Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2013

TẾT BUỒN, NHỚ THỜI TUỔI XANH DẠI KHỜ


                  
 BVB - Tối nay, 28 tháng Chạp, còn hơn 24 giờ nữa là đến giao thừa mừng Xuân Quý Tỵ - 2013, tôi trân trọng gửi lời chúc Xuân đến đông đảo bạn đọc gần xa, và hẹn sẽ trở lại đăng bài mới vào ngày mồng 5 Tết (14/2/2013). Một lúc sau, vừa đóng máy vi tính, anh Minh Diện, cựu nhà báo, về ăn tết ở quê nhà Thái Bình gọi điện báo là mới gửi đến hộp thư Email bài viết cuối năm. 
             Thời gian qua, trong nhiều Cộng tác viên và Bạn đọc, nhà báo Minh Diện đã rất nhiệt tình cộng tác với trang mạng Bùi Văn Bồng. Tôi với anh Diện là người lính, đánh giặc, viết báo và làm thơ. Nhà báo Minh Diện có vốn sống phong phú, tư duy chiều sâu, tay nghề khá luyện nhuyễn, giàu cảm xúc và rất nhạy bén. 
            Bây giờ, gần đến tuổi "Thất thập" rồi, nhưng "gừng càng già càng cay", vẫn chí khí, lòng trung chính, bộc trực và chân thành. Vẫn giọng văn chân chất, chọn chi tiết đắt có lồng suy cảm từ những ghi nhận, quan sát tinh tế, anh viết khỏe hơn trước; nhất là vẫn giữ phong độ, rất coi trọng tính chiến đấu, tính quần chúng, tính trung thực của báo chí. Vậy, trước hết cảm ơn sự nhiệt tình làm việc không biết mệt của Nhà báo Minh Diện. Sau đây, BVB xin giới thiệu đến bạn đọc bài viết cuối năm của cựu nhà báo Minh Diện: 

Tết buồn, nhớ thời TUỔI XANH DẠI KHỜ

* MINH DIỆN
              - Năm nay người về quê ăn tết ít lắm chú ạ!
               Thằng Thi cháu tôi nói thế. Nó  đang ngóng hai đứa con làm ăn trong Sài Gòn, hẹn 26 về, nay 28 vẫn chưa thấy bóng dáng đâu.
Mọi năm, từ hai ba, hai bốn tháng Chạp, làng xóm đã chộn rộn người làm ăn xa về quê ăn tết. Tiếng xe gắn máy, tiếng chào hỏi chuyện trò, tiếng nhạc phát ra từ những dàn âm thanh mới tinh inh ỏi, áo quần , khăn, mũ đủ màu, đủ kiểu phơi phới. Năm nay đường xá vắng hoe, xóm làng chìm trong không khí ảm đạm, hẫng hụt. Tết nay, tâm trạng của người dân lo và nhiều chuyện chán chường hơn là mừng.
              Từ hơn chục năm trước, thanh niên trái gái làng lần lượt bỏ làng ra đi.  Đứa vào đại học, cao đẳng, đứa làm công nhân nhà máy xí nghiệp, đứa osin ... Gần nhất lên tỉnh, xa nhất ra nước ngoài, nhiều nhất đổ vào Sài Gòn, Bình Dương. Con cái đi biền biệt, cha mẹ ở nhà không biết  làm ăn ra sao, mong ngày tết con cái về nhìn mặt, bớt nỗi lo thắt thỏm ngày đêm. Cha mẹ còn mừng vì có bộ quần áo mới, bàn thờ ông bà có thêm bánh trái, nhiều gia đình mở mặt mở mày vì con cái ăn nên làm ra.
              Năm ngoái tuy đã sa sút nhiều so với các năm trước, năm  nay  càng sa sút hơn. Không ai ngờ phú quý giật lùi như vậy!
              Thằng Thi cháu tôi nói:
             - Từ rằm tháng Chạp nhiều người đã gọi điện về báo công ty phá sản, không có lương. Năm nay chỉ  khoảng 20% người về quê ăn tết chú ạ!
              Thực ra, không chỉ ở chốn làng quê hẻo lánh này, ngay tại đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, tết năm nay cũng buồn tẻ. Chỉ cần nhìn chợ hoa, siêu thị là biết. Sức mua không bằng nửa năm trước. Đó chính là cái “Hàn thử biểu” để đo đời sống vật chất,tinh thần của nhân dân. Thật mỉa mai  khi một quan chức cấp cao của bộ công thương ngây ngô cười, trả lời nhà báo: “Đó là tín hiệu đáng mừng!”.
                Phiên chợ Rộc cuối cùng trong năm tan sớm. Những cây đào, cây quất bán ế co ro ở góc chợ, những sạp thịt đã thiu, những rổ trái cây héo quắt.
              Vừa thấy bóng tôi mấy cô, mấy chị  bán trái cây, bán thị ríu rít chào mời, năn nỉ mua giùm. Ứớc gì có tiền mua hết số hàng ế trong phiên chợ quê cuối năm, để nhìn thấy niềm vui trên gương mặt những người bán hàng, đều là người trong họ ngoài làng minh!
             Tôi  đứng bần thần ở đầu chợ, nhìn những hạt mưa Xuân bay lất phất.
            - Đằng ấy mới về đấy à?
            Tôi nhận ra ông lão Ngột. Ông mặc chiếc quần bộ đội, cái áo véc cũ nhàu nát, đầu đội mũ cối, tay xách con cá mè ranh. Ông hỏi tôi:
            - Anh nhà báo truyền hình có về với đằng ấy không?
            - Anh truyền hình nào?
            - Truyền hình  chứ truyền hình nào!
            - Anh ta hẹn chú bao giờ về?
            - Đến tết !
             Không biết nhà báo nào ở đài truyền hình đã hẹn ông Ngột? Năm kia tôi về quê, ông đã sang hỏi, năm ngoái ông cũng sang hỏi,  hôm nay lại hỏi. Ông căn vặn tôi:
           - Đằng ấy không biết anh nhà báo truyền hính à?
           - Không?
           - Cùng làm nhà báo sao không biết?
          - Chú  không nhớ tên nhà báo nào, bố tôi sống lại cũng chịu!     Mà chú cần gặp anh ta làm gì?
            Lão Ngột chỉ tay vào ngực mình, hất cái mặt nhăn nheo đầy kiêu hãnh lên.
           Trên nắp túi áo véc của lão, lấp lánh chiếc huy hiệu tròn như cái cúc áo Badosuy, vẽ hình Stalin, Mao Trạch Đông, Hồ Chí Minh, dưới ba lá cờ Liên Xô, Trung Quốc,Việt Nam. Hình như chiếc huy hiệu này có từ đầu thập kỷ năm mươi.
           Năm 1954, Ngột  là một thanh niên ưu tú, được chọn vào đoàn đại biểu thanh niên sang thăm Trung Quốc, được gắn chiếc huy hiệu đó. Khi về nước, Ngột làm cán bô cải cách ruộng đất, cán bô đoàn, chủ nhiệm hợp tác xã ... cho  đến năm 1990 mới nghỉ hưu.
            Hồi Trung Quốc đánh Việt Nam có người dọa Ngột là phần tử thân Tàu, Ngột sợ quá vứt chiếc huy hiệu vào khe vách. Cách đây mấy năm  xem TiVi , thấy các nhà lãnh đạo Việt Nam , Trung Quốc  ôm hôn nhau thắm thiết, lão Ngột  bèn dập vách ra, tìm chiếc huy hiệu, cài lên ngực áo.
            Một hôm lão đi dự liên hoan tổng kết cuối năm ở xã, có đài truyền hình về quay phim. Một nhà báo nhìn thấy chiếc huy hiệu, tò mò hỏi, lão kể cho nhà báo nghe  chuyện đi thăm Trung Quốc, nhà báo cười bảo:
            - Chiếc huy hiệu của cụ  là đổ cổ, quý lắm!
            - Quý  thế nào,  được hưởng quyền lợi gì ?
           Anh nhà báo trả lời:
           - Để tôi hỏi rồi trả lời cụ sau!
           - Bao giờ anh trả lời?
           - Đến tết cụ ạ!
           Ba, bốn cái tết trôi qua, lão Ngột vẫn hy vọng được hưởng chế độ chính sách chiếc huy hiệu cổ.

           Thật tội nghiệp, già rồi vẫn ngây thơ như vậy. Gần sáu chục năm trước, cái huy hiệu ấy đã làm lão Ngột nhẫn tâm phản bội người yêu.
           Ngày ấy Ngột hai mươi tuổi, yêu cô Thoan con gái ông Khán Thủ, xinh đẹp nết na nhất làng. Khi Ngột đi thăm Trung Quốc về, được gắn huy hiệu, làm cán bộ cải cách, cán bộ đoàn, thì gia đình ông Khán Thủ bị quy oan địa chủ. Ngột tuyên bố trước cuộc họp cắt đứt quan hệ với cô Thoan. Đã thế cuộc họp đoàn thể nào Ngột cũng đến dự, và đọc bài thơ: “Yêu con địa chủ”.
                                Anh đã trót yêu con địa chủ
                               Trót yêu rồi dứt bỏ sao đành
                                Đêm đêm trằn trọc năm canh
                          Vẫn không nỡ bỏ mối tình vấn vương,
                                 Anh yêu nó đẹp nó ngoan
                           Anh  yêu mặt nó trái xoan hồng hào
                                 Yêu văn hóa nó cao nó giỏi
                                  Đàn nó hay gọng hát nó trong
                                  Mắt đen răng trắng môi hồng
                               Anh yêu lòng đã hiểu lòng từ lâu
                               Sao anh chằng đào sâu suy nghĩ
                               Bởi vì đâu nó đẹp nó xinh
                                  Vì đâu quần áo nó lành
                                  Vì đâu nó được học hành giỏi giang
                                      Bao người sống lầm than đói khổ
                                      Đổ mồ hôi nuôi nó ăn không
                                        Kẻ thù giai cấp công nông
                                     Mà anh lại định sống chung sao đành
                    Ngột bỏ cô Thoan lấy cô Ngoan, con nhà cố nông. Hai người năm nay đều ngoài tám mươi, không con cái, nghèo hèn, sống ly thân , ông một niêu, bà một niêu, ngược lại cô Thoan lấy chồng làng Tò, con cái, cháu chắt một đàn, cuộc sống hạnh phúc. Cái nhân quả nhãn tiền làng tôi ai cũng biết.
                Tôi nói với ông lão Ngột:
                - Bỏ cái huy hiệu đi hết thời rồi!
                Ông xòe hai bàn tay che hai tai nghễnh ngãng lắng nghe, rồi hỏi lại:
                - Tết mời đi đâu?
                - Xuống  nghĩa trang Miếu Mạc!
                - Ờ miếng nạc miếng mỡ cũng được, có ăn là được!
               Tiếng nhạc vui nhộn rồi tiếng nói oang oang phát ra từ chiếc loa sắt to  như cái nơm treo trên cây đa: “Đây là đài phát thanh xã Hạnh Phúc, chúng tôi xin điểm tin thời sự trong nước và quốc tế. Nhân dịp tết Qúy Tỵ, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chúc tết các đồng chí trong Ban Bí thư Trung ương đảng, trong bầu không khí vui tươi, thắm tình đồng chí, Tổng Bí thư  chúc sức khỏe các đồng chí trong ban bí thư, và khẳng định nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa lả nhà nước của dân, do dân và tất cả vì hạnh phúc nhân dân”. Tin tiếp theo, thực kiện chính sách đền ơn đáp nghĩa, với nghĩa cử cao đẹp, với tinh thần uống nước nhờ nguồn,  hôm nay đảng ủy, hội đồng nhân dân,  ủy ban nhân dân xã đã đi thăm chúc tết  gia đình chính sách và  mẹ Việt Nam anh hùng, tặng mỗi gia đình một phần quà trị giá lên đến 50 ngản đồng. Tiếp theo chúng tôi xin thông báo lệnh cấm đốt pháo và lệnh cấm đá gà, đánh bạc, chơi tổ tôm trong ngày tết, đặc biệt lệnh cấm ỉa, đái  quanh khu vực nhà văn hóa xã, ai vi phạm sẽ bị phạt 50 ngàn đồng!”…
Tiếng loa vang vang làm ấm nóng xóm làng, thay cho tiếng vui cười, tiếng chào hỏi, tiếng trống hội vốn có ở làng quê ngày tết. Không hiểu vì lý do gì người ta vẫn cố duy trì cái hình thức tuyên truyền cổ lỗ như vậy, khi hầu như nhà nào cũng có TiVi phát suốt đêm ngày?
                    Tôi ra nghĩa trang liệt sỹ lúc xế chiều. Hình như lâu lắm rồi người ta không tu sửa nghĩa trang, cũng không có người quản trang. Bốn bức tường chung quanh lở lói, hai cánh cổng sắt han dỉ, gãy bản lề  vênh váo, đài Tổ quốc ghi công sứt mẻ, rêu bám xanh đen, những hàng bia mộ tróc hết sơn chìm trong mưa phùn gió bấc.
                  Gió hun hút, lạnh tê người. Tôi có cảm giác  mỗi cơn gió, mỗi hạt mưa đều thấm xuống lòng đất, luồn vào từng nấm mộ, và các liệt sĩ lạnh lắm, lạnh gấp trăm ngàn lần tôi đứng trên nghĩa trang này, bởi các liệt sĩ cô đơn , thậm chí chìm trong quên lãng.
                  Tôi cắm nhang lên nấm mộ hàng đầu tiên. Đây là mộ liệt sỹ Nguyễn Văn Nhàn, cụ tôi. Ông đi lính cho Pháp, làm lãnh binh, nhưng hưởng ứng phong trào Cần Vương, lãnh đạo nghĩa quân chống Pháp. Tôi cắm nhang trên mộ hai người cậu ruột tôi, hai anh trai, và ba người em  tôi, sau đó lần lượt cắm nhang lên mộ các liệt sĩ. Tôi bỗng nhớ  những đồng đội hy sinh trên đường Trường Sơn trên chiến trường miền Nam thời chống Mỹ, trên chiến trường Campuchia và trên biên giới phía Bắc. Những cái chết đến đến với người lính tức tưởi, đau đớn, không nhắm mắt được, không được nằm trong vòng tay người ruột thịt, không nhận được lời âu yếm phút chia xa. Căm giận thay những kẻ nhân danh Tổ quốc, mượn lời nhân dân đẩy cha anh, đồng đội tôi vào cái chết đó, bây ngoảnh mặt quay lưng, quên ơn, quên thù, tham lam hưởng thụ trên mảnh đất nhuộm đỏ máu đào!
                   - Đùng, đoàng, đùng, đoàng, đoàng!
                   Tiếng pháo nổ ầm ầm như tiếng mìn trong  thôn vang lên. Thằng cháu tôi nói:
                  - Thằng Đạo khai hỏa đấy chú ạ!
                 - Xã vừa phát thanh cấm đốt pháo  ?
                  Thi cười mỉa:
                  - Cấm dân thôi chú ạ!
                  - Thằng Đạo là quan à?
                   - Còn to hơn quan!

                  Thi kể, Đạo trước buôn bán ma túy, bị bắt đi tù năm năm, ra tù quen thân nhiều công an, và không hiểu sao phất lên rất nhanh. Giờ Đạo giàu nhất nhì huyện, có xe hơi nhà lầu, khinh thường cán bộ cấp xã như rơm rác. Nhà Đạo khách khứa nườm nượp, ai có chuyện liên quan tới pháp luật chạy cửa Đạo là qua. Tết này bọn đàn em chuyển từ biên giớí Trung Quốc về hàng trăm bánh pháo, Đạo phân phối thu lời vài chục triệu xài xả láng . Trong nhà Đạo mấy bàn tổ tôm, sóc đĩa chơi thâu đêm, chẳng ai dám nhòm ngó... Ai ngờ thời buổi phải trái đảo điên trắng đen lẫn lộn như vậy!
                Trước sân đình ban văn hóa xã vừa trồng xong cây đu. Họ chôn hai  cột điện bê tông, tay đu,  dây đu làm bằng sắt, nhìn ngay đơ, vô cảm, chẳng ai muốn đu. Truyền thống cây đu làm  bằng tre đằng ngà dóng thẳng, đốt dài, màu yếm điều hòa với màu xanh tre lá, tiếng đu kẽo kẹt như tiếng võng mẹ đưa. Nét đẹp tết quê giản dị  mặn mà như thế,   giờ  bê tông sắt thép hóa còn ý nghĩa gỉ ?
               Nhưng cả làng không còn bóng dáng tre ? Từ cái rổ cái rá cũng toàn bằng nhựa. Cháu tôi ra tận Hải Phòng mới mua được mớ lá dong, thanh lạt giang về gói bánh chưng. Đô thị hóa, nông thôn mới chẳng giàu hơn mà mất luôn  bản sắc văn hóa làng quê!
               Bữa cơm thân mật chiểu cuối năm quây quần giữa sân. Vẫn mấy anh em bạn bẻ đồng môn, vả cựu chiến binh với nhau. Hôm nay có thêm Hải Yến và Kim Thoa. Kim Thoa và Hải Yến là hoa khôi lớp mười, nay vẫn phảng phất nét đẹp kiêu sa thời con gái, dù cả hai đều có cháu nội cháu ngoại. Hải Yến nói:
              - Chị Minh Nguyệt và Kim Sánh là không già, cứ trẻ mãi tuổi hai  mươi các anh nhỉ?
                Nói đến đó bưng mặt khóc òa lên, Kim Thoa khóc theo.
               Tháng 6 năm 1965, tôi cùng đơn vị bắc cầu phao ở Nam Ngạn , Hàm Rồng (Thanh Hóa). Một đêm đang gác cầu thì một đoàn thanh niên xung phong hành quân qua. Trong lúc vui đùa hỏi quê quán nhau tôi gặp Minh Nguyệt và Kim Sánh. Trong ánh đèn dù soi mói đỏ ối trên trời, chúng tôi nắm vội tay nhau, Nguyệt và Sánh nói đi thanh niên xung phong làm nhiệm vụ dạy bổ túc văn hóa cho các bạn. Đó là lần cuối cùng tôi gặp hai người bạn học cấp ba. Minh Nguyệt và Kim Sánh hy sinh ở Truông Bồn năm sau, vừa tròn mười chín tuổi. Cứ mỗi lần về quê, những kỷ niệm như thế lại hiện lên, làm lòng tôi xao xuyến. Tôi nghĩ chẳng riêng tôi mà ai cũng vây, càng lớn tuổi tâm tưởng càng lắng sâu vào quá khứ.
           Ruỹnh mang nhị, phách ra, và chúng tôi lại cùng nhau hát xẩm. Giọng Ruỹnh cất lên buồn da diết:
                           Nửa đời biền biệt xa quê
                     Bạc phơ mái tóc tìm về cố hương,
                         Nhờ con bướm trắng dẫn đường
                  Ngẩn ngơ tìm dáng người thương năm nào
                             Vớt bèo xúc tép bờ ao
                 Đồng chiều quẩy gánh nón trao nghiêng vành
                          Đêm nằm thức đến tàn canh
                    Nhớ ngày xưa, nhớ tuổi xanh dại khờ.
M.D

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét