Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2013

Táo mắc táo

tao-giao-thong
* ĐÀO TUẤN
          NQL: Cuối cùng người ta cũng cấp phép cho Táo quân ra lò thôi, nhưng chắc chắn vì những cắt xén nó sẽ là món lẩu nhạt hoét.
         Cuối năm Mão, Trước khi làm Táo Giao thông, nghệ sĩ Chí Trung từng “nói chuyện” với Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Anh ơi, ngại quá, bọn em làm hài thì phải phê phán, có phê phán điều gì khiến anh không vui mong anh thông cảm cho”. “Anh Thăng bảo tôi anh em cứ thoải mái mà làm- Chí Trung trả lời báo chí “Nếu mà anh ấy sai, dư luận chẳng buông tha, ngược lại, anh ấy đúng, thì mọi người đều nhìn thấy chứ chẳng đợi chúng tôi phải khen. Tôi hỏi tiếp, có cần phải cho anh xem kịch bản trước? Anh Thăng nói không cần, hãy cứ thoải mái làm”.
        Theo kế hoạch, năm đó, Táo Giao thông sẽ… tự tử tại thiên đình vì không thể nào kiểm soát nổi tình trạng giao thông. Chả nhớ sau cuộc “nói chuyện” và “đèn xanh” của Bộ trưởng Thăng thì Táo Giao thông có tự tử tại thiên đình!. Chắc là không. Vì tự tử rồi thì giờ làm gì còn Táo Giao thông nữa.
Từ năm 2003, khi Táo quân xuất hiện trên sóng VTV, lập tức nó trở thành một thứ đặc sản của truyền hình được số đông nhân dân đón nhận. Chẳng có gì khó lý giải. Bởi những câu chuyện hài thâm thúy nói đúng nỗi lòng người dân, phản ánh đúng những gì họ đang bức xúc. Và cơ bản, đó là những tiếng cười châm biếm không né tránh, dù “cười từ vai trở xuống”.
            Năm nay, Chí Trung vẫn tiếp tục vào vai Táo Giao thông. Theo những gì anh bật mí trên facebook và với báo chí, Táo năm nay vẫn sẽ là tiếng cười châm biếm quanh những vấn đề nổi cộm trong đời sống xã hội ở nhiều lĩnh vực như kinh tế, giao thông… Chuyện kinh tế trì trệ, lương thưởng không tăng, vàng miếng không nguyên đai nguyên kiện thì không được đổi hay hàng hiệu được nhập từ… Quảng Tây nhưng gắn mác Ý. Điệu nhảy Gangnam Style của Hàn Quốc từng gây sốt trên toàn thế giới cũng được biến tấu thành “Hoang mang Style”, và để miêu tả sự biến động của nền kinh tế Việt Nam. Riêng táo giao thông, tất nhiên, không thể “thoát” với màn châm biếm thể hiện qua những chiếc ghế “chính chủ”.
         Ngần đó vấn đề dân sinh bức xúc, dân không chờ đợi mới là lạ. Có thể nhìn thấy dễ dàng sự chờ đợi của đông đảo người dân khi hầu hết các bài báo “bật mí”, thậm chí liên quan tí chút đến chương trình Táo năm nay đều nằm trong top tin bài được nhiều người đọc nhất.
          Thế mà hôm qua, báo chí tràn ngập những dòng tin “Dừng phát hành đĩa táo quân 2013”; “Phản cảm, táo quân 2013 bị tuýt còi”…
Đây là những đoạn chích trong văn bản của Cục Nghệ thuật biểu diễn “Qua phản ánh của dư luận, chương trình Táo quân 2013 không phù hợp phong tục tập quán, nhất là trong 30 phút đầu của chương trình…xét thấy đây là chương trình nghệ thuật có sự quan tâm của đông đảo công chúng cả nước nên rất cần thẩm định nội dung trước khi cấp phép”.
           Báo chí dẫn lời Phó Trưởng phòng quản lý biểu diễn Nguyễn Thành Nhân cho biết ông nhận được phản ánh, tỏ ra rất bức xúc trước màn tung hứng có phần phản cảm của hai nhân vật Nam Tào – Bắc Đẩu trong đó có đoạn Bắc Đẩu đi phẫu thuật thẩm mỹ để trở thành nữ bằng cách đặt “cái đó” lên ghế rồi dùng dao cắt phăng.
             Phản cảm. Từ ngữ nghe thật lạ.
             Không phù hợp. Điều đó nghe cũng thật buồn cười.
Bởi phản hay không, phù hợp hay không thì nó cũng là những thực tế, thậm chí những bất công từ cuộc sống.
           Thật tình cờ. Đây cũng là những từ ngữ mà cơ quan kiểm duyệt của Trung Quốc đã sử dụng khi thẳng tay cắt bỏ 3 đoạn trong kiệt tác hollyoow Skyfall, sự cắt bỏ mà chính dư luận Trung Quốc gọi là “hủy hoại” bộ phim.
Một cơ quan văn hóa cần bảo vệ các giá trị văn hóa. Điều đó đúng. Nhưng việc cắt bỏ không thể nhân danh những “phản ánh, tỏ ra rất bức xúc”, có thể chỉ của một cá nhân nào đó mà đoạn về “đẩu pín” có khi chỉ là cái cớ.
           Mong là Táo quân sau kiểm duyệt năm nay sẽ không phải là món khó nuốt khiến người ta xem xong mắc táo.
(Theo blog ĐT /quechoa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét