Thứ Năm, 7 tháng 2, 2013

Bí quyết trường thọ của cặp đôi trên 100 tuổi


(Dân Việt) - Vợ chồng cụ Cao Viễn thôn Phượng Lịch, xã Diễn Hoa (Diễn Châu, Nghệ An) được xác nhận là cặp đôi sống thọ nhất xứ Nghệ. Bí quyết trường thọ của họ là gì?
Thượng thọ trong ngôi làng trường thọ
             Làng Phượng Lịch, hay còn có tên gọi là làng trường thọ nằm bên cạnh dòng sông Bùng thơ mộng. Điều đặc biệt ở ngôi làng này là rất sạch sẽ. Tự bao đời nay, người dân nơi đây đều chăm lo quét dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm chu đáo..
               Ông Nguyễn Hà - Phó Chủ tịch UBND xã, cho biết: “Người dân sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, làm lúa nước và vườn tược. Chính từ việc cần cù lao động, môi trường trong lành khiến con người dẻo dai, sống thọ hơn”.
Tính đến thời điểm hiện nay, ở xã Diễn Hoa có 22 cụ trên 85 tuổi, trong đó có 8 cụ đã bước sang tuổi 100. Nhưng đặc biệt nhất có lẽ là trường hợp của gia đình cụ Cao Viễn làng Phượng Lịch. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, cụ ông 106 tuổi, cụ bà 100 tuổi, 2 cụ vẫn tinh anh, minh mẫn, ham lao động, đam mê đọc báo, làm thơ...
               Lúc chúng tôi vào nhà, thấy cụ Viễn đang ngồi trên ghế đọc báo cho vợ nghe. Trông 2 cụ thật tình tứ bên nhau. Năm nay bước sang tuổi 106 nhưng cụ Viễn rất rất minh mẫn. Trò chuyện với cụ, điều làm chúng tôi ngạc nhiên và bị hấp dẫn bởi tinh thần lạc quan, đầy hài hước của cụ.  

Ông bà Cao Viễn  trên 100 tuổi
               Theo chân anh Hà ,chúng tôi đến thăm nhà cụ Viễn ở cuối làng. Ngôi nhà nhỏ xinh, rợp bóng cây xanh và rộn ràng tiếng chim hót. Anh Hà bảo: “Vợ chồng cụ Viễn trên 100 rồi mà tình cảm lắm, khi nào cũng quấn quýt bên nhau”.
               “Trời cho sống thọ vậy đó, Diêm vương gọi tôi về mấy lần nhưng tôi bảo khoan đã, để tôi sống tiếp mươi mùa xuân với vợ để xem sự đổi thay của xóm làng”- cụ Viễn cười nói.
               Cụ Viễn sinh 1907 trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 17 tuổi cụ tham gia kháng chiến chống Pháp, nhưng chỉ được 3 năm thì phải trở về địa phương vì bị thương trong một trận càn của địch. Trở về nhà một thời gian cụ gặp cô gái làng bên là Vũ Thị Hai và 2 người nên vợ, nên chồng. Tới giờ con cái, cháu chắt đầy nhà.
               Cụ Viễn phấn khởi khoe: “Những khi lễ tết hay yến lão, cuối tuần, chúng lại kéo nhau về chật kín cả ngôi nhà này. Vui đáo để.”
Hai cụ sinh được tám người con, ba trai, năm gái. Người con cả là thương binh 3/4 do vết thương tái phát đã qua đời lúc 75 tuổi. Đến nay cả con, cháu, chắt, dâu, rể, nội ngoại của hai cụ đông xấp xỉ bằng tuổi thọ của cụ ông (104 người).
               Cụ Viễn tâm sự: “Con cháu đến phục vụ, không cho chúng tôi làm gì vì sợ ảnh hưởng sức khỏe. Nhưng vợ chồng tôi là người ham lao động, tôi vẫn làm thơ, cuốc đất trồng rau, nuôi gà, vui thú cảnh điền viên”.
Điều đặc biệt là ở độ tuổi ấy nhưng cụ Viễn đọc sách báo không cần đeo kính. Thỉnh thoảng vợ chồng cụ còn dắt nhau đi thăm nhà con cháu và bà con xóm làng.
Bà Hai năm nay vừa tròn 100 tuổi, ngồi bên chồng, cười hạnh phúc: “Sáng mô ông cũng đọc báo, đọc thơ cho tôi nghe. Già rồi không đi được đâu nữa nhưng cũng biết được thay đổi của quê hương đất nước qua báo đài. Mừng lắm các cháu ạ”.

Bí quyết trường thọ
               Chia sẻ bí quyết sống lâu, cả hai cụ đều cho rằng rất đơn giản, đó là: Sống đơn giản, thanh thản; ham lao động; sống thật bụng và yêu thương mọi người; không bao giờ hút thuốc lá và uống rượu nhiều. Có chăng cũng chỉ là 1 chén rượu ngâm thuốc trước lúc ăn cơm mà thôi...
              Theo các con trai của cụ Viễn, cụ đã 106 tuổi rồi nhưng chưa một lần cụ nặng lời với vợ, kể cả những lúc cuộc sống bi đát nhất. Cụ còn có tài nói trạng để gây cười, khắp xóm làng ai cũng thích. Anh Cao Văn, người con thứ hai của 2 cụ, năm nay cũng đã bước sang tuổi 74 cho biết, chính những điều đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tính cách của anh nói riêng và các anh chị em trong nhà nói chung trong việc dạy dỗ con cái.
               Thực tế, các con cháu của hai cụ cũng sống rất có chừng mực, lễ phép và gia đình luôn êm ấm. Mấy chục gia đình con cháu, gần có, xa có nhưng chưa bao giờ 2 cụ nghe thấy mọi người than phiền bất cứ điều gì, gặp nhau lúc nào cũng tíu tít. Đó là điều khiến hai cụ cảm thấy viên mãn nhất.
Bởi nhân cách sống gương mẫu, thủy chung mà cụ ông và cụ bà rất “mát tay” trong việc làm ông mai, bà mối cho nhiều cặp chuẩn bị tiến tới hôn nhân. Đến tận năm 100 tuổi, cụ Viễn vẫn được hàng xóm mời đi làm ông mai, đại diện trong những đám hỏi, đám cưới.
                Thậm chí, đến bây giờ thì nhiều người vẫn thường đưa cặp vợ chồng trẻ đến nhờ 2 cụ vuốt đầu, bảo ban cách sống hòa thuận, yêu thương nhau.
               Hiện nay, “cặp đôi hoàn hảo” này vẫn tự lo được cuộc sống cho mình. Cụ ông vẫn cuốc đất trồng rau bằng đôi tay rắn chắc. Cụ bà Vũ Thị Hai, ngày ngày vẫn đi bộ ra chợ để mua thức ăn, đồ dùng sinh hoạt cho hai ông bà. Bởi theo cụ bà thì đi bộ là cách để giữ gìn sức khỏe, còn ra chợ là để tự tay mình chọn món đồ mình thích, chọn con cá, mớ rau còn tươi non để bữa cơm gia đình thêm phần ngon miệng.
              “Ăn uống, bây giờ cuộc sống khấm khá hơn, bữa ăn luôn có thịt cá. Nhưng hai cụ vẫn thích ăn uống thanh đạm như xưa, ăn nhiều rau và cá. Món khoái khẩu nhất của vợ chồng cụ là món cá lệch băm viên. Đêm vợ chồng cụ vẫn ôm nhau ngủ tình cảm lắm!” - một người chắt của cụ cho biết.
Giờ đây, những khi con cháu sum vầy, trong căn nhà nhỏ xinh của 2 cụ ngập tràn tiếng cười hạnh phúc, mọi người lại thầm thán phục gốc rễ vững bền đã tạo nên những mầm xanh tươi tốt.
-------
Ăn nhiều rau, ăn đồ mềm để sống khỏe
              Ở nhiều vùng nông thôn, miền núi Việt Nam hiện có rất nhiều người sống thọ như xã Đồng Sơn (Tân Sơn, Phú Thọ), xã Lũng Vân (Tân Lạc, Hòa Bình), xã Hữu Lập (Kỳ Sơn, Nghệ An)…   Chưa từng có nghiên cứu nào xác định vì sao người dân ở đây sống thọ, nhưng theo đông y, nếu biết cách ăn, người ta có thể hạn chế được bệnh, sống khỏe, sống lâu. Không có một loại thực phẩm thần kỳ để ăn vào “trường sinh bất lão”. Những người có tuổi thọ cao hầu hết là những người ưa vận động, năng luyện tập, đồng thời có một chế độ ăn thanh đạm, ăn nhiều thực vật. Tốt nhất là tăng cường ăn cháo chế biến từ ngũ cốc, ăn nhiều khoai lang để có lợi cho tiêu hóa, tăng cường miễn dịch. Người già cần giữ cho trí tuệ minh mẫn bằng cách tham gia các hoạt động xã hội, đọc sách báo. Cần tránh những cú sốc khiến tinh thần suy sụp, trì trệ. Có sống vui, sống khỏe, sống có ích mới sống lâu được.Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội)
Diệu Linh (ghi)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét