MỘT THỰC TẾ ĐÁNG XẤU HỔ
* NGUYỄN QUANG LẬP
Đọc bài :“Trí thức Hà Nội mong được tạo điều kiện phản biện” (tại đây) mình hơi bị sốc. Đọc kĩ bài thì thấy không ai nói câu đó cả, chỉ cho hai người nói, một là nhà thơ Bằng Việt, hai là ông hiệu trưởng Phan Lê Hòa, nhưng dù nói năng nhạt nhẽo hai người này không nói như vậy. Cũng có thể trong cuộc gặp gỡ đầu xuân của lãnh đạo Hà Nội với “đại diện trí thức Hà Thành”, toàn bộ cuộc gặp gỡ đã toát lên cái ý đó nên tác giả Chu Hoàng đã giật tít vậy chăng?
Nếu đúng vậy thì hèn quá, kém quá, xấu hổ quá! Mấy ông đó không thể đại diện cho trí thức Hà Thành được đâu, không bao giờ!
Phản biện là quyền con người, ấy là quyền mở miệng hà cớ gì phải xin? Ở một Đất nước mà tự do ngôn luận xếp thứ 172 trong 179 quốc gia thì đợi chính quyền cho phản biện rất chi là không tưởng, nó cho thấy cái sự xin- cho, ý thức ” mọi việc có đảng lo” đã thấm vào máu của đám trí thức giả cầy này rồi.
Phản biện là quyền con người, là đạo đức của trí thức, cho nên trí thức phải đòi cho được, giành cho được cái quyền ấy các vị “đại diện trí thức Hà Thành” ơi!
Bài báo làm mình nhớ cuộc phỏng vấn mình của ông Đào Tuấn cách đây vài tháng. Nay đăng lại cho bà con coi, cũng là lời nhắn gửi tới mấy ông gọi là “đại diện trí thức Hà Thành” kia.
- Nhiều ý kiến coi phản biện chỉ là “nói ngược”, thậm chí còn suy diễn thêm động cơ “để được nổi tiếng”, theo ông, phản biện là thế nào và nó có ý nghĩa thế nào đối với hai chữ ý thức. Theo ông, phản biện xã hội có phải là một vai trò không thể thiếu của trí thức?
> NQL:Tôi nghĩ phản biện là phản ứng tự nhiên của con người có ý thức trước mọi vấn đề anh ta gặp phải, do đó phản biện là nhu cầu của cuộc sống giúp hoạt động của con người đúng đắn hơn, chất lượng hơn. Rõ ràng phản biện là một hoạt động khoa học của con người có ý thức, biết tư duy. Tự bóp nghẹt hoặc bị bóp nghẹt ý thức phản biện sẽ làm cho tuy duy bị đình trệ hoặc lệch lạc, chứng điên cũng từ đây mà ra.
Từ phản biện của con người cá nhân ta dễ dàng thấy phản biện xã hội. Ở đây tôi thích ý kiến của Nguyễn Trần Bạt: “Nếu một xã hội không có phản biện và mỗi hành động đều được đương nhiên tiến hành thì đấy là cách thể hiện rõ rệt nhất tính chất phi dân chủ của xã hội.”
Theo đó ta thấy cố tình nói ngược để được nổi tiếng không phải là hành động khoa học của phản biện, nó là trò chơi vô lối của những người thân kinh không bình thường. Những ai coi phản biện chỉ là chỉ thích nói ngược để được nổi tiếng cũng là người có thần kinh không bình thường.
- Trong cuộc tranh luận hồi đầu năm, có một thuật ngữ đã được đưa ra: “Trí thức trùm chăn”. Theo ông, hiện tượng này có thể lý giải thế nào từ vấn đề tự thân của người trí thức, và các nguyên nhân khác?
NQL: Phản biện là hoạt động khoa học thường xuyên của trí thức trong môi trường chuyên môn của anh ta, giúp cho anh ta ngày càng tiệm cận đến chân lý. Ai không biết phản biện kẻ đó không phải là trí thức.
Phản biện xã hội là đạo đức của trí thức để thể hiện quyền công dân và ý thức xã hội của anh ta. Vì trí thức là người có học, tiếng nói của anh ta rất được xã hội coi trọng và chú ý nên phản biện xã hội là nghĩa vụ của anh ta, khi xã hội cần tiếng nói phản biện anh ta phải lên tiếng. Trí thức từ chối hoặc né tránh nghĩa vụ đó gọi là trí thức trùm chăn.123
Cho rằng mình lo công việc chuyên môn cho tốt là được rồi, mọi việc có đảng và nhà nước lo là lý lẽ của những ai không phải trí thức hoặc của trí thức trùm chăn. Trí thức trùm chăn tất nhiên là rất đáng khinh bỉ.
Việc phản biện của giới trí thức hiện nay phải chăng là đang rất yếu ớt, một diễn đàn công khai, một sự tự do nhất định trong phản biện, hay điều gì sẽ khiến người trí thức có thể mạnh dạn đóng góp chất xám và kiến thức của mình cho xã hội, cho đất nước?
NQL: Câu hỏi thực dễ trả lời nhưng khó nói, bởi vì ta chưa có môi trường cho phản biện phát triển. Trí thức muốn phản biện phải bước qua sợ hãi. Có 50% trí thức nước ta không dám bước qua sợ hãi, 49,9999% trí thức không dại gì phản biện, họ cần vinh thân phì gia hơn là phản biện. Chỉ còn 0,00001% trí thức dám bước qua sợ hãi để phản biện. Đó là một thực tế đáng xấu hổ.
Phần còn lại của câu hỏi tôi xin nói thẳng thế này: Nếu chúng ta còn coi tự do ngôn luận là không có lợi và nguy hiểm thì chớ có nói đến một diễn đàn công khai cho trí thức phản biện, nó rất viễn vông.
NQL
(Theo quechoa)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét