Thứ Ba, 5 tháng 2, 2013

CHỦ THỂ LÀ NGƯỜI DÂN


Lễ hội truyền thống: 
CHỦ THÊ LÀ NGƯỜI DÂN
QĐND - Câu chuyện về lễ hội nghe có vẻ rất cũ, nhưng nó vẫn là “vấn đề nóng” mỗi khi vào mùa cao điểm “nơi nơi tổ chức lễ hội, người người náo nức đi hội”. Nhằm hạn chế những bất cập của lễ hội đã từng xảy ra, không thể không nhắc đến một vấn đề cốt yếu: Phải xác định rõ chủ thể của lễ hội là chính quyền hay người dân?

Bỏ ngỏ nhiều việc nên làm
Xin nhắc lại một câu chuyện làm hao tốn không ít giấy mực của báo chí trong mấy năm gần đây. Đó là cảnh “hát Quan họ ngả nón quai thao xin tiền” của rất nhiều liền anh, liền chị khi biểu diễn loại hình dân ca đặc sắc này. Vì vậy, đầu năm 2012, trước dịp hội Lim truyền thống diễn ra vào trung tuần tháng Giêng âm lịch, “Hội những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh” đã yêu cầu các nghệ nhân biểu diễn tại các sân khấu Quan họ không được nhận tiền từ tay du khách khi đang hát và cũng không được dùng nón đựng tiền, ngả nón xin tiền khi hát Quan họ trên thuyền rồng.
Nhưng tiếc thay, quy định của “Hội những người yêu dân ca Quan họ Bắc Ninh” chỉ mang tính chất khuyến nghị của một tổ chức hội nghề nghiệp, nên nó không có giá trị pháp lý. Bởi vậy, cái cảnh hát “Quan họ xin tiền” vẫn tái diễn công khai ở các lán, trại hát Quan họ trên đồi Lim và biểu diễn Quan họ trên thuyền rồng. Trên thực tế, nếu như chính quyền sở tại và ngành văn hóa địa phương ban hành một chỉ thị nghiêm cấm triệt để việc hát Quan họ xin tiền kèm theo những biện pháp chế tài răn đe, xử lý nghiêm túc thì hành vi phản cảm này chắc chắn sẽ không xuất hiện trước mắt du khách. Chỉ có quy định bằng một văn bản pháp lý như vậy mới vừa giữ gìn được hình ảnh của các liền anh, liền chị, vừa góp phần bảo tồn những nét đẹp truyền thống của một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh.
Nếu như ngành văn hóa Bắc Ninh ra tay mạnh mẽ thì sẽ không tái diễn cảnh “ngả nón xin tiền” khi hát Quan họ trên thuyền rồng như thế này.
Ở hội Gióng Phù Đổng (Gia Lâm-Hà Nội) cũng có những việc làm khiến dư luận băn khoăn. Tại khu vực hậu cung thờ Thánh Gióng, mặc dù luật quy định người dân không phải nộp các khoản lệ phí nào khi vào tham quan, chiêm bái ở các di tích lịch sử, nhưng sự thật bà con muốn đến đây để chiêm bái vẫn phải mua vé 10.000 đồng/lượt/người. Thế nên, có đến dăm bảy nhân viên ngồi bán vé, thu tiền và bảo vệ kiểm soát, chốt chặn các cửa ra vào đền nên khó có thể một người dân nào tự ý “lọt” được vào khu vực hậu cung thờ Thánh Gióng. Trong khi đó, ở ngoài bờ đê diễn ra cảnh người dân lấn chiếm lòng đường buôn bán hàng hóa, tạp phẩm, đồ ăn uống gây cản trở giao thông, ô nhiễm vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội thì chả thấy bóng dáng nhân viên bảo vệ nào.
Từ hai ví dụ trên cho thấy, cái cần đến chính quyền, cơ quan chức năng, những người có trách nhiệm “vào cuộc” để giữ gìn nét đẹp và môi trường văn hóa cho lễ hội thì lại thờ ơ, bỏ ngỏ. Trong khi đó, việc tự do hành lễ trong lễ hội là quyền chính đáng của nhân dân thì lại bị “người của chính quyền” can thiệp một cách không cần thiết.
Điều người dân mong muốn
Hầu hết lễ hội truyền thống do nhân dân, cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lao động sản xuất, sinh hoạt và đấu tranh dựng nước, giữ nước. Do vậy, người dân là chủ thể chân chính của lễ hội. Điều này đã được các nhà văn hóa, các chuyên gia khẳng định rõ ràng. Tuy nhiên, xu hướng “hành chính hóa”, “chính quyền hóa nghi lễ lễ hội truyền thống” đang diễn ra ở một số địa phương thời gian gần đây đã khiến không ít lễ hội có nguy cơ bị phai mờ bản sắc.
Trong cuộc hội thảo “Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong quá trình hiện đại hóa” diễn ra cách đây chưa lâu, PGS, TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho biết: Thông qua nghiên cứu một số lễ hội truyền thống điển hình như: Lễ hội Đền Hùng (Phú Thọ), Hội Gióng (Hà Nội), Tháp Bà Poh Nagar (Khánh Hòa) cho thấy, việc cơ quan chức năng “sân khấu hóa” một số nghi thức, nghi lễ của lễ hội đã tạo ra những rào cản không mong đợi trong công tác bảo tồn và không phát huy vai trò làm chủ đích thực của nhân dân. Việc thay đổi người chủ tế trong Ban khánh tiết bằng đại diện của chính quyền trong lễ dâng hương, bổ sung các hoạt động văn hóa văn nghệ trong các lễ hội đã làm thay đổi diện mạo, cấu trúc của lễ hội. Điều này dẫn đến thay đổi bản chất của di sản văn hóa địa phương, từ thực hành cho đến nội dung, ý nghĩa. Việc chính quyền trả tiền cho người dân “diễn hội” trên sân khấu phục vụ các sự kiện có mục đích khác đã tạo ra tâm lý thụ động, trái ngược với sự tự nguyện vốn có trong thực hành lễ hội truyền thống. Trường hợp hội Gióng là một ví dụ. Nếu như trước đây, người dân địa phương coi việc tham gia diễn hội Gióng là một vinh dự lớn, thì gần đây, không ít người đòi tiền khi tham gia diễn hội này.
Từ đó, các nhà nghiên cứu văn hóa khuyến cáo rằng, nếu không tinh tế, tỉnh táo trong quá trình tổ chức lễ hội, chính quyền và cơ quan chức năng vô hình trung dần “đẩy” người dân ra khỏi vị trí trung tâm của lễ hội truyền thống, bỏ qua những mong muốn chính đáng của cư dân địa phương. Cũng vì chạy theo lợi nhuận kinh tế đơn thuần, một số nơi đã biến lễ hội thành “mùa thu hoạch” tiền công đức của du khách thập phương, mà thực chất là hành vi “trục lợi” thần thánh của một bộ phận quan chức ở cơ sở, làm biến tướng lễ hội.
Có thể khẳng định lại rằng, lễ hội truyền thống là do nhân dân sáng tạo ra, nên nhân dân phải là chủ nhân chân chính của lễ hội. Cần phải hiểu vai trò chủ nhân ở đây là người chủ yếu thực hành các nghi lễ, nghi thức truyền thống, người đóng vai chính trong mọi hoạt động của lễ hội và cũng là thành phần chủ yếu được hưởng thụ những giá trị, lợi ích của lễ hội. Chính quyền và cơ quan chức năng chỉ là người tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn, giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tham gia lễ hội trong một môi trường văn hóa lành mạnh. Chỉ có hiểu đúng như vậy mới góp phần giữ gìn vẻ đẹp của lễ hội truyền thống và ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục những bất cập, tiêu cực xảy ra trong mùa lễ hội.
 Bài và ảnh: ĐÀO ĐỨC HANH

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét