Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

MỪNG - LO NGÀY TẾT



 * BÙI VĂN BỒNG
        Tết Quý Tỵ 2013 này, không khí đón tết của người dân và cán bộ, công chức nghèo thấy trầm lắng hơn mọi cái tết trước. Nguyên nhân chính là đời sống, thu  nhập, việc làm và môi trường chính trị-xã hội, trật tự an ninh. Các mặt hàng tăng giá đến chóng mặt, tiền mặt khan hiếm, đồng tiền mất giá nghiêm trọng. Trong khi đó, nhiều công ty, xí nghiệp nợ lương công nhân. Tết đến sát nút mà chưa được nhận lương, hoặc đồng lương quá bèo, thưởng tết lèo tèo, dân có muốn mua sắm tết cũng không có tiền.
Khi cái túi tiền càng lép kẹp thì cái đầu càng căng, thành thử lo lắng, bực bội nhiều hơn là mừng. Không ai có được niềm vui tự nhiên khi mà trong lòng còn đầy nỗi niềm rối bời, trăn trở.
Hai vợ chồng đứa cháu của tôi cùng làm công nhân may mặc xuất khẩu ở khu công nghiệp Sóng Thần. Mãi đến 26 tháng Chạp mới được nhận lương. Năm nay, công ty làm ăn thua lỗ, thưởng tết rất bèo. Mỗi người được thưởng 5 bộ quần áo thải loại, tức là do may lỗi, sai quy cách xuất khẩu, bán mớ ra thị trường ăn may cũng chỉ được 50.000 đồng/ bộ quần áo. Lương tháng 1-2013 của hai vợ chồng chỉ được hơn 6 triệu đồng, trả nợ tiền nhà trọ, điện, nước, mua bình ga tổng cộng hết gần 4 triệu. Chỉ còn hơn hai triệu cả nhà nhún nhít chi tiêu chợ búa cả tháng, rồi tiền cho con đi học, nay cũng hết vèo. Tết vào đầu tháng 2, nhưng cuối tháng hoặc sang đầu tháng 3 mới được nhận lương, vậy là nhà 4 người (hai vợ chồng hai đứa con) không có tiền đi chợ tết. Trong khi đó, giá xăng, giá điện, giá nước sinh hoạt, giá thuốc chữa bệnh, cái gì cũng tăng, lại thêm các thứ thu phí vô lý khác, túi lép là phải.
Thực tế đời sống, thu nhập người lao động đeén mức như thế, vậy mà tại cuộc họp báo tháng 1 của Bộ Công thương về tình hình sức mua thấp vào những ngày giáp Tết, ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công thương, trả lời câu hỏi của các PV báo chí đã làm dư luận phát tá hỏa. Ông Thứ trưởng Quang nói: "Khi kinh tế khó khăn, thu nhập giảm thì người dân sẽ phải chi tiêu tiết kiệm hơn. Mặt khác đây cũng là một tín hiệu đáng mừng chứ không đáng lo. Bởi lẽ lúc này người dân chỉ mua sắm những sản phẩm thực sự cần thiết chứ không chi tiêu hoang phí".
Thôi chết ! Dân nghèo khốn khó, không tiền ăn tết mà ông Quang lại cho là “tín hiệu đáng mừng” thì nguy quá. Nói lại với ông cho rõ, người dân có tiền đâu mà tiết kiệm? Trong khi người lao động không có tiền tiêu tết thì nhiều quan chức, đại gia lại mua sắm tết như kiểu khoe khoang và nghĩ cách tiêu tiền rất trưởng giả, vô cùng lãng phí và nghênh ngang thách thứ với đời.
          Cũng nói về chữ “MỪNG”. Trước đây, thường thấy xuất hiện khắp nơi các khẩu hiệu, băng rôn quen thuộc: “Mừng Đảng, mừng xuân”. Nay trên nhiều tờ báo và băng rôn trang trí tết, đã thấy đảo lại cho hợp lòng người chút đỉnh: “Mừng xuân, mừng Đảng”. Xuân là mùa đẹp nhất trong 4 mùa. Khí trời ấm áp, cây cối đâm chồi, nở hoa, kết lộc, cả hơn 4.000 năm nay dù trong thể chế chính trị nào, dù trong chiến traqnh khốc liệt, dân ta cũng mừng xuân, đón tết cổ truyền. Nhưng, nếu Đảng ta mạnh, thực sự vì dân vì nước, uy tín nâng cao trong lòng dân, thì mừng cũng hợp lẽ. Bởi ngày thành lập Đảng vào đầu xuân. Nhưng nay, sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo, uy tín của Đảng đã mất dần trong lòng người dân, niềm tin bị xói mòn, có khi hết tin nữa rồi. Vậy, mừng đảng, thì mừng cái gì?


          Cái “nếp quen” hô vang khẩu hiệu đã làm cho người ta khó chịu. Thử dạo một vòng phố xá, thấy ở đầu đường Trần Phú, đường Quang Trung trước trụ sở Thành ủy Cần Thơ và nhiều nơi khác vẫn có băng rôn to tướng, đỏ rực, chăng ngang trên cao: “Mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng, mừng xuân”. Đất  nước đổi mới còn chậm, thậm chí nguy cơ lạm phát, suy thoái ngày càng nghiêm trọng, hàng nghị doanh nghiệp phá sản, tệ nạn tiêu cực, tham những chưa dễ ai đụng đến, có gì mà mừng? Đảng đang lo bấn bíu, căng thẳng vì “một bộ phận lớn trong Đảng có chức có quyền hư hỏng, thoái hóa, biến chất”, tham nhũng, kéo bè kết cánh nhóm lợi ích, nhóm chức quyền với nhau, có gì đáng mừng?
           Tuy vậy, vẫn có người đã “mạnh dạn” thoát ra khỏi nếp quen vô lý để trang trí biểu ngữ, băng rôn khác hơn. Báo Quân đội nhân dân phô tít trên đầu các trang báo hàng ngày trong dịp tết: "Mừng Xuân, mừng đất nước, mừng Đàng", cũng coi như có sự đổi mới...Cổng chào trên đường Hòa Bình co câu: “Thành phố Cần Thơ mừng xuân Quý Tỵ 2013, mừng Đảng quang vinh”. Sự đảo lại ngữ nghĩa trước - sau như thế cũng coi như có sự đổi mới tư duy, sát thực tế hơn. Nhưng hai chữ “quang vinh” còn làm người ta thấy chưa xứng. Trong các hội trường vẫn sáng rực một câu chữ vàng trên nền đỏ: “Đảng công sản Việt Nam quang vinh muốn năm”. Quy luật thăng trầm thời cuộc, chuyển biến nhận thức, cải biến xã hội, thay đổi chính sách, cơ chế…ai dễ gì mà giữ được quang vinh muôn năm?
Thực tế về chất lượng đội ngũ cán bộ đảng viên, đông mà không mạnh, vai trò lãnh đạo mấy thập niên gần đây bị buông lỏng, biểu hiện rõ nhất của thực trạng dẫn tới ‘xuống cấp’,  mất uy tín lãnh đạo của đảng là Nhiệm kỳ 9 và 10 mới đây. Thế thì quang vinh chỗ nào, mừng cái gì? 
 Ở nước ngoài, năm mới người ta chỉ cần mấy chữ Heppy New Year là lịch sự, đủ ý nghĩa. Nước mình cứ rườm rà biến lời chúc thành khẩu hiệu, đưa chính trị vào lời chúc tết đón xuân!
          Tết Quý Tỵ này dân lo nhiều hơn mừng. Mà suy cho cùng, có gì mà đáng để mừng đâu? Túi tiền trong dân lao động bị lép, nhàu nát tiền lẻ, tỉ lệ hộ nghèo ga tăng, đón tết, vui xuân cũng khó được như ý. Cho nên, nhạt, buồn là nhiều. Mấy ông Cự chiến binh, hưu trí ngồi trên mâm cỗ tết mà cứ cau có, gay gắt nói chuyện về “đồng chí X”, về các nhóm lợi ích ABC, Y, Z…thì vui cái nỗi gì? Nhà thơ Khuất Nguyên bên tàu cũng có tâm trạng này: “Vui, vui gượng mặt ngoài hỉ hả / Đau, đau ngầm trong dạ xót xa”.
BVB

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét