “bĩ cực”, nói như bây giờ là “suy thoái cùng cực” thì lại xuất hiện những con người xuất chúng và phải gọi là vĩ đại nữa mới đúng. Nếu không có Ông Nguyễn Văn Linh và những cái đầu tiến bộ của Đảng thì không có đổi mới, không có đổi mới thì không có hội nhập, không nâng cao được vị thế Việt Namtrên trường quốc tế. Ông Nguyễn Văn Linh thực hiện đổi mới là đổi mới về tư duy sau đến đổi mới về kinh tế, trong đó có đổi mới khoán trong nông nghiệp. Nhưng vì “sợ ông bà nông dân nhanh chóng trở thành “tư bản chủ nghĩa” nên lúc đầu chỉ khoán đến nhóm và người lao động, sau mấy năm mới có khoán 10. Tại sao, nông dân Việt Nam là đội quân chủ lực của Đảng, là lực lượng “công nông liên minh” mà Đảng cứ sợ họ thành tư bản, sợ họ trở thành người bóc lột và người bị bóc lột ? Nên chăng, trong Hiến pháp mới và trong Luật đất đai mới, dứt khoát phải trở về chế độ sở hữu tư nhân về ruộng đất. Tất nhiên phải theo quy định của Nhà nước và theo luật nước nhà kết hợp tinh hoa luật quốc tế tiến bộ.
               Đất đai là “quốc gia công thổ” và “quốc gia điền thổ”, có nhiều quyền sở hữu khác nhau nhắm quản lý. sử dụng đất đai một cách hữu hiệu nhất, chứ không thẻ duy trì cách như vừa qua “sở hữu toàn dân mãi” Vậy ông nào tên là “toàn dân” mà cái ông toàn dân này sinh ra nhiều hệ lụy lắm, nào sinh ra mua đất giá rẻ, bán đất giá trên trời, tịch thu đất của người cày, làm giầu cho người ngồi mát ăn bát vàng, nào lãng phí đất đai, làm nghèo tài nguyên đặc biệt Cũng may, từ năm 1993 đến nay đã chủ yếu “trả” đất trồng lúa cho nông dân, nên mới có được nồi cơm no và thừa gạo xuất khẩu, còn chập chờn trong trao rừng cũng là nguyên nhân chính của nạn phá rừng. sông biển cũng vậy phải có chủ, mà ông chủ ấy phải quản lý tốt, sử dụng khéo để ra nhiều của cái cho đất nước cho xã hội, chứ không phải để ông xây biệt thư, làm đồn điền riêng. Vì vậy luật đất đại nên ban hành sau Hiến pháp và Hiến pháp và Luật đất đai phải thống nhất khái niệm quyền sở hữu, có thể có nhiều thành phấn sở hữu, chứ không phải hiểu là “tư nhân hóa” một cách phiến diện.
                  Hồi còn sống, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có nhiều ý tưởng táo bạo trong điều hành nền hành pháp nước ta. Tiếc rằng, nhiều ý đồ của Võ Văn Kiệt chưa được thực hiện đến nơi đến chốn và vẫn có người chống lại ông. Tôi đã từng được tháp tùng ông học được nhiều ở ông, nhất là tư tưởng vì dân, tôn trọng dân của ông. Nếu không có Võ Văn Kiệt chắc chắn Việt Namchưa có điều kiện “điện khí hóa” toàn quốc như hiện nay. Võ Văn Kiệt là người ủng hộ hết mình Kim Ngọc Vĩnh Phúc (tôi xin phép đính chính giùm Minh Diện BVB, Kim Ngọc Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc hồi thập kỷ 60 thế kỷ trước chứ không phải ở Phú Thọ. Thời kỳ ồ ạt sáp nhập tỉnh, mới gọi là Vĩnh Phú) Điểm lại vài nét cũng là để kiểm tra lại cái đầu đã gần 80 của tôi xem trí nhớ và lập luận thế nào, chứ thực ra chúng tôi không hi vọng với cái tuổi này mà vẫn được người đời tôn trọng đâu.
                  Tóm lại, muốn nói tràng giang đại hải thế nào thì tùy mọi người, song có một điều cốt tử là phải theo con đường Hồ Chí Minh, Nguyễn Văn Linh và Võ Văn Kiệt về đất đai và quản lý đất đại. Xa rời con đường này hoặc đi chệch nó hậu họa sẽ khôn lường, không chỉ là phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm không thành sẽ ảnh hưởng đến sự mất còn của chế độ, của Đảng và của cả dân tộc. Chính những kẻ muốn phá ta, chống lại ta ở trong và ngoài nước đang theo dõi ta làm gì, quyết sách thế nào, kể cả bản Hiến pháp theo chiều hướng nào mà phá ta một cách triệt để, lúc ấy ta muốn chống lại, giữ gìn đất nước không phải là
chuyện dễ./.
 Đ.V.T
(Cựu PV TTXVN)
/Theo quechoa/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét