Chủ tịch Hồ Chí Minh nói tại Đền Hùng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. |
* BÙI VĂN BỒNG
Ngày mai, 10-3 AL, giỗ tổ Hùng Vương. Tôi lại nhớ, cùng vào kỳ này năm 1981, khi chiến tranh biên giới phía Bắc rất căng thẳng. Bộ đội hành quân lên biên giới ghé qua Đền Hùng. Ngày Lễ giỗ tổ nhưng thưa vắng khách. Lửa chiến tranh đang cháy rần rần suốt dọc tuyến biến giới 6 tỉnh phía Bắc, ai còn tâm trí nào để đi lễ chùa, viếng đền?
Bộ đội tạm dừng dưới chân núi Nghĩa Lĩnh, chính ủy sư đoàn nói: “Các đồng chí, nơi đây năm xưa, trên Đền Thượng của khu di tích Đến Hùng này, Bác Hồ nói: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Tôi bỗng nhớ đến bài hát “Đất nước lời ru” của nhạc sĩ Văn Thành Nho: “Lửa đã cháy ở phía trước, lửa sáng mãi tình đất nước..lời ru trong bão giông...”. Sau khi thắp hương viếng đền Hùng và hứa với hồn thiêng vua Hùng quyết lập nhiều chiến công, bảo vệ biên cương của Tổ quốc, các chiến sĩ sinh hoạt van nghệ, hát: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới...Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo biên cương”.
Nói đến lửa, lại nhớ cách đây không lâu, TBT Nguyễn Phú Trọng đưa ra “triết lý nhóm lò”. Và cũng mới đây, sau phát biểu của TBT tại Vĩnh Phúc, người ta nói: “Lửa lò chưa bén cháy, mà sao ông TBT đã muốn dập tắt đi rồi, chẳng biết ông ta đua ra phương pháp cách mạng nhóm lò cho ngọn lửa nào?”.
Ai cùng nhớ, ngày 1-12-2012, tiếp xúc với cử tri Hà Nội sau gần một năm Hội nghị Trung ương 4, TBT Nguyên Phú Trọng nói là phải khơi dậy phong trào chống tham nhũng, như nhóm lò, lúc đầu bao giờ cùng khó khăn, nhưng kiên trì sẽ thành công; và, tất nhiên, ông cũng không quên nói đến cần phát huy dân chủ, cần sức mạnh tổng hợp, cần mọi người dân phải xúm vào cùng nhóm lửa. Tức là ông tỏ ra rất tôn trọng dân chủ.
Thế nhưng, chỉ hơn 2 tháng sau, chương trình Thời sự VTV1, 19h, ngày 25/2 đưa phát biểu của TBT Nguyễn Phú Trọng tại Vĩnh Phúc như sau: “Vừa rồi đã có các luồng ý kiến cũng có thể quy vào được là suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức … Xem ai có tư tưởng muốn bỏ Điều 4 Hiến pháp không, phủ nhận vai trò lãnh đạo của đảng không? Muốn đa nguyên đa đảng không? Có tam quyền phân lập không? Có phi chính trị hóa quân đội không? Người ta đang có những quan điểm như thế, đưa cả lên phương tiện thông tin đại chúng đấy. Thì như thế là suy thoái chứ còn gì nữa!”(*)
Trước đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Nghị quyết trung ương 4 ban hành trước hết là cảnh tỉnh với những người đang ngủ quên. Bên cạnh đó là răn đe, ngăn chặn những suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống”. Rồi ông hỏi và tự trả lời: “Vừa rồi chúng ta răn đe được chưa? Khối anh sợ đấy!”. Ông nói: “Lấy cảnh báo, cảnh tỉnh, giáo dục, răn đe ngăn chặn, trên tinh thần đồng chí thương yên nhau là chính” và “Không phải cứ kỷ luật là tốt. Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia là ân oán, thù hằn, đối phó, thành phe phái rối nội bộ, phải khoan dung, đó là phần nhân văn đặc thù của Việt Nam!”.
Từ sự giải thích vòng vèo như vậy, nhà lý luận ‘Mácxít’ số 1 Việt Nam đưa ra cái “Triết lý nhóm lò”. Như trên đã nêu, khi tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 1/12/2012, biện minh cho sự bất thành sau Hội nghị Trung ương 6: “Làm sao cố gắng để với tinh thần nhân văn của Bác Hồ. Kỷ luật sắt nhưng với tinh thần tự giác. Ví như nhóm một cái lò, có củi khô, có củi tươi, có củi vừa vừa. Nhưng quan trọng nhất là bước đầu phải nhóm được cái lò lên, tạo thành hơi ấm thì khi đó củi khô, củi tươi đưa vào cũng phải cháy hết. Sâu xa là như thế. Phải đồng lòng, nhất trí hết, nhóm lò lên”. Dù nói vậy, nhưng bao nhiêu củi khô ngon lành ông thứ thì bị mất cắp, thứ thì ông ‘đem cho’ người ta hết rồi, lấy gì nhóm? Mà nếu có thì ngay đến củi khô ông cũng đâu có dùng đúng lúc, dùng khi cần để ‘nhóm lò’? Nhưng trong bài thơ “Nhóm lửa” thì Bác Hồ không dạy cái “tinh thần nhân văn”, Bác nhấn mạnh về sự kiên trì, khéo léo, nhưng đừng để hở, đừng làm sai, dù chỉ hở một chút, sai một li là thất bại, lửa bị tắt ngóm. Cơ hội giành thắng lớn Nghị quyết TW 4 đã đến, như lửa đã cháy lên, nhưng ông lại chần chừ, xao nhãng, để mất cơ hội từ trước Hội nghị Trung ương 6.
Ngày xưa, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài thơ “Nhóm lửa” là nói đến ngọn lửa cách mạng khi đảng ta òn yếu, cách mạng chưa thành công, dân ta cần được hun đúc tinh thần, ý chí, ngọn lửa cách mạng. Bài thơ này đăng trên báo ‘Việt Nam Độc lập’ ngày 1/8/1942: “Lúc leo lét bắt đầu nhóm lửa / Biết bao nhiêu là sự khó khăn? / Chỉ đìu hiu một mảy gió xuân / Cũng lo sợ lửa khi tắt mất…. / Việc cách mạng cũng là như thế / Bước ban đầu là bước gian nan… / Hở một chút, tức là thất bại / Sai một li là hại cho dân”.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống giặc ngoại xâm, lịch sử khói lửa, đầy máu và nước mắt. Cho đến bây giờ, nguy cơ chiến tranh vẫn chưa dứt, người dân chưa an lòng. Nước được độc lập, nhưng người dân không được sống trong nền dân chủ, tự do, hạnh phúc thực sự. Quân xâm lược rình rập 'đốt biển', xâm ấn, gây chiến biên giới. Bọn 'giặc nội xâm' gây biết bao vụ khui rỗng kho bạc nhà nước đến làm cháy túi người dân... Nay, với trách nhiệm vì đất nước nhân dân muốn cùng đảng chống tham nhũng, muốn góp sức cho cuộc “chỉnh đốn đản, muốn xây dựng bản Hiến pháp thực sự hoàn chỉnh, lửa cách mạng trong lòng dân vừa ngún cháy lên, mới có mấy kiến nghị và bài viết đưa lên về sửa đổi Hiến pháp, ông đã dập tắt ngay. Trong khi đó tham nhũng hiện nay như khối lửa khổng lồ lâu nay không dập, đám cháy quá lớn, nguy co cấp bách, ông còn phải “nhóm” thêm lò lửa nào nữa?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét