Thứ Tư, 20 tháng 2, 2013

"ANH CẢ" MỜI TÚ VỀ VĂN GIANG



THƯ CỦA NHÀ BÁO NGUYỄN THANH HÀ (TTXVN, 79 TUỔI) MỜI PGS-TS NGUYỄN THANH TÚ VỀ THĂM VĂN GIANG QUÊ ÔNG
KHÔNG BIẾT NƯỚC TA CÓ BAO NHIÊU "TIẾN SĨ"
(NGUYÊN KHÍ QUỐC GIA ) NHƯ NGUYỄN THANH TÚ?
              Đọc mãi, dò từng chữ bài viết của "Tiến sĩ" Nguyễn Thanh Tú mà không rõ "nhà văn" này đã bao nhiêu tuổi. Tìm hiểu sau. Nếu Tú chưa đến 60 thì chắc chắn mới bằng tuổi con đầu của lão già này thôi. Khiêm tốn, nhận làm anh cả của Tú vậy nhé, vì lão đã 79 tuổi, được không? Mình muốn chân thành mời Nguyễn Thanh Tú bớt chút thì giờ vàng ngọc (nếu chưa hưu) về quê mình chơi ít ngày tìm hiểu thực tế về một "bộ phận" của Đảng lãnh đạo, ở một đơn vị "vi mô" của đất nước là xã. Xã là đơn vị cơ sở của bốn cấp hành chính nước ta đấy Tú ạ. 
                Xã mình là một trong những xã lớn của một huyện đồng bằng, chỉ cách thủ đô Hà Nội 31 km (theo con số ghi trên cột ki-lô-mếch). Xã mình hiện có 9 thôn, với 11.000 dân cư trú, chưa kể mấy trăm công nhân các nơi về "ở trọ" làm việc các công ty, doanh nghiệp. Xã mình vốn là thuần nông, độc canh lúa từ hàng mấy trăm năm nay với 1.170 mấu Bắc Bộ ruộng canh tác.
               Về Đảng, thì ngày 20 tháng 8 năm 1945, đồng chí Nguyễn Chương, uỷ viên Xứ uỷ Bắc Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) về tận địa bàn thành lập chi bộ đầu tiên của làng, cũng tức là chi bộ đầu tiên của xã mình bây giờ, gồm có ba  "đồng chí" quần chúng trung kiên được công nhận là đảng viên. Ba đồng chí này nay đã mất. Chi bộ đảng đầu tiên ấy đã lãnh đạo hơn 5000 dân xã mình (lúc ấy gọi là Tổng) xây dựng chính quyền mới, tổ chức nhân dân hưởng ừng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến chống Pháp ngày 19-12-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hiện "tiêu thổ kháng chiến, phá huỷ gần hết đình chùa, nhà ngói, nhà cao tầng, cắt đứt đường giao thông, nhằm cản bước tiến của đội quân viễn chính Pháp trở lại xâm lược nước ta, và tổ chức cho đại bộ phận nhân dân "tản cư" (chứ không phải là "sơ tán"), chỉ để lại bám làng, chăn bước tiến quân thù một đơn vị nửa vũ trang gọi là "tự vệ đỏ".
              Khi quân giặc cậy nhiều súng đạn và tội ác dã man về chiếm đất làng xây đồn bốt, làm cứ điểm phòng ngự, thì theo sự chỉ đạo của huyện uỷ Đảng Lao động Việt Nam, vận động nhân dân về "giả tề" bám đồng ruộng và bảo vệ làng đẩy mạnh sản xuất tham gia kháng chiến chống Pháp theo cách của mình. Vậy là suốt tám năm (1947-1954), dân và cán bộ nằm vùng xã mình không một ngày mất đất mất dân. Nắm sát ngay hàng rào bốt địch mà không một ai "tự nguyện" làm tay sai cho giặc, ngược lại chỉ đua nhau vào bộ đội và làm công tác cách mạng kháng chiến, theo chính phủ Cụ Hồ, đã đóng góp hơn hai tiểu đoàn chiến sĩ cho các đơn vị quân đội nhân dân Việt Nam.
             Sau chín năm kháng chiến chống Pháp, xã mình được phong tặng danh hiệu "Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân" Kể cũng xứng đáng thôi. Ngày 6-1-1946, nước ta tổ chức Tổng tuyển cử bầu quốc hội đầu tiên và sau đó không lâu soạn và công bố Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Trong Hiến pháp đầu tiên ấy không thấy ghi ở điều nào về khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện của đảng Cộng sản (từ Đại hội II, đổi tên thành đảng Lao dộng Việt Nam). Chi bộ xã mình từ lúc đầu có 3 đồng chí, đến năm 1951 đã phát triển lên 46 đồng chí. Chi bộ ấy đã lãnh đạo thành công nhân dân xã mình bám đất bám dân, chiến đấu, đấu tranh trực diện với địch, bảo vệ dân, bảo vệ xóm làng và huy động mọi tiềm năng lúc ấy cho cuộc kháng chiến, kể cả hàng trăm thanh niên đi bộ đội chống Pháp.  
                Năm 1955, một Đội giảm tô do cấp trên cử về tiến hành bắt "bọn địa chủ" thoái tô, giảm tô, bước đầu thực hiện "cuộc cách mạng chống phong kiến" để "người cày có ruộng" Chưa làm xong việc giảm tô, bước sang năm 1956, Đội cải cách về xã phát động nông dân vùng lên đánh đổ giai cấp địa chủ bóc lột giành ruộng đất về cho dân cày, phân hoá các tầng lớp nông dân thành các thành phần "phú nông", "trung nông lớp trên", "trung nông" và "bần nông, cố nông". Các cuộc đấu tố diễn ra rất sôi động và ác liệt. Chi bộ đảng lao động bị giải tán vì bị đội cho là chi bộ "quốc dân đảng", bí thư chi bộ, người lăn lộn suốt nhiều năm kháng chiến trong lòng địch, bị truy bức, ức quá treo cổ tự tử. Một loạt cán bộ của UBKCHC xã hoạt động lăn lộn, đối đầu với địch không sợ bị bắt, bị thủ tiêu, cũng bị mang ra ghép tội và đấu tố rất kịch liệt. 
                Kết quả, một Chủ tịch UBKHHC bị ghép tội "phản động đầu sỏ" kết án tử hình và thi hành ngay sau khi tuyên bố kết án. Một chi uỷ viên, phó Chủ tịch UBKCHC bị kết tội địa chủ phản động, bị kết án 20 năm tù. Một đảng viên làm Trưởng đồn "Hương Dũng" trá hình, bị kết án tù, một tình báo viên đã giúp đắc lực cho cách mạng cũng bị truy bức và kết án tử..
                Gần cuối đợt, Đội CCRĐ quy định làng mình phảỉ tìm cho bằng được 12 địa chủ gian ác, tức là đặt chỉ tiêu tìm địa chủ để "đấu tranh giai cấp một mất một còn". Cuối năm 1956 sang đầu năm 1957, có chỉ thị bắt đầu sửa sai. Đội CCRĐ lặn mất tăm. Trừ các đồng chí bị giết oan, các đồng chí bị kết án đi tù oan nay lần lượt trở về và được sử dụng vào "Đội sửa sai". Kể ra, Đảng cũng khéo dùng người. Mấy tháng sau, tìnhhình mới đi vào ổn định. Nhưng dân thì vẫn đói kém, cực khổ.
               Năm 1958, vận động vào HTX nông nghiệp cả làng. Ông chủ nhiệm nhất thiét phải là một uỷ viên Ban thường vụ chi uỷ, sau là Đảng uỷ, làm mưa làm gió suốt từ 1958 đến 1986. Làm ăn tập thể, giá trị ngày công của xã viên không đến 1 lạng thóc. Tất nhiên là vẫn phải sống, tìm mọi cách để sống. Sau Đại hội VI, đổi mới, nhiều nút trói được cởi. Nông dân được giao ruộng khoán lâu dài. Vì vậy, dù có xảy ra một đôi lần thiên tại nặng,  họ vẫn có thóc ăn, không như hồi còn "làm ăn tập thể ưu việt ở HTX" luôn bị đói vì bị dồn đến chân tường. Cũng may. Nếu không thì dân làm ra thóc gạo lại bị chết đói đầu tiên.
Năm 1968, sáp nhập tỉnh, rồi ít lâu sau "sáp nhập huyện" để làm ăn lớn. Kết quả làm ăn lớn không thấy đâu chỉ thấy dân càng ngày càng kiệt quệ vì quản lý tập thể cha chung không ai khóc, nên giảm sủt nghiêm trọng năng suất cây trồng và vật nuôi.
               Năm 1997, tách tỉnh. Năm 1999, tách huyện, "châu lại về Hợp Phố", nhưng liền sau đó bị "vận động" giao ruộng đất cho doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp dịch vụ, vì có làm công nghiệp mới giầu lên được. Lúc đầu vào năm 2000, dân được đền bù hoa lợi ruộng đất 7 triệu VNĐ một sào 360 mét vuông ruộng canh tác, bị xã trừ 100 VNĐ "tiền làm giấy tờ" còn 6 triệu 900.000 VNĐ. Doanh nghiêp và cán bộ lãnh đạo tỉnh huyện, đổ xô về tìm mọi cách "dựa cây dứa cây đa" chiếm đoạt ruộng đất của nông dân (tất nhiên là ruộng đất giao sử dụng chứ không được sở hữu). Sau 12 năm, khu công nghiệp có mọc lên một số nhà máy công ty, nhưng chủ yếu "trách nhiệm hữu hạn" và tư nhân, tuyển 1000 lao động đi làm tại các khu công nghiệp. Nhưng hai năm qua, các cơ sở công nghiệp dịch vụ phá sản và đình đốn sản xuất, nhưng ruộng đất đã là nền của các công ty, nhà máy rồi, giá có trả lại thì nông dân cũng bó tay không là ruộng sản xuất nữa. Xã mình có 1170 mấu Bắc Bộ mà nay chỉ còn chưa đến 300 mẫu lại ở vào nơi đầu thừa đuôi thẹo rất nhiều khó khăn trong sản xuất.
                  Dựa vào nhượng đất cho "khu công nghiệp", cán bộ lãnh đạo, cán bộ địa chính của xã tha hồ vơ vét đủ loại đất, đủ loại tiền, thậm chí xin cấp "Sổ đỏ chứng nhận quyền sử dụng đất" vẫn phải chi hàng chục triệu mới được cấp. Cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh móc với cán bộ chủ chốt của huyện lập "công ty ma" chiếm dụng hàng chục mẫu đất, dựng lên đó vài cái nhà ra vẻ công ty, 13 năm rồi không hề thấy sản xuất gì. Chắc là chờ mấy ông "nước ngoài" vào "đầu tư" để vớ món bở sang nhượng lại mặt bằng tính bằng đo-la.
                  Đảng bộ xã mình hiện có gần 400 đảng viên gồm nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ và nhiều lĩnh vực về sinh hoạt cùng một đảng bộ, trong đó mấy trăm là cán bộ hưu, cựu chiến binh có lương, tuổi già nên không còn ý chí chiến đấu, và cũng không còn năng lực tham gia công tác, tốt nhất là "ngậm miệng" theo chủ nghĩa "im hơi lặng tiếng". Cán bộ trẻ, đảng viên được kết nạp gần đây hay được kết nạp ở bộ đội, xí nghiệp, cơ quan về mất sức, hưu non, nhiều người còn tham gia công tác xã, thôn,nhưng cùng vây cánh với lãnh đạo xã, cùng chia nhau hàng trăm xuất đất (có lúc một xuất đất gần quốc lộ tại xã mình lên đến 1 tỷ đồng/100 métvuông). Có bí thư chi bộ mua "đất giãn dân" giá 50 triệu theo quy định/suất, bán ngay được 750 triêu/suất. Chủ tịch, phó chủ tịch, phó bí thư, bí thư đảng uỷ, hiện mỗi người có từ vài ba xuất đến hàng chục suất đất. Chủ tịch xã có tiền chục tỷ gửi Ngân hàng phòng về già. Cán bộ địa chính xây hai ba nhà lấu và có trong tay nhiều suất đất có giá.
                 Một trưởng thôn thông đồng với Chủ tịch xã bán, nhượng, sang tên, cho 79 xuất đất và quê mình hiện tất cả cán bộ từ bảo vệ thôn trở lên đều có "đất" cả. Vì vậy, tất cả các loại đất trước đây do HTX nông nghiệp quản lý 100%, nghĩa là đã "công hữu" 100%, nay thực hiện "cả làng lấp ao, toàn dân lấn chiếm" mạnh ai nấy làm, mạnh họ nào họ ấy chia nhau đất họ, đất tổ, đất ông cha tổ nghiệp, tha hồ mà xén vào đất công, lấn chiếm đất công, tạo thành chiến dịch xâm chiếm đất rất nhộn nhịp hoành tráng. Trong khi người thiếu đất, cần đất thì một mét vuông cũng không biết trông cậy vào đâu. Khu công nghiệp có danh mà không có thực chỉ là nơi làm giầu cho "cò" đất và người muốn có đất. Một Phó chủ tịch xã tự nhiên có đến gần 4 mẫu đất xung quanh ngôi nhà bốn tầng của ông ta, trong khi quy định đất ở mối hộ ở nông thôn không quá 200 mét vuông !

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú thân mến !
             Có dịp về quê mình một vài ngày, đi xem tình hình cụ thể "Đảng lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện ra làm sao" Ở huyện Văn Giang, các xã bị "quy hoạch" 500 ha đất canh tác vào "Khu đô thị sinh thái Ecopark", mỗi sào đất canh tác khi còn là của nông dân, họ trồng rau và cây cảnh thu 100 đến 250 triệu/sào/năm, nay bị thu bhồi để "đô thị sinh thái" được trả lức đầu 30 triệu nay 85 triệu một sào một lần và đất đó bị "giải phóng mặt bằng" xây lên đó mấy cái nhà "chọc trời" chưa thể bán cho ai thì xảy ra "vụ văn Giang" nên đô thị ấy vẫn trơ trơ cùng tuế nguyệt và nhiều người đầu tư và cán bộ ăn theo đã "chạy" mất dép...
              Tương tự, mình sẽ đưa Tiến sĩ Tú đi thăm Tiên Lãng, thăm Hà đông, thăm Dương Nội, thăm các khu biệt thự  cụ Cựu Tổng Bí thư, cựu Bí thư Tỉnh mình, xem mấy vị cộng sản này có dinh cơ và sinh sống ra sao nhé. Hãy cứ đưa Đảng vào Hiến pháp đi, chẳng sao cả. Đảng lãnh đạo toàn dân, nghĩa là đảng là trên Quốc hội, chính phủ và cả Nhà nước, trên nhân dân thì đảng làm gì mà chả được, huống hồ đưa một câu vào Hiến pháp!
                 Sự thật là chân lý. Và sự thật vẫn là sự thật, như thế đấy Tiến sĩ Nguyễn Thanh Tú ạ.

Nguyễn Thanh Hà, cựu PV TTXVN, 79 tuổi.

--------------------------

+ Bài liên quan: 
http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/229219/Default.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét