Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

DÂN CHỦ THỤT LÙI

Không phải đến tận những năm 2012-2013 này cuộc tranh cãi về Hiến pháp và pháp luật nói chung mới bung ra trầm trọng như ta đang thấy. Thật ra, trong quỹ đạo chuyên chính vô sản, Hiến pháp và pháp luật luôn là lĩnh vực điển hình chất chứa những mâu thuẫn nội tại, chỉ chờ dịp để bung ra, bởi cốt lõi vẫn là mâu thuẫn giữa một nền độc tài đảng trị trước những đòi hỏi dân chủ pháp trị.
Xin gợi nhớ lại cuộc tranh luận lịch sử về quan hệ giữa Tư pháp và Hành pháp nổ ra khoảng năm 1948 giữa một bên là báo chí chính thống, lý luận chính thống của Đảng mà đại diện là nhà báo Quang Đạm, cây đại thụ lý luận của Đảng trên báo Sự Thật (và báo Nhân dân sau này), còn phía bên kia là các Luật sư Vũ Trọng Khánh, Vũ Đình Hòe…, cả hai đều từng là Bộ Trưởng Tư pháp, là chức của cựu Bộ trưởng Nguyễn Đình Lộc ngày nay. Riêng LS Vũ Trọng Khánh (1912-1996) chính là người chủ chốt cùng với GS Đặng Thai Mai thảo ra bản Hiền pháp 1946 mà nay đang nhắc tới nhiều.
Nói về Tam quyền phân lập, cuối cùng, Quang Đạm kết luận “Mong rằng Tư pháp nên nhận định sự phân phối quyền hạn giữa kháng chiến hành chính (tức Hành pháp) và tư pháp chỉ là sự phân công phụ trách để làm cho khoa học, chứ không thể là một sự phân quyền theo quan niệm lấy quyền ngăn quyền mà đấu tranh giữa quyền này với quyền khác”.
Luận điểm “chỉ do Đảng phân công chứ không phân quyền” này của ông Quang Đạm vẫn được Đảng ta cố thủ cho đến ngày nay, và tất nhiên bị các Luật sư Vũ Trọng Khánh và Vũ Đình Hòe chống lại. Như thế, về nội dung luận điểm cơ bản của hai phái “pháp trị” và “Đảng trị” trước và nay cơ bản là không đổi. Tuy vậy cục diện đấu tranh quan điểm vào năm 1948 ấy và cuộc đấu tranh hiện nay (sau hơn 60 năm) thì khác nhau nhiều:
          - Năm 1948 cuộc tranh luận diễn ra bình đẳng, đều cùng đăng trên các báo công khai như báo Sự thật của Đảng CS hoặc báo Độc lập của đảng Dân chủ. Chính tờ Sự thật của ông Quang Đạm cũng đăng bài của ông Vũ Trọng Khánh. Nhưng ngày nay thế nào?
- Năm 1948, sau 8 tháng tranh luận không đi tới một kết luận áp đặt nào từ phía đảng và nhà nước. Mọi ý kiến mặc nhiên được công khai bảo lưu, không bị khẳng định cộc lốc một câu “chế độ ta không chấp nhận Tam quyền phân lập”, miễn bàn, không bị Tổng Bí thư hay Phó thủ tướng lên án là bọn suy thoái tư tưởng, suy thoái đạo đức và cần phải nghiêm trị như bây giờ.
- Cảm động nhất là lời sám hối của phía quyền lực: Chính ông Quang Đạm bốn chục năm sau đã thừa nhận rằng quan điểm pháp lý của ông lúc ấy về lý thuyết “có phần giản đơn và siêu hình” còn trên thực tế phát triển cách mạng đã dẫn đến tình trạng “quyền lực của tư pháp cũng như lập pháp xét cho cùng là hữu danh vô thực” và “bên trên của cả ba quyền lực (tức kể cả trên quyền hành pháp - VĐH) mọi người nghĩ đến một “siêu quyền lực” quyết định tất cả, là cấp ủy đảng lãnh đạo”. Bài viết của ông có người trong giới chuyên môn tư pháp cho là “sám hối”. Ngày nay những kẻ lý sự cùn nói bậy rất nhiều, chẳng thấy một lời sám hối. Chỉ thấy người phản biện, cũng một cựu Bộ trưởng Tư pháp, bị gây sức ép đến mất chủ động , phải nói phản lại ý kiến của mình và bè bạn.
Sau hơn 60 năm, với bao nhiêu xương máu, nền dân chủ lại thụt lùi, cả lý và tình còn thua xa cái thời ấu trĩ chập chững của chính mình, hỏi không buồn sao được?
Hà Sĩ Phu
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN

-------------------
Bài 2. Ý KIẾN BẠN ĐỌC: TRANH LUẬN VỚI ÔNG QUANG ĐẠM
* VŨ TRỌNG KHÁNH
/Đăng trên báo Sự thật các số 114 (20.6.1949),
115 (10.7.1949), 116 (1.8.1949)
* Báo Sự Thật số 114, ngày 20/06/1949/
VẤN ĐỀ TƯ PHÁP
I/Tư pháp là một khí cụ riêng của tập đoàn chính trị
L.T.S – Dưới đây là nguyên văn bài của Ông Vũ Trọng Khánh gửi đến góp thêm vào cuộc tranh luận về vấn đề tư pháp.
 Ông Quang Đạm trình bày lý thuyết của Các Mác về Nhà nước là một khí cụ của tập đoàn thống trị, phụng sự tập đoàn ấy, đối lập với giai cấp bị trị và mang tính chất của tập đoàn cầm quyền.
Tôi tưởng thuyết này bây giờ không còn ai phản đối nữa, vì nó nhận rõ một điều dĩ nhiên: một chính phủ phát-xít lấy sức mạnh lên cầm quyền hay một chính phủ dân chủ được đa số dân bầu lên cầm quyền thì tất nhiên sẽ cai trị và tổ chức Nhà nước theo chính kiến và quyền lợi của đảng minh hay của đa số đã bầu mình, không lẽ phản lại. Những chính kiến ấy phát biểu thành những đạo luật mà các cơ quan Hành chính, Tư pháp, Công an, Quân đội… có nhiệm vụ áp dụng. Kẻ bị trị cho rằng Tư pháp là khí cụ đối lập và áp bức nhất, vì chỉ thấy cơ quan ấy tuyên án mà không nhìn thấy rằng sức mạnh đều ở cả trong tay Hành chính, Công an, Quân đội; không nhìn thấy là vì Hành chính lúc nào cũng hòa hoãn, phủ dụ, Công an thì hành động bí mật và Quân đội chỉ can thiệp khi nguy kịch đặc biệt.

Cái quan niệm ấy về Nhà nước đã giúp cho người cách mạng biết rằng một khi đã lập chính quyền thì phải phá tất cả các khí cụ Quân đội, Công an, Hành chính, Tư pháp và đào hết rễ cả cái “hệ thống tư tưởng cũ” (luật pháp, đạo đức, tôn giáo, triết học). Vì thế nến khi vừa thành lập, chính phủ ta đã hủy bỏ ngay tất cả các tổ chức quan lại, liêm phóng, linh khổ xanh, khố đỏ cũ.
Nhưng đến khi kiến thiết lại những khí cụ mới thì quan niệm ấy không đủ nữa vì nó chỉ nhìn rõ “điều căn bản xã hội của toàn thể chế độ” mà không bao quát được tất cả các mục đích khác của mỗi khí cụ Nhà nước.
Cho nên, có thể trả lời ông Quang Đạm rằng nếu như chỉ xét tính chất nền tư pháp một nước hay một thời đại, để mưu đồ một cuộc cách mạng chiếm chính quyền mà thôi, thì chỉ cần “nhìn rõ nội dung toàn thể, và căn bản xã hội của nền tư pháp ấy” là đủ, bởi vì khi ấy chỉ phá hủy cái cũ thì chỉ cần nhằm cho đúng đường lối đại cương mà đi tới, không cần để ý đến những cái đổ vỡ về chi tiết. Nhưng đến khi – như chúng ta hiện giờ – kiến thiết một xã hội mới lên trên cái cũ thì chỉ nhìn có thế không đủ nữa, còn đồng thời phải xem cả “hình thức, bộ phận” vào mọi mục đích thiết thực khác của nền tư pháp, mới nắm được đủ yếu tố để xây dựng một bộ máy thỏa mãn được nhu cầu của xã hội mới. Bởi vì trong lúc kiến thiết, chế độ mình đặt ra không những phải có xu hướng đại cương là đi đến chủ nghĩa xã hội mà còn phải xếp đặt được cái đời sống hàng ngày rất phiền phức, tỉ mỉ của một quần chúng đông đảo còn chứa nhiều cái cũ chưa biến mất lẫn cái cũ chưa thành hình. Trong bài trước (Sự thật số 96) tôi đưa ra hai điều luật riêng biệt, là cố ý để tỏ rằng lý luận của ông Quang Đạm đúng một mặt, còn thiếu sót một mặt.
Muốn tới mục đích kiến thiết vừa nói, ta phải nhận định bao quát nhiều mặt rằng pháp luật là những thể lệ đặt ra để giữ trật tự trong xã hội thì xã hội mới sống được. Trật tự ấy có xu hướng chính là bênh vực quyền lợi cho tập đoàn thống trị (đúng ý ông Quang Đạm) cũng có chỗ vô tư và có chỗ bênh vực kẻ yếu chống kẻ mạnh (ông Quang Đạm thiếu hai chỗ này) như một trọng tài có uy lực – vô tư nghĩa là không phân biệt phe thống trị hay bị trị, giàu hay nghèo.
Xin dẫn giải:
Ở trong một xã hội phong kiến, tư bản chủ nghĩa có mâu thuẫn lớn giữa hai giai cấp, nhưng cũng có mâu thuẫn nhỏ giữa những người cùng một giai cấp như hai hạng tư bản cạnh tranh nhau hay hai người nghèo đánh nhau, hoặc những xung đột hàng ngày giữa một người giàu với một người nghèo. Khi ấy ai có lỗi, dù là giai cấp nào, cũng phải phạt hay bồi thường. Ở trước tòa án, những kẻ có quyền thế hay giàu có mà thua kiện không phải là hiếm, những vụ mà người lao động thắng ông chủ cũng không phải là không có bao giờ. Có thể trả lời ông Quang Đạm rằng “trong một xã hội phong kiến hay tư bản mà Nhà nước để cho ai muốn giết ai cũng được, thì những kẻ ngày thường bóc lột bằng kinh tế và áp bức về chính trị “sẵn có trong tay tiền tài và vũ lực sẽ đánh giết người vô sản như đời thượng cổ bọn quý tộc hành hạ đám nô lệ (esclaves)”. “Nếu tưởng tượng trong một xã hội như thế mà người làm thiệt hại kẻ khác không phải bồi thường” thì chính dân nghèo khổ bị thiệt hại trước tiên. Thí dụ người thợ bị chủ đánh gãy tay, người nghèo bị ô-tô đâm mà không được bồi thường.
Vậy thì xin nhắc lại, đứng về phía phương diện tổ chức một xã hội chứ không phải phương diện cách mạng chính trị trong một xã hội có giai cấp đấu tranh vẫn có đượcnhững điều luật vô tư, vẫn có được khái niệm “công lý ngoài đảng phái”. Một là vì những điều luật và khái niệm ấy cần thiết để thu xếp giữa những người cùng một giai cấp mà có xung đột chi tiết tuy có đoàn kết đại cương để che chở những người có sức mạnh khi đứng trong giai cấp mà yếu hèn khi đứng một mình. Thí dụ hai người nông dân tranh nhau một bờ ruộng, thí dụ đạo luật bênh vực người đàn bà có con mà bị tình nhân bỏ, bênh vực đứa trẻ mồ côi hay vị thành niên khi bị người lớn lừa dối. Hai là vì khái niệm “vô tư” và “công lý” đều là tương đối như mọi sự ở đời: điều mà ta cho rằng không vô tư, không công bằng khi ta nhìn đại cương trong một thời gian xa để lý luận cách mạng, điều ấy có thể coi là vô tư và công bằng khi ta nhìn chi tiết trong một thời gian ngắn mà lý luận để kiến thiết.
Một đằng, tin một cách tuyệt đối rằng có một thứ luật pháp và một thứ công lý chung cho cả mọi người không bao giờ thay đổi và ở trên hết mọi mọi tầng lớp đấu tranh là sai, bởi vì luật pháp và ý thức công lý trong một xã hội là phản ánh của đời sống, tất nhiên cùng một khuynh hướng, một tính chất với xã hội ấy. Một đằng khác, nói rằng tất cả luật pháp và công lý đều hoàn toàn thiên vị về giai cấp thống trị thì cũng không đúng vì trong sự sống hàng ngày không phải chỉ có cuộc tranh đấu giai cấp mà thôi, còn có những xung đột nhỏ khác nữa. Thực ra hai đằng bổ khuyết cho nhau tựa như nước sông lớn đều chảy xuôi xuống bể, nhưng trong từng quãng có những giòng chảy ngang, chảy ngược, hay đọng lại. Có quan niệm được cùng một lúc các mâu thuẫn nhỏ nằm trong cái xu hướng chung thì mới hình dung được sự sống hàng ngày và kiến thiết được hợp với thực tế. Ngay trong một nước xã hội chủ nghĩa tương lai mà “không còn giai cấp đấu tranh nữa, kinh tế dồi dào thừa thãi” cũng còn cần phải có luật pháp. Nếu không thì sao? Thì ô tô chạy đường, muốn đi bên phải, bên trái, ban đêm không đèn cũng được, rồi đâm vào nhau xảy ra tai nạn tha hồ, thì ghen nhau hay tức khí nhau không phải vì kinh tế mà vì tình, hay vì đánh ván cờ rồi tha hồ ẩu đả.
Ông Quang Đạm tin rằng về tương lai, luật pháp sẽ “hóa ra vô dụng”. Nhưng thôi, hãy quay về hiện tại thì tóm lại, luật pháp Việt Nam phái có xu hướng chung là bênh vực quyền lợi của nhân dân, mà trong bộ phận và hình thức sẽ vô tư và công bằng.
VŨ TRỌNG KHÁNH
(còn nữa)
-------------------------
* Báo Sự Thật số 115, ngày 10/07/1949 (tiếp theo số 114)
II/ Phân quyền và độc lập
Về vấn đề phân quyền, tôi không thấy rõ được ý kiến của ông Quang Đạm. Ông vừa nói rằng thời Pháp thuộc có phân quyền vừa nhận rằng đó chỉ là nhãn hiệu trái hẳn thực tế. Ông vừa nói rằng phân quyền giúp cho bọn tư sản thống trị dễ phản động, dễ chuyên chính thêm, vừa nhận rằng phải thi hành quyền tư pháp phân lập…
Nhưng cứ cách đặt vấn đề của ông thì thấy rằng:
1- Ông công nhận sự phân lập của tư pháp. Chúng tôi đồng ý, vì trong quan niệm của chúng tôi: phân lập, phân quyền hay biệt lập cũng chỉ có nghĩa là giao việc xử án, việc hành chính, công an, quân đội vân vân… mỗi việc cho một cơ quan riêng biệt.
2- Ông muốn rằng Tư pháp phải phụng sự kháng chiến, phụng sự nhân dân và thẳng tay tiêu diệt mọi hành động có hại cho cuộc giải phóng dân tộc. Thực ra thì dù muốn hay không muốn thế cũng không được, là vì tập đoàn thống trị hiện nay là nhân dân kháng chiến diệt giặc và diệt gián, thì Tư pháp cũng theo khuynh hướng ấy một cách tất nhiên và chưa hề có một thẩm phán nào lại nghĩ trái lại, tôi không biết tại sao ông Quang Đạm lại đặt thành vấn đề, và về sau ông cứ nhắc đi nhắc lại vấn đề, hình như các thẩm phán đều là người Pháp hay Việt gian cả!
Độc Lập và Độc Lập – Ông Quang Đạm xét vấn đề theo quan điểm đại cương và chính trị. Thì cố nhiên, triết học thường thức cho ta biết rằng quan niệm và ý thức con người là “sản phẩm chung của giai cấp, hoàn cảnh vật chất, quyền lợi kinh tế và điều kiện giáo dục”. Nhưng đến lúc tổ chức trong thực tế là một bộ máy xử án hàng trăm nghìn việc xảy ra trong sự sống hàng ngày khi những tư tưởng đại cương và chính trị không đủ, bởi vì mọi việc phức tạp không phải đều là chính trị cả và không cần phải có triết học đại cương hay thuộc vào một đảng mới xét được điều phải trái.
Điều 112 của hiến pháp Xít-ta-lin nói rằng: “Quan tòa đều độc lập và chỉ biết có pháp luật”. Hiến pháp Việt-nam điều 69: “Trong khi xét xử các thẩm phán chỉ theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp” và điều 50 của sắc lệnh số 13 ngày 24-1-1946 tổ chức các tòa án Việt-nam định rằng: “Thẩm phán xử án quyết định theo pháp luật và lương tâm mình. Không quyền lực nào được can thiệp trực tiếp hay gián tiếp vào công việc xử án”.
Quan niệm độc lập ở đây không có gì là triết lý chính trị cao xa. Các thẩm phán không hề tưởng rằng mình là hạng người độc lập bất khả xâm phạm và ở trên các đảng phái, trên các cơ quan như một số anh em chính trị hiểu lầm hóa ra mất cảm tình dân.
Chữ độc lập chỉ có một ý nghĩa hết sức thiết thực như sau này:
Tìm sự thật trong một vụ kiện khó và mất thì giờ cũng như bất cứ một việc chuyên môn nào. Cần phải giao cho một hạng người chuyên trí nào đấy gọi là thẩm phán. Thẩm phán ngồi đọc từng tờ giấy trong hồ sơ, cân nhắc từng dòng trong biên bản, hỏi bị can, người chứng, căn vặn, đối chất người nọ với người kia, so sánh lời khai với tang vật… đoán sự thực trên nét mặt hay trong lời nói với cả kinh nghiệm của mình như thầy thuốc đoán bệnh, xét hoàn cảnh bị can, ảnh hưởng trong xã hội… Rồi nghiên cứu luật lệ của Nhà nước xem việc xảy ra, có bị phạt hay được bênh vực không? Rồi tổng kết cả một thời gian điều tra , cả một cuộc thẩm cứu trước tòa và một cuộc bàn bạc trong phòng luận tội với các thẩm phán khác và các phụ thẩm nhân dân, ông Chánh án tuyên án.
Nếu ông Chánh án nghĩ rằng anh Mỗ đòi gia tài là trái hay anh Ích đã phạm lỗi thật mà một người hay một cơ quan khác hay công chúng không hề nghiên cứu hồ sơ, không hề nghe bên nguyên, bị, lại nghĩ trái lại thì tất nhiên phải cho ông Chánh án có quyền xử theo ý mình, nếu bắt theo mệnh lệnh người ngoài hay cơ quan kia thì thà giao ngay quyền xử án cho người ấy hay cơ quan ấy. Người thẩm phán xử án phải gánh một trách nhiệm, nhiều khi ghê gớm, trước lương tâm mình, trước dư luận, trước cấp trên và Chính phủ thì cũng phải được quyền xử theo trí phán đoán của mình, chứ không bắt buộc phải nghe người khác. Vì thế nên người ngoài hay cơ quan khác không thể can thiệp vào. Ngay trong nội bộ Tư pháp, mỗi thẩm phán phát biểu ý kiến riêng của mình chứ không chịu ảnh hưởng của một người thẩm phán khác dù cao cấp hơn.
Trong vụ án Ta-na-da-ri-vơ xử các nhà cách mạng Mã-đảo cũng như trong các vụ án chính trị xử tại Hội đồng đề hình ở nước ta xưa kia, quan tòa không được độc lập là vì đã chịu mệnh lệnh ngầm của cơ quan hành chính hay chính trị. Trong các trường hợp ấy, Tòa án đã bị một sức mạnh biến thành cái máy đàn áp. Ở nước ta, chắc hẳn nhân dân sẽ che chở cho tòa án khỏi bị uy hiếp như thế. Dù sao ta cũng không thể căn cứ vào những vụ án chính trị để mà kết luận rằng không thể để cho thẩm phán độc lập được. Bởi vì các vụ chính trị là một loại án bất thường, biểu lộ cuộc tranh đấu giai cấp, ngoài ra còn các vụ án dân sự, thương sự, thường phạm, chiếm đa số mà các tòa xử xa những cơn khủng hoảng chính trị. Bởi vì hiện nay ở nước ta, tất cả các vụ án chính trị đều giao độc quyền cho Tòa án quân sự; vậy tôi muốn hỏi: các ý kiến của ông Quang Đạm có áp dụng cho các Tòa án quân sự không?
Tập đoàn chỉ đạo - Ông Quang Đạm đã giảng chữ tập đoàn chỉ đạo một cách bất ngờ; tôi cố lĩnh hội để xem có áp dụng được trong việc tổ chức tư pháp không, mà thấy khó hiểu lắm.
Theo ông Quang Đạm thì "tập đoàn" là mọi tầng lớp nhân dân đang đuổi giặc dựng nước, "chịu sự chỉ đạo", là nghe theo ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, mà nhân dân ở khắp nơi trong nước chứ không phải chỉ ở cạnh Chính phủ trung ương. Tôi đang tìm một phương pháp để biết rõ ý kiến của nhân dân toàn quốc mà theo, đang nghĩ đến Quốc hội hay Chính phủ trung ương là hai cơ quan đại diện cho toàn quốc thì ông Quang Đạm bảo rằng chính quyến địa phương mới gần dân nhất. Thế thì có lẽ phải đến hỏi từng Ủy ban xã từ Nam chí Bắc và, nếu một nửa bảo rẽ bên phải, một nửa bảo rẽ bên trái, thì ta cứ đứng giữa!
Ông Quang Đạm nói mỗi khi có vấn đề lớn thì bao giờ nhân dân cũng tỏ rõ ý kiến và thái độ hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp. Tôi đang nghĩ rằng nhân dân tỏ bằng khẩu hiệu dán ở các nơi hay bằng mít tinh thì ông Quang Đạm bảo phải theo đường lối do những người thông minh nhất, anh dũng nhất của nhân dân vạch ra. Tất nhiên những người ấy đã vạch ra sau khi "theo đúng ý kiến và thái độ nhân dân, vì ai không theo nhất định sẽ lầm đường lạc lối", như ông Quang Đạm nói. Tôi phân vân vì nghĩ đến cái ngày mà Hồ Chủ tịch đứng trên bao lơn nhà Hát lớn Hà Nội hỏi dân chúng nên đánh hay nên ký hiệp định. Dân chúng đều hô "đánh", nhưng hiệp định sơ bộ 6-3-1946 vẫn được ký và Hồ Chủ tịch vẫn đi đúng đường.
Nói thế không phải là khinh nhờn đại chúng, khinh nhờn dư luận đâu. Nhưng theo kinh nghiệm về tâm lý quần chúng của tôi thì đại chúng chỉ có một ý niệm đại khái về các vấn đề chung, cho nên các cơ quan thăm dò dư luận như Ga-lớp (Institut Gallup) chỉ đặt những câu hỏi rất giản dị để công chúng giả lời cũng rất giản dị mà thôi. Đại chúng không tính toán xa xôi được, chỉ cảm thấy được những quyền lợi đang trực tiếp chạm đến mình mà thôi, quyền lợi ấy đang hưởng thì hoan hô, đang bị giày xéo thì phản kháng. Tính toán trước cơ sự là nhiệm vụ của kẻ lãnh đạo vì là người thông minh nhất và đủ tài liệu nhất để xét đoán. Kẻ lãnh đạo có khi phải giữ kín bài tính của mình nên có khi không được dư luận hiểu ngay; về sau, nếu cách giải quyết của mình đúng thì giữ vững được địa vị, nếu nhầm thì bị đổ không thương xót. Vậy tôn trọng đại chúng chỉ là hành dộng cho hợp quyền lợi của nhân dân. Còn đối với dư luận thì cần nhất là phải biết giải thích để khỏi bị chết như Ga-li-lê (Gallilée) vì đã bảo quả đất tròn khi quần chúng tin rằng quả đất vuông!
Nhưng đây là toàn bàn về chính trị đại cương! Về tư pháp, ông Quang Đạm chỉ đặt một nguyên tắc rõ ràng là "quan tòa phải chú trọng đến dư luận chung quanh và không chịu theo ý chí của quần chúng thì nhất định quan tòa không thể làm việc có lợi cho nhân dân"! Ông Quang Đạm không bảo cho các thẩm phán biết cách trưng cầu ý kiến của dư luận địa phương và cách xử trí khi "óc địa phương" muốn đi trái với đạo luật do Quốc hội là đại biểu của toàn quốc làm ra, hoặc khi dư luận một nửa bảo phải, một nửa bảo trái thì phải xử thế nào hay không xử nữa? Tôi còn nhớ một vụ án quan trọng ở Hà Nội: Chưởng lý buộc tội xong thì công chúng thì thào là bị can đáng tội, khi luật sư cãi xong thì công chúng lại thấy bị can bị oan, đến khi tuyên án xong thì một phần cho là xử nhẹ, một phần cho là xử nặng, một phần cho là xử vừa đúng.
(Còn nữa)
VŨ TRỌNG KHÁNH
----------------
*Đính chính
Vì nhà in sơ xuất, nên lời nói đầu của ông Vũ Trọng Khánh trong bài Tư pháp không đăng trong số trước: Chúng tôi xin đăng nguyên văn những lời đó như sau:
VẤN ĐỀ TƯ PHÁP
Các anh em Tư pháp lấy làm cảm ơn báo Sự thật đã đăng các bài trả lời ông Quang Đạm, để dư luận có thể nghe được nhiều tiếng chuông.
Tiếp theo bài của ông Quang Đạm trong Sự thật số 102, 103 ,104, ở đây tôi sẽ trình bày lý lẽ một cách điềm đạm và cụ thể, cố tránh lối văn hùng hồn và trừu tượng nó chỉ khêu gợi cảm tình mà không làm cho người ta hiểu được rõ, cũng cố tránh những lời châm biếm, nó chỉ sướng mồm kẻ nói, mất lòng người nghe mà chẳng giúp thêm lý lẽ cho trí phán đoán của độc giả.
Trước tiên, hãy bàn đến hai thành kiến nghe đã nhiều. Ông Quang Đạm than rằng "đến năm Dân chủ cộng hòa thứ IV mà vẫn còn nhiều ảnh hưởng của lý luận thực dân trước kia" và chê rằng "những người do chính phủ bổ nhiệm chính là cán bộ Tư pháp do thực dân Pháp đào tạo ra trước kia". Thực ra, lý luận thực dân Pháp có cái dở đáng bỏ, cũng có cái hay đáng theo; quanh ta nhiều nơi vẫn theo lề lối cũ của bọn Pháp mà không phải là thoái bộ. Các anh em Tư pháp ngày nay đúng là những người do thực dân Pháp đào tạo ra cũng như ở những ngành chuyên môn khác và một số đông các anh em chính trị đã qua học các trường của Pháp; cũng như là tất cả dân tộc Việt Nam đã bị bọn Pháp uốn nắn, đào tạo trong 80 năm trời nô lệ. Nhưng đám dân ấy đã biết đứng dậy, các người chuyên môn và chính trị kia đã biết phá xiềng xích vật chất và tư tưởng cũ, thì ta cũng chớ tách anh em Tư pháp ra khỏi khối dân tộc như những quái vật. Những thành kiến kia đã đè chĩu vào chúng tôi từ ngày Khởi nghĩa, đã theo đuổi chúng tôi một thời gian sau khi tác chiến. Tôi tưởng thái độ và hoạt động kháng chiến của tất cả các nhân viên Tư pháp từ bấy đến nay đã đủ để người ta đừng nhắc đến những thành kiến ấy. Nếu chúng tôi có điều đáng chỉ trích thì ông Quang Đạm cứ mang từng việc cụ thể ra và cứ tranh đấu với chúng tôi bằng lý luận - đúng như tư cách một người Mác xít chân chính - để mà khuất phục chúng tôi bằng lẽ phải thì hơn.
------------------------
Sau đây tôi bàn luận theo các mục mà ông Quang Đạm chia ra:
* Báo sự thật số 116 ngày 1/8/1949 (tiếp theo số 116)
III / Nhiệm vụ tư pháp Việt Nam
Ông Quang Đạm trình bày “ một vài nguyện vọng của nhân dân rất thiết tha chính đáng mà đến nay vẫn chưa được thỏa mãn”.
Tôi không biết ông Quang Đạm đã tìm thấy những nguyện vọng ấy bằng cách nào.
Về phần các anh em Tư pháp, trái với ý nghĩ của một số người, chúng tôi cũng lo lắng đến dư luận và cũng biết sống giữa đại chúng luôn luôn: vừa thăm hỏi ý kiến của nhân sĩ và các giới, nhất là trong chính giới (ngay từ năm đầu tiên của chính thể dân chủ cộng hòa chứ không phải chờ đến năm nay) vừa có thẩm phán trò chuyện với các dân quê, tiếp xúc với các xã, cơ quan, đoàn thể… Chúng tôi cũng được biết những lời phê bình đúng hay không đúng về chúng tôi và cả những điều mà riêng chúng tôi được nghe thổ lộ.
Tiếc rằng ở nước ta chưa có một tổ chức trưng cầu ý kiến nhân dân một cách khoa học như Ga–lớp (Gallup) để xem những ý chí nhân dân mà chúng tôi và ông Quang Đạm cùng ghi nhớ có giống nhau không?
Những nhiệm vụ mà ông Quang Đạm vạch ra cho Tư pháp Việt Nam chia ra hai loại: chính trị và chuyên môn.
1/ Loại chính trị: - “Tuyệt đối trung thành với nhân dân, phụng sự ý chí nhân dân, tập trung mũi dùi tranh đấu vào bọn thực dân và lũ Việt gian, lấy quyền lợi của chế độ dân chủ và của nhân dân làm tiêu chuẩn để xét xử, hiểu thấu tinh thần chế độ dân chủ cộng hòa, lý luận của bộ phận Tư pháp phải phối hợp với lý luận chung của toàn bộ chính quyền”.
Tôi tưởng không một thẩm phán nào đang thi hành phận sự trong hàng ngũ kháng chiến lúc này lại phủ nhận những điều thông thường ấy, mà người công dân nào cũng biết, mà các thẩm phán thực hiện hàng ngày bằng cách hiểu thấu và áp dụng khiến cho mọi người đều phải tôn trọng tất cả các luật pháp của chính thể dân chủ cộng hòa, vì mọi quyền lợi của nhân dân, mọi lý luận, mọi phương pháp chống giặc trừ gian (không thuộc về binh bị) đều đúc lại trong các sắc lệnh của Nội vụ, Tài chính, Kinh tế, Tư pháp, v.v.
Một điều khuyên của ông Quang Đạm không thuộc phạm vi các thẩm phán là “tích cực nâng cao quyền lợi kinh tế và xã hội dân chủ của nhân dân”. Và một điều đáng chú ý và đáng tán thành là “ góp sức vào công cuộc giáo dục nhân dân vì một đặc điểm của Tư pháp nhân dân là có tính cách giáo dục”, điều này các thẩm phán vẫn thực hiện bằng cách giảng trong các lớp huấn luyện hay giải thích luật pháp trước công chúng.
2/ Loại chuyên môn. Phải có một lý luận về Tư pháp hoàn toàn Việt Nam (xem Sự thật số 104, trang 12). Đồng ý rằng Việt Namkhông phải là Nga, Anh, Mỹ cho nên ta phải có những lý thuyết pháp lý, những tổ chức Tư pháp hoàn toàn Việt Namchứ không nhắm mắt bắt chước. Nhưng Việt Nam cũng là một phần tử của nhân loại, cũng cùng một loài người như Anh, Mỹ, Pháp, cũng có một xu hướng xã hội như Nga, Tiệp, Nam - tư hay Ba – lan nên cũng có chỗ giống các nước Âu (thí dụ về nguyên tắc tư pháp đại cương như ông Lưu Anh đã trình bày), và có chỗ hay của nước khác mà ta bắt chước được. Trả lời ông Quang Đạm: dưỡng khí vừa giống cả lửa lẫn nước vì nó cháy thành lửa mà nó hợp với khinh khí thì thành ra nước (H2O). Ta không bưng được cả gốc cây tư pháp Liên Xô về trồng ở nước ta nhưng cũng có thể chiết một cành nào nếu hợp với kiến trúc và khí hậu nước ta. Tôi tưởng nhiều cây chính trị mọc ở trong vườn ta thuộc cùng một loại với các cây ở vườn nước khác, bởi vì không có lý nào ta lại gạt bỏ những kinh nghiệm của các nước bạn, nó là kho tàng chung của nhân loại chứ không riêng gì của một nước. Chỗ khó là hiểu được cái gì hợp, cái gì không hợp với hoàn cảnh nước ta.
Có các bộ luật Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa - Đây là sự mong mỏi của tất cả mọi người và sự cầu ước thiết tha của riêng giới Tư pháp. Một điều nhầm thông thường là tưởng rằng làm các bộ luật ấy là trách nhiệm của Tư pháp.
Không phải. Các bộ luật là ý chí của nhân dân toàn quốc, những nguyên tắc lớn phải được bàn cãi thăm dò ở khắp ba Kỳ. Nộp những thuế gì? Kinh tế chỉ huy hay tự do? Có tổ chức lại quyền tư hữu tài sản không? Vẫn giữ hay bỏ chế độ đa thê? Chế độ lao tù sửa đổi thế nào cho nhân đạo và giáo hóa được phạm nhân? Các quyền tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, tự do đi lại, tự do hội họp, bãi công phải sử dụng thế nào? v .v.
Vậy nhiệm vụ trước tiên thuộc về các nhà chính trị của ba Kỳ phải suy nghĩ mà định rõ xu hướng chung của pho luật, những nét lớn của các tổ chức để thực hiện được xu hướng ấy. Các nhà chính trị phải dò hỏi nhân dân rồi khi họp thành Quốc hội thì biểu quyết các bộ luật.
Quyền làm thành luật như thế, quốc dân giao riêng cho Quốc hội là đại biểu của toàn quốc. Chính phủ cũng không có quyền ấy, huống chi các Tòa án. Quan niệm tách quyền “lập quyền” và quyền “hành pháp” có một căn cứ chính trị thiết yếu như thế chứ không phải là sai.
Trong việc làm luật, các Tòa án và các nhà luật học tất nhiên sẽ trình bày những kinh nghiệm, những nhận xét của mình đã lượm trong bài thi hành và nghiên cứu pháp luật. Nhưng chỉ là giúp ý kiến mà thôi. Nói thế không phải là giảm sự quan trọng của những nhà chuyên môn về luật trong công cuộc làm luật. Họ có ngòi bút tả rõ và ngắn những điều luật họ quen nhìn thấy những kết quả hợp lý và xã hội (conséquences logi - ques) mà người khác không ngờ của một điều luật, họ kinh nghiệm để nghĩ ra những tổ chức có thể thực hiện trong thực tế những nguyên tắc đã được Quốc hội biểu quyết (xin lỗi, nếu hơi chủ quản).
Ta thấy rõ rằng luật pháp là phía mặt chuyên môn của chính trị cho nên sự kết hợp giữa những nhà chính trị và luật gia là một điều càng trở về hòa bình càng thấy cần thiết.
Về cán bộ tư pháp, ông Quang Đạm muốn cho thẩm phán quyền sửa đổi cả luật pháp.
Ông nói rằng quan tòa phải đứng vào lập trường nhân dân mà phân biệt màu sắc trắng đen của luật pháp. Tôi thấy bị giam trong một vòng luẩn quẩn. Quốc hội là đại biểu trực tiếp của nhân dân, đã đứng vào lập trường nhân dân mà định trong pháp luật rằng việc này thì đen việc kia thì trắng. Quan tòa sử dụng như luật định là tôn trọng ý trí của nhân dân rồi còn gì nữa; quan tòa lại còn xét lại điều luật như thế nào nữa?
Xử đúng luật pháp không phải lả bỏ rơi thực tế, bởi vì luật pháp không máy móc chật hẹp, luật pháp định một giới hạn rộng rãi (thí dụ phạt từ 1 năm đến 5 năm), trong ấy quan tòa có thể định liệu để áp dụng điều luật cho đúng thực tế phức tạp và linh động (thí dụ cũng một tội ấy mà người này thì bị phạt 3 năm, người kia thì một năm hay cho án treo). Một khi điều luật đã lạc hậu hay trái ngược với thực tế thì quan tòa chỉ có thể trình lên Quốc hội để xin thay đổi mà thôi. Nếu Quốc hội không đồng ý hay sửa đổi quá chậm thì sẽ chịu trách nhiệm trước nhân dân.
Ông Quang Đạm viện giáo sư Lơ Bờ-ra, nói rằng : “Tòa án Liên Xô hoàn thành sự nghiệp cách mạng, nghĩa là chú trọng về việc tìm hiểu tinh thần chung của chế độ hơn việc giải thích luật pháp theo mặt chữ, nhìn nhận nghĩa đen của luật pháp”, “Quan tòa Liên Xô thường theo từng điều kiện thực tế mà áp dụng luật pháp cho mềm dẻo. Có khi phạt nhẹ một việc mà luật định phạt nặng, có khi không xử phạt một việc mà luật có định phạt…”.
Ông Quang Đạm quả quyết rằng “nhân dân Việt Nam chỉ mong có nhiều quan tòa như thế mà thôi”. Tôi e rằng ông đang muốn bê một gốc cây Liên Xô về nhà, mà lại gán cho nhân dân. Bởi vì đây là một vấn đề kỹ thuật pháp lý tế nhị (problème de technique juridique délicat) mà nhân dân chắc cũng chưa xét đến.
Tôi không được đọc Lơ Bờ-ra , còn quyển “Luật pháp và tư pháp” của Giăng Phông – tên mà tôi có trong tay thì quá sơ sài, nên tôi chưa nghiên cứu được hẳn hoi vấn đề và sẽ không hấp tấp kết luận. Tôi chỉ vạch qua mấy điểm sau này về Tư pháp của ta:
Khi áp dụng một đạo luật tối nghĩa, Tòa án nào cũng phải tìm hiểu tinh thần đạo luật nghĩa là ý tứ của cơ quan lập pháp.
Đời sống biến chuyển nên khi áp dụng luật pháp tất nhiên phải mềm dẻo. Nhưng sự mềm dẻo này không phải là được tự do muốn bác đạo luật đi cũng được, mà chỉ là có thể định liệu lên xuống trong một giới hạn mà luật cho phép, nghĩa là vẫn ở trong vòng pháp luật. Khi sắc lệnh số 168 phạt cờ bạc từ một năm đến ba năm và không cho hưởng án treo thì Tòa án dù gặp trường hợp đáng khoan hồng đến đâu cũng chịu không thể tha hay phạt dưới một năm được.
Nguyên tắc tổ chức Tư pháp này dựa vào một căn bản chính trị thiết yếu. Luật pháp có thể phạm tới tính mệnh, tài sản, quyền tự do của người công dân, cho nên chỉ có Quốc hội là 400 đại biểu của toàn quốc mới có quyền làm ra luật mà thôi. Khi luật pháp đã ban hành thì mọi người đều phải tôn trọng, không thể lấy một cớ gì để bác đi.
Xem quyển của Giăng Phông-tên : “ Chỉ có kẻ thù của nhân dân, lời của nghị sĩ Bu-ka-nốp nói, mới viện những lẽ tùy cơ mềm dẻo gì ấy để đối chọi với luật pháp. Luật pháp của Nhà nước là ý chí của nhân dân…”.
Ông Xit-ta-lin nói: “Sự vững vàng của luật pháp, bây giờ cần hơn bao giờ hết”. (Seuls les ennemis du peuple, dit le député Boukanov, pourraient opposer à la loi, je ne saisquelles considérations d’ opportunité ! Les lois adoptées par l’ Etat socialiste expriment la volonté du peuple de l’ Union soviétique… La stabilit é des lois est nécessaire maintenant plus que jamais , dit Staline).
Ai không theo pháp luật thì phải mang ra tòa án. Nhiệm vụ chính yếu của tòa án là làm cho mọi người phải tuân theo pháp luật. Khi Quốc hội xét thấy một việc có hại cho quyền lợi nhân dân mà ra một đạo luật phạt nặng, nếu quan tòa lại không xử phạt thì tức là chính mình không tôn trọng pháp luật, đã đi trái với 400 đại biểu nhân dân, cản trở ý chí của Quốc hội là cơ quan cao nhất trong nước.
Nếu quan tòa Liên Xô có thể “không xử phạt một việc mà luật pháp định, nếu xét ra làm thế là có lợi cho nhân dân Liên – Xô, và phụng sự lý tưởng cách mạng”, thì chắc có một đạo luật nào của Liên Xô cho phép như thế với những điều kiện rõ ràng. Đứng trước trường hợp như thế, tổ chức Tư pháp của ta dùng một kỹ thuật pháp lý khác là cho quyền Công tố viên được xếp bỏ không truy tố.
Câu chuyện trừng phạt những kẻ bắt người trái phép – Ông Quang Đạm biện bạch cho những người “có lòng vì nước đã sốt sắng bắt bọn Việt gian xảo trá, mà vì không hiểu thể lệ hay hoàn cảnh kháng chiến đã không làm được hoàn toàn đúng phép”.
Tôi chưa thấy Tòa án đã khép tội một người nào ở trong trường hợp mà ông Quang Đạm đã nêu ra. Nếu ông Quang Đạm ở trong chính quyền thì ông sẽ biết Công tố viên và án lệ đã nhân nhượng đến thế nào về những vi phạm đã do sự không biết luật hay sự luật pháp không công bồ được đầy đủ mà gây ra. Ông sẽ lại biết nhiều vụ bắt giam mà không vì công tâm hay vì trừ gian tý nào và cái tình trạng bắt người bừa bãi lúc đầu đã được chấm rứt vì Tòa án đã cương quyết truy tố. Nhất là ông sẽ thấy rằng không phải chỉ bên Tư pháp mà cả những cấp chỉ đạo bên Kháng chiến, Công an cũng đống ý đối phó cương quyết, và áp dụng cho được sắc lệnh số 40 về bảo đảm tự do cá nhân là hợp với ý nguyện của nhân dân.
Ai lại không sốt sắng trừ khử lũ Việt gian nhưng tất cả vấn đề là làm thế nào để kẻ vô tội khỏi bị bắt nhầm, nhất là bị giam giữ kín đáo trong một thời gian... Vấn đề ấy đã được giải quyết bằng những sắc lệnh đặt một thủ tục phải theo khi muốn bắt một người công dân. Tòa án và các U.B.K.C H.C đòi áp dụng các sắc lệnh ấy chỉ là tuân theo Chính phủ kháng chiến và bênh vực quyền lợi của người dân. Tôi không biết ông đã có dịp nào được nghe người dân thổ ra những ý kiến về vấn đề này chưa?
Sự cộng tác chặt chẽ giữa Tư pháp và Kháng chiến Hành chính: Đọc ông Quang Đạm ở quãng này, tôi tưởng như Tư Pháp là một bọn giặc đang giao chiến với Kháng chiến Hành chính và sắp đưa ra trước búa rìu của quốc dân.
May thay, Chính phủ không hiểu như thế và sự thực cũng không thể. Lúc đầu tiên, khi Hành chính kiêm cả Tư pháp, chính ý nguyện của nhân dân và của các Ủy ban hành chính là đòi thiết lập Tòa án chuyên môn. Sở dĩ từ bấy đến nay, các Tòa án đứng vững và tăng tiến được là vì đã xứng với lòng tín nhiệm của nhân dân. Một lần nữa, tôi không hiểu tại sao ông Quang Đạm lại khuyên đi khuyên lại rằng “Tư pháp phải đứng trên lập trường nhân dân mà đấu tranh chống kẻ thù chung”.
Những sự đụng chạm giữa Hành chính và Tư pháp cũng như giữa Hành chính và các cơ quan khác chỉ là điều tất nhiên, nhất là trong lúc chúng ta đang lắp bộ máy Nhà nước. Ông Quang Đạm đừng nên dùng những lời quá đáng để nhắc lại không được đúng ý kiến của ông V.Đ.H, và của tôi trong bài trước, những lời như thế chỉ gây ác cảm giữa Kháng chiến Hành chính và Tư pháp và làm cho người ta tưởng tượng Tư pháp có thể “ khinh rẻ ý chí nhân dân và bỏ rơi quyền lợi nhân dân”.
“Sự phân phối quyền hạn giữa Kháng chiến Hành chính và Tư pháp chỉ là một sự phân công phụ trách để làm cho khoa học”. Chẳng ai chối cãi được một điều rõ ràng như thế. Nhưng để làm cho khoa học nghĩa là gì? Nghĩa là:
Giao mỗi loại việc cho một cơ quan chuyên trách thì làm việc được nhanh và thạo hơn.
Mỗi quyền hành giao cho một cơ quan thì sử dụng được đúng và bộ máy Nhà nước trong toàn cục chạy đều hơn. Một là vì cơ quan nọ sẽ kiểm soát cơ quan kia, thí dụ Công an sẽ khiến Tư pháp không ăn tiền, Tư pháp sẽ khiến Công an không bắt nạt dân. Hai là tránh những sự lạm dụng, bởi vì kinh nghiệm bao nhiêu năm ở các nước và ở ngay nước ta cho biết rằng nhiều quyền tập trung vào một cơ quan thì ắt sẽ xảy ra lạm quyền, phân phối cho nhiểu cơ quan thì giảm được rất nhiều các hành vi quá lạm. Thí dụ: một ủy ban đánh thuế quá mực hay trưng dụng vô lý, người công dân phản đối mà vụ kiện lại đưa cho chính ủy ban ấy xử thì tất nhiên phải thiên lệch , giao cho Tòa án là một cơ quan không bao giờ được dính dáng đến việc thu thuế hay trưng dụng, tất nhiên được vô tư hơn.
Chính nhờ ở cách phân quyền ấy mà đã nhiều lần người công dân bị một cơ quan áp bức đã có thể cầu cứu ở một cơ quan khác.
Kháng chiến Hành chính và Tư pháp đều phụng sự quyền lợi của nhân dân, tuy thế, vẫn phải phân quyền giữa hai bên thì mới bảo đảm được cho người dân lẻ loi khỏi có khi bị đè nén. Kinh nghiệm thực tế cho ta biết thế, mà điều này không có gì là trái ngược cả.
Ông Quang Đạm lý luận rằng hễ Tư pháp và Kháng chiến Hành chính cùng đại diện cho nhân dân thì “còn ai lộng quyền với ai”, “người đa nghi đến đâu cũng không lo ngại rằng nhân dân lại lộng quyền với nhân dân được”.
Thật là một bài thơ. Trong một quả trứng còn có mâu thuẫn, giữa hai vợ chồng còn có sự lộng quyền, trong nội bộ một cơ quan còn có sự xung đột được thì những đại biểu của nhân dân có thể mâu thuẫn với nhau hay với nhân dân được. Bởi thế, mới có quyền bãi miễn.

IV- Kết luận
Ôn lại các lời phê bình của ông Quang Đạm thì thấy rằng, về hình thức, ông đã có những lời hay ý gay gắt đối với anh em Tư pháp và nguyên nhân là những điều hiểu lầm của một số anh em chính trị về các cán bộ Tư pháp. Thực ra, nếu hai bên có nhiều dịp gặp nhau thì sẽ thấy rằng không xa nhau đến như người ta tưởng và những điều chứa chất trong lòng là vô căn cứ.
Về nội dung, ông Quang Đạm đã trình bày một quan niệm có tính cách đại cương và chính trị về cơ quan Tư pháp, có thể tóm lại trong một câu: “Tư pháp là một cơ quan của tập đoàn thống trị, hay tâp đoàn ấy là nhân dân đang kháng chiến thì Tư pháp cũng phải bênh vực nhân dân và phụng sự kháng chiến”. Quan niệm này đại cương như một khẩu hiệu chính trị, không cho ta thấy một kế hoạch cụ thể để giúp vào việc kiến thiết, cũng không đạt được việc tổ chức Tư pháp cho thiết thực và trúng cách.
(Trong quan niệm của ông Quang Đạm, giá thay chữ Tư pháp bằng tên một cơ quan khác thì cũng cứ được như thường).
Ở đây, ta nhận thấy một nhược điểm của chúng ta là người nào đã chuyên về chính trị thì lãng bỏ hay khinh rẻ chuyên môn thành ra đến lúc muốn áp dụng các lý thuyết chính trị để giải quyết một vấn đề chuyên môn nào thì không có đủ tài liệu. Trái lại, người chuyên môn không nghiên cứu chính trị sinh ra hẹp hòi trong tư tưởng và thủ cựu trong phương pháp làm việc.
Lý tưởng, như một luật gia xã hội Pháp nói, là có được nhiều nhà chính trị có luật học và nhiều nhà luật học làm chính trị.
Muốn thế thì để bắt đầu trong các lớp giảng luật của ta, phải dạy chính trị và trong các lớp cán bộ chính trị phải học cả pháp lý.
VŨ TRỌNG KHÁNH
 
---------------------
Bài 3. DANH TÀI HỌ VŨ – LUẬT SƯ VŨ TRỌNG KHÁNH – NHÀ TRÍ THỨC HỌ VŨ YÊU NƯỚC
Đăng trong tập báo Vũ tộc tinh hoa Hải Phòng, Xuân Nhâm Thìn 2012
* Nhà sử học Ngô Đăng LợiHội Sử học Hải Phòng
Vũ Trọng Khánh quê làng Cự Đà huyện Thanh Oai tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội) nhưng sinh năm 1912 ở Hà Nội vì gia đình làm nghề buôn bán nhỏ tại nội đô. Vốn thông minh ham học nên sau khi học xong bậc Thành chung ông thi trúng vào trường Trung học Pháp Albert Sarraut, một trường danh giá ở xứ Đông Dương thuộc Pháp ngày ấy.
Năm 1932 đỗ Tú tài toàn phần, Vũ Trọng Khánh trúng tuyển trường Luật thuộc Viện Đại học Đông Dương khóa 1933 – 1936. Thời gian học ở trường Luật, ông giao du với chiến sĩ cộng sản Nguyễn Thế Rục. Trong phong trào đấu tranh đòi thả nhà chí sĩ cách mạng Phan Bội Châu, để tang Phan Chu Trinh..., Vũ Trọng Khánh đều tham gia. Khi học luật, ông tham gia Tổng hội sinh viên. Thời kỳ Mặt Trận nhân dân (1936 - 1939), ông viết báo Le Travaill (tức báo Lao động) cơ quan công khai của Đảng Cộng sản Đông Dương và hoạt động trong tổ Thanh niên dân chủ với các chiến sĩ cách mạng Đào Duy Kỳ, Vũ Đình Huỳnh, Phan Tử Nghĩa...
Ông rất kính trọng các chiến sĩ cộng sản ông quen biết nhưng vẫn e ngại vì chưa rõ, chưa thật tin học thuyết Mác – Lê nin. Sau khi tốt nghiệp trường Luật, ông xuống Hải Phòng tập sự ở văn phòng luật sư Laubiès ở phố Trần Hưng Đạo, ngôi nhà khách thành phố số 7 – Khách sạn Hoàng Yến bây giờ.
Thấy ông tháo vát, có tinh thần trách nhiệm cao nên luật sư Laubiès rất tin cậy cho làm luật sư tập sự. Ngày 26/12/1941 ông tuyên thệ luật sư trước tòa Thượng thẩm rồi được Laubiès giao điều hành văn phòng.
Sau khi phát xít Nhật đảo chính lật đổ chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương ngày 9/3/1945 và tuyên bố trao trả “nền độc lập” cho Việt Nam, vua Bảo Đại ban đầu giao cho Thượng thư Phạm Quỳnh lập nội các mới. Nhưng đến ngày 17/4/1945, vua Bảo Đại lại ký Dụ số 1 “Cải tổ bộ máy triều đình cho phù hợp với tình hình mới” mời giáo sư Trần Trọng Kim đứng ra lập chính phủ mới. Thành phần chính phủ này có luật sư Trịnh Đình Thảo, anh vợ Vũ Trọng Khánh, luật sư Vũ Văn Hiền, người Hải Phòng; do sự hiểu biết sâu rộng của ông mà luật sư Vũ Trọng Khánh được mời giữ chức Thị trưởng thành phố Hải Phòng; nhà tư sản yêu nước Nguyễn Sơn Hà giữ chức phó Thị trưởng. Tuy giữ chức vụ thời gian ngắn, nhưng hai ông cố làm một vài việc có ích cho dân như dẹp bọn tay sai trung thành với đô hộ Pháp, cứu người cơ cực trong nạn đói khủng khiếp tháng 3 năm Ất Dậu (1945).
 Bài báo nổi tiếng của ông về tổ chức vận động cứu đói có tiếng vang tốt. Trong cao trào kháng Nhật, ông có liên hệ với bạn là Vũ Đình Huỳnh, Hoàng Minh Chính, cán bộ Việt Minh ở Hà Nội. Khi được tin một số tỉnh, Việt Minh đã giành được chính quyền, ông muốn tìm cách bàn giao chính quyền nhưng tránh đổ máu. Đồng chí Ích và vài cán bộ Việt Minh rải truyền đơn bị bắt, ông ra lệnh tha. Lực lượng Bảo An binh do Nhật tổ chức, kể cả trung đội do cai Hóa chỉ huy canh gác tòa Thị chính ông cũng cảm hóa được.
Ngày 14/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện; ngày 15/8/1945, chính phủ De Gaulle cử Đô đốc D’ Argenlieu làm Cao ủy Pháp ở Đông Dương kiêm Tổng tư lệnh hải lục không Pháp ở Viễn Đông. Hai ngày sau, Pháp triển khai lực lượng vũ trang nhằm khôi phục chính quyền thực dân ở Đông Dương. Hai tàu chiến Pháp lúc Nhật đảo chính trốn chạy ẩn núp ở đảo Cô Tô được lệnh tiến vào Hải Phòng. Lúc này, ông Vũ Đình Huỳnh xuống Hải Phòng gặp Vũ Trọng Khánh thông báo tình hình và bàn cách chuyển giao chính quyền.
Nhưng viên Đại tá chỉ huy Nhật ở Hải Phòng từ chối không giúp ông vũ khí để chống bọn Pháp nên ông phải cử chánh án Phan Huyền và ông Xuân cán bộ tòa án sang Thủy Nguyên tìm gặp Nguyễn Bình, vì ông biết tin Tri phủ Nguyễn Quang Tạo đã theo Việt Minh được Việt Minh trọng dụng. Sau khi nghe hai ông Huyền – Xuân tường trình, ông sang ngay chùa Phương Mỹ trực tiếp gặp Nguyễn Bình, Chỉ huy trưởng nghĩa quân Đệ tứ chiến khu Đông Triều và được Nguyễn Bình tiếp đón thân mật hòa nhã. Hai ông bàn thống nhất kế hoạch chuyển giao chính quyền tránh đổ máu bằng cách trung lập hóa quân đội Nhật và kiên quyết chống bọn tàn quân Pháp muốn chiếm thành phố Hải Phòng làm đầu cầu cho quân đội viễn chinh Pháp đang tiến dần ra Bắc. Ông về ngay nội thành gặp Chỉ huy quân Nhật dọa nếu không giúp võ khí thì sẽ hạ lệnh giết kiều dân Pháp vì họ đang chuẩn bị phối hợp hành động khi 2 tàu Pháp tiến vào sông Cấm.
Để tránh phiền phức với Pháp trong phe Đồng Minh thắng Nhật, viên Đại tá chỉ huy Nhật hứa không can thiệp vào nội tình Việt Nam và đưa 2 trọng liên chặn đánh nếu tàu chiến Pháp tiến vào cửa sông Cấm với điều kiện không sát hại kiều dân Pháp. Ông ta lại yêu cầu gặp đại diện Việt Minh Hải Phòng để bàn giao chính quyền.
Một cuộc họp khẩn cấp giữa Thị trưởng và Ủy ban khởi nghĩa Hải Phòng tại trụ sở Ủy ban ở phố Cát Dài được tổ chức để thống nhất kế hoạch. Sáng 22/8 Thị trưởng Vũ Trọng Khánh cùng hai đại diện Thành bộ Việt Minh Vũ Quốc Uy, Nguyễn Kiêm Tuấn (Mạnh Ái) gặp Đại tá chỉ huy quân Nhật bàn thống nhất ngày 23/8 quân Nhật cấm trại, ông ta thả hết tù chính trị vào 17h ngày 23/8.
Sáng ngày 23/8/1945, nhân dân Hải Phòng, các đội tự vệ nội đô, Kiến An với đại quân chiến khu Đông Triều tiến vào nội thành biểu dương lực lượng, chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời thành phố Hải Phòng do nhà cách mạng Vũ Quốc Uy làm chủ tịch, luật sư Vũ Trọng Khánh giữ chức Ủy viên hành chính, vợ nhà tư sản Nguyễn Sơn Hà, phó thị trưởng là bà Nguyễn Thị Ngọc Mùi làm Ủy viên xã hội.
Ngày 27/8/1945, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Dộng hòa thành lập và ra tuyên cáo. Ngày 28/8 danh sách thành viên Chính phủ lâm thời được công bố gồm: Hồ Chí Minh – Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao; Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Bộ Nội vụ; Nguyễn Mạnh Hà – Bộ trưởng Bộ Kinh tế Quốc gia; Vũ Trọng Khánh – Bộ trưởng Bộ Tư pháp... Như vậy trong Chính phủ lâm thời, Hải Phòng có 2 Bộ trưởng trong tổng số 14 Bộ trưởng.
Ngày 13/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Hồ Chủ tịch đã đề ra 6 nhiệm vụ cấp bách của nhân dân ta: Phát động tăng gia sản xuất cứu đói; Mở chiến dịch chống nạn mù chữ; Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện quyền tự do dân chủ cho nhân dân; Mở phong trào giáo dục cần kiệm liên chính, bài trừ thói hư tật xấu do chế độ cũ để lại; bãi bỏ ngay thuế thân, thuế chợ, thuế đò, nghiêm cấm việc hút thuốc phiện; tuyên bố tự do tín ngưỡng và đoàn kết lương giáo.
Mục đích tổ chức tổng tuyển cử bầu ra Nghị viện nhân dân, xây dựng Hiến pháp để bảo đảm quyền lợi trách nhiệm công dân của một nhà nước của dân do dân vì dân. Ngày 20/9/1945, Hồ Chủ tịch ký sắc lệnh số 34 “ lập một Ủy ban dự thảo và đệ trình Quốc hội một bản Hiến pháp cho Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa...” gồm 7 vị: Hồ Chí Minh, Vĩnh Thụy, Đặng Thai Mai, Vũ Trọng Khánh, Lê Văn Hiến, Nguyễn Lương Bằng, Đặng Xuân Khu (Trường Chinh).
Công việc vô cùng khó khăn, thời gian hết sức gấp gáp, Hồ Chủ tịch đề nghị Ủy ban giao cho giáo sư Đăng Thai Mai cùng luật sư Vũ Trọng Khánh viết bản Dự thảo. Hai ông tập trung thời gian sức lực xây dựng Đề cương trình Ủy ban góp ý thông qua rồi chia nhau viết. Theo GS Đặng Thai Mai: “Vũ Trọng Khánh chịu trách nhiệm viết các phần quan trọng nhất, chiếm khoảng 3/4 dự án. Tôi chỉ viết 1/4 còn lại. Sau đó, anh Khánh duyệt phần do tôi viết rồi viết lại toàn bộ văn bản trước khi chuyển tới Võ Nguyên Giáp”.
Quá trình Dự thảo, hai ông tranh thủ ý kiến đóng góp của luật gia Võ Nguyên Giáp, hai cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại, nhiều trí thức nổi tiếng như các luật sư Phan Anh, Nguyễn Mạnh Tường, Vũ Đình Hòe, GS Nguyễn Văn Huyên được các vị tham góp nhiều ý kiến giá trị. GS Nguyễn Mạnh Tường còn cho mượn tất cả những văn kiện bằng tiếng Pháp (Tuyên ngôn Độc lập Mỹ, Hiến pháp Mỹ, Hiến pháp Pháp....) mà Hồ Chủ tịch yêu cầu phải tìm [để] Người và Ủy ban tham khảo. Khoảng 26/10/1945, dựa vào phần GS Đặng và phần mình viết, luật sư Vũ Trọng Khánh tổng hợp thành một bản dự thảo Hiến pháp chính phủ lâm thời do chính ông viết lại. Khoảng 30/10/1945, sau khi đọc xong bản tổng hợp trên, luật gia Võ Nguyên Giáp làm việc lần cuối cùng với hai ông, tán thành về cơ bản, chỉ góp ý nên rút bớt khoảng 1/3. Ngày 02/11/1945, luật sư Vũ Trọng Khánh chỉnh lý xong theo góp ý của Võ Nguyên Giáp, hai ông nhất trí chuyển bản dự thảo cuối cùng lên Hồ Chủ tịch. Ngày 06/11/1945 bản dự thảo được Hồ Chủ tịch thông qua, Người ký tắt rồi chuyển cho hai ông mỗi người một bản.
Ngày 08/11/1945, Ủy ban Dự thảo họp phiên cuối cùng do Hồ Chủ tịch, Trưởng ban chủ trì, Người đề nghị Bộ trưởng Bộ Tư pháp Vũ Trọng Khánh đọc toàn văn bản dự thảo. Tất cả 7 thành viên biểu quyết tán thành. Hồ Chủ tịch kết luận: Đây là bản dự thảo đặc sắc. Ông Vũ Trọng Khánh có công đầu. Người đề nghị dự thảo này mang tên Dự án Hiến pPháp Việt Nam và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp – Vũ Trọng Khánh, Bộ trưởng Nội vụ - Võ Nguyên Giáp (đại diện pháp lý của Chủ tịch nước) cho công bố ngay. Bản Dự thảo được các báo đăng, hai nhà in Ngô Tử Hạ, Lê Văn Tân cùng nhiều nhà in giúp in ngay 5 vạn bản phát không cho nhân dân để nhân dân tham gia góp ý. Những bản phát không đến nhân dân gồm 2 phần: Thông cáo và Toàn văn Dự án.
Thông cáo nêu rõ: “Muốn cho tất cả nhân dân Việt Nam dự vào việc lập Hiến pháp của nước nhà nên Chính phủ cho công bố bản Dự án Hiến pháp này để mọi người được đọc kỹ càng và được tự do bàn bạc, phê bình”. Thông cáo còn được in toàn văn dán khắp các nơi công cộng ở Hà Nội, Huế, Sài Gòn, Hải Phòng và nhiều thành phố, thị trấn khắp cả nước. Khoảng từ 11/11/1945 đến 31/12/1945, diễn ra cuộc chào đón bàn bạc góp y sôi nổi của các tầng lớp nhân dân toàn quốc. Bộ Tư pháp nhận được hàng ngàn thư góp ý, chưa kể những người trực tiếp gặp cán bộ Việt Minh trao đổi, đề nghị giải thích điểm này, chữ nọ trong Dự án. Đây thực sự là cuộc sinh hoạt chính trị rộng rãi, tự nguyện, thẳng thắn sôi nổi của nhân dân ta xây dựng dự án Hiến pháp thành văn đầu tiên của Chính phủ lâm thời, trong đó thể chế nghị viện nhân dân là cốt lõi. Bản Dự án Hiến pháp Việt Nam năm 1945 của Chính phủ lâm thời là nền tảng cho việc xây dựng Dự án Hiến pháp năm 1946 được Quốc hội biểu quyết thông qua này 09/11/1946 với 240/242 đại biểu dự họp.
Nhận xét về luật sư Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ lâm thời, giáo sư Đặng Thai Mai nói: “Tôi phải thừa nhận Vũ Trọng Khánh là một luật sư biết cách làm việc khoa học, luôn luôn lo nghĩ đến nhiệm vụ được trao phó, luôn luôn lo nghĩ đến nhân dân. Anh vừa hiểu sâu sắc các vấn đề hiến pháp, vừa nắm vững tiếng Pháp ngành luật, vừa sử dụng thành thạo tiếng Việt ngành luật”.
Ở cương vị Bộ trưởng Tư pháp Chính phủ lâm thời rồi Chính phủ Liên hiệp kháng chiến chỉ hơn 5 tháng, ông đã đề xuất với Chính phủ ban hành 4 sắc lệnh quan trọng cần thiết để xây dựng ngành tư pháp cách mạng non trẻ của nước ta gồm:
- Sắc lệnh ngày 10/10/1945 : Quy định các tổ chức luật sư.
- Sắc lệnh số 53 ngày 20/10/1945 : Quy định quốc tịch Việt Nam.
- Sắc lệnh số 13 ngày 24/01/1946 : Tổ chức các tòa án và ngạch thẩm phán.
- Sắc lệnh số 21 ngày 14/2/1946 : Tổ chức các tòa án quân sự.
Nhưng sau Tổng tuyển cử bầu Quốc hội, tình hình chính trị quân sự xã hội nước ta diễn biến rất phức tạp. Quân Pháp tấn công lan rộng khắp Nam Bộ, Tây Nguyên, miền Trung Nam Bộ. Ở miền Bắc, chúng từ Vân Nam trở lại chiếm Lai Châu, Điên Biên Phủ, Tuần Giáo và một số nơi khác ở Tây Bắc và Miên, Lào. Các đảng Việt Quốc, Việt Cách đã triệt để khai thác tình hình khó khăn phức tạp gây sức ép với chính quyền cách mạng.
Đảng và Hồ Chủ tịch với đường lối đại đoàn kết dân tộc, chống giặc ngoài thù trong để bảo vệ chính quyền non trẻ nên đồng ý thành lập Chính phủ kháng chiến chính thức ngày 03/02/1946 gồm 10 bộ: các bộ Ngoại giao, Kinh tế, Xã hội, Canh nông do Việt Quốc, Việt Cách nắm, Nguyễn Hải Thần giữ chức Phó Chủ tịch nước. Luật sư Vũ Đình Hòe, đảng viên đảng Dân chủ giữ chức Bộ trưởng Tư pháp, luật sư Vũ Trọng Khánh chuyển giữ chức Chưởng lý Tòa Thượng thẩm Bắc Bộ. Đầu tháng 7/1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp gặp luật sư Khánh thông báo Chính quyền cử ông tham gia phái đoàn đàm phán Phạm Văn Đồng và mang theo báo cáo tình hình trong nước trình Hồ Chủ tịch đang ở thăm Pháp theo lời mời của Chính phủ Pháp. Cuộc đàm phán Pháp Việt đổ vỡ do thái độ ngoan cố ngạo ngược của Pháp, phái đoàn Phạm Văn Đồng về nước, Hồ Chủ tịch ở lại cố điều đình để kéo dài thời gian ta chuẩn bị lực lượng.
Sau ngày Toàn quốc kháng chiến 19/12/1946 đến tháng 12/1948 luật sư Khánh làm Giám đốc Tư pháp chiến khu X bao gồm địa bàn trung du, Tây Bắc, ông thành lập Tòa án cấp tỉnh, đào tạo cán bộ tư pháp cho tỉnh, huyện, chú ý cán bộ người dân tộc. Từ 1949 đến 12/1951, trên điều ông về Bộ Tư pháp giữ chức Trưởng ban nghiên cứu pháp lý rồi Giám đốc Vụ hành chính (1952 - 1954).
Sau Hiệp định đình chiến 1954, ông tham gia tiếp quản thủ đô Hà Nội rồi thành phố Hải Phòng, từ tháng 8/1955 đến tháng 12/1956 là Ủy viên Ủy ban hành chính; từ tháng 12/1956 đến 1961 giữ chức Phó chủ tịch thường trực UBHC thành phố, phụ trách khối văn hóa xã hội, nhà đất.
Năm 1955, ông đã đấu tranh buộc Pháp phải trả tòa nhà của Pháp do Cao ủy Pháp xây dựng làm trụ sở trên khu nhượng địa cũ (nay là khách số 2 Bến Bính).
Luật sư Vũ Trọng Khánh còn tham gia nhiều tổ chức chính trị xã hội khoa học:
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố (từ 11/1975 đến 1977).
- Phó Chủ tịch UBMT TQVN thành phố 3 khóa liên tục (26/5/1961 – 26/10/1971).
- Ủy viên Hội luật gia Việt Nam, Chủ tịch Hội luật gia Hải Phòng (1955 - 1977).
- Ủy viên Ban chấp hành Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Việt Nam, Hội trưởng Hội phổ biến khoa học kỹ thuật Hải Phòng...
Bất luận ở lĩnh vực công tác nào, cương vị gì, ông đều tận tình, trách nhiệm, là trung tâm đoàn kết nội bộ. Tuy là nhân sĩ nổi tiếng nhưng thái độ luôn hòa nhã, khiêm nhường nên ông được đồng bào, đồng chí yêu mến.
Do có nhiều công lao ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huân chương kháng chiến hạng nhất, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều Huy chương, bằng khen...
Nhà trí thức cách mạng đáng kính qua đời tại Hải Phòng, nơi ông gắn bó gần trọn đời vào 18 giờ ngày 22/01/1996, hưởng thọ 84 tuổi.
N. Đ. L.
Ghi chú:
- Ông sinh ngày 25 tháng Giêng năm Nhâm Tý (1912) nhưng giấy khai sinh ghi ngày 03/12/1913.
Tài liệu tham khảo chính:
- Tự thuật của luật sư – hiện bảo quản tại gia đình và Hội luật gia Hải Phòng.
- Lịch sử quốc hội Việt Nam– 1946 – 1968 - Văn phòng quốc hội – NXB Chính trị Quốc gia 1994.
- Lịch sử Chỉnh phủ Việt Nam– NXB Chính trị Quốc gia .
- Công báo nước Việt Nam.
- Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và bản Hiến Pháp đầu tiên – Nhật Hoa Khanh – Tạp chí Sân khấu số tháng 3 năm 2011.
Xuân Nhâm Thìn 2012

----------------
/ Nguồn Bauxite VN  /

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét