* Bùi Văn Bồng
Năm nào cây mai quý này cũng nở rộ hoa. Những chùm mai rực rỡ. Cái màu vàng tươi được tụ nắng cả năm, uống mưa suốt mùa, để rồi vào đầu xuân nở hoa tươi vàng, làm xôn xao gió sớm.
Hoa đẹp thế, nhưng cây mai này quý ở cái gốc. Nhìn tạo dáng của gốc mai sần sùi, uốn lượn như rồng chầu hổ phục, ai cũng biết là cây mai cổ thụ rất quý hiếm. Với mắt quen nghề của nhà chơi bon - sai (cây cảnh, Nam bộ gọi là cây kiểng) biết ngay là cây mai có ít cũng trên trăm tuổi rồi. Nó không cao lớn, nhưng tán xòe rộng và đều, như mâm xôi. Mấy cành mai được uốn công phu hàng năm tạo dáng rồng chầu rất diệu nghệ và tiềm chứa sự hứa hẹn hưng phát. Ông Bảy Hưng nói với tôi:
- Mai của người ta, nhưng tôi chăm. Người ta rước đi mấy ngày Tết, lại đưa trả lại đây tôi chăm.
Thằng cháu nội của ông Bảy Hưng đi bộ đội 4 năm, mới xuất ngũ về. Nó tên là Tèo, Ba Tèo.
Chiều cuối năm, mấy anh em, chú cháu “đồng thanh tương ứng, đồng khí tươngcầu” thường rủ nhau uống cà phê bên quán Cây Dừa. Ba Tèo thường có chuyện mới. Không biết hắn thóc mách thọc mạch ở đâu mà nhiều câu chuyện hắn kể nghe cứ lạ hoắc. Có những người, những chuyện ngay trong xóm ấp mà hắn kể làm cho mọi người tròn xoe mắt, cứ như chuyện từ trên trời rơi xuống.
Hôm nay, hắn kể:
- Cây mai trong vườn ông nội tôi là của người ta, ông chăm chút chu đáo. Năm nào Tết đến cùng thu bộn tiền. Tiền thu được từ cây mai đó bằng cả mấy chục cây khác. Quá là ngon ăn, dzô mánh.
Tôi hỏi:
- Biết là cây mai cổ thụ qúy hiếm, cả vùng ít ai tìm ra cây mai nào quý hơn. Bán cho người ta rồi, nay chỉ lấy tiền công chăm sóc, mà năm nào cũng thu bộn tiền là thế nào?
Ba Tèo cười:
- Chú chưa biết chuyện này đâu, hôm nay cháu mới bật mí. Đó là cây mai mồi.
- Là sao?
Ba Tèo kể:
- Cây mai đó cứ mấy năm lại thay chủ một lần. Người ta coi đó là quà Tết xịn dành để biếu quan chức cỡ bự ở vùng này đấy!
- Quà thì là của người ta, làm chẳng qua là lấy công chăm sóc. Người ta không bán, sao mà đổi chủ?
- Thực ra, cây mai chỉ giá trị khoảng 5 triệu, nhưng người ta mua nó cả trăm triệu, có khi hơn.
- Sao vậy?
- Quà Tết đấy. Cây mai chỉ là thứ mồi, ăn thua là tiền bỏ ra mua nó. Tặng cây kiểng thì không ai cho là hối lộ, bởi dù sao nó cũng là văn hóa.
Hàng năm, cứ Tết đến, vị quan chức nọ chỉ cần nói cây mai đó giá bao nhiêu thì bán, ông nội tôi chỉ việc gật đầu làm theo, là có hoa hồng vàng ngon lành.
Tôi hỏi lại:
- Hoa hồng vàng?
Ba Tèo gật đầu:
- Vị quan chức nọ biết ai đang cần đến mình, chỉ cần đánh tiếng: “Cái chỗ nhà Bảy Hưng cây kiểng, có gốc mai cổ thụ, nghe nói đến 120 triệu. Mình thích, nhưng tiền đâu mà mua được”.
Đâu phải ai nhờ việc ông ta cũng nói vậy. Ông ta chọn mặt gửi vàng. Biết khách nào có thể chi ra, ông ta mới gợi ý.
Mấy ngày sau, có người chở cây mai đến nhà vị quan chức nọ để “thủ trưởng mừng xuân”. Nói cây mai 120 triệu là khách trả tiền đúng 120 triệu, nội tôi được 10%, quá ngon. Tất nhiên, sau khi nhận cây mai, vị quan nọ cho người đến lấy tiền, nội tôi phải trả đúng 90% tiền bán cây mai đó như đã thỏa thuận, sau khi đã trừ hoa hồng 10%.
Thảo nào, cây mai cứ đứng đó, giữa vườn rất bề thế, nhưng là cái mánh để câu tiền của các vị quan chức cỡ bự ở vùng này.
À, ra thế, đúng là cây mai mồi!
BVB
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét