Thứ Năm, 25 tháng 4, 2013

CHUYỆN KỂ TỪ NÚI PHÁO

- Khi quyết định mua lại Núi Pháo, tập đoàn Masanđã bước vào một cuộc chơi có tính toán nhưng cũng không ít rủi ro.
Ngày xửa ngày xưa...
          Núi Pháo nằm ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội 80 ki lô mét đường bộ về phía Bắc, vốn là một vùng thuần nông. Cư dân ở đây chủ yếu làm ruộng và làm chè. Mặc dù có quốc lộ 37 chạy qua, nhưng lưu lượng xe qua lại không nhiều và không tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh cho người dân Đại Từ.
Cho đến tận giữa thập niên 1990, Núi Pháo được Tiberon Minerals, một công ty của Canada, phát hiện đây là mỏ đa kim có trữ lượng khá lớn. Sau một giai đoạn dài thực hiện khảo sát, đánh giá chất lượng và hàm lượng quặng, lập dự án tiền khả thi, đến năm 2004, Tiberon Minerals được cấp phép đầu tư.

Quản lý dự án ở Núi Pháo
Khác với nhiều dự án khai khoáng ở Việt Nam, ngay từ thời Tiberon, dự án đã được định hướng để triển khai một cách bài bản, từ việc giải tỏa tái định cư tới việc triển khai dự án. Núi Pháo đã xây dựng các hệ thống đánh giá tác động môi trường tự nhiên và môi trường xã hội (ESIA) và chương trình hành động về môi trường và xã hội (ESAP) theo các tiêu chuẩn của Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), trong đó có hệ thống tiêu chuẩn vàng Equator Principles. Trong khuôn khổ ESAP, Núi Pháo phải thực hiện theo đúng chuẩn của WB liên quan đến nhiều hoạt động như tái định cư, sức khỏe và an toàn lao động, xây lắp tại mỏ, xử lý phế thải, và phản ứng trong các tình huống khẩn cấp.
Quá trình xây dựng đã có sự góp mặt của các nhà thầu uy tín thế giới như Jacobs Engineering Group (JEC), Orica, SGS, và nhiều nhà thầu kinh nghiệm ở Việt Nam, cho tới nay chưa hề xảy ra bất cứ một tai nạn dẫn tới thương vong nào. Các tiêu chuẩn về môi trường cũng được tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu bóc và thải các nền đất đá (chống xói mòn, sạt lở, và tạo cảnh quan), nổ mìn (giảm tiếng ồn), nghiền và tuyển quặng (chống khói bụi), và lưu trữ, xử lý nước thải và chất thải trên các hồ trữ đuôi quặng (chống ô nhiễm nguồn nước). Theo chính quyền địa phương, cho tới nay, chưa có bất kỳ vấn đề môi trường đáng tiếc nào từ dự án này.
Nhưng vào cuối năm 2006, Tiberon Minerals (chiếm 70% sở hữu mỏ) đã bán lại phần của mình cho Dragon Capital trong một giao dịch, mà theo hãng tin Bloomberg(1), có giá là 225 triệu đô la Mỹ. Việc chuyển nhượng sở hữu từ Tiberon Minerals sang Dragon Capital được thực hiện xong vào đầu năm 2007.
Tại thời điểm này, dự án Núi Pháo cơ bản vẫn nằm trên giấy và việc đền bù giải tỏa mới chỉ bắt đầu được khởi xướng mặc dù giấy phép đầu tư đã được cấp từ ba năm trước. Để triển khai tiếp dự án này, chủ đầu tư cần phải có nguồn tài chính lớn, ước tính tại thời điểm đó lên tới gần 500 triệu đô la Mỹ. Tuy nhiên việc thu xếp vốn để triển khai tiếp dự án lại gặp khó khăn bởi từ năm 2008 kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng và giá các loại khoáng sản giảm mạnh(2). Một bài viết trên báo Nông nghiệp Việt Nam(3) cho biết việc chi trả, đền bù và giải phóng mặt bằng của dự án đã dừng lại từ tháng 10-2008, các kế hoạch phát triển dự án đến thời điểm quí 3-2009 đã ngưng trệ do thiếu tiền và liên doanh đã phải cho một nửa số nhân viên nghỉ việc. Vào thời điểm này dự án Núi Pháo bị đặt trước nguy cơ có thể bị rút giấy phép đầu tư và giấy phép khai thác khoáng sản.
Đứng trước tình thế đó, Dragon Capital tìm mọi cách xoay chuyển tình hình. Đầu năm 2010, tập đoàn Masan đồng ý thực hiện mua lại phần vốn góp của Dragon Capital ở Núi Pháo thông qua hình thức tương tự như hoán đổi cổ phiếu(4).
Masan ở Núi Pháo
Khi quyết định mua lại Núi Pháo, Masan đã bước vào một cuộc chơi có tính toán nhưng cũng không ít rủi ro. Có thể nói đây là dự án đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khai thác khoáng sản mà một công ty tư nhân Việt Nam từng làm.
Masan đã huy động được 100 triệu đô la Mỹ từ Quỹ đầu tư Mount Kelett vào đầu tháng 1-2011 cho dự án. Masan cũng huy động được các khoản vay gần 200 triệu đô la Mỹ vốn dài hạn từ các ngân hàng trong nước và 80 triệu đô la Mỹ từ Ngân hàng Standard Chartered. Như vậy, một nguồn tài chính tương đương gần 8.000 tỉ đồng đã được đổ vào dự án từ giữa năm 2010 tới nay.
Nhờ nguồn tiền đầu tư mạnh nên việc đền bù giải tỏa, vốn bị ách tắc từ những năm trước, đã được khai thông. Đến cuối năm 2012, việc đền bù và di dời đã thực hiện được trên 98% tại năm khu vực hoạt động chính của dự án, và tổng số tiền đền bù tính tới tháng 3-2013 đã lên tới hơn 80 triệu đô la Mỹ.
Theo số liệu từ Núi Pháo, tính đến thời điểm cuối năm 2012, có 255 người bị ảnh hưởng bởi dự án cũng đang là nhân viên chính thức của dự án. Chủ dự án đang đào tạo chuyên môn cao cho 230 nhân sự là những người trong vùng bị ảnh hưởng. Số nhân sự này sẽ làm việc tại mỏ khi dự án chính thức vận hành. Các nhà thầu của Núi Pháo đã tuyển dụng 94 người trong vùng bị ảnh hưởng, bên cạnh con số 351 việc làm không thường xuyên được dự án cung cấp cho người trong vùng bị ảnh hưởng.
Hiện nay dự án Núi Pháo đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng, lắp đặt và đang đi vào giai đoạn chạy thử. Theo tính toán của Masan, khi dự án đi vào hoạt động, số tiền đóng góp cho ngân sách của tỉnh và Nhà nước trong suốt vòng đời 16 năm của dự án có thể lên tới 1 tỉ đô la Mỹ, trong đó có 430 triệu đô la Mỹ là thuế tài nguyên, 320 triệu thuế xuất khẩu, và khoảng 290 triệu thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trữ lượng Núi Pháo
Dự án Núi Pháo trải rộng trên một diện tích khoảng 9,21 ki lô mét vuông. Theo các kết quả thẩm định, đây là mỏ đa kim có trữ lượng khá lớn về Vonfram (còn gọi là Tungsten), Florit (còn gọi là Fluorspar), và Bismut (còn gọi là Bismuth).
Vonfram là kim loại siêu cứng và có điểm nóng chảy cao được dùng chế tạo sợi tóc bóng đèn, mũi khoan, chế tạo vũ khí, hay động cơ phản lực. Florit là một khoáng chất chứa canxi flourua (CaF2) được dùng nhiều trong công nghiệp luyện kim và tạo chất làm lạnh trong điều hòa không khí. Bismut là kim loại rất dễ nóng chảy, có độ dẫn điện và dẫn nhiệt thấp, được dùng để thay chì trong nhiều ứng dụng vì Bismut không độc hại.
Tuy không được xếp vào loại “chén thánh” (holy grail), hàm lượng khoáng chất trong quặng ở Núi Pháo cũng đảm bảo để việc khai thác mang lại hiệu quả kinh tế tương đối với hàm lượng Vonfram chiếm 0,21%, Florit chiếm 8%, Bismut chiếm 0,1%, và đồng chiếm 0,21%.
Khi đi vào hoạt động, trữ lượng quặng ở Núi Pháo có thể cho phép duy trì khai thác trong khoảng 16 năm. Mỗi năm, sản lượng Vonfram do mỏ này sản xuất ra sẽ chiếm khoảng gần 7% tổng sản lượng Vonfram toàn cầu. Con số này đối với Florit và Bismut là 3% và 12%. Lượng đồng sản xuất ra ở mỏ này không đáng kể. Xét về mặt sản lượng hàng năm, Núi Pháo sẽ là mỏ lớn thứ nhất toàn cầu về Vonfram và Florit, thứ hai về Bismut trong số các mỏ nằm ngoài Trung Quốc.
Việc dự án triển khai thành công cũng đem lại lợi ích trực tiếp cho một chủ nhân cũ của Núi Pháo là Dragon Capital. Nếu như ba năm trước đây, Dragon Capital đứng trước nguy cơ mất trắng khoản đầu tư vào Núi Pháo vì bế tắc trong việc huy động vốn để triển khai dự án thì nay, nhờ cấu trúc giao dịch mua bán Núi Pháo với Masan, Dragon đã cơ bản lấy lại được những gì họ đã bỏ ra cho Tiberon Minerals xét về mặt giá trị.
Theo cấu trúc giao dịch giữa Dragon Capital và Masan được mô tả trong Báo cáo thường niên năm 2010 của Masan, Dragon hiện nay có thể sở hữu 29.770.465 cổ phần phổ thông của Masan và vẫn nắm một phần ở Núi Pháo (dao động từ 15-35% tùy theo biến động của giá ammonium paratungstate - sản phẩm sơ chế khi tuyển Vonfram từ quặng). Masan có quyền chọn mua lại toàn bộ phần sở hữu này của Dragon Capital ở Núi Pháo tại bất cứ thời điểm nào trong vòng ba năm kể từ ngày hai bên ký kết giao dịch với số tiền lên tới 90 triệu đô la Mỹ vào cuối năm thứ ba kể từ ngày thực hiện giao dịch.
Với mức thị giá cổ phiếu của Masan hiện nay khoảng 5,5 đô la Mỹ, số 29.770.465 cổ phần phổ thông mà Dragon có quyền nắm giữ có giá trị khoảng 164 triệu đô la Mỹ. Giả sử Masan thực hiện quyền mua lại toàn bộ sở hữu của Dragon Capital ở Núi Pháo với giá 90 triệu đô la Mỹ thì tổng giá trị tài sản mà nhà đầu tư này sở hữu từ thương vụ bán lại Núi Pháo cho Masan là 254 triệu đô la Mỹ. So với số tiền mua phần vốn góp của Tiberon Minearals ở Núi Pháo là 225 triệu đô la Mỹ hồi đầu năm 2007, Dragon Capital đã có lãi. Nói cách khác, sự thành công của Masan đã giúp Dragon Capital gỡ được bàn thua trông thấy và biến câu chuyện tưởng như là một thảm họa trở thành một thương vụ đầu tư thành công.
Theo tính toán của Masan, doanh thu của dự án khi đi vào khai thác sẽ từ 250-350 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Lợi nhuận trước chi phí, thuế và khấu hao (EBITDA) của dự án mỗi năm sẽ vào khoảng từ 100-175 triệu đô la Mỹ. Masan không đưa ra con số lợi nhuận sau thuế ước tính, nhưng với quy mô đầu tư lớn và số tiền vay ngân hàng không nhỏ (200 triệu đô la Mỹ từ ngân hàng trong nước và 80 triệu đô la Mỹ từ ngân hàng nước ngoài), khoản giảm trừ khỏi EBITDA từ khấu hao và chi trả lãi suất sẽ không nhỏ trước khi tính đến khoản trả thuế thu nhập doanh nghiệp.
Để có doanh thu và lợi nhuận, việc đầu tiên là phải bán được hàng. Đại diện của Masan cho biết Núi Pháo đã ký hợp đồng mua bán thành phẩm Florit và Bismut với CMC Cometals (một công ty con của Commercial Metals Company - CMC). Riêng hợp đồng bao tiêu sản phẩm Vonfram, Núi Pháo vẫn chưa ký với bất cứ bên nào, mặc dù các cuộc thương lượng đang diễn ra.
Thêm vào đó, về mặt thị trường là cả ba sản phẩm chủ lực ở Núi Pháo vẫn thuộc quyền chi phối của ông lớn khác trên thế giới. Đó là chưa kể các rủi ro kinh tế vĩ mô toàn cầu tới nay vẫn chưa có hồi kết kể từ khi khủng hoảng nổ ra hồi cuối năm 2008. Cả hai yếu tố này đều quyết định đến giá các thành phẩm mà Núi Pháo sản xuất ra.

(TBKTSG)
--------------------
(1) http://www.intellasia.net/dragon-capital-buying-tiberon-in-us251m-deal-to-develop-vietnams-nui-phao-mine-30481
(2)http://www.mmta.co.uk/bismuth-market-overview; http://www.metalinvestmentnews.com/tungsten-shortage-to-benefit-playfair/ http://www.tertiaryminerals.com/fluorspar.html
(3)http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/48/48/39176/Thai-Nguyen-NuiphaovicaNguy-co-tan-xac-phao.aspx
(4) Xem báo cáo thường niên của Masan năm 2010

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét