* NGUYỄN TRUNG
(tiếp theo - Phần 12)
VIII – Thách thức và cơ hội – sự lựa chọn của nước ta
Bàn thêm về ASEAN
Các phần trình bầy trên đã nêu lên những thách thức đối với nước ta. Tại đây xin nêu thêm một số ý kiến về thách thức đối với Việt Nam có liên quan đến ASEAN.
ASEAN là một tập hợp do đòi hỏi của cuộc sống tự thân các nước ASEAN, nhưng tập hợp ASEAN vẫn còn đứng xa cái đích đã tạo ra nó: trở thành một hợp tác khu vực mang lại phát triển phồn vinh, hạnh phúc cho các quốc gia thành viên, bảo vệ và phát huy được vị thế quốc tế phải có của ASEAN.
Trở ngại lớn nhất cho việc thực hiện cái đích của ASEAN là (1) sự phát triển không đồng đều và (2) một số khác biệt / mâu thuẫn giữa các quốc gia thành viên do lịch sử (bao gồm cả những yếu tố văn hóa) và do hoàn cảnh địa kinh tế và địa chính trị của mỗi quốc gia thành viên tạo nên. Thực tế này là mảnh đất mầu mỡ cho mọi ý đồ can thiệp, lũng đoạn của bên ngoài[85].> Phần 1 ; Phần 2; Phần 3; Phần 4; Phần 5; Phần 6; Phần 7; Phần 8 ;
Phần 9 ; Phần 10 ; Phần 11
Điều may mắn là những thách thức, đòi hỏi của phát triển tự thân các nước thành viên, cũng như đòi hỏi và sức ép đến từ bên ngoài khu vực, đang thúc đẩy ngày càng mạnh mẽ hợp tác của tập hợp ASEAN. Những nỗ lực nhằm hoàn tất việc xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN (CEA) vào năm 2015 phản ánh sự đang trưởng thành này. CEA được xây dựng trên 3 trụ cột là an ninh chính trị, kinh tế, và văn hóa xã hội; đấy sẽ là một dạng tập hợp tương tự như Liên minh Châu Âu (EU), song ở mức thấp hơn và có những khác biệt nhất định.
Thách thức lớn nhất đến từ ASEAN đặt ra cho Việt Nam là chính Việt Nam : Làm gì? và làm thế nào? để thực hiện được vai trò và nghĩa vụ của chính nước ta mà sự thành công của ASEAN đòi hỏi, mong đợi.
Muốn hay không muốn, nói ra hay không nói ra, vụ lợi hay không vụ lợi, có sự mong đợi từ ASEAN về một lá chắn Việt Nam đối với áp lực Trung Quốc. Cũng như vậy, Việt Nam cần một hẫu thuẫn trực tiếp từ ASEAN chống lưng cho mình trong đối phó với sóng bão Trung Quốc.
Thực trạng hiện nay là:
sự mong đợi từ ASEAN nước ta đáp ứng chưa tốt – trước hết vì sự đóng góp của Việt Nam vào phát triển và hợp tác của ASEAN còn rất khiêm tốn, Việt Nam vẫn đang thiếu một đường lối đối ngoại độc lập tự chủ và dấn thân, Việt Nam chưa có một nền tảng đối nội cho một đường lối đối ngoại mà vị thế của Việt Nam ngày nay đòi hỏi; (theo tôi, không thể đổ lỗi tình trạng này cho sức mạnh kinh tế còn khiêm tốn của mình);
sự hậu thuẫn chống lưng cho Việt Nam đang có những lỗ thủng đáng lo ngại – chủ yếu do ảnh hưởng và sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc (trước hết vào Campuchia, Lào, Thái Lan…, chính sách bẻ từng que đũa của bó đũa…) và phần nào do bản thân sự phát triển của chính các nước thành viên ASEAN còn những hạn chế nhất định[86].
Nước ta đang đứng trước một thực tế rất nhạy cảm: Hoặc là Việt Nam thực hiện được vai trò và nghĩa vụ mà ASEAN mong đợi; trong trường hợp này ASEAN mạnh lên và Việt Nam cũng nhận được từ ASEAN và cộng đồng quốc tế điều mình mong đợi. Hoặc là trường hợp Việt Nam bất lực, thậm chí giả sử Việt Nam đi ngược lại mong đợi của ASEAN (ví dụ: giả thiết rằng Việt Nam và Trung Quốc “đi đêm” với nhau trong đàm phán song phương Việt – Trung…), Việt Nam sẽ rơi vào một thế bị cô lập nguy hiểm - không phải chỉ trong phạm vi ASEAN, mà còn trong phạm vi quốc tế[87].
Xin hình dung trước mắt ta là tấm bản đồ: Phía Bắc là Trung Quốc, phía Đông và Nam là sự uy hiếp của Trung Quốc trên Biển Đông, phía Tây là các “điểm ASEAN” đã bị Trung Quốc chọc thủng… Không thể nhắm mắt trước một tấm bản đồ như vậy.
Hễ là người Việt Nam thì cần nhìn thẳng vào tấm bản đồ này và lựa chọn quyết định phải lựa chọn.
Trên thế giới ngày nay không còn liên minh ý thức hệ (ví dụ như sự ra đời và tồn tại “phe” XHCN trước đây), song lại có đòi hỏi bức thiết về liên minh của lợi ích cùng chiều, liên minh của các giá trị và của sự phát triển,. Điều này có nghĩa Việt Nam chỉ có thể có được một ASEAN như mình mong đợi, nếu Việt Nam tự phát triển và tự dấn thân mạnh mẽ.
Tự phát triển và tự dấn thân như vậy, thực sự là thách thức khó nhất, lớn nhất đặt ra cho Việt Nam hiện nay. Sẽ là vô ích và nguy hiểm, nếu ta chỉ một chiều trách cứ bạn bè thế nọ, thế kia… Đơn giản vì không thể có chuyện “mủi lòng thương cảm”, “sự thông cảm…” từ phía bạn bè khi bàn những vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia.
Thách thức do sự hội tụ của mọi thách thức
Sự tha hóa và bất cập của hệ thống chính trị trước đòi hỏi nóng bỏng phải chuyển đất nước ta bước sang một giai đoạn phát triển mới,
con rồng Trung Quốc đã bắt đầu nhe nanh vuốt của nó,
trục xoay của Mỹ hướng về CA-TBD,
sự tự khẳng định ngày càng tăng của các cường quốc khu vực hướng vào khu vực CA-TBD,
kinh tế thế giới đi vào một thời kỳ phát triển mới đang thay đổi sâu sắc sự vận hành hiện nay của quá trình toàn cầu hóa – một phần việc cụ thể có liên quan của quá trình này là Việt Nam thực hiện các bước đi tham gia vào TPP và phải cùng với các thành viên ASEAN hoàn thành xây dựng cộng đồng CEA;
đấy là 5 thách thức đang đặt ra trực tiếp cho nước ta hiện nay và trong những thập kỷ tới.
(Còn thách thức thứ 6 là nguy cơ ASEAN bị phân hóa, song nguy cơ này còn tùy thuộc rất nhiều vào sự hiệp đồng giữa các thành viên ASEAN, cũng có nghĩa là tùy thuộc rất nhiều vào vai trò dấn thân của Việt Nam trong cộng đồng ASEAN; vì thế không muốn liệt kê vào đây).
Điểm nổi bật là cả 5 thách thức nói trên cũng hội tụ vào thời điểm hiện tại, mọi mối quan hệ qua lại của chúng cùng tác động đồng thời vào nước ta, tạo ảnh hưởng chi phối sự phát triển của nước ta trong những thập kỷ trước mắt.
Sự hội tụ này có nghĩa:
làm gia tăng tính triệt để của các thách thức,
mọi giải pháp cho bất kỳ thách thức nào phải đồng bộ và liên quan hữu cơ đến những giải pháp cho các thách thức còn lại,
không làm chủ được thách thức này hàm nghĩa sẽ thất bại hay khó tránh thất bại trước những thách thức khác,
các giải pháp cho từng thách thức có thể hỗ trợ lẫn nhau, nhất thiết phải được thiết kế theo cách tạo ra sự hỗ trợ lẫn nhau, các giải pháp đòi hỏi phải có tầm nhìn, trí tuệ, ý chí và sự đồng thuận phù hợp trong toàn dân tộc;
trong tất cả mối quan hệ qua lại hữu cơ giữa các thách thức, làm chủ và giải quyết thành công thách thức số 1 luôn luôn là khởi sự và là chìa khóa cho giải quyết thành công 4 thách thức còn lại.
Để giải quyết cả 5 thách thức (1 – 5) với những đặc tính nêu trên (a – e), Việt Nam đứng trước đòi hỏi sống còn phải tiến hành thành công một cuộc cải cách triệt để hệ thống chính trị để trở thành một Việt Nam có bản lĩnh. Đây là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề, mở ra cho đất nước một giai đoạn phát triển mới bắt buộc phải vươn tới.
Sự thật là, dù nhìn từ bất kể phương diện nào – đối nội hoặc đối ngoại, kinh tế hoặc chính trị hay quân sự, hoặc trên các phương diện văn hóa, xã hội.., - tình hình bắt buộc nước ta phải tiến hành một cuộc cải cách chính trị vỹ đại, để trở thành một quốc gia có bản lĩnh đứng vững vàng trong khu vực ngày càng trở nên nóng bỏng này…
Cuộc cải cách chính trị này phải nhằm vào cái đích:
Phát huy được sức mạnh dân tộc, bắt đầu từ xây dựng một thể chế chính trị dân chủ pháp quyền, thực hiện quyền con người, giải phóng tự do cá nhân, từ đó làm nên sức mạnh vật chất và tinh thần của đất nước.
Bằng đường lối ngoại giao dấn thân tạo ra khả năng lan tỏa ảnh hưởng của Việt Nam cho một sự tập hợp lực lượng trên thế giới hậu thuẫn sư nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Không thể nói khác, đấy phải là cuộc cải cách dưới ngọn cờ dân tộc và dân chủ với tầm trí tuệ và ý chí của văn minh nhân loại ngày nay.
Như vậy, hy vọng đã trình bầy rõ điểm xuất phát là thực trạng của đất nước hôm nay, cũng như cái đích phải đi tới của cuộc cải cách chính trị phía trước.
Nghĩa là từng người Việt Nam phải cùng nhau thay đổi, cùng nhau trưởng thành lên ngang tầm đòi hỏi của đất nước, chứ không phải chỉ có riêng những người đảng viên ĐCSVN.
Câu chuyện còn lại là từ thực trạng đất nước hôm nay lựa chọn con đường nào? và với lộ trình nào? để đi tới cái đích phải đến nói trên.
Con đường lý tưởng của cải cách là con đường của công khai minh bạch, của thông tin, học hỏi, dân chủ, là con đường của thiện chí xây dựng, của phát triển, là con đường của đồng thuận xã hội ở mức cao nhất, là con đường cùng nhau thiết kế, cùng nhau khai phá, tiến hành.., là con đường được dẫn dắt bởi trí tuệ và các giá trị thuộc về các quyền tự do dân chủ của nhân dân… Quyết khép lại quá khứ, để làm bằng được như vậy. Quyết không phản bội bất kỳ hy sinh nào đã ngã xuống vì nước, không bỏ qua bất kỳ mất mát nào đất nước đã phải trả giá để có được hôm nay. Phải chắt chiu từng đồng tiền bát gạo đã dành dụm được, để vắt óc xây đắp lên những thành quả mới của đất nước trên con đường cải cách… Đó chính là con đường vận động dân chủ và trí tuệ từ dưới lên, vừa đặt ra đòi hỏi mạnh mẽ bất khả kháng của nhân dân và đồng thời vừa tạo thuận lợi cho việc tiến hành cải cách thể chế chính trị từ trên xuống trong hòa bình, hiểu biết, hòa giải, đồng thuận và đoàn kết dân tộc.
So với các nước LXĐÂ cũ, so với Myanmar hiện nay, có thể nói nước ta ngày nay hội đủ mọi điều kiện trong, ngoài tạo ra một khung khổ mang tính chất cam kết của đồng thuận xã hội, được nuôi dưỡng bằng ý chí của dân tộc, để tiến hành một cuộc cải cách bằng trí tuệ và hòa giải, không hồi tố, không đổ máu, không tiếng súng, đảm bảo kinh tế tiếp tục phát triển trong cải cách. Tất cả với mục đích duy nhất là vì Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, vì cuộc sống đáng sống của người dân Việt ta – đúng với tinh thần: dân chủ, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Cải cách dứt khoát không chấp nhận con đường bạo lực, và không thể thành công bằng con đường này.
Có 2 luồng ý kiến chính:
Trong tình hình đối nội, đối ngoại đều nóng bỏng đối với nước ta như hiện nay, cải cách sao tránh khỏi dẫn đến một Ai-cập ở Việt Nam . Làm như thế để mà chết à?
Trong tình hình nước sôi lửa bỏng như hiện nay, cải cách là lối ra, là con đường sống.
Xin cứ nêu lên như thế để cùng bàn luận.
Người viết bài này xin lạm bàn:
Qua việc bàn luận sửa đổi Hiến pháp 1992, tình hình cho thấy luồng ý kiến thứ nhất rất rôm rả trong tranh luận bằng “độc thoại” trên nhiều báo chí chính thống (lề phải) và trong không ít phát ngôn quan trọng. Luồng ý kiến này nhấn mạnh: Ưu tiên số một là giữ ổn định chính trị, tình trạng yếu kém khó khăn của đất nước có thể được cứu chữa bằng đẩy mạnh tự phê bình và phê bình (tham khảo các ý kiến của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại các Hội nghị Trung ương 4, 5, 6; tham khảo các ý kiến của Hoàng Chí Bảo trong tranh luận kiểu độc thoại trên báo QĐND 25-08-2013 với Lê Hiếu Đằng). Thiết nghĩ, cách tiếp cận này là lựa chọn sự nhắm mắt để dễ bề chấp nhận cái chết lâm sàng, trước khi đi tới cái chết hẳn dù dưới dạng nào.
Luồng ý kiến thứ hai nêu ra nhiều kiến nghị cụ thể về sửa đổi Hiến pháp. Tiếc rằng chỉ được đăng tải trên “lề trái”. Rất nên phổ biến công khai các ý kiến của luồng này trên mọi phương tiện thông tin đại chúng của lề phải, để công luận cả nước cùng thảo luận. Tại đây chỉ muốn đặt câu hỏi: Nếu người cầm quyền tin rằng mình có chính nghĩa thì có gì phải tránh né thảo luận công khai minh bạch trong cả nước để tìm ra chân lý?
“Đi với Trung Quốc giữ được chế độ nhưng mất nước? Đi với Mỹ giữ được nước nhưng mất chế độ và mất Đảng?…”
Đấy là suy nghĩ nói lên thành lời của không ít vị lão thành trăn trở về vận mệnh đất nước hiện nay.
Người viết bài này xin có lời bình: “Đi” như thế, e rằng trước sau rồi sẽ mất tất cả, để rồi sẽ phải làm lại từ đầu tất cả.
Bởi vì đi như thế với ai đi nữa, thân phận của đất nước ta vẫn là thân phận của nước bên thứ ba (the third player, the third party) như đã nói tới ở các phần trên. Gần 7 thập kỷ vừa qua nước ta đã không dưới một lần rơi vào cái thân phận nước bên thứ ba.., không dưới một lần bị thí, bị phản bội, bị cướp, bị móc túi.., và cuối cùng nước ta đang có chỗ đứng đầy âu lo như hôm nay trên bàn cờ thế giới.
Lịch sử ngoại giao nước ta 7 thập kỷ vừa qua còn cho thấy, đi với bên nào thì trước sau vẫn rơi vào nguy cơ thường trực: Đi với một bên, chống một bên, với kết cục không bao giờ tốt đẹp.
Trong nước và trên thế giới có nhiều nhận xét xác đáng: Việt Nam đang thực hiện đường lối ngoại giao “leo dây”. Qua đó, cái yên thân Việt Nam giành được chỉ là cái yên thân luôn luôn chung chiêng, chao đảo trên dây. Cái ý chí không gì quý hơn độc lập tự do giành được qua sự yên thân này là cái tự do có khung trời hẹp bằng sợi dây ta đang đi trên nó. Cái dây ấy có thể bị giựt, bị đứt bất kỳ lúc nào. Khung trời tự do này cắt nghĩa sự lệ thuộc và phụ thuộc nguy hiểm đất nước đang mang trên mình như đã trình bầy trong các phần trên của bài này.
Còn phải tính toán thêm một yếu tố mới: Trong mọi bước đi cố phục hồi lại vị thế quốc tế đã từng có thời Xô-viết và trước nữa, Nga đang tiến hành nhiều hoạt động gia tăng sự có mặt của mình ở phía Đông. Thực tế này làm cho yếu tố Nga ngày càng đặm nét hơn tại khu vực biển Hoa Đông (liên quan đến đảo Kurin, đến Nhật) và trên biển Đông (bao gồm cả những nỗ lực muốn trở lại Cam Ranh). (Hiện nay trong vấn đề Syrie cũng vậy)...
(còn tiếp)
--------------
+ Chú thích:
[85] Ví dụ gần đây nhất là Sam Rainsy, người cầm đầu đảng đối lập - “đảng Cứu quốc Campuchia” (CNRP) - trong và sau tranh cử tháng 7 vừa qua đã nhiều lần nói các vùng biển – đảo Trung Quốc đòi hỏi trên Biển Đông đều thuộc chủ quyền Trung Quốc, ông ta hoàn toàn ủng hộ, các phát biểu rất xấu của ông ta trực tiếp chia rẽ mối quan hệ Việt Nam – Campuchia, vân vân… Cách xử sự của Campuchia hiện nay trong vấn đề Biển Đông rất đáng lo ngại… Hiện nay sự can thiệp trực tiếp dưới nhiều hình thức của quyền lực mềm Trung Quốc vào Lào và Campuchia là toàn diện và ở mức độ rất nguy hiểm.
[86] (1)Thái độ dè dặt của Campuchia đối với lập trường các nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, đối với COC, và (2)sự hậu thuẫn của Campuchia dành cho lập trường Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông trong các cuộc họp của ASEAN là những động thái được lặp đi lặp lại. Sự việc này cắt nghĩa nhiều điều.
---------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét